Tiểu Luận Hành Chính
Phân tích sự tác động của yếu tố chính trị đến Quản lý công tại Việt Nam.
MỜ ĐẦU
Hành chính công (public administration) là hoạt động thực thi quyền hành pháp của nhà nước; là hoạt động chấp hành và điều hành của cơ quan hành chính nhà nước trong quản lý xã hội theo khuôn khổ pháp luật nhằm duy trì sự ổn định và phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo cách tiếp cận rộng, hành chính công là khái niệm tổng quát, bao gồm các yếu tố: hệ thống thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính; chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành của bộ máy hành chính nhà nước các cấp; đội ngũ cán bộ, công chức; nguồn lực tài chính, công sản và các điều kiện vật chất, kỹ thuậtđảm bảo thực thi công vụ hiệu quả.
Cung ứng dịch vụ công là một trong những chức năng cơ bản mà các nhà nước giao cho nền hành chính đảm trách. Trong quá trình phát triển của nền hành chính, dịch vụ công được mở rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, với yêu cầu về chất lượng ngày càng cao. Nền hành chính phát triển phải phối hợp và điều hoà các nguyện vọng cá nhân với lợi ích của cộng đồng, của đất nước, hướng tới các mục tiêu của một xã hội dân chủ. Nhà nước không ôm đồm, tự mình giải quyết tất cả các vấn đề xã hội mà đẩy mạnh dân chủ hoá gắn với phân quyền, xã hội hoá nhằm tập trung thực hiện tốt vai trò “lái thuyền”. Nhiều hoạt động cung ứng dịch vụ công được chuyển cho các khu vực ngoài nhà nước thực hiện. Theo cách tiếp cận này, hành chính công được coi là quản lí công (public management) hay mô hình quản lí công mới (New Management). Đó là sự điều hành, giám sát và quản lí các chủ thể khác nhau của xã hội nhằm phục vụ tốt hơn các nhu cầu chính đáng của nhân dân. Có thể nói quản lí công là cách tiếp cận mới đối với hành chính công truyền thống, nhằm cải cách chất lượng quản lí nhà nước, hướng tới một nền hành chính năng động, linh hoạt hơn. Quản lí công quan tâm đến hiệu quả tác động, mức độ ảnh hưởng của nền hành chính đối với xã hội. Quản lí công đặc biệt nhấn mạnh đến chức năng phục vụ, đến yếu tố chuyên nghiệp của nền hành chính và các nội dung về hợp tác công – tư. Trong đó, nhiều nguyên tắc và cách thức quản lí hiện đại của khu vực tư được các nhà nước vận dụng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính.
Xét trên góc độ nhà nước, hành chính công là một thiết chế để thực hiện quyền lực nhà nước, bao gồm hoạt động quản lí của các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, từ thực tế hệ thống chính trị của chúng ta, hành chính công không giới hạn thuần tuý trong cơ quan hành pháp mà còn bao gồm một số hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Đoàn thể chính trị – xã hội.
Khu vực công của các nước phát triển cũng như đang phát triển đều đứng trước những thách thức lớn từ xu hướng toàn cầu hoá, sự tiến bộ vượt bậc của khoa học – công nghệ, mối quan hệ ngày càng đa dạng, phức tạp giữa chính trị – hành chính – thị trường, sự phát triển của kinh tế tri thức và trình độ dân trí được nâng cao về mọi mặt, Các nền hành chính chịu nhiều sức ép về hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước và sự cạnh tranh để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công dân cả về số lượng và chất lượng dịch vụ.
Ở nước ta, Đảng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội. Nhà nước là trung tâm của quyền lực trong hệ thống chính trị, quản lí mọi mặt đời sống xã hội. Các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội tham gia quản lý nhà nước với những hình thức và phương thức khác nhau. Như vậy, bộ máy hành chính phải phục vụ chính trị, phục vụ việc thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng, phục vụ lợi ích hợp pháp của nhân dân một cách hiệu lực và hiệu quả.
Qua môn học Chính trị trong Quản lý công, được sự hướng dẫn của giảng viên và quá trình nghiên cứu tài liệu. Em xin trình bày tiểu luận cuối khóa của môn học để làm rõ nội dung “Phân tích sự tác động của yếu tố chính trị đến Quản lý công tại Việt Nam”.
http://goo.gl/h1Xf6I