Tìm hiểu các tội phạm về xâm phạm tình dục trẻ em trong bộ luật hình sự 2015

Phổ biến giáo dục pháp luật

Tìm hiểu các tội phạm về xâm phạm tình dục trẻ em trong bộ luật hình sự 2015

Cập nhật ngày: 17-05-2018 | 13:39:13 GMT +7, lượt xem: 435

Đây là tội phạm nguy hiểm gây ảnh hưởng tâm sinh lý rất lớn cho trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục

Trong thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh rất nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em ở nhiều địa phương, nhiều vụ việc chưa được xử lý hoặc xử lý không nghiêm minh gây nên bức xúc trong dư luận xã hội. Theo đó có thể thấy, tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng ngày càng gia tăng, gây tác động xấu cho xã hội. Đây là tội phạm nguy hiểm gây ảnh hưởng tâm sinh lý rất lớn cho trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục. Trẻ em là mầm non, là tương lai của đất nước, cần phải được sống trong môi trường giáo dục, xã hội lành mạnh để phát triển toàn diện. Vì vậy, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em cần được quan tâm hơn nữa, cần tăng cường các biện pháp nhằm phát hiện nhanh chóng , chính xác và điều tra xử lý nghiêm minh các loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đi tìm hiểu các quy định của Bộ luật hình sự 2015 có so sánh với Bộ luật hình sự 1999 liên quan đến các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và đưa ra một số đánh giá về các quy định.

          Khái niệm xâm hại tình dục trẻ em, có thể được hiểu một cách chung nhất là sự xâm phạm, động chạm đến quyền tự do, đến nhu cầu phát triển tự nhiên của trẻ em về quan hệ tính giao, xâm phạm đến thân thể, sức khỏe, nhân phẩm và danh dự của trẻ em. Dưới khía cạnh pháp lý, khái niệm trẻ em thường được tiếp cận theo độ tuổi, theo đó, trẻ em được coi là người chưa đủ 16 tuổi.  

          1. Quy định về các tội xâm phạm tình dục trẻ em trong Bộ luật hình sự 2015

Các tội phạm xâm hại tình dục được quy định trong Bộ luật hình sự 2015 tại Chương XIV, gồm 07 điều luật từ Điều 141 đến Điều 147, trong đó có 05 điều quy định về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, so với Bộ luật hình sự 2009, tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em đã tăng lên 01 điều. Cụ thể như sau:     
          1.1. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142)

          Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015, trước đây, Bộ luật hình sự 1999 quy định tội phạm này tại Điều 112 – Tội hiếp dâm trẻ em. Quy định tại Điều 142 Bộ luật hình sự 2015 đã mô tả cụ thể hơn khái niệm “hiếp dâm trẻ em” cụ thể đó là hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu, thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ” hoặc “giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi”.     

Khung hình phạt cho hai hành vi này từ 07 đến 15 năm tù.Nếu bị xác định có tính chất loạn luân, làm nạn nhân có thai, phạm tội hai lần trở lên, có tổ chức, nhiều người hiếp một người, phạm tội với người dưới 10 tuổi, làm nạn nhân chết hoặc tự sát…, người phạm tội sẽ bị phạt từ 12 đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.

1.2. Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144)

Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 144 Bộ luật Hình sự 2015, trước đây, Bộ luật hình sự 1999 quy định tội phạm này tại Điều 114 – Tội cưỡng dâm trẻ em.So với Bộ luật Hình sự 1999, quy định tại Điều 144 Bộ luật hình sự 2015 đã mô tả cụ thể hơn khái niệm “cưỡng dâm trẻ em” cụ thể đó là hành vi “dùng mọi thủ đoạn khiến người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình hoặc trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”.    
 
Khung hình phạt cho tội phạm này từ 05 đến 10 năm tù. Mức hình phạt sẽ tăng cao dần khi người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng nghiêm trọng như: làm nạn nhân có thai, biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội… Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.

1.3. Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi (Điều 145)

Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 145 Bộ luật Hình sự năm 2015 trước đây, Bộ luật hình sự 1999 quy định tội phạm này tại Điều 115 – Tội giao cấu với trẻ em. Chủ thể phạm tội của tội này là người đủ 18 tuổi trở lên, có hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi. Người phạm tội bị phạt sẽ bị phạt tù thấp nhất một năm, cao nhất 5 năm.         

Nếu có thêm các hành vi nguy hiểm như: phạm tội hai lần trở lên, phạm tội đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh, biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội… sẽ bị áp dụng khung hình phạt 3-15 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.

          Như vậy, so với Bộ luật hình sự 1999, ba tội phạm nêu trên đều được đổi tên nhằm cụ thể hóa hơn độ tuổi của nạn nhân. Đồng thời, đối với những tội phạm này ngoài hành vi giao cấu, Bộ luật hình sự 2015 còn bổ sung thêm cụm từ mô tả hành vi là“hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”, đây là một nội dung hoàn toàn mới so với Bộ luật hình sự 1999. Việc quy định bổ sung hành vi này để phù hợp hơn với tình hình xã hội phức tạp hiện nay, tuy nhiên, việc không quy định cụ thể như thế nào là “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác” thì cũng rất khó khăn trong quá trình áp dụng các điều luật này trên thực tế.

1.4. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146)    

Trước đây, Bộ luật hình sự 1999 quy định tội phạm này tại Điều 116 – Tội dâm ô đối với trẻ em. So với Bộ luật hình sự 1999 tội dâm ô đối với trẻ em đã được đổi tên thành Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi nhằm cụ thể hóa độ tuổi của nạn nhân. Theo đó, tội phạm này được mô tả cụ thể là “hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác”.  
     
Khung hình phạt cho tội phạm này từ 06 tháng đến 03 năm. Khung hình phạt cao nhất của tội này đến 12 năm, kèm theo hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong 1-5 năm.    

1.5. Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147)  

Đây là một tội phạm được bổ sung hoàn toàn mới so với quy định tại Bộ luật hình sự 1999 nhằm bảo vệ trẻ em khỏi những hành vi phạm tội ở mọi cấp độ, Điều 147 xác định hành vi sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm thể hiện ở các dấu hiệu: lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức. Trong xã hội hiện nay, đã xuất hiện rất nhiều hình thức khiêu dâm thiếu lành mạnh, đặc biệt xuất hiện cả hiện tượng sử dụng trẻ em vào mục đích khiêu dâm này, ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển tâm lý lành mạnh cho trẻ sau này, đây là một hành vi nguy hiểm, gây hậu quả xấu cho cả nạn nhân, gia đình và xã hội. Trước đây, Bộ luật hình sự 1999 đã quy định về tội dâm ô đối với trẻ em, tuy nhiên, tội phạm này không bao gồm hành vi sử dụng trẻ em vào mục đích khiêu dâm.Chính vì vậy, việc bổ sung thêm tội phạm này trong Bộ luật hình sự 2015 là hoàn toàn phù hợp, bảo đảm cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh và ngăn chặn mọi hành vi xâm phạm tình dục trẻ em.   
 
Khung hình phạt cho tội phạm này mức án từ 06 tháng đến 03 năm. Tương tự như các tội trên, người phạm tội cũng sẽ phải chịu khung hình phạt mở rộng đến 12 năm nếu có thêm các tình tiết tăng nặng. Hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm.   
    
2. Đánh giá quy định về các tội xâm phạm tình dục trẻ em trong Bộ luật hình sự 2015      
    

 – Một số tội được sửa đổi tên nhằm cụ thể hóa độ tuổi nạn nhân mà không dùng cụm từ chung “trẻ em” như trước đây. Đây là một quy định hoàn toàn phù hợp, vì theo quy định của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 quy định trẻ emchỉ là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi mà không bao gồm trẻ em là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam. Vì vậy, với quy định cụ thể về độ tuổi của nạn nhân mà không quy định chung chung sẽ phù hợp với tinh thần của Hiến pháp 2013 ghi nhận quyền con người, quyền công dân, là cơ sở pháp lý để đảm bảo các quyền con người đối với trẻ em là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam.     

– So với Bộ luật Hình sự 1999, Bộ luật Hình sự 2015 đã mở rộng hơn nội hàm khái niệm “giao cấu”. Sự thay đổi này xuất phát từ thực tế, các tội xâm phạm tình dục ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp bởi nhiều hành vi phạm tội đa dạng, vượt quá phạm vi tội phạm quy định trong Bộ luật Hình sự 1999. Theo quy định cũ thì nếu những bé nam hoặc nam giới bị giao cấu trái ý muốn thì các cơ quan chức năng chỉ có thể xử lý được một hành vi là “dâm ô trẻ em” hoặc “làm nhục người khác”. Điều đó có nghĩa là chủ thể của tội hiếp dâm chỉ có thể là nam giới và nạn nhân chỉ có thể là nữ giới. Như vậy, trẻ em nam không được bảo vệ khi bị xâm phạm tình dục. Mà thực tiễn, hành vi giao cấu không chỉ là nam với nữ nữa mà còn có nam với nam, hay nữ với nữ và hình thức thì vượt ra ngoài hình thức “truyền thống”.

– Một số khái niệm trong quá trình áp dụng Bộ luật Hình sự 1999 chưa được hiểu và áp dụng thống nhất, vì vậy, Bộ luật Hình sự 2015 đã cụ thể hoá một số khái niệm sau:

+ “Người đã thành niên” được thay bằng “người đủ 18 tuổi trở lên”; “nhiều người” được thay bằng “từ 02 người trở lên”; “nhiều lần” được thay bằng “từ 02 lần trở lên”; “gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật..” được thay bằng “gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật…”.

+ Khái niệm “hiếp dâm trẻ em” được thay bằng “dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ” hoặc “giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi”.   

+ Khái niệm “cưỡng dâm trẻ em”, “giao cấu với trẻ em”, “dâm ô với trẻ em” cũng được khái niệm cụ thể để đảm bảo tính thống nhất trong cách hiểu và quá trình áp dụng của các cơ quan có thẩm quyền.    

Hiện nay, các vụ việc về xâm hại tình dục trẻ em đang ngày càng gia tăng, một phần nguyên nhân trước hết là do tính phức tạp trong xã hội khi trật tự xã hội bị đảo lộn, khó quản lý, đặc biệt là văn hóa phẩm độc hại trên internet.Thêm nữa, vấn đề đạo đức của một số con người đang xuống cấp, nhiều người lớn, đặc biệt là nhiều đối tượng không nghề nghiệp, đua đòi, ăn chơi, khi có nhu cầu quan hệ tình dục thì thường tìm đến đối tượng là trẻ em.Ngoài ra, do tâm lý của nhiều gia đình cho rằng đó là điều đáng xấu hổ nên không dám tố cáo mà chỉ âm thầm thương lượng để giải quyết nên dẫn đến nhiều kẻ có hành vi xấu nhưng vẫn nhởn nhơ và dẫn đến nguy cơ tái diễn hành vi. Chính vì vậy, để bảo vệ trẻ em tránh khỏi các hành vi xâm hại tình dục thì gia đình, nhà trường và xã hội cần chung tay giáo dục, định hướng để trước hết trẻ không bị rơi vào các tình huống dễ bị lợi dụng, xâm hại. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi xâm hại tình dục trẻ em để nhằm răn đe, ngăn chặn các hành vi đó.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp