Tiểu luận: Xác định tư cách đương sự trong vụ án dân sự – 123Luat

TÊN ĐỀ TÀI: “Thực tiễn xác định tư cách đương sự trong vụ án dân sự”.

Định dạng: File PDF | Word 2016. Độ dài: 32 trang A4.

123luat-duong-su-singapore

Mục Lục

LỜI MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Đương sự là một khái niệm pháp lý đặc thù của lĩnh vực tố tụng tại Tòa án, thể hiện mối quan hệ đặc biệt quan trọng đối với vụ án, bao gồm cả vụ án dân sự, hành chính, hình sự, lao động, kinh tế… Không có một vụ án nào được xử tại Tòa án mà không có sự xác định về đương sự. Chính vì lẽ đó, đương sự là một bộ phận không thể thiếu khi xét xử tại Tòa án. Trong vụ án dân sự cũng vậy, đương sự được coi là chủ thể quan trọng, nếu thiếu chủ thể này thì vụ án dân sự không thể phát sinh.

Thực tiễn giải quyết các tranh chấp, các yêu cầu dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, kinh doanh thương mại trong thời gian qua cho thấy các đương sự rất khó khăn và lúng túng trong việc tham gia tố tụng và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, đồng thời có không ít Tòa án đã có sai lầm như xác định sai thành phần và tư cách của đương sự, xâm phạm việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự, từ đó dẫn đến hậu quả là các quyền và nghĩa vụ của các đương sự không được xác định một cách chính xác hoặc không được đảm bảo, nhiều bản án, quyết định của Tòa án đã bị hủy vì những sai lầm đó.

Xuất phát từ thực trạng trên, việc tìm hiểu về đương sự và thực tiễn xác định tư cách đương sự trong vụ án dân sự là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng. Qua việc thực tiễn xác định tư cách đương sự trong vụ án dân sự chúng ta có cách nhìn tổng quan hơn về đương sự, đồng thời có cơ sở trong việc xách định thành phần, tư cách, quyền và nghĩa vụ của đương sự trong vụ án dân sự, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

2. Tình hình nghiên cứu đề tài

Từ khi Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2004 có hiệu lực thi hành đến nay đã có một số công trình nghiên cứu khoa học và bài viết  liên quan đến vấn đề đương sự và việc xác định tư cách đương sự trong vụ án dân sự. Tuy nhiên mỗi công trình nghiên cứu, bài viết lại nhìn nhận một góc độ khác nhau mang tính riêng lẻ trong vấn đề nghiên cứu về đương sự trong tố tụng dân sự. Bộ luật tố tụng 2015 ra đời đã hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật tố tụng về đương sự tuy nhiên thực tiễn xác định tư cách đương sự trong vụ án dân sự vẫn còn nhiều vấn đề về lý luận và mặt thực tiễn còn sai sót. Do vậy tác giả đã lựa chọn đề tài: “Thực tiễn xác định tư cách đương sự trong vụ án dân sự”.

3. Mục đích nghiên cứu của đề tài

Mục đích của việc nghiên cứu đề tài là làm rõ một số vấn đề lý luận về đương sự, các quy định của pháp luật về đương sự và xác định tư cách đương sự tham gia trong vụ án dân sự. Làm rõ thực tiễn việc xác định tư cách đương sự tham gia trong vụ án dân sự hiện nay để tìm ra các phương hướng, giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật về đương sự.

4. Tính mới và những đóng góp của đề tài

– Đề tài phân tích làm rõ một số vấn đề về mặt lý luận như xây dựng khái niệm đương sự trong vụ án dân sự; làm rõ địa vị pháp lý và cơ sở pháp lý của việc xác định tư cách đương sự trong vụ án dân sự;

– Đề tài phân tích đánh giá những quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành về đương sự như năng lực chủ thể của đương sự trong tố tụng dân sự, vị trí tố tụng, quyền và nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự, quy định liên quan đến việc xác định tư cách đương sự trong vụ án dân sự. Qua đó đề tài chỉ ra những điểm còn hạn chế vướng mắc từ pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật về đương sự.

– Đề tài đưa ra một số kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện pháp luật về đương sự trong tố tụng dân sự tháo gỡ những vướng mắc trong quy định của pháp luật tố tụng dân sự về đương sự cũng như những khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật về đương sự trong tố tụng dân sự

5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của tiểu luận là những vấn đề lý luận chung về đương sự trong vụ án dân sự; những quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 về đương sự, thực tiễn xác định tư cách đương sự trong vụ án dân sự.

Phạm vi nghiên cứu đề tài chỉ giới hạn trong một số vấn đề: Đương sự trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án; các quy định của pháp luật hiện hành về đương sự, thực tiễn xác định tư cách đương sự trong vụ án dân sự; Trên cơ sở lý luận và thực tiễn đã nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm đổi mới, hoàn thiện pháp luật quy định về đương sự và xác định tư cách tham gia của đương sự trong vụ án dân sự.

6. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài sử dụng các phương pháp nghiên cứu chủ yếu: Phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về cải cách tư pháp xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Ngoài ra tác giả còn sử dụng một số phương pháp nghiên cứu khoa học khác như: Phương pháp nghiên cứu lịch sử, phương pháp phân tích chứng minh, phương pháp so sánh pháp luật hiện hành với những quy định của các văn bản pháp luật trước đây về đương sự trong tố tụng dân sự để đưa ra những kết luận về vấn đề cần nghiên cứu.

7. Kết cấu của tiểu luận

Luận văn có kết cấu nội dung gồm 3 chương:

Chương I. Một số vấn đề lý luận về đương sự trong vụ án dân sự

Chương II. Thực tiễn áp xác định tư cách đương sự trong vụ án dân sự

Chương III. Thực tiễn xác định tư cách đương sự trong vụ án dân sự, phương hướng và giải pháp hoàn thiện.

123luat xac dinh tu cach duong su

CHƯƠNG I
LÝ LUẬN CHUNG VỀ ĐƯƠNG SỰ TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ

1. Khái niệm, đặc điểm, vai trò của đương sự trong vụ án dân sự

1.1. Khái niệm đương sự trong vụ án dân sự

Theo nghĩa pháp luật hiện nay có các quan niệm khác nhau về đương sự. Trong cuốn Blak’s Law Dictionnary, đương sự được định nghĩa là “người đưa ra hoặc người chống lại việc kiện”. Mặc dù các văn bản pháp luật tố tụng trước năm 1989 chưa có quy định rõ về khái niệm nhưng thuật ngữ đương sự xuất hiện trong những văn bản pháp luật trước đây. Tại Điều 1 Sắc lệnh 85/SL ngày 22/5/1950 về cải cách bộ máy tư pháp và Bộ luật tố tụng Dân sự 2004 đều đề cập đến đương sự. Có những quan điểm khác về đương sự cũng xuất hiện trong Từ điển Tiếng việt, Từ điển Luật học. Trong cuốn Từ điển luật học của nước ta đương sự được hiểu là “người có quyền, nghĩa vụ được giải quyết trong một khiếu nại hoặc trong một vụ án”… Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau nhưng các nhà luật học đều có quan niệm chung đương sự là những người tham gia vào quá trình giải quyết vụ án dân sự vì có quyền, nghĩa vụ được giải quyết trong vụ án dân sự.

Vụ án dân sự là những việc phát sinh tại Tòa án do các đương sự khởi kiện để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước hay quyền, lợi ích hợp pháp của người khác đang bị tranh chấp. Trong các vụ án dân sự có một số người tham gia tố tụng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án dân sự tham gia với mục đích là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Trong một số trường hợp tuy họ không có quyền lợi ích liên quan đến vụ án dân sự nhưng lại tham gia tố tụng để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước trong lĩnh vực được tham gia phụ trách. Họ có thể là cá nhân, cơ quan hay tổ chức (có tư cách pháp nhân và không có tư cách pháp nhân).

Theo quy định tại khoản 1, Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 “Đương sự trong vụ án dân sự là cá nhân, cơ quan tổ chức bao gồm: Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Như vậy các đương sự trong vụ án dân sự khá phong phú, đa dạng bao gồm: Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng độc lập.

1.2. Đặc điểm của đương sự trong vụ án dân sự

So với những người tham gia tố tụng khác, đương sự có những đặc điểm sau:

– Đương sự là chủ thể quan hệ pháp luật nội dung có quyền, lợi ích tranh chấp hoặc cần được xác định trong vụ việc dân sự.

– Đương sự là chủ thể được tòa án chấp nhận tham gia vào quá trình giải quyết vụ việc dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

– Đương sự là chủ thể bình đẳng với nhau trong tố tụng, có thể tham gia tố tụng độc lập hoặc thông qua người đại diện trong tố tụng dân sự.

– Đương sự là chủ thể có quyền tự định đoạt, việc thực hiện quyền nghĩa vụ của mình là cơ sở để phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quá trình giải quyết các vụ việc dân sự.

1.3. Vai trò của đương sự trong vụ án dân sự

Mỗi chủ thể tham gia vụ án dân sự có một vai trò khác nhau, vai trò đó thể hiện ở các khía cạnh sau:

– Trong mối quan hệ với Tòa án, đương sự có vai trò quyết định trong việc tạo cơ sở cho quá trình Tòa án giải quyết vụ án dân sự và giới hạn các vấn đề mà Tòa án phải giải quyết.

– Vai trò của đương sự trong vụ án dân sự còn thể hiện ở việc đương sự có quyền quyết định làm thay đổi, phát sinh hoặc chấm dứt vụ án dân sự.

– Khi đương sự thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình là cơ sở để làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các chủ thể khác như Tòa án, Viện kiểm sát và những người tham gia tố tụng khác.

2. Cơ sở xác định thành phần, tư cách, năng lực chủ thể và cơ sở quy định quyền, nghĩa vụ của đương sự trong vụ án dân sự

2.1. Cơ sơ xác định thành phần và tư cách của đương sự trong vụ án dân sự

Việc xác định tư cách của đương sự dựa trên những cơ sở sau đây:

Thứ nhất, xác định tư cách đương sự trên cơ sở xác định chủ thể có quyền khởi kiện, bị khởi kiện hoặc có yêu cầu liên quan đến việc giải quyết vụ án.

Thứ hai, xác định tư cách của đương sự căn cứ vào sự liên quan về quyền, nghĩa vụ vào thời điểm tham gia tố tụng của đương sự đó.

Thứ ba, căn cứ vào thời điểm tham gia tố tụng cũng là cơ sở để xác định tư cách tham gia tố tụng của đương sự là nguyên đơn hay là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Như vậy tùy thuộc vào số lượng chủ thể của các quan hệ pháp luật trong vụ án dân sự mà thành phần đương sự trong mỗi vụ án dân sự là khác nhau.

2.2. Năng lực chủ thể của đương sự trong vụ án dân sự

2.2.1. Năng lực pháp luật tố tụng dân sự

Năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự là hai yếu tố cấu thành năng lực chủ thể của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự. Đương sự là một loại chủ thể của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự nên để tham gia vào quan hệ pháp luật tố tụng dân sự thì đương sự phải có năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự.

Năng lực pháp luật tố tụng dân sự của đương sự: Là khả năng pháp luật quy định cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức và các chủ thể khác có các quyền và nghĩa vụ tố tụng dân sự.

Khoản 1, Điều 69 BLTTDS 2015 quy định: “Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực pháp luật tố tụng dân sự như nhau trong việc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình” . Như vậy, đặc trưng cơ bản của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự là các chủ thể có quyền bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.

Năng lực pháp luật tố tụng dân sự của cá nhân bao giờ cũng gắn liền với sự tồn tại của cá nhân từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi cá nhân đó chết. Năng lực pháp luật tố tụng dân sự  của tổ chức xuất hiện khi tổ chức đó được thành lập và chấm dứt khi tổ chức đó không còn tồn tại.

2.2.2. Năng lực hành vi tố tụng dân sự của đương sự

Năng lực hành vi tố tụng dân sự của đương sự: Là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự (khoản 2, Điều 69 BLTTDS 2015). Khác với năng lực pháp luật tố tụng của đương sự là như nhau thì năng lực hành vi tố tụng dân sự của đương sự luôn có sự biến động và được xác định ở các mức độ khác nhau.

Năng lực hành vi tố tụng dân sự có mối quan hệ mật thiết với năng lực hành vi dân sự, cũng như năng lực pháp luật tố tụng dân sự, một chủ thể được xác định là có năng lực hành vi tố tụng dân sự nếu chủ thể đó có năng lực hành vi dân sự.

Theo quy định tại khoản 3, Điều 69 BLTTDS 2015 thì đương sự từ đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự trừ người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc pháp luật có quy định khác.

3. Cơ sở quy định quyền và nghĩa vụ của đương sự trong vụ án dân sự

3.1. Cơ sở lý luận

Việc quy định các quyền và nghĩa vụ của đương sự dựa trên các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, trên cơ sở và phù hợp với các quyền, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia vào các quan hệ dân sự, đồng thời trên cơ sở giải quyết hài hòa giữa việc ghi nhận quyền và nghĩa vụ của đương sự với việc ghi nhận các quyền nghĩa vụ của tòa án và các chủ thể tham gia tố tụng khác.

3.2. Cơ sở thực tiễn

Cơ sở thực tiễn của việc quy định quyền và nghĩa vụ trong Bộ luật tố tụng Dân sự là các tranh chấp dân sự xảy ra đòi hỏi phải ghi nhận cho đương sự thực hiện quyền tố tụng nhằm khởi động quá trình giải quyết vụ án. Quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của đương sự để đương sự thuận lợi trong việc thực hiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước sự xâm hại của các chủ thể khác. 

Xác định nghĩa vụ chứng minh

CHƯƠNG II
CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH VỀ XÁC ĐỊNH TƯ CÁCH ĐƯƠNG SỰ TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ

1. Thành phần đương sự trong vụ án dân sự

– Đương sự trong vụ án dân sự được định nghĩa tại Khoản 1 Điều 56 Bộ luật tố tụng dân sự  năm 201 (BLTTDS 2015): “Đương sự trong vụ án dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Khác với đương sự của một số nước khác thường gồm nguyên đơn và bị đơn, đương sự trong vụ án dân sự theo pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam bao gồm ba loại chủ thể: nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nhận thấy định nghĩa trên đã bao quát được tất cả các chủ thể tham gia quan hệ dân sự đã được quy định trong Bộ luật Dân sự.

– Thứ nhất, đương sự là cá nhân bao gồm công dân Việt Nam, người có quốc tịch nước ngoài, người không có quốc tịch. Điều 59 BLTTDS 2015 đã đưa ra khái niệm năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự của công dân Việt Nam:

+ Đương sự là người từ đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, trừ người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Đương sự là người chưa đủ 6 tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự thì không có năng lực hành vi tố tụng dân sự, họ không thể tự mình tham gia tố tụng dân sự, việc bảo vệ quyền và lợi ích của những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện;

+ Đương sự là người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi thì việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do đại diện hợp pháp của họ thực hiện;

+ Đương sự là người từ đủ 15 tuối đến chưa đủ 18 tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình được tự mình tham gia tố tụng về những việc có liên quan đến quan hệ lao động hoặc quan hệ dân sự đó.

– Thứ hai, Đương sự là cơ quan bao gồm các cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân. Cơ quan tham gia tố tụng dân sự thông qua người đại diện theo pháp luật (thủ trưởng cơ quan) hoặc đại diện theo ủy quyền. Thông thường một cơ quan gồm nhiều bộ phận cấu thành về nguyên tắc nếu những bộ phận cấu thành này không có quyền độc lập về tài sản thì các bộ phận này không thể tham gia tố tụng với tư cách Đương sự. Tuy nhiên, đối với những bộ phận trong cơ quan nhưng lại có quyền độc lập về tài sản, có quyền tham gia các quan hệ dân sự với tư cách độc lập thì bộ phận này vẫn có quyền tham gia tố tụng dân sự độc lập. Ví dụ: Báo pháp luật của Bộ Tư pháp là một đơn vị của Bộ Tư pháp, nhưng đơn vị này có thẩm quyền ký hợp đồng lao động với phóng viên, có quyền độc lập tham gia các giao dịch dân sự trên cơ sở tài chính độc lập, vì vậy họ có toàn quyền tham gia tố tụng với tư cách là đương sự.

– Thứ ba, đương sự là tổ chức bao gồm: Tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Tổ chức tham gia tố tụng dân sự thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Tổ chức là pháp nhân hoặc không phải là pháp nhân và có thể tham gia tố tụng dân sự với tư cách là Đương sự. Trường hợp tổ chức có nhiều bộ phận thì chỉ những bộ phận hoàn toàn độc lập về tài chính mới có tư cách Đương sự. Ví dụ: Tổng công ty có văn phòng, có phòng kế toán tài vụ…và các công ty thành viên thì văn phòng, phòng kế toán tài vụ… không thể tham gia tố tụng với tư cách Đương sự, nhưng các công ty thành viên, nếu đủ điều kiện là pháp nhân thì được tham gia tố tụng dân sự với tư cách Đương sự.

– Đối với cơ quan, tổ chức nước ngoài thì năng lực pháp luật tố tụng dân sự được xác định theo pháp luật của nước cơ quan, tổ chức đó được thành lập, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác.

– Đối với tổ chức quốc tế thì năng lực pháp luật tố tụng dân sự được xác định trên cơ sở điều ước Quốc tế là căn cứ để thành lập tổ chức đó, quy chế hoạt động của tổ chức Quốc tế hoặc điều ước Quốc tế đã được ký kết với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

2. Xác định tư cách đương sự trong vụ án dân sự

Việc xác định tư cách của đương sự trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Việc xác định đúng đắn một chủ thể là nguyên đơn, bị đơn hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự không chỉ là một bảo đảm để họ thực hiện được các quyền và nghĩa vụ tố tụng, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; mà còn là một bảo đảm cho Toà án trong việc giải quyết vụ án dân sự được đúng đắn, khách quan. Do vậy, xác định tư cách của đương sự trong vụ án dân sự không thể không dựa trên những căn cứ luật định. Căn cứ vào những quy định của pháp luật sẽ được phân tích rõ sau đây, có thể khái quát các cơ sở, căn cứ để xác định tư cách đương sự trong vụ án dân sự như sau:

Thứ nhất, xác định tư cách của đương sự trên cơ sở xác định chủ thể có quyền khởi kiện, bị khởi kiện hoặc có quyền yêu cầu, liên quan đến giải quyết yêu cầu;

Thứ hai, xác định tư cách của đương sự căn cứ vào sự liên quan về quyền, nghĩa vụ và vào thời điểm tham gia tố tụng của đương sự đó;

Thứ ba, căn cứ vào thời điểm tham gia tố tụng để xác định tư cách tham gia của đương sự là nguyên đơn hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

2.1. Nguyên đơn

Nguyên đơn trong vụ án dân sự tham gia tố tụng dân sự một cách chủ động, được thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật và đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Khoản 2 Điều 68 BLTTDS 2015 xác định: “Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cá nhân, cơ quan, tổ chức khác do BLTTDS quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm. Cơ quan, tổ chức do BLTTDS này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn.”

Điều đó cho thấy nguyên đơn có vai trò quan trọng trong vụ án dân sự so với các đương sự khác. Vì để phát sinh vụ án dân sự tại tòa án, đồng thời là cơ sở để bắt đầu giải quyết vụ án dân sự phải có nguyên đơn khời kiện hoặc các chủ thể khác theo quy định của pháp luật tố tụng khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn.

Để trở thành nguyên đơn thì cá nhân, cơ quan, tổ chức phải đáp ứng những yêu cầu sau:

– Là người mà tự mình khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Ví dụ: Tháng 1/2009, Hải cho Nam vay một khoản tiền là 10 triệu đồng, thời hạn 1 năm. Đến hạn, Nam  không trả nợ dù Hải đã tìm mọi cách để đòi nợ. Tháng 3/2010 Hải kiện Nam ra Tòa, yêu cầu Nam trả nợ 10 triệu đồng như đã vay. Hải được gọi là nguyên đơn trong vụ án đòi tiền nợ;

– Là người được người khác khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Ví dụ: Hội phụ nữ phường Tân Phong khởi kiện yêu cầu Tòa buộc anh Hùng, từng là chồng chị Mai phải bồi thường thiệt hại cho chị Mai do hành vi đập phá đồ đạc của chị sau khi hai người đã ly hôn. Trường hợp này, chị Mai được xác định là nguyên đơn, Hội phụ nữ đứng ra khởi kiện vì lợi ích của chị Mai được xác định là người đại diện cho chị Mai.

– Là người khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ lợi ích chung, lợi ích cộng đồng. Ví dụ: Công ty Môi trường khởi kiện yêu cầu Tòa buộc chị Đào bồi thường thiệt hại vì hành vi đổ rác thải ra sông gây ô nhiễm môi trường chung. Công ty Môi trường là nguyên đơn trong vụ án này, khởi kiện để bảo vệ môi trường trong sạch cho cộng đồng.

Điều này cho thấy, người khởi kiện có thể là nguyên đơn hay người đại diện hợp pháp của nguyên đơn. Còn nguyên đơn không phải mọi trường hợp đều là người khởi kiện. Nguyên đơn có thể không là người có quyền và lợi ích bị xâm phạm. Nói như vậy, để xác định tư cách một chủ thể là nguyên đơn trong vụ án dân sự cần căn cứ vào những yếu tố sau:

– Chủ thể là một bên trong quan hệ tranh chấp (là người giả thiết bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp). Một khi không có tranh chấp thì không có cơ sở để phát sinh quan hệ tố tụng dân sự sau này. Đồng thời, khi bản án, quyết định của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật khẳng định quyền lợi của chủ thể có bị xâm hại hay không thì quyền và lợi ích này cũng chỉ dừng lại ở giả thiết bị xâm hại.

– Chủ thể có năng lực chủ thể tố tụng dân sự bao gồm năng lực pháp luật và năng lực hành vi tố tụng dân sự. Để tự mình tham gia quan hệ pháp luật tố tụng dân sự với tư cách nguyên đơn, đòi hỏi chủ thể có đầy đủ năng lực chủ thể tố tụng dân sự, trường hợp chủ thể bị hạn chế năng lực chủ thể tố tụng dân sự, tham gia quan hệ tố tụng dân sự phải có người đại diện.

– Chủ thể là người đã thực hiện hành vi khởi kiện, hoặc được người khác khởi kiện thay theo quy định của pháp luật. Qua hành vi này, chủ thể yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, của người khác, hoặc lợi ích công cộng, lợi ích thuộc lĩnh vực mình phụ trách.

– Chủ thể phải làm đơn khởi kiện theo đúng nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 189 BLTTDS. Đây chính là điều kiện để Tòa án thụ lý vụ án theo đúng trình tự, thủ tục tố tụng đã được quy định.

Bên cạnh đó, để xác định một chủ thể là nguyên đơn của vụ án dân sự còn căn cứ vào thời điểm khởi kiện. Đó là trường hợp cả hai bên chủ thể của một quan hệ pháp luật nội dung trong tranh chấp cùng khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết quan hệ nội dung tranh chấp đó, thì Tòa án thụ lý đơn khởi kiện của bên nào trước thì bên đó được xác định là nguyên đơn.

Ngoài những căn cứ trên để một chủ thể trở thành nguyên đơn trong vụ án dân sự thì bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có thể trở thành nguyên đơn trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, nhưng bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố của mình. Khi đó bị đơn trở thành nguyên đơn.

Thứ hai, nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người có nghĩa vụ với yêu cầu độc lập trở thành nguyên đơn.

2.2. Bị đơn

Nếu nguyên đơn là một trong những đương sự đóng vai trò quan trọng trong vụ án dân sự, tạo điều kiện tiên quyết để có vụ án dân sự phát sinh tại Tòa thì bị đơn đóng vai trò không thể thiếu trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Bị đơn luôn đi kèm với nguyên đơn, tư cách bị đơn được xác định cùng với tư cách nguyên đơn.

Khoản 3, Điều 68 BLTTDS 2015 quy định: “Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc cá nhân, cơ quan tổ chức khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu TA giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm”.

Từ đó có thể xác định tư cách một chủ thể là bị đơn trong vụ án dân sự căn cứ vào những điều kiện sau:

– Chủ thể bị nguyên đơn khởi kiện theo quy định của BLTTDS thông qua đơn khởi kiện. Đây chính là căn cứ trước tiên để xác định một người có là bị đơn của vụ án dân sự hay không. Một khi không có đơn khởi kiện, hoặc đơn khởi kiện không thỏa mãn những nội dung được pháp luật tố tụng dân sự quy định, khiến không thể xác định được rõ ràng bị đơn thì chủ thể đó không thể trở thành bị đơn của vụ án dân sự.

–  Chủ thể phải có năng lực hành vi và năng lực pháp luật tố tụng dân sự. Điều này đảm bảo để chủ thể có thể thực hiện được các quyền và gánh chịu những nghĩa vụ do pháp luật tố tụng dân sự quy định. Trường hợp, bị đơn bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện hợp pháp của họ là người thay mặt họ để thực hiện những quyền và nghĩa vụ tố tụng.

– Chủ thể giả thiết đã xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Nếu nguyên đơn trong vụ án dân sự là người giả thiết cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại, thì bị đơn là người được giả thiết đã xâm hại đến quyền và lợi ích của nguyên đơn. Việc khẳng định quyền và lợi ích này có thực sự bị bị đơn xâm hại hay không phải dựa vào quyết định của Tòa án.

Cũng căn cứ vào thời điểm kiện mà một chủ thể có thể được xác định là bị đơn hay nguyên đơn. Đó là trường hợp cả hai bên chủ thể của một quan hệ pháp luật nội dung trong tranh chấp cùng khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết quan hệ nội dung tranh chấp đó, thì bên mà Tòa án thụ lý đơn khởi kiện sau bên kia được xác định là bị đơn.

* Xác định tư cách bị đơn trong quan hệ pháp luật về sở hữu:

Trước hết có thể thấy do trong các quan hệ pháp luật về sở hữu thường là bên vi phạm quyền sở hữu của chủ thể khác. Thông thường bị đơn sẽ là người đang chiếm hữu bất hợp pháp tài sản của người khác.

Theo pháp luật dân sự hiện hành có sự phân biệt giữa tài sản là động sản phải đăng ký quyền sở hữu và tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu. Đối với động sản không phải đăng ký quyền sở hữu, chủ sở hữu chỉ có quyền khởi kiện người chiếm hữu ngay tình để đòi lại tài sản trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản. Trong trường hợp này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó đã bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu (kiện vật quyền).

* Xác định tư cách bị đơn trong quan hệ hợp đồng, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hoặc quan hệ khác về nghĩa vụ:

Trong các quan hệ bồi thường ngoài hợp đồng, người bị thiệt hại phải khởi kiện người có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự, và trong trường hợp này, người bị khởi kiện là bị đơn. Đối với việc kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra, việc xác định tư cách đương sự được hướng dẫn cụ thể tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Đối với thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, theo quy định của Nghị quyết 03 thì bị đơn được xác định là người có trách nhiệm trong quan hệ bồi thường và tư cách bị đơn sẽ thuộc về người có trách nhiệm bồi thường.

Đối với việc thực hiện nghĩa vụ dân sự liên đới thì chủ thể có quyền có thể yêu cầu bất cứ người nào trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện hoàn toàn nghĩa vụ. Trong trường hợp này, bị đơn trong vụ kiện là một trong những người có nghĩa vụ liên đới bị nguyên đơn khởi kiện.

* Xác định tư cách bị đơn trong quan hệ bảo lãnh:

Trong quan hệ pháp luật này việc xác định tư cách đương sự phù thuộc vào những điều kiện luật định. Chủ nợ có thể khởi kiện người có nghĩa vụ theo quan hệ hợp đồng hoặc theo quan hệ bảo lãnh để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ. Cụ thể bị đơn sẽ là người bảo lãnh nếu nghĩa vụ đến hạn phải thực hiện nhưng người có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ và không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình. Nếu không thuộc trường hợp này thì người bị kiện là người có nghĩa vụ theo quan hệ hợp đồng chứ không phải người bảo lãnh.

Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ án dân sự tại Tòa, bị đơn có thể trở thành nguyên đơn như đã nói, và nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có thể trở thành bị đơn trong những trường hợp xác định căn cứ vào Khoản 1, 2 Điều 245 BLTTDS 2015:

+ Nguyên đơn trở thành bị đơn trong trường hợp: nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, nhưng bị đơn vẫn giữ yêu cầu phản tố.

+ Người có nghĩa vụ đối với yêu cầu độc lập trở thành bị đơn khi nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình.

2.3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

Ngoài nguyên đơn, bị đơn trong vụ án dân sự bao gồm cả người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Bởi vì khi giải quyết vụ án dân sự để giải quyết tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn thì có thể ảnh hưởng tới quyền, lợi ích của người thứ ba. Để giải quyết vụ án toàn diện, triệt để đòi hỏi cần thiết có sự tham gia của người thứ ba này với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Theo quy định tại khoản 4, Điều 68 BLTTDS: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Toà án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Như vậy, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hiểu một cách chung nhất là người tham gia tố tụng vào vụ án đã phát sinh giữa nguyên đơn và bị đơn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác với nguyên đơn và bị đơn, họ không phải là người khởi kiện cũng không phải là người bị kiện. Việc tham gia tố tụng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự có thể do họ chủ động hoặc theo yêu cầu của đương sự khác hoặc theo yêu cầu của tòa án. Do đó để có thể xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án dân sự mà tòa án đang giải quyết, đồng thời phải được tòa án đưa họ vào tham gia tố tụng do thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu của chính họ.

Một trong những căn cứ chủ yếu để người có quyền lợi , nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng là quyền đòi bồi hoàn như: Quyền của chủ phương tiện đối với người lái xe của họ trong trường hợp chủ phương tiện phải bồi thường cho người bị hại do người lái xe gây ra; quyền và nghĩa vụ của người thứ ba liên quan khi giải quyết chia tài sản chung với vợ chồng….

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có hai loại: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập hay còn gọi là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng đứng về phía nguyên đơn hoặc bị đơn.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia vào vụ án dân sự đã xảy ra giữa nguyên đơn và bị đơn để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, việc tham gia tố tụng của họ độc lập với nguyên đơn, bị đơn. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập cho rằng đối tượng, phần đối tượng tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn là thuộc về họ chứ không phải thuộc về nguyên đơn hay bị đơn. Do vậy, yêu cầu của họ chỉ chống  nguyên đơn hoặc chỉ chống lại bị đơn. Tuy nhiên trong mọi trường hợp yêu cầu của họ đều độc lập với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn và không phụ thuộc vào yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn. Vì có yêu cầu độc lập với cả nguyên đơn và bị đơn, do vậy thông thường người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có đủ điều kiện pháp lý để kiện vụ án dân sự để tòa án giải quyết yêu cầu của mình, nhưng do vụ án dân sự đã phát sinh giữa nguyên đơn và bị đơn, nên họ phải tham gia tố tụng để để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nếu không tham gia ngay vào vụ án dân sự đã phát sinh giữa nguyên đơn và bị đơn mà khởi kiện thành vụ án dân sự khác để bảo vệ quyền lợi cho mình thì việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ sau đó sẽ gặp khó khăn phức tạp hơn.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng đứng về phía nguyên đơn hoặc bị đơn là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia vào vụ án đã xảy ra giữa nguyên đơn và bị đơn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cảu họ luôn phụ thuộc vào việc tham gia tố tụng của nguyên đơn hoặc bị đơn.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng đứng về phía nguyên đơn và bị đơn do có quyền, lợi ích luôn phụ thuộc và gắn liền với quyền và lợi ích cảu nguyên đơn hoặc bị đơn nên họ không thể đưa ra yêu cầu độc lập với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn mà yêu cầu của họ bao giờ cũng đi kèm và phụ thuộc vào yêu cầu của nguyên đơn hoặc bị đơn. Vì vậy, họ không thể khởi kiện để tòa án giải quyết mà quyền lợi của họ sẽ được giải quyết ngay trong vụ án đã phát sinh giữa nguyên đơn và bị đơn. 

Rút kinh nghiệm xét xử qua án giám đốc thẩm

CHƯƠNG III
THỰC TIỄN XÁC ĐỊNH TƯ CÁCH ĐƯƠNG SỰ TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ, PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN

1. Thực tiễn Tòa án xác định tư cách đương sự trong vụ án dân sự

Thực tiễn xác định tư cách đương sự trong vụ án dân sự cho thấy trong một số trường hợp Tòa án đã xác định sai tư cách tham gia tố tụng của đương sự, có những hành vi xâm phạm đến việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của đương sự như:

– Xác định sai tư cách của bị đơn:

Ví dụ: Vụ án “tranh chấp thừa kế và hủy hợp đồng tặng cho nhà” giữa nguyên đơn là ông Trương Trung Hiếu, bà Trương Thị Xuân Hương, ông Trương Ngọc Lễ với bị đơn là cụ Nguyễn Thị Tiết, bà Trương Thị Mỹ Lan, ông Nguyễn Hoàng Đức (Quyết định giám đốc thẩm số 29/DS-GĐT ngày 9/7/2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao); cụ thể như sau

Cụ Trương Văn Kiệm (chết năm 2002) và cụ Nguyễn Thị Tâm (chết năm 1998) chung sống có 3 con là ông Trương Trung Hiếu, bà Trương Thị Xuân Hương, ông Trương Ngọc Lễ. Khoảng năm 1949, cụ Kiệm chung sống với cụ Nguyễn Thị Tiết sinh được 12 người con. Năm 1957, cụ Tâm không sống chung với cụ Kiệm nữa, mà cùng 3 con về sống tại tỉnh T. Năm 1972 cụ Kiệm mua căn nhà số 4, đường Phong Phú, thành phố H và sống cùng cụ Tiết cho đến khi chết. Ông Trương Trung Hiếu, bà Trương Thị Xuân Hương, ông Trương Ngọc Lễ khởi kiện cụ Nguyễn Thị Tiết, bà Trương Thị Mỹ Lan, ông Nguyễn Hoàng Đức tranh chấp ngôi nhà nêu trên

Khi Tòa án cấp sơ thẩm đang giải quyết vụ án thì cụ Nguyễn Thị Tiết chết. Lẽ ra, Tòa án cấp sơ thẩm phải làm thủ tục để đưa những người thừa kế của cụ Tiết tham gia tố tụng với tư cách là người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng theo quy định tại Điều 62 BLTTDS, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm vẫn xác định cụ Nguyễn Thị Tiết là bị đơn là sai

– Sai sót khi xác định người đại diện theo uỷ quyền của đương sự:

Nhiều trường hợp Tòa án nhận được văn bản, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài lập, cấp hoặc xác nhận, nhưng lại không hướng dẫn cho đương sự hợp pháp hóa lãnh sự. Khi giải quyết vụ án, Tòa án chấp nhận luôn các văn bản, tài liệu đó và xác định người đại diện theo ủy quyền của đương sự là không đúng quy định pháp luật.

Ví dụ 1: Vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là chị Ngô Thị Huyền, anh Ngô Đức Bằng với bị đơn là chị Vũ Thị Dôi, anh Dương Công Nghĩa; Quyết định giám đốc thẩm số 47/DS-GĐT ngày 6/12/2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.

Anh Bằng đang cư trú tại Cộng hòa Liên bang Đức. Tuy ngày 8/2/2005 anh Bằng ủy quyền cho chị Huyền tham gia tố tụng; nhưng giấy ủy quyền của của anh Bằng chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm vẫn xác định chị Huyền là người đại diện của anh Bằng là không đúng

Khoản 1 Điều 478 BLTTDS quy định: “Giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài lập, cấp hoặc xác nhận theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc ở ngoài lãnh thổ Việt Nam được Toà án Việt Nam công nhận nếu giấy tờ, tài liệu đó đã được hợp pháp hoá lãnh sự, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác”.

Ví dụ 2: Vụ tranh chấp về thừa kế tài sản có nguyên đơn là bà Bùi Thị Liễu với bị đơn là ông Bùi Trọng Sơn, ông Bùi Trọng Thành và bà Bùi Thị Lan. Quyết định giám đốc thẩm số 05/DS-GĐT ngày 18/3/2011 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.

Bà Liễu trú tại Mỹ có đơn khởi kiện ngày 01/10/2006 và ủy quyền cho ông Phạm Văn Nghị tham gia tố tụng; đơn khởi kiện và văn bản ủy quyền không được hợp pháp hóa lãnh sự nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm vẫn thụ lý, giải quyết là không đúng quy định pháp luật

– Người được ủy quyền thực hiện vượt quá phạm vi được ủy quyền, nhưng vẫn được Tòa án chấp nhận là không đúng pháp luật:

Thực tế có vụ án người được ủy quyền (đại diện theo ủy quyền) thực hiện vượt quá phạm vi được ủy quyền, nhưng Tòa án vẫn chấp nhận là không đúng quy định của pháp luật. Ví dụ: Vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản có nguyên đơn là ông Võ Thanh Dũng với bị đơn là ông Võ Văn Thành, ông Võ Thanh Huyền. Quyết định giám đốc thẩm số 45/DS-GĐT ngày 4/11/2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao; cụ thể như sau

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 13/5/1997 ông Dũng có đơn kháng cáo. Trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm, ngày 7/11/2006 ông Dũng làm giấy ủy quyền cho ông Lê Minh Tín tham dự phiên tòa phúc thẩm, trong đó không có nội dung ông Dũng đồng ý cho ông Tín rút đơn kháng cáo. Đồng thời tại giấy ủy quyền còn nêu rõ: Mọi phát sinh ngoài việc ủy quyền phải có ý kiến của người ủy quyền bằng văn bản, người được ủy quyền không được tự mình quyết định. Tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm ngày 10/11/2006, ông Lê Minh Tín đã rút toàn bộ kháng cáo mà không có sự đồng ý bằng văn bản của ông Dũng là vượt quá phạm vi ủy quyền. Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét nội dung và phạm vi ông Dũng ủy quyền cho ông Tín, nhưng lại chấp nhận việc rút kháng cáo của ông Tín là không đúng pháp luật vì việc ông Tín rút kháng cáo là vượt quá phạm vi mà ông Dũng đã ủy quyền cho ông Tín

Về phía đương sự khi thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của mình do không hiểu biết đầy đủ các quy định của pháp luật nên trên thực tế đã không ít trường hợp đương sự khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết vụ việc dân sự khi đã hết thời hiệu khởi kiện bị trả lại đơn kiện. Ngoài ra, đương sự còn thực hiện quyền kháng cáo, đối với bản án, quyết định của Tòa án trong nhiều trường hợp cũng không đúng, vượt quá thời hạn do pháp luật quy định nhưng vẫn kháng cáo.

2. Một số tồn tại thiếu sót của pháp luật trong việc quy định về đương sự

* Thứ nhất, về khái niệm đương sự, thành phần đương sự:

Bộ luật Tố tụng Dân sự là công cụ pháp lý quan trọng trong việc giải quyết vụ án dân sự. Tuy nhiên từ thực tiễn áp dụng hiện nay, chúng ta thấy rằng mặc dù BLTTDS 2015 đã quy định khá rõ ràng, đầy đủ về đương sự nhưng vẫn tồn tại những thiếu sót nhất định.

– Khoản 1, Điều 68 BLTTDS 2015 đã có quy định về đương sự nhưng mới chỉ dừng lại ở quy định về thành phần đương sự mà không có quy định khái niệm đương sự trong vụ án dân sự cho nên trong thực tiễn không ít trường hợp Tòa án xác định sai đương sự, triệu tập thiếu hoặc triệu tập cả những người không phải là đương sự tham gia giải quyết vụ án dân sự dẫn tới quá trình giải quyết vụ án không đúng đắn, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự không được tôn trọng và bảo vệ.

– BLTTDS cũng chưa có quy định cụ thể về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án dân sự. Bởi trong thực tiễn có hai loại: người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng đứng về phía nguyên đơn hoặc bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng một cách độc lập.

-Trong thực tiễn nhiều vụ án dân sự có nhiều nguyên đơn và bị đơn, quyền và lợi ích giữa các nguyên đơn và giữa các bị đơn có thể mâu thuẫn (độc lập) với nhau. Vì vậy việc xác định các trường hợp này sẽ giúp cho việc giải quyết vụ án hiệu quả hơn.

* Thứ hai, về năng lực hành vi tố tụng dân sự: Điều 69 BLTTDS quy định về năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự đã thể hiện khá đầy đủ các nội dung cơ bản của năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự. Nhưng các quy định này dường như đồng nhất phạm trù năng lực hành vi dân sự với phạm trù năng lực hành vi tố tụng dân sự; lấy điều kiện tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự là điều kiện tham gia vào quan hệ pháp luật tố tụng dân sự và quan hệ pháp luật dân sự làm điều kiện tham gia vào quan hệ pháp luật tố tụng dân sự là chưa  hợp lý. Vì quan hệ pháp luật tố tụng dân sự và quan hệ pháp luật là các quan hệ pháp luật khác nhau, có nội dung và yêu cầu khác nhau.

3. Phương hướng và giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật về xác định tư cách đương sự trong vụ án dân sự

Để giúp thẩm phán có thể thực có hiệu quả công tác xét xử thông qua việc xác định đúng tư cách người tham gia tố tụng của mình, trước tiên cần phải hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng thông qua việc quy định đầy đủ, hướng dẫn chính xác quy phạm pháp luật đã ban hành đồng thời phải có những sửa đổi, bổ sung để đáp ứng những thay đổi hàng ngày trong các quan hệ pháp luật nội dung. Cụ thể:

Thứ nhất, cần quy định bổ sung khái niệm đương sự trong tố tụng dân sự. Vì quy định hiện hành mới chỉ đề cập tới đương sự trong vụ án dân sự mà chưa có một khái niệm đầy đủ về đối tượng này trong tố tụng dân sự. BLTTDS cần bổ sung thêm khái niệm: “Đương sự là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách”. Bên cạnh đó cần phải làm rõ khái niệm người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để phản ánh được chính xác bản chất của đối tượng này khi họ xuất hiện trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn. Đồng thời pháp luật cần phân biệt rõ hai loại người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Điều này có ý nghĩa trong thực tiễn giải quyết yêu cầu của họ mà trước tiên là để Tòa án xác định đúng đắn tư cách của đương sự.

Bộ luật tố tụng dân sự cần quy định: Đối với vụ án dân sự mà có nhiều nguyên đơn, bị đơn, nếu quyền và lợi ích giữa các nguyên đơn và bị đơn không mâu thuẫn thì họ là đồng nguyên đơn và bị đơn. Nếu quyền và lợi ích mâu thuẫn với nhau thì họ là những nguyên đơn và bị đơn độc lập.

Thứ hai, về năng lực hành vi tố tụng quy định tại Điều 69 BLTTDS, xét thấy có thể gộp khoản 4 và 5 thành một khoản với nội dung “Đương sự là người dưới mười lăm tuổi thì việc bảo về quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện” để tránh đồng nhất giữa năng lực hành vi tố tụng dân sự với năng lực hành vi dân sự. Bên cạnh đó cần bổ sung quy định “người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự vấn có năng lực hành vi tố tụng dân sự trong lĩnh vực không bị Tòa án tuyên bố bị hạn chế”.

Thứ ba, cần sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền và nghĩa vụ tố tụng của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng được thừa nhận là đương sự trong vụ kiện. Trong khi đó các đương sự có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng. Quan niệm này dẫn đến mâu thuẫn giữa quy định của luật thực định với khái niệm đương sự trong lí luận khoa học về tố tụng dân sự. Do đó thiết thấy cần phải được sửa đổi.

Thực tiễn xác định tư cách đương sự tại Toà án cho thấy nguyên nhân chủ yếu dẫn tới những sai sót trong xác định tư cách người tham gia tố tụng là do lỗi chủ quan của các Thẩm phán. Chính vì vậy, bên cạnh cần có những thay đổi phù hợp về mặt pháp luật thì một trong những việc cấp bách phải làm đó là nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho những người tiến hành tố tụng. Cần tăng cường công tác quản lý, giáo dục nâng cao ý thức chính trị và trách nhiệm của cán bộ, Thẩm phán. Làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra để phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm của cán bộ Tòa án và xử lý triệt để những sai phạm trong lĩnh vực này nhằm hạn chế những tổn thất cho đương sự và chính hệ thống Tòa án.

Ngoài việc đào tạo chuyên môn, nâng cao trình độ xét xử cho các thẩm phán cần phải chú trọng tới công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật thông qua công tác đối ngoại, báo chí, truyền thông, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân khi tham gia và quá trình tố tụng. Điều này là rất cần thiết bởi hầu hết người dân trình độ hiểu biết pháp luật rất hạn chế. Vì vậy, không ít trường hợp Thẩm phán xác định sai hoặc bỏ sót người tham gia tố tụng gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người tham gia tố tụng nhưng do không hiểu biết pháp luật nên người chịu thiệt do những sai phạm của Tòa án lại là chính họ. 

KẾT LUẬN

Việc phân tích, luận giải để có nhận thức lý luận về khái niệm, đặc điểm, vai trò của đương sự, khái niệm về mỗi tư cách tố tụng của đương sự, năng lực chủ thể và các cơ sở quy định quyền và nghĩa vụ của đương sự là vô cùng cần thiết cho việc phân tích, đánh giá thực trạng các quy định của pháp luật và thực tiễn xác định tư cách đương sự trong vụ án dân sự hiện nay.

Việc xác định đúng tư cách tố tụng của đương sự trong vụ án dân sự có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết đúng đắn vụ án, bởi mỗi đương sự có một tư cách tố tụng riêng biệt và tương ứng với đó là các quyền, nghĩa vụ mà BLTTDS 2015 đã quy định cho họ. Các đương sự có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng. Khi tham gia tố tụng dân sự, đương sự có quyền, nghĩa vụ chung quy định tại Điều 70 của BLTTDS 2015. Ngoài ra còn có các quyền, nghĩa vụ riêng đối với từng tư cách tố tụng, cụ thể: nguyên đơn có quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 71 BLTTDS 2015; bị đơn có quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 72 BLTTDS 2015; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 73 BLTTDS 2015.

Trường hợp xác định sai tư cách tố tụng của đương sự hoặc đưa thiếu đương sự liên quan vào tham gia tố tụng trong vụ án sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của họ, làm cho đương sự không có điều kiện thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của mình. Qua đó làm sai lệch bản chất của vụ án và đây được coi là một vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Các quy định của Pháp luật tố tụng dân sự hiện hành là cơ sở pháp lý cho Tòa án giải quyết các vụ án dân sự, đồng thời là cơ sở cho các đương sự thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình. Tuy nhiên qua việc nghiên cứu và thực hiện đã cho thấy các quy định của pháp luật hiện hành về đương sự còn chưa đầy đủ, thiếu chi tiết, nhiều quy định còn chung chung do đó có thể dẫn đếu cách hiểu và cách thực hiện khác nhau. Bên cạnh đó còn thiếu một số quy định nhằm đảm bảo thực hiện quyền, nghĩa vụ của đương sự đòi hỏi phải được bổ sung, sửa đổi để hoàn thiện.

Thực tiễn giải quyết vụ việc dân sự thời gian qua tại Tòa án cho thấy việc giải quyết của Tòa án vẫn còn những vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, trong đó có những vi phạm như: Tòa án xác định sai thành phần, tư cách tố tụng của đương sự, phạm vi quyền và nghĩa vụ của đương sự, đồng thời đương sự thực hiện không đúng, không đầy đủ các quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình. Nguyên nhân của những vi phạm liên quan đến thực hiện các quy định của Pháp luật tố tụng dân sự về đương sự một phần do các quy định của pháp luật chưa đầy đủ và một phần là do sự yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ của Thẩm phán.

Hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng dân sự về đương sự là cơ sở pháp lý để đương sự có thể tham gia tố tụng và thực hiện tốt nhất các quyền và nghĩa vụ trong vụ án dân sự, đồng thời là cơ sở cho Tòa án thực hiện việc xác định thành phần và tư cách của các đương sự./.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004;
  2. Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;
  3. Black’s Law Dictionary, 1979;
  4. Sắc lệnh 85/SL ngày 22/5/1950 về cải cách bộ máy tư pháp
  5. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Tố tụng Dân sự Việt Nam, NXB. Tư pháp, Hà Nội, 2005;
  6. Luận án Tiến sĩ luật học, Nguyễn Triều Dương. Người hướng dẫn khoa học: 1. TS.Hoàng Ngọc Thinh; 2. PGS.TS. Hà Thị Mai Hiên, Đương sự trong tố tụng dân sự – một số vấn đề lý luận và thực tiễn;
  7. Khoá luận tốt nghiệp, Lê Thị Phượng. Người hướng dẫn: THS. Trần Phương Thảo, Đương sự trong tố tụng dân sự, HN – tháng 4/2010;
  8. ThS. Nguyễn Việt Cường – Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Đương sự trong vụ án dân sự.
  9. Quyết định giám đốc thẩm số 47/DS-GĐT ngày 6/12/2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao
  10. Quyết định giám đốc thẩm số 45/DS-GĐT ngày 4/11/2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao
  11. Quyết định giám đốc thẩm số 05/DS-GĐT ngày 18/3/2011 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao
  12. Quyết định giám đốc thẩm số 29/DS-GĐT ngày 9/7/2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao
  13. Chương trình đào tạo Nghiệp vụ xét xử phần kỹ năng giải quyết vụ án dân sự khóa 4 năm 2017 của Học viện Tòa án;

By 123luat.com

Mời bạn đánh giá