Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng (phần 1)
Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng (phần 1)
Trang 1 / 3
Ngày 20/11/2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIV đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng, thay thế Luật Phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11, Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13. Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh công bố số 14/2018/L-CTN ngày 04/12/2018; Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2019, bao gồm 10 chương với 96 điều, cụ thể:
Chương I: Những quy định chung, gồm 8 điều, từ Điều 1 đến Điều 8. Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh; các hành vi tham nhũng; giải thích từ ngữ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong phòng, chống tham nhũng; quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng; giám sát công tác phòng, chống tham nhũng của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử; các hành vi bị nghiêm cấm.
Chương II: Phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, gồm 46 điều, từ Điều 9 đến Điều 54. Chương này gồm 6 mục: Mục 1 quy định về công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị (từ Điều 9 đến Điều 17); Mục 2 quy định về xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (từ Điều 18 đến Điều 19); Mục 3 quy định về thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (từ Điều 20 đến Điều 23); Mục 4 quy định về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức (từ Điều 24 đến Điều 26); Mục 5 quy định về cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt (từ Điều 27 đến Điều 29); Mục 6 quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, gồm 26 điều, từ Điều 30 đến Điều 55. Mục này gồm các tiểu mục: Tiểu mục 1 quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong kiểm soát tài sản, thu nhập (từ Điều 30 đến Điều 32); Tiểu mục 2 quy định về kê khai tài sản, thu nhập (từ Điều 33 đến Điều 40); Tiểu mục 3 quy định về xác minh tài sản, thu nhập (từ Điều 41 đến Điều 51); Tiểu mục 4 quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập (từ Điều 52 đến Điều 54).
Chương III: Phát hiện tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, gồm 15 điều, từ Điều 55 đến Điều 69; Chương này gồm mục: Mục 1 quy định về công tác kiểm tra và tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị (từ Điều 55 đến Điều 58); Mục 2 quy định về phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm toán (từ Điều 59 đến Điều 64); Mục 3 quy định về phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng (từ Điều 65 đến Điều 69).
Chương IV: Chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, gồm 4 điều, từ Điều 70 đến Điều 73; quy định về trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, trong việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác, khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách và xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng.
Chương V: Trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, gồm 4 điều, từ Điều 74 đến Điều 77; quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo; trách nhiệm của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề; trách nhiệm của công dân, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.
Chương VI: Phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, gồm 5 điều, từ Điều 78 đến Điều 82. Chương này gồm mục: Mục 1 quy định về xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng (từ Điều 78 đến Điều 79); Mục 2 quy định về áp dụng Luật phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước (từ Điều 80 đến Điều 82).
Chương VIII: Trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, gồm 6 điều, từ Điều 83 đến Điều 88, quy định về đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng; trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; trách nhiệm phối hợp của cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác.
Chương VIII: Hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, gồm 03 điều, từ Điều 89 đến Điều 91, quy định nguyên tắc chung về hợp tác quốc tế; trách nhiệm thực hiện hợp tác quốc tế; hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng.
Chương IX: Xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, gồm 04 điều, từ Điều 92 đến Điều 95. Chương này có 2 mục: Mục 1 quy định về xử lý tham nhũng (từ Điều 92 đến Điều 93); Mục 2 quy định về xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng (từ Điều 94 đến Điều 95).
Chương X: Điều khoản thi hành (Điều 96) quy định về hiệu lực thi hành.
TÌM HIỂU MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG TRONG HIẾN PHÁP NĂM 201; LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2018; NGHỊ ĐỊNH SỐ 59/2019/NĐ-CP NGÀY 01/7/2019 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Tham nhũng là gì?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”.
Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:
– Cán bộ, công chức, viên chức;
– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
– Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
– Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức;
– Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
Vụ lợi là việc người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng.
2. Theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, những hành vi nào là hành vi tham nhũng?
Trả lời:
Hành vi tham nhũng được quy định tại Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, gồm
1. Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm:
– Tham ô tài sản;
– Nhận hối lộ;
– Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
– Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;
– Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;
– Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi;
– Nhũng nhiễu vì vụ lợi;
– Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi
2. Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm:
– Tham ô tài sản;
– Nhận hối lộ;
– Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
3. Đề nghị cho biết thuật ngữ “xung đột lợi ích” phòng, chống tham nhũng? Nêu các trường hợp xung đột lợi ích?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 thì “Xung đột lợi ích là tình huống mà trong đó lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người thân thích của họ tác động hoặc sẽ tác động không đúng đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ”.
Các trường hợp xung đột lợi ích được quy định tại Điều 29 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng thì người có chức vụ, quyền hạn được xác định là có xung đột lợi ích khi có dấu hiệu rõ ràng cho rằng người đó thuộc hoặc sẽ thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình;
– Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác;
– Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;
– Sử dụng những thông tin có được nhờ chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi hoặc để phục vụ lợi ích của tổ chức hoặc cá nhân khác;
– Bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu;
– Góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề do mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước;
– Ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột hoặc để doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình khi được giao thực hiện các giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó;
– Có vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột là người có quyền, lợi ích trực tiếp liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của mình;
– Can thiệp hoặc tác động không đúng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền vì vụ lợi.
4. Xin hỏi, trách nhiệm giải trình là gì? Đề nghị cho biết cơ quan, tổ chức, đơn vị có được từ chối yêu cầu giải trình không?
Trả lời:
“Trách nhiệm giải trình là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền làm rõ thông tin, giải thích kịp thời, đầy đủ về quyết định, hành vi của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao” (Khoản 5 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018).
Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó. Người thực hiện trách nhiệm giải trình là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình (Khoản 1 Điều 15 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018).
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng thì điều kiện tiếp nhận yêu cầu giải trình như sau:
– Cá nhân yêu cầu giải trình có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hoặc có người đại diện theo quy định của pháp luật; cơ quan, tổ chức, đơn vị yêu cầu giải trình có người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
– Quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu giải trình tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có yêu cầu giải trình.
Như vậy, những trường hợp yêu cầu giải trình không đáp ứng điều kiện nêu trên thì cơ quan, tổ chức, đơn vị được từ chối ngay khi tiếp nhận yêu cầu giải trình. Điều 5 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 quy định các trường hợp được từ chối yêu cầu giải trình như sau:
– Không đủ điều kiện tiếp nhận yêu cầu giải trình được quy định tại Điều 4 của Nghị định này.
– Nội dung yêu cầu giải trình thuộc trường hợp quy định tại Điều 6 của Nghị định này, nội dung đã được giải trình hoặc đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền thụ lý giải quyết, trừ trường hợp người yêu cầu có lý do chính đáng.
– Người yêu cầu giải trình đang trong tình trạng không làm chủ được hành vi do dùng chất kích thích hoặc có hành vi gây rối trật tự, đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người tiếp nhận yêu cầu giải trình.
– Người được ủy quyền, người đại diện không có giấy tờ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
5. Đề nghị cho biết, nội dung giải trình và những nội dung không thuộc phạm vi giải trình theo Luật Phòng, chống tham nhũng?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng thì nội dung giải trình gồm:
– Cơ sở pháp lý của việc ban hành quyết định, thực hiện hành vi.
– Thẩm quyền ban hành quyết định, thực hiện hành vi.
– Trình tự, thủ tục ban hành quyết định, thực hiện hành vi.
– Nội dung của quyết định, hành vi.
Những nội dung không thuộc phạm vi giải trình gồm:
– Nội dung thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật.
– Nội dung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị mà chưa ban hành, chưa thực hiện hoặc nội dung chỉ đạo, điều hành của cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới.
(Điều 6 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019).
6. Đề nghị cho biết, thời hạn thực hiện việc giải trình được quy định như thế nào?
Trả lời:
Điều 13 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng thì thời hạn thực hiện việc giải trình không quá 15 ngày, kể từ ngày ra thông báo tiếp nhận yêu cầu giải trình; trường hợp có nội dung phức tạp thì có thể gia hạn 01 lần; thời gian gia hạn không quá 15 ngày và phải thông báo bằng văn bản đến người yêu cầu giải trình.
Thời gian tạm đình chỉ việc giải trình theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Nghị định này không được tính vào thời hạn thực hiện việc giải trình.
7. Đề nghị cho biết, Luật Phòng, chống tham nhũng quy định những hành vi nào bị nghiêm cấm?
Trả lời:
Điều 8 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:
– Các hành vi tham nhũng quy định tại Điều 2 của Luật (gồm 12 hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước và 03 hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước).
– Đe dọa, trả thù, trù dập, tiết lộ thông tin về người phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng.
– Lợi dụng việc phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng để vu khống cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác.
– Bao che hành vi tham nhũng; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc phát hiện, xử lý tham nhũng và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng quy định tại Mục 2 Chương IX của Luật (gồm các hành vi: Vi phạm quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ; vi phạm quy định về quy tắc ứng xử; vi phạm quy định về xung đột lợi ích; vi phạm quy định về chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn; vi phạm quy định về nghĩa vụ báo cáo về hành vi tham nhũng và xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng; vi phạm quy định về nghĩa vụ trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm; vi phạm quy định về thời hạn kê khai tài sản, thu nhập hoặc vi phạm quy định khác về kiểm soát tài sản, thu nhập).
8. Đề nghị cho biết những biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng?
Trả lời:
Tại Chương II Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định 06 nhóm biện pháp mà cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện để phòng ngừa tham nhũng gồm:
– Công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
– Xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
– Thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
– Chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
– Cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt.
– Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
9. Xin hỏi, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai, minh bạch những nội dung gì và hình thức công khai như thế nào?
Trả lời
Điều 10, 11 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định:
Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật về các nội dung sau đây:
– Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức; người lao động; cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và công dân.
– Việc bố trí, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hoặc kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
– Công tác tổ chức cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn.
– Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung không thuộc trường hợp nêu trên mà theo quy định của pháp luật phải công khai, minh bạch.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác ngoài nội dung công khai, minh bạch trên còn phải công khai, minh bạch về thủ tục hành chính.
Hình thức công khai:
– Công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
– Niêm yết tại trụ sở của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
– Thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.
– Phát hành ấn phẩm.
– Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
– Đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử.
– Tổ chức họp báo.
– Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.
Trường hợp luật khác không quy định về hình thức công khai thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện một hoặc một số hình thức công khai: Niêm yết tại trụ sở của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; phát hành ấn phẩm; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử; tổ chức họp báo. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể lựa chọn thực hiện thêm hình thức công khai: công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị và cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.
10. Công dân có quyền giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước. Xin hỏi, pháp luật quy định quyền của công dân yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cung cấp thông tin nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 8 Hiến pháp năm 2013 thì các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải chịu sự giám sát của Nhân dân. Luật tiếp cận thông tin năm 2016 cũng quy định công dân được tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước, trừ thông tin không được tiếp cận (như thông tin thuộc bí mật nhà nước, thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng…). Để tạo điều kiện công dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định “cơ quan, tổ chức đơn vị cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân” (Điểm h Khoản 1 Điều 11).
Điều 14 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định:
“1.Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan báo chí, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm cung cấp thông tin về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó theo quy định của pháp luật.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu phải cung cấp thông tin, trừ trường hợp nội dung thông tin đã được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, được phát hành ấn phẩm hoặc được niêm yết công khai; trường hợp không cung cấp hoặc chưa cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức đã yêu cầu và nêu rõ lý do.
2. Công dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin
3. Việc cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang công tác, làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở và quy định của pháp luật có liên quan”.
2. Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan thì có phải thực hiện kê khai tài sản, thu nhập không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 34 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 thì người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập gồm:
– Cán bộ, công chức.
– Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp.
– Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
– Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Như vậy, công chức có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập.
12. Công chức không giữ chức vụ quản lý đã kê khai tài sản, thu nhập lần đầu. Xin hỏi, công chức có phải kê khai hàng năm không?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 2, 3, 4 Điều 36 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định về phương thức và thời điểm kê khai tài sản, thu nhập:
2. Kê khai bổ sung được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 của năm có biến động về tài sản, thu nhập, trừ trường hợp đã kê khai hàng năm theo quy định.
3. Kê khai hàng năm được thực hiện đối với những trường hợp sau đây:
– Người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12;
– Người không giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên mà làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác theo quy định của Chính phủ. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12.
4. Kê khai phục vụ công tác cán bộ được thực hiện đối với những trường hợp sau đây:
– Người có nghĩa vụ kê khai quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 34 của Luật này (cán bộ, công chức, sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp) khi dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác. Việc kê khai phải hoàn thành chậm nhất là 10 ngày trước ngày dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác;
– Người có nghĩa vụ kê khai quy định tại khoản 4 Điều 34 của Luật này (Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân). Thời điểm kê khai được thực hiện theo quy định của pháp luật về bầu cử.
Như vậy, đối với trường hợp công chức không giữ chức vụ quản lý, nên không phải kê khai hàng năm, mà chỉ thực hiện kê khai bổ sung khi có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 của năm có biến động về tài sản, thu nhập.
13. Đề nghị cho biết, pháp luật quy định như thế nào về việc công khai bản kê khai tài sản thu nhập?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 39 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập thì:
– Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.
– Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.
– Bản kê khai của người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải được công khai theo quy định của pháp luật về bầu cử.
– Bản kê khai của người dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trước khi bầu, phê chuẩn. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
– Bản kê khai của người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành bổ nhiệm hoặc tại cuộc họp của Hội đồng thành viên khi tiến hành bầu các chức vụ lãnh đạo, quản lý.
14. Xin hỏi, khi nào thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập xác minh tài sản, thu nhập?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 41 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập xác minh tài sản, thu nhập khi có một trong các căn cứ sau đây:
– Có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực;
– Có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc;
– Có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Luật Tố cáo;
– Thuộc trường hợp xác minh theo kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên;
– Có yêu cầu hoặc kiến nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền
15. Do tin tưởng cấp dưới, thủ trưởng cơ quan A đã không biết việc cấp dưới tham nhũng. Khi được biết về hành vi tham nhũng của cấp dưới, thủ trưởng cơ quan A cũng không đưa ra giải pháp nào để khắc phục hậu quả. Trong trường hợp này, thủ trưởng cơ quan A có bị tăng nặng trách nhiệm không?
Trả lời:
Việc tăng nặng trách nhiệm kỷ luật đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 73 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
Theo đó: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị bị xem xét tăng trách nhiệm trong trường hợp phát hiện hành vi tham nhũng mà không áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng hoặc không kịp thời báo cáo, xử lý tham nhũng theo quy định của pháp luật.
Như vậy, thủ trưởng cơ quan A sẽ bị tăng nặng trách nhiệm khi biết về hành vi tham nhũng của cấp dưới, mà không thực hiện các biện pháp để khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng.
16. Tại sao phải chuyển đổi vị trí công tác? Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác được quy định như thế nào?
Trả lời:
Chuyển đổi vị trí công tác là một giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Mục đích của giải pháp này nhằm phòng ngừa tình trạng cán bộ, công chức công tác tại một vị trí, một bộ phận quá lâu dẫn đến việc nắm bắt được những sơ hở về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực mình công tác, quản lý để lợi dụng thực hiện hành vi tiêu cực; có sự móc ngoặc, thông đồng với đối tượng bị quản lý để thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực….
Vì vậy, Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định vị trí công tác phải chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi.
Theo đó, Điều 25 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định như sau:
– Người có chức vụ, quyền hạn làm việc tại một số vị trí liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác phải được chuyển đổi vị trí công tác.
– Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 02 năm đến 05 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.
Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ có một vị trí phải định kỳ chuyển đổi công tác mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ đặc thù so với vị trí khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó thì việc chuyển đổi vị trí công tác do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng người có chức vụ, quyền hạn đề nghị với cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển đổi.
Huyền Trang (tổng hợp)
- Trang trước
-
Trang sau >>