Tìm hiểu những điểm mới của luật doanh nghiệp 2014
Thưa luật sư, Tôi được biết luật doanh nghiệp năm 2014 có rất nhiều điểm mới? Vậy luật sư có thể đưa ra cho tôi những quy định đó được không ? Xin chỉ rõ căn cứ pháp lý và so sánh với luật cũ nếu được? Xin cảm ơn!
Trả lời:
Phân tích những điểm mới của luật doanh nghiệp năm 2014 so với Luật doanh nghiệp năm 2005:
Mục Lục
1. Quy định chung
– Về khái niệm doanh nghiệp nhà nước đã có sự thay đổi
Theo quy định tại Khoản 22 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2005 thì “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ”và đã có sự thay đổi là đến Khoản 8 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2014 thì quy định “Doanh nghiệp nhà nước là là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% Vốn điều lệ”
– Bổ sung quy định về doanh nghiệp xã hội
Luật doanh nghiệp 2014 đã điều chỉnh và cụ thể hóa loại hình doanh nghiệp xã hội tại Điều 10, qua đó để chúng ta hiểu được doanh nghiệp xã hội cũng là một trong những loại hình doanh nghiệp thông thường, là pháp nhân và hoạt động chịu sự điều chỉnh của Luật doanh nghiệp và khác với các loại hình doanh nghiệp khác ở mục đích hoạt động, phân chia và sử dụng lợi nhuận.
– Bổ sung quy định về nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho cơ quan đăng ký kinh doanh
Tại Khoản 2 Điều 18 Luật doanh nghiệp 2014 quy định: “Trường hợp Cơ quan Đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh”.
– Về người đại diện theo pháp luật
Khoản 2 Điều 13 LDN 2014 quy định : “2. Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật”. Đọc đến đây, chúng ta đều hiểu rằng doanh nghiệp bây giờ không chỉ có một người đại diện theo pháp luật như trước kia nữa mà có thể có nhiều hơn một người.
– Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đã tách biệt thành lập doanh nghiệp và điều kiện kinh doanh
Luật Doanh nghiệp 2014 quy định trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cho phép các cá nhân, tổ chức thành lập doanh nghiệp, còn điều kiện về ngành nghề kinh doanh, vốn pháp định, chứng chỉ hành nghề, …phải tuân thủ mới được làm.
2. Gia nhập thị trường
– Bãi bỏ quy định về Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Luật doanh nghiệp 2014 đã chính thức bãi bỏ nội dung Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định tại Điều 20 Luật doanh nghiệp 2005. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam đều phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sau đó sẽ thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp (Điểm c Khoản 4 Điều 22 Luật doanh nghiệp 2014).
-Thay đổi thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Tại Điều 27 Luật doanh nghiệp 2014 đã rút ngắn thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ còn trong thời hạn 03 ngày làm việc so với 05 ngày làm việc quy định tại Nghị định 43/2010 về đăng ký doanh nghiệp.
– Quy định sửa đổi Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Theo Điều 29 Luật doanh nghiệp 2014 thì Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã bỏ mục ngành nghề kinh doanh, vốn pháp định, danh sách cổ đông sáng lập Công ty cổ phần,…Theo đó, khi thay đổi ngành, nghề kinh doanh; thay đổi cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài,… doanh nghiệp chỉ cần thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh để được bổ sung trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp mà không phải đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới như Luật doanh nghiệp 2005 (theo quy định tại Điều 32 Luật Doanh nghiệp năm 2014).
– Thay đổi quy định về con dấu
Đây có thể coi là điểm đột phá của Luật doanh nghiệp 2014 so với Luật doanh nghiệp 2005, theo đó Điều 44 Luật doanh nghiệp 2014 cho phép doanh nghiệp được quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu thay cho quy định Luật doanh nghiệp 2005 việc cấp, sử dụng con dấu của doanh nghiệp do Bộ Công an quy định. Trước khi sử dụng, doanh nghiệp chỉ cần thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp mà không phải đăng ký với cơ quan Công an theo Luật doanh nghiệp 2005.
3. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
– Thay đổi về thời hạn góp vốn của Công ty TNHH
Tại Điều 48 Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã quy định thống nhất thời hạn phải thanh toán đủ phần vốn góp khi thành lập công ty, quy định rút ngắn thời hạn góp vốn đối với chủ sở hữu, thành viên công ty TNHH phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như loại hình Công ty cổ phần thay vì quy định tại Luật doanh nghiệp 2005, Nghị định 102/2010 hướng dẫn thi hành Luật doanh nghiệp về thời hạn góp vốn tối đa đối với Công ty TNHH một thành viên và hai thành viên trở lên là 36 tháng.
– Điều kiện tiến hành họp Hội đồng thành viên
Quy định tại Điều 59 Luật doanh nghiệp 2014 về điều kiện tiến hành họp Hội đồng thành viên so với Điều 51 Luật doanh nghiệp 2005 có sự thay đổi về tỷ lệ trong cuộc họp lần thứ nhất, cụ thể Luật doanh nghiệp 2005 quy định tỷ lệ họp lần thứ nhất được tiến hành khi có số thành viên dự họp đại diện ít nhất 75% Vốn điều lệ, thì đến Luật doanh nghiệp 2014 đã giảm tỷ lệ này xuống còn 65% Vốn điều lệ.
4. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
– Liên quan đến Vốn điều lệ Công ty:
Luật doanh nghiệp 2014 cho phép Công ty TNHH một thành viên được giảm Vốn điều lệ thay bằng quy định tại Điều 76 Luật doanh nghiệp 2005 quy định Công ty TNHH một thành viên không được giảm Vốn điều lệ, cụ thể Khoản 1 Điều 87 Luật doanh nghiệp 2014 quy định như sau:
“ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thay đổi vốn điều lệ trong các trường hợp sau đây:
a) Hoàn trả một phần vốn góp trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 02 năm, kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho chủ sở hữu;
b) Vốn điều lệ không được chủ sở hữu thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 74 của Luật này”.
5. Doanh nghiệp nhà nước
Luật doanh nghiệp 2014 bổ sung Chương IV Doanh nghiệp Nhà nước. Đây là quy định hoàn toàn mới so với Luật Doanh nghiệp năm 2005.
6. Công ty cổ phần
– Xuất hiện thành viên Hội đồng quản trị độc lập trong cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần
Điều 134 Luật doanh nghiệp 2014 đã bổ sung thêm điều kiện đối với công ty cổ phần có cơ cấu tổ chức quản lý theo mô hình không có Ban kiểm soát thì ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị.
Ai sẽ muốn làm thành viên Hội đồng quản trị độc lập? Nên chăng Luật doanh nghiệp quy định riêng giữa việc bầu thành viên HĐQT thông thường và bầu thành viên HĐQT độc lập hoặc bổ sung quy định vào Luật doanh nghiệp 2014 là thành viên Hội đồng quản trị có số phiếu bầu thấp nhất sẽ làm thành viên Hội đồng quản trị độc lập bởi thực tế rất ít thành viên HĐQT muốn làm thành viên HĐQT độc lập.
– Thay đổi thời hạn lập và chốt danh sách cổ đông
Theo quy định tại Điều 98 Luật doanh nghiệp 2005 thì danh sách cổ đông có quyền dự họp ĐHĐCĐ được lập khi có quyết định triệu tập và phải lập xong chậm nhất 30 ngày trước ngày khai mạc ĐHĐCĐ nếu Điều lệ công ty không quy định một thời hạn ngắn hơn thì đến Điều 137 Luật doanh nghiệp 2014 quy định danh sách cổ đông có quyền dự họp ĐHĐCĐ được lập không sớm hơn 05 ngày trước ngày gửi giấy mời họp ĐHĐCĐ nếu Điều lệ công ty không quy định một thời hạn khác dài hơn.
– Thay đổi tỷ lệ tiến hành cuộc họp ĐHĐCĐ
Nếu như Điều 102 Luật doanh nghiệp 2005 quy định
“1. Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.
2. Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành theo quy định tại khoản 1 Điều này thì được triệu tập họp lần thứ hai trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất. Cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông triệu tập lần thứ hai được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định”
thì đến Điều 141 Luật doanh nghiệp 2014, tỷ lệ trên đã giảm xuống còn 51% và 33%.
– Thay đổi tỷ lệ thông qua Nghị quyết, Quyết định ĐHĐCĐ
Điều 104 Luật doanh nghiệp 2005 quy định:
3. Quyết định của Đại hội đồng cổ đông được thông qua tại cuộc họp khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định;
b) Đối với quyết định về loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty; đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty nếu Điều lệ công ty không có quy định khác thì phải được số cổ đông đại diện ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định;
5. Trường hợp thông qua quyết định dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản thì quyết định của Đại hội đồng cổ đông được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết chấp thuận; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.
Điều 144 Luật doanh nghiệp 2014 quy định tỷ lệ trên thay đổi lần lượt như sau: 51%- 65%- 51%. Quy định như vậy là phù hợp với thông lệ quốc tế Nghị quyết số 71 /2006/QH11 của Quốc hội ngày 29 tháng 11 năm 2006.
– Cho phép doanh nghiệp tự quy định phương thức bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát
Điều 144 Luật doanh nghiệp 2014 quy định không bắt buộc phải bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát theo phương thức bầu dồn phiếu như Luật doanh nghiệp 2005 mà cho phép bầu bằng phương thức khác và phải quy định tại Điều lệ công ty, cụ thể là: “ Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác, việc biểu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu,…”
– Bãi bỏ hạn chế đối với Giám đốc/ Tổng giám đốc Công ty cổ phần
Điều 157 Luật doanh nghiệp 2014 đã bãi bỏ quy định : “Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty không được đồng thời làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp” (theo Điều 116 Luật doanh nghiệp 2005). Đây cùng là điểm tiến bộ của Luật doanh nghiệp 2014 so với Luật doanh nghiệp 2005, tuy nhiên bên cạnh tiến bộ thì chúng ta không thể không nhắc tới những bất cập, cụ thể liệu quy định như vậy thì có làm gia tăng các giao dịch, hợp đồng bất chính thu lợi riêng cho cá nhân Giám đốc/ Tổng giám đốc làm đại diện theo pháp luật của hai công ty cổ phần không vì họ có rất nhiều quyền trong hoạt động kinh doanh hằng ngày của doanh nghiệp?
6. Nhóm công ty
– Hạn chế sở hữu chéo công ty mẹ – công ty con, giữa công ty con với nhau:
Luật doanh nghiệp 2014 bổ sung quy định rõ hơn về hình thức công ty mẹ – công ty con và các quy định hạn chế sở hữu vốn góp của công ty mẹ và công ty con, cụ thể tại Điều 189 Luật doanh nghiệp 2014:
“ 2. Công ty con không được đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.
3. Các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật này”.
Như vậy, theo quy định trên thì công ty con trong cùng một nhóm công ty không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau và cấm công ty con đầu tư, góp vốn mua cổ phần của công ty mẹ. Quy định như vậy, hạn chế được rủi ro gì? Và gây khó khăn gì cho doanh nghiệp?
7. Rút khỏi thị trường
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 165 Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì có 8 trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và bị xoá tên trong sổ đăng ký kinh doanh nhưng đến Điều 211 Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã giảm xuống còn 5 trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật doanh nghiệp – Công ty luật Minh KHuê