Tìm hiểu nguồn gốc và khái niệm Thuế thu nhập cá nhân
Tìm hiểu nguồn gốc và khái niệm Thuế thu nhập cá nhân
Thuế TNCN đã tồn tại khá lâu đời tại các nước phát triển. Theo nhiều tài liệu cho thấy nó được đặt ra lần đầu vào năm 1799 tại Anh như một nguồn thu tạm thời nhằm trang trải cho cuộc chiến tranh chống Pháp và được chính thức áp dụng kể từ năm 1942. Sau đó, việc áp dụng thuế TNCN dần lan sang các nước lớn mạnh bấy giờ như Nhật (1887), Đức (1899), Mỹ (1913), Pháp (1914), Liên Xô (1922),… và hiện nay đã trở nên phổ biến trên phạm vi toàn cầu.
Ở Việt Nam, thuế TNCN được Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành lần đầu tiên vào ngày 27/12/1990 dưới hình thức Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao và chính thức có hiệu lực ngày 01/04/1991. Theo thời gian, pháp lệnh này đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần và cuối cùng được thay thế bằng Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2009. Đến thời điểm hiện tại, Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 đã qua các lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2012, năm 2014 và đang có hiệu lực pháp luật.
Pháp luật Việt Nam hiện nay chưa đưa ra khái niệm cụ thể về thuế TNCN, tuy nhiên dựa trên những quy định hiện hành có thể hiểu rằng thuế TNCN là loại thuế trực thu, đánh trên thu nhập của từng cá nhân sau khi đã trừ đi các thu nhập được miễn thuế và giảm thuế.
Theo Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, sửa đổi, bổ sung 2012, 2014 có thể nhận thấy rằng thuế TNCN có diện đánh thuế rất rộng, thể hiện ở hai điểm: thứ nhất, đối với cá nhân cư trú tại Việt Nam thì toàn bộ thu nhập dù phát sinh ở trong nước hay nước ngoài đều phải đem xét thu nhập chịu thuế; thứ hai, cá nhân phải nộp thuế TNCN tương ứng với toàn bộ thu nhập chịu thuế phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt có cư trú hay không cư trú tại Việt Nam.
Vì là loại thuế trực thu và có diện đánh thuế rộng cho nên kỹ thuật tính thuế TNCN có phần phức tạp, phải bám sát vào hoàn cảnh của cá nhân, chính sách kinh tế – xã hội từng giai đoạn cụ thể và phải áp dụng phương pháp lũy tiến nhằm đảm bảo công bằng theo cả chiều ngang và chiều dọc.