Tiểu dầm ở người lớn, có thuốc chữa không?

(SKDS) – Em 25 tuổi, đã có chồng. Cách đây 5 năm, đã có một số lần em bị đái dầm. Cho đến nay, thỉnh thoảng khi ngủ say em mơ thấy mình đi tiểu là em lại “tè” dầm ra giường. Em xấu hổ không dám nói với chồng, cũng không dám nằm đệm, nếu phải đi công tác thì em mất ngủ vì sợ ngủ say lại bị đái dầm! 

Mong báo SK&ĐS tư vấn cho biết em bị bệnh gì, có thuốc chữa không?

Đ.L.T. (TP.Vinh, Nghệ An)

Tiểu dầm là điều phiền toái, nhưng rất hay gặp ở trẻ em. Theo các nhà nghiên cứu, tỉ lệ tiểu dầm ở trẻ em 5 tuổi là 3-7%; đến 10 tuổi thì tỉ lệ này giảm xuống còn 2-3%, đến tuổi 18 vẫn có khoảng 1% người bị tiểu dầm.

Đại đa số trường hợp tiểu dầm là không rõ căn nguyên (vô căn). Chỉ có khoảng 2% có thể tìm thấy nguyên nhân thực thể như nhiễm khuẩn tiết niệu, dị dạng đường tiết niệu, bệnh lý hệ thần kinh hoặc đái tháo đường. Những trường hợp này cần khám bác sĩ chuyên về niệu khoa.

Với trường hợp của bạn nên đi khám ở chuyên khoa tiết niệu, loại trừ các nguyên nhân thực thể (rất ít gặp, nếu có thì điều trị theo nguyên nhân), người ta có thể cho bạn dùng một trong các thuốc sau :

 

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng

Các thuốc chống trầm cảm 3 vòng như amitriptylin, imipramin hoặc nortriptylin đều có thể dùng và đã chứng tỏ khả năng điều trị có kết quả tốt nhiều trường hợp tiểu dầm, nhưng thường phải điều trị kéo dài 2 – 3 tháng. Trong số đó, imipramin (các biệt dược: censtim, deprinol, imidol, toframil…) được dùng rộng rãi nhất để điều trị tiểu dầm. Cơ chế tác dụng của thuốc này trong điều trị tiểu dầm được cho là do kháng tiết cholin chống bài niệu và các tác động khác trên hệ thần kinh trung ương. Khi dùng sẽ giảm tiểu dầm khoảng 50-75% và có 20% hết hẳn tiểu dầm. Tuy nhiên, các thuốc chống trầm cảm 3 vòng đều có tác dụng phụ làm thay đổi khí sắc, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, không nên tự ý dùng thuốc.

Desmopressin (biệt dược: desmospray, desurin, minirin, stimate …)

 Là một dẫn chất tổng hợp của hormon chống bài niệu, có tác dụng giảm lượng nước tiểu về đêm. Thuốc được bào chế dưới dạng nhỏ mũi hoặc phun mù để xịt vào mũi trước khi đi ngủ rất có hiệu quả. Tác dụng phụ có thể gặp là gây kích ứng và chảy máu mũi. Người suy tim, phụ nữ có thai không dùng thuốc này.

Ngoài các thuốc trên còn có thể dùng các thuốc trị tiểu dầm khác như: oxybutynin có tác dụng kháng cholinergic, chống co thắt bàng quang, tăng dung tích chức năng bàng quang, điều chỉnh rối loạn tiểu tiện. Hoặc flavoxat có tác dụng trên cơ trơn vùng cổ bàng quang.

Bạn nên đi khám ở chuyên khoa niệu, nếu cần dùng thuốc, thầy thuốc chuyên khoa sẽ chỉ định và bạn nên tin tưởng sẽ trị khỏi chứng tiểu dầm. Trước mắt, những khi phải xa nhà (đi thăm quan, công tác, thăm họ hàng…) bạn nên dùng băng vệ sinh có khả năng thấm hút nước tốt để đêm ngủ không lo lắng. 

BS. Vũ Hướng Văn