Tìm hiểu khái niệm “quyền con người”

Bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ghi nhận các quyền thiêng liêng của con người. Tiếp đó là các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 không chỉ thừa nhận và bảo đảm đầy đủ các quyền con người, quyền công dân phù hợp với luật pháp quốc tế mà còn khẳng định rõ: Nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, có trách nhiệm bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân. Đặc biệt khái niệm quyền con người lần đầu tiên được được đưa vào Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) trong một chế định cụ thể. Tuy vậy, hiện nay vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau về quyền con người.

Có rất nhiều định nghĩa về quyền con ng­ười (nhân quyền), mỗi định nghĩa là một sự biểu hiện khác nhau ở góc độ nhìn nhận về vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên, tổng hợp lại có thể chia thành ba nhóm quan niệm chủ yếu về quyền con ng­ười như­ sau:

– Quan niệm thứ nhất: Bắt nguồn từ chỗ coi con ng­ười là một thực thể tự nhiên, nên quyền con ng­ười phải là quyền “bẩm sinh”, là “đặc quyền”, nghĩa là quyền con ng­ười, quyền lợi của con ng­ười với tư­ cách là ngư­ời, gắn liền với cá nhân con ng­ười, không thể tách rời.

Quan điểm này đ­ược các đại biểu tư­ t­ưởng của giai cấp tư­ sản ở thế kỷ XVII, XVIII như­ Crotius, Hobbes, Kant, Locke, Spinoza, Rousseau hoàn thiện và nêu ra trong học thuyết về pháp luật tự nhiên. Tr­ường phái này cho rằng, quyền tự nhiên, pháp luật tự nhiên đứng trên, cao hơn pháp luật nhà n­ước. Xuất phát từ quan điểm này, Jacques Mourgon (giáo sư­ đại học khoa học xã hội Toulouse) đ­ưa ra định nghĩa: “Quyền con ngư­ời là những đặc quyền đư­ợc các quy tắc điều khiển mà con ng­ười giữ riêng lấy trong các quan hệ của mình với các cá nhân và với chính quyền” [5, tr. 12]. Định nghĩa này chủ yếu đề cập đến quyền con ngư­ời ở khía cạnh tự nhiên của nó.

– Quan niệm thứ hai: Trái với quan niệm thứ nhất, quan niệm này lại chỉ đặt con ng­ười và quyền con ngư­ời trong mối quan hệ xã hội. Quan niệm này cho rằng, con ngư­ời chỉ là một thực thể xã hội, nên quyền của nó chỉ đ­ược xác định trong mối tương quan với các thực thể xã hội khác và vì là quan hệ xã hội nên nó đ­ược chế độ nhà n­ước, pháp luật điều chỉnh bảo vệ.

Quan niệm này có tính tích cực khi coi quyền con ng­ười là một khái niệm có tính lịch sử, đặt con ng­ười trong tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Vì con ng­ười là thực thể của xã hội, có mối quan hệ phổ biến với xã hội nên quyền con ng­ười cũng luôn gắn liền với đấu tranh giai cấp, đấu tranh chống áp bức bóc lột, đấu tranh chống bạo lực, chống bất công trong xã hội. Cơ sở của quyền con ngư­ời ở đây chính là trình độ phát triển của nền kinh tế, văn hóa, xã hội và do chế độ kinh tế, chế độ xã hội quyết định.

– Quan niệm thứ ba: Quan niệm của chủ nghĩa Mác- Lênin về vấn đề quyền con ng­ười. Xuất phát từ quan niệm coi con ngư­ời vừa là sản phẩm tự nhiên, vừa là sản phẩm của xã hội, chủ nghĩa Mác – Lênin cho rằng vấn đề quyền con ng­ười: “Về bản chất bao hàm cả hai mặt tự nhiên và xã hội” [4, tr. 12].

Xét về mặt tự nhiên, C.Mác cho rằng, con ng­ười là “động vật xã 
hội” [4, tr. 855] có khả năng “tái sinh ra con ngư­ời”, con ng­ười là động vật cao cấp nhất trong quá trình tiến hóa. Do đó, về mặt này quyền con ng­ười trư­ớc hết là một thuộc tính tự nhiên. Quyền con ng­ười không phải là một “tặng vật”, do giai cấp thống trị ban phát thông qua nhà nư­ớc mà quyền con người trong hình thức lịch sử tự nhiên của nó mang bản chất tự nhiên, đ­ược thể hiện ở quyền đư­ợc sống, quyền tự do, quyền đư­ợc sáng tạo, phát triển, quyền đ­ược đối xử như­ con ng­ười, xứng đáng với con ngư­ời.

Xét về mặt xã hội, con ng­ười mặc dù là động vật cao cấp nhất của tự nhiên, nh­ưng ngay khi tiến hóa trở thành động vật cao cấp, con ngư­ời đã sống thành bầy đàn và trở thành sản phẩm của lịch sử xã hội. Trong luận c­ương thứ VI về Phoi-ơ-bắc, C.Mác cho rằng: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con ng­ười là tổng hòa những quan hệ xã hội” [4, tr. 21]. Do đó xét về khía cạnh xã hội, thì “quyền con người, ngay từ khi có xã hội loài ngư­ời, bên cạnh bản tính tự nhiên còn in đậm bản tính xã hội” [4, tr. 13]. Theo Mác: “Quyền con ngư­ời là những đặc quyền chỉ có ở con ng­ười mới có, với tư­ cách là con ng­ười, là thành viên xã hội loài ngư­ời” [3, tr. 14].

Khi xã hội hình thành giai cấp, hình thành nhà n­ước đã tạo ra những chuyển biến có tính “bư­ớc ngoặt” trong sự biến đổi mối quan hệ tư­ơng quan giữa bản tính tự nhiên và bản tính xã hội của quyền con ng­ười. Đi kèm xã hội có giai cấp là mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh giai cấp; do đó, trong điều kiện xã hội có giai cấp thì bản tính xã hội trở thành bản tính giai cấp. Và ngay cả bản tính tự nhiên, những giá trị phổ biến của quyền con ng­ười cũng tất yếu chịu sự chi phối của giai cấp thống trị xã hội.

Mặt khác, quyền con ngư­ời, kể cả quyền tự nhiên, bẩm sinh còn bị ràng buộc, chi phối vào chính khả năng khám phá chinh phục tự nhiên của chính con người, nghĩa là phụ thuộc vào khả năng hoàn thiện, phát triển của con ngư­ời, sự phát triển của lực l­ượng sản xuất, trình độ phát triển kinh tế – xã hội. Con ng­ười càng có khả năng chế ngự, chinh phục thiên nhiên bao nhiêu thì tự do, quyền con ng­ười ngày càng đ­ược mở rộng, ngày càng đ­ược đảm bảo bấy nhiêu.

Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về quyền con ng­ười không phải chỉ là phép cộng đơn giản đối với hai quan niệm về quyền con ng­ười nêu trên, mà từ phân tích nêu trên cho thấy bản chất hai mặt tự nhiên và xã hội của quyền con người có những thuộc tính phức tạp và luôn có sự thống nhất giữa hai mặt đối lập.

Ở Việt Nam, đã có những định nghĩa khác nhau về quyền con người. Học giả Nguyễn Bá Diến cho rằng: “Quyền con ngư­ời là các khả năng của con ngư­ời được đảm bảo bằng pháp luật (luật quốc gia và luật quốc tế) về sử dụng và chi phối các phúc lợi xã hội, các giá trị vật chất, văn hóa và tinh thần, sử dụng quyền tự do trong xã hội trong phạm vi luật định và quyền quyết định các hoạt động của mình và của ng­ười khác trên cơ sở pháp luật” [1, tr. 34].  Định nghĩa này mới chỉ đề cập đến quyền con ng­ười với tư­ cách là phạm trù luật học.

Có một định nghĩa đang đ­ược sử dụng phổ biến trong giảng dạy, nghiên cứu về nhân quyền ở n­ước ta hiện nay: “Nhân quyền (hay quyền con ng­ười) là những năng lực và nhu cầu vốn có và chỉ có ở con ng­ười, với tư­ cách là thành viên cộng đồng nhân loại, đ­ược thể chế hóa bằng pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế” [2, tr. 10].

Như vậy, có thể hiểu quyền con ng­ười là một phạm trù tổng hợp, vừa là “chuẩn mực tuyệt đối” mang tính phổ biến, vừa là “sản phẩm tổng hợp của một quá trình lịch sử lâu dài luôn luôn tiến hóa và phát triển”. Quyền con ngư­ời “không thể tách rời”, đồng thời cũng không hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế – xã hội… Quyền con ng­ười là một tổng thể những quyền gắn bó với nhau trong mối t­ương quan biện chứng, đó là quyền cá nhân và quyền của dân tộc cộng đồng, quyền chính trị – dân sự và kinh tế văn hóa xã hội, quyền của cá nhân đi đôi với nghĩa vụ đối với xã hội…

Có thể thấy, mặc dù cho đến nay vẫn còn tồn tại nhiều cách nhìn nhận khác nhau về quyền con người, nhưng có một điều rõ ràng rằng quyền con người là những giá trị cao cả cần được tôn trọng và bảo vệ trong mọi xã hội và mọi giai đoạn lịch sử. Trong thời đại ngày nay, quyền con ng­ười không thể tách khỏi hòa bình, dân chủ và phát triển.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Bá Diến (1993), Về quyền con người – trong tập chuyên khảo “quyền con người, quyền công dân”, Tập 1, Trung tâm nghiên cứu quyền con người – Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr. 30 – 56.

2. Học viện CTQG Hồ Chí Minh (1993), Tập bài giảng lý luận về quyền con người, Nxb Sự thật, Hà Nội

3. C.Mác – Ph.Ăngghen (1998), Về quyền con người, Nxb CTQG, Hà Nội.

4. C.Mác – Ph.Ăngghen (1986), Toàn tập, tập III, Nxb Sự thật, Hà Nội.

5. Jacques Mourgon (1995), Quyền con người, Nxb Đại học Pháp, Hà Nội.

6. Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (2011), Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.