Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA VÀ QUY CHUẨN KỸ THUẬT

 

* Tiêu chuẩn

– Khái niệm: Tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hoá dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này.

– Nội dung: Quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý

– Đối tượng: Sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường, các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế-xã hội.

– Hệ thống tiêu chuẩn tại Việt Nam.

+ Tiêu chuẩn quốc gia: TCVN

+ Tiêu chuẩn cơ sở: TCCS

– Xây dựng và công bố

+ TCVN: Các Bộ quản lý chuyên ngành tổ chức xây dựng dự thảo TCVN cho lĩnh vực thuộc ngành mình phụ trách được phân công quản lý, trình Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm xét để công bố áp dụng.

+TCCS: Các tổ chức sản xuất, kinh doanh tổ chức xây dựng, công bố để áp dụng trong phạm vi tổ chức mình.

– Hiệu lực: Tiêu chuẩn được xây dựng, công bố để tự nguyện áp dụng trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

* Quy chuẩn kỹ thuật

– Khái niệm: Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế-xã hội phải tuân thủ để đảm bảo an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác.

– Nội dung: Quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý.

– Đối tượng: Sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường, các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế-xã hội.

– Phân loại: Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật ở Việt Nam.

+ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: QCVN.

+ Quy chuẩn kỹ thuật địa phương: QCĐP.

– Xây dựng, ban hành.

+ QCVN do các Bộ quản lý chuyên ngành tổ chức xây dựng, ban hành để áp dụng cho các lĩnh vực được phân công quản lý sau khi tham khảo ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ.

+ QCĐP do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức xây dựng, ban hành để áp dụng trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình.

– Hiệu lực: Quy chuẩn kỹ thuật được xây dựng, ban hành để bắt buộc áp dụng.

TCVN do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam giữ bản quyền TCVN.

* So sánh giữa tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật

– Giống nhau: Cùng đề cập đến nội dung về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý; cùng đối tượng quản lý.

– Khác nhau:

+ Về nội dung: Quy chuẩn kỹ thuật quy định mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý. Quy chuẩn kỹ thuật giới hạn phạm vi liên quan đến an toàn, sức khoẻ, môi trường.

+ Về mục đích: Tiêu chuẩn được dùng để phân loại đánh giá nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của đối tượng. Quy chuẩn kỹ thuật quy định mức giới hạn kỹ thuật mà đối tượng phải tuân thủ để đảm bảo an toàn, sức khoẻ, môi trường, quyền lợi người tiêu dùng, an ninh và lợi ích quốc gia.

+ Về hiệu lực: Tiêu chuẩn công bố để tự nguyện áp dụng, còn quy chuẩn kỹ thuật ban hành để bắt buộc áp dụng.

 

THÔNG TIN CHUNG:

TCVN bao gồm tiêu chuẩn cơ bản, tiêu chuẩn thuật ngữ, tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn phương pháp thử và lấy mẫu, tiêu chuẩn ghi nhãn, bao gói, vận chuyển và bảo quản; thuộc các lĩnh vực như cơ khí, luyện kim, giao thông vận tải, xây dựng, hóa chất, dầu khí, khoáng sản, nông nghiệp, thực phẩm, hàng tiêu dùng, môi trường, an toàn, điện, điện tử, công nghệ thông tin…

 

Tính đến hết tháng 12/2015, có 8.625 Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) đã được Bộ KHCN công bố, sử dụng rộng rãi trong các hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh. Hiện tại mức độ hài hòa của hệ thống TCVN đối với các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt trên 45%, mục tiêu đến năm 2020 là 60% nhằm đảm bảo cho vị trí của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tại thị trường trong nước và trên thị trường quốc tế, đóng góp vào mục tiêu đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.

 

Hệ thống TCVN thường xuyên được điều chỉnh và sửa đổi trên cơ sở soát xét các TCVN hiện hành và xây dựng mới TCVN nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu của doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại phù hợp với thông lệ của quốc tế.

 

Quá trình xây dựng TCVN được đảm bảo theo nguyên tắc đồng thuận, phù hợp với nguyên tắc của hoạt động tiêu chuẩn hoá quốc tế cũng như quy định của Hiệp định WTO, TBT. Với 120 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia (TCVN/TC) và 56 Tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia (TCVN/TC/SC), Tổng cục TCĐLCL đã tập hợp hơn 1.000 nhà khoa học, giáo sư, tiến sỹ, chuyên gia đầu ngành tham gia vào quá trình xây dựng hệ thống TCVN.

 

Việc tham gia trong 81 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế (19 Ban kỹ thuật với tư cách thành viên chính thức trong ISO và IEC; 62 Ban kỹ thuật với tư cách thành viên quan sát trong ISO) là cơ sở nền tảng cho việc hơn 3.000 tiêu chuẩn quốc tế của ISO, IEC, CODEX… được chấp nhận thành tiêu chuẩn quốc gia (TCVN).

 

Trên cơ sở đề nghị của các Bộ, ngành và các đơn vị, tổ chức, Tổng cục TCĐLCL dự thảo Kế hoạch xây dựng TCVN hằng năm trình Lãnh đạo Bộ KHCN ban hành nhằm triển khai xây dựng các TCVN cụ thể cho các lĩnh vực.

 

Mẫu bìa Tiêu chuẩn Quốc gia Việt Nam (TCVN):