Tiêu chuẩn đối với nhà giáo, quyền và nhiệm vụ của người học?

Nhà giáo là tên gọi dùng để chỉ chung những người làm nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác. Các quy định đối với Nhà giáo được thể hiện như thế nào theo quy định của Luật Giáo dục hiện hành ?

 

1. Vị trí, vai trò và tiêu chuẩn đối với nhà giáo

Theo quy định tại Điều 66 Luật Giáo dục năm 2019, vị trí, vai trò của Nhà giáo được thể hiện như sau:

– Nhà giáo là người thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục như nhà trường, và các cơ sở giáo dục khác trừ Viện Hàn lâm.

Nhà giáo giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và các cơ sở khác, giảng dạy trình độ sơ cấp, trung cấp gọi là giáo viên.

Nhà giáo giảng dạy trình độ từ cao đẳng trở lên thì được gọi là giảng viên.

– Nhà giáo vó vai trò vô cùng quan trọng – mang yếu tố quyết định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục, có vị thể quan trọng và được cả xã hội tôn vinh.

Tiêu chuẩn đối với nhà giáo được quy định tại Điều 67 Luật Giáo dục như sau: Nhà giáo phải đáp ứng các tiêu chuẩn gồm:

– Phải có phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt;

– Phải đáp ứng các quy định về chuẩn nghề nghiệp theo vị trí việc làm;

– Phải có các kỹ năng cơ bản, kỹ năng nâng cao và thường xuyên cập nhật, nâng cao hơn nữa năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

– Phải đảm bảo sức khoẻ theo yêu cầu nghề nghiệp.

 

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của nhà giáo

Theo quy định tại Điều 69, Điều 70 Luật Giáo dục năm 2019, Nhà giáo có những nhiệm vụ, quyền hạn đối với sự nghiệp giáo dục sau đây:

Các nhiệm vụ: 

– Thứ nhất, căn cứ vào vị trí, nhà giáo trước tiên phải thực hiện nhiệm vụ giảng dạy theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục và thực hiện một cách đầy đủ, có chất lượng chương trình giáo dục đã được phê duyệt.

– Thứ hai, là người giảng dạy kiến thức cho học sinh, sinh viên, nhà giáo phải là tấm gương trong việc thực hiện nghĩa vụ công dân, điều lệ nhà trường, quy tắc ứng xử nhà giáo.

– Thứ ba, phải giữ gìn uy tín, danh dự của nhà giáo, tôn trọng, đối xử công bằng với người học; bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học.

– Thứ tư, thường xuyên học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất, đạo đức, tư tưởng chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới và tìm kiếm các phương pháp giảng dạy phù hợp với người học.

Các quyền hạn của nhà giáo:

– Nhà giáo được bố trí giảng dạy theo chuyên môn đào tạo của mình.

– Được đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.

– Được hợp đồng thỉnh giảng, nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục khác hoặc cơ sở nghiên cứu khoa học.

– Được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự và thân thể.

– Được nghỉ hè, nghỉ lễ, nghỉ tết theo quy định pháp luật.

Trách nhiệm và quyền hạn của nhà giáo trong tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục được quy định tại Điều 10, Nghị định số 24/2021/NĐ-CP như sau:

– Nhà giáo có trách nhiệm tham gia xây dựng và thực hiện các kế hoạch đã được phê duyệt của cơ sở giáo dục nơi mình đang công tác, giảng dạy.

– Nhà giáo có trách nhiệm tham gia vào các hoạt động nhằm tực hiện các kế hoạch nêu trên của cơ sở giáo dục nơi mình giảng dạy theo chức năng, nhiệm vụ được phân công và tham gia giám sát thực hineej các hoạt động đó theo quy định pháp luật.

– Các trách nhiệm và nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật

 

3. Quy định về trình độ chuẩn được đào tạo đối với nhà giáo

Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo: Được quy định tại Điều 72 như sau:

– Đối với giáo viên mầm non: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non.

– Đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông: Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.

Nếu môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

– Đối với giảng dạy trình độ đại học: Có bằng thạc sĩ.

– Đối với giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ: Có bằng tiến sỹ.

– Đối với trường hợp giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo tuân thủ quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp.

 

4. Các chính sách đối với nhà giáo 

Chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo: Nhà nước có các chính sách đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho nhà giáo; nhà giáo được cử đi đào tạo, bồi dưỡng sẽ được hưởng lương và phụ cấp theo quy định của Chính phủ. Cơ sở giáo dục có trách nhiệm tạo điều kiện để nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn theo quy định của pháp luật.

Chính sách việc làm đối với nhà giáo: 

– Nhà nước có các chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ và bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất, tinh thần để nhà giáo thực hiện tốt nhất các vai trò và nhiệm vụ của mình.

– Đối với nhà giáo công tác tại trường chuyên, trường năng khiếu, trường phổ thông dân tộc nội trú hoặc các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học, trường, lớp dành cho người khuyết tật, trường giáo dưỡng hoặc trường chuyên biệt khác và nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập sẽ được hưởng chế độ phụ cấp và chính sách ưu đãi theo quy định.

– Đối với nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, nhà nước có chính sách khuyến khích, ưu đãi về chế độ phụ cấp và các chính sách khác theo quy định pháp luật.

Chính sách về tiền lương: Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.

Chính sách về tôn vinh, phong tặng các danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú:

– Ngày 20 tháng 11 hằng năm được chọn là ngày Nhà giáo Việt Nam.

– Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật thì được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú.

 

5. Quyền và nhiệm vụ của người học

Người học là người đang học tập tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm: Trẻ em ở các cơ sơ mầm non; Học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông, đào tạo nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường dự bị đại học; SInh viên đại học, cao đẳng; Học viên của cơ sở đào tại thạc sỹ, Nghiên cứu sinh của cơ sở đào tạo tiến sỹ; Học viên theo học chương trình giáo dục thường xuyên.

Nhiệm vụ của người học được quy định tại Điều 81 Luật Giáo dục như sau:

– Người học có trách nhiệm học tập và rèn luyện theo chương trình, kế hoạch giáo dục, và quy tắc ứng xử của cơ sở giáo dục.

– Người học có trách nhiệm tôn trọng nhà giáo, cán bộ và người lao động của cơ sở giáo dục, chấp hành nghiêm các nội quy, điều lệ, quy chế của cơ sở giáo dục; chấp hành quy định của pháp luật.

– Những người học có trách nhiệm đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, rèn luyện.

– Có nhiệm vụ tham gia lao động và các hoạt động xã hội, hoạt động bảo vệ môi trường phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe và năng lực.

– Có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ tài sản của cơ sở giáo dục; góp phần xây dựng, bảo vệ và phát huy truyền thống của cơ sở giáo dục.

Quyền của người học được quy định tại Điều 81 và Điều 83 Luật giáo dục như sau:

Đối với trẻ em của các cơ sở giáo dục mầm non có quyền: Được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; được chăm sóc sức khỏe và bảo vệ theo quy định của Luật Trẻ em và quy định khác của pháp luật có liên quan; Được miễn, giảm giá vé đối với các dịch vụ vui chơi, giải trí công cộng và nhiều dịch vụ khác theo quy định của nhà cung cấp dịch vụ.

Đối với người học trong các cơ sở giáo dục khác:

– Người học được giáo dục, học tập, tạo điều kiện để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân; được đảm bảo môi trường học tập an toàn, lành mạnh.

– Được cơ sở giáo dục, giáo viên, giảng viên và người khác tôn trong, bình đẳng về cơ hội giáo dục và học tập; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh.

– Được cung cấp thông tin, tài liệu về việc học tập rèn luyện, được sử dụng các cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện của cơ sở giáo dụ để phục vụ cho việc học tập, văn hoá, thể dục, thể thao phù hợp vưới quy định của cơ sở giáo dục.

– Được tham gia vào các hoạt động của đoàn thể, tổ chức xã hội trong cơ sở giáo dục; được trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp của mình kiến nghị với cơ sở giáo dục các giải pháp góp phần xây dựng cơ sở giáo dục, bảo vệ quyền, lợi ích của người học; được cử người đại diện tham gia hội đồng trường theo quy định.

– Được cấp văn bằng, chứng chỉ, xác nhận sau khi tốt nghiệp cấp học, trình độ đào tạo và hoàn thành chương trình giáo dục theo quy định.

– Được hưởng các chính sách trong học tập như học vượt lớp, học rút ngắn thời gian thực hiện chương trình, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định, học kéo dài thời gian, học lưu ban, được tạo điều kiện để học các chương trình giáo dục theo quy định của pháp luật; các chính sách ưu tiên của Nhà nước trong tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước nếu tốt nghiệp loại giỏi và có đạo đức tốt.

 

6. Các chính sách đối với người học theo quy định pháp luật

Theo quy định tại các Điều 84 đến Điều 88 Luật Giáo dục, các chính sách đối với người học được quy định bao gồm:

Thứ nhất là chính sách tín dụng giáo dục, tức là người học được ưu đãi về lãi suất, điều kiện và thời hạn khi vay vốn để phục vụ mục đích học tập.

Thứ hai là chính sách học bổng, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt của người học theo quy định. 

Thứu ba là chính sách miễn, giảm giá vé một số dịch vụ công cộng cho học sinh, sinh viên.

Thứ tư là chế độ cử tuyển – chế độ áp dụng đối với học sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người; học sinh là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số; nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng này vào học trường phổ thông dân tộc nội trú và tăng thời gian học dự bị đại học.

Thứ năm là chế độ khen thưởng đối với người học.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Trân trọng cảm ơn!