Tiền lương là gì? Quy định pháp luật về tiền lương
Tiền lương là một thuật ngữ không xa lạ với mọi người trong xã hội. Vậy tiền lương là gì? Pháp luật hiện nay quy định về tiền lương như thế nào?
Khái niệm tiền lương
Theo Từ điển tiếng Việt thì “tiền lương” là “tiền trả công định kì, thường là hàng tháng, cho công nhân viên chức”. Ưu điểm của định nghĩa này là chỉ ra được đối tượng hưởng lương và chỉ ra một trong những đặc điểm cơ bản của tiền lương (lương trả theo định kì thời gian).
Tiền lương là số tiền người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả cho người lao động khi họ cung ứng sức lao động, theo quy định của pháp luật hoặc theo sự thỏa thuận hợp pháp của các bên trong hợp đồng lao động. Tiền lương được trả theo năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công việc nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Điều 90 Bộ luật Lao động 2012 quy định:
Điều 90. Tiền lương
1. Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.
Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.
2. Tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc.
Như vậy dưới góc độ pháp luật, tiền lương được hiểu là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động căn cứ vào năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc và điều kiện lao động, được xác định theo hợp đồng lao động hoặc theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra liên quan đến tiền lương còn có một số khái niệm sau:
Tiền lương danh nghĩa là số lượng tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động do cung ứng dịch vụ lao động, phù hợp với số lượng, chất lượng lao động trên cơ sở sự thỏa thuận hoặc được quy định trong thang, bảng lương.
Tiền lương thực tế là số lượng tư liệu sinh hoạt, dịch vụ mà người lao động trao đổi được bằng tiền lương danh nghĩa sau khi đã đóng các khoản thuế, khoản đóng góp, khoản nộp theo quy định để phục vụ cho cuộc sống bản thân và gia đình.
Tiền lương cơ bản là tiền lương được chính thức ghi trong các hợp đồng lao động, các quyết định về lương hay qua các thỏa thuận chính thức.
Tiền lương cơ bản phản ánh giá trị của sức lao động và tầm quan trọng của công việc mà người lao động đảm nhận.
Trong khu vực Nhà nước Tiền lương cơ bản được xác định như sau:
Tiền lương cơ bản = Tiền lương tối thiểu * Hệ số lương
Tiền lương tối thiểu là tiền lương trả cho lao động giản đơn nhất trong điều kiện bình thường của xã hội. Tiền lương tối thiểu được pháp luật bảo vệ.
Ý nghĩa của tiền lương
– Tiền lương là thước đo giá trị sức lao động:
Ở khía cạnh này, tiền lương chính là “giá cả sức lao động”, phản ánh giá trị sức lao động của người lao động, gắn chặt với quá trình sản xuất vì nó được coi là yếu tố đầu vào của nền sản xuất xã hội, góp phần tạo ra của cải xã hội.
– Tiền lương có vai trò tái sản xuất sức lao động:
Tiền lương có vai trò bù đắp – duy trì – phát triển sức lao động hiện tại cũng như tương lai của người lao động, tức là tái sản xuất giản đơn, đồng thời tái sản xuất mở rộng sức lao động.
– Tiền lương là động lực phát triển kinh tế:
Thể hiện ở việc tạo ra “động lực” bên trong và “đòn bẩy” bên ngoài đối với người lao động. Người sử dụng lao động, Nhà nước sử dụng tiền lương như là phương tiện kích thích hữu hiệu về vật chất và đương nhiên là cả tinh thần để người lao động yên tâm – phấn khởi – hăng say lao động sáng tạo; tuân thủ kỷ luật lao động; nâng cao trách nhiệm và hiệu quả công việc.
– Tiền lương là khoản tích lũy của người lao động:
Tiền lương là phương tiện tích lũy của người lao động và gia đình họ nhằm giải quyết những nhu cầu trung hạn, dài hạn trong cuộc sống.
– Tiền lương có ý nghĩa về mặt xã hội:
Tiền lương, theo như c. Mác, không chỉ để ăn, chi phí tiền nhà ở mà còn để nuôi con, chi phí cho các nhu cầu xã hội nhằm “duy trì nhân cách sinh động của con người” như tham gia các sinh hoạt xã hội, học tập, du lịch…Những chức năng của tiền lương cho thấy rõ vai trò tối quan trọng của nó đối với đời sống sản xuất, đời sống lao động và sinh hoạt xã hội. Chính vì vậy, tiền lương trở thành đối tượng của nhiều khoa học và được xác định rõ trong luật lao động.
Nguyên tắc điều chỉnh tiền lương
– Nguyên tắc tiền lương do hai bên thỏa thuận trên cơ sở vật chất, số lượng, số lượng và hiệu quả lao động.
Với tư cách là giác cả sức lao động thì tiền lương phải được hình thành trên cơ sở sự thỏa thuận tự nguyện và không trái pháp luật. Tiền lương là sự biểu hiện rõ nét của việc phân phối lợi ích kinh tế trong quan hệ lao động ở phạm vi doanh nghiệp nói riêng và của xã hội nói chung. Vì vậy, nó phải do chính các bên của quan hệ lao động quyết định bởi chỉ có họ mới hiểu rõ nhất ở nơi mình làm việc, mức tiền lương, thu nhập bao nhiêu là thỏa đáng, sự phân chia lợi ích như thế nào là công bằng và phù hợp.
– Nguyên tắc tiền lương được trả trên cơ sở năng suất lao động.
Năng suất lao động là một trong những yếu tố quyết định sự ổn định và tăng trưởng nền kinh tế, tạo nên thu nhập quốc dân, cồn tiền lương là một trong những công cụ và hình thức cơ bản để thực hiện phân phối thu nhập quốc dân. Mặc dù tiền lương được hình thành trên cơ sở sự thỏa thuận nhưng chúng có mối quan hệ mật thiết với năng suất lao động, tốc độ tăng trưởng của đơn vị sử dụng lao động.
– Nguyên tắc trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng thời hạn.
Điều 96 Bộ luật Lao động 2012 có quy định:
Điều 96. Nguyên tắc trả lương
Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.
Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.
– Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
Đây là yêu cầu vừa có tính pháp lý, vừa mang tính nhân bản sâu sắc, thể hiện một khía cạnh quan trọng về tiêu chuẩn lao động. Phân biệt tiền lương qua giới tính hoặc những yếu tố mang tính xã hội (màu da, sắc tộc, tôn giáo, giới tính…) mà không phải là yếu tố kinh tế (năng suất, tính hiệu quả, giá trị sáng tạo…) sẽ gây nên những bất công và xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm cá nhân và quy tắc xã hội, đều bị nghiêm cấm.
Trên đây là bài viết về một số những điều luật liên quan đến tiền lương Lawkey gửi tới bạn đọc, nếu có bất kỳ thắc mắc gì vui lòng liên hệ tới Lawkey để được giải đáp chi tiết nhất.