Tiền chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được tính như thế nào?

Tiền chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được tính như thế nào? và các vướng mắc khác liên quan sẽ được Luật Minh Khuê tư vấn, giải đáp cụ thể như sau:

Luật sư tư vấn:

Căn cứ Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn và Nghị định 102/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập.

Quy định cụ thể như sau:

Khoản 1 Điều 42 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định việc tính tiền chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

a) Tổ chức, cá nhân chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì bị tính tiền chậm nộp tiền phạt theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền phạt chậm nộp.

b) Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày kế tiếp ngày hết thời hạn nộp tiền phạt đến ngày liền kề trước ngày tổ chức, cá nhân nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước.

 

1. Khái niệm Vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn

Vi phạm hành chính về thuế là hành vi có lỗi do tổ chức, cá nhân thực hiện vi phạm quy định của pháp luật về quản lý thuế, pháp luật về thuế và các khoản thu khác (tiền sử dụng đất; tiền thuê đât, thuê mặt nước; tiền cấp quyền khai thác khoảng sản; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên) mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Vi phạm hành chính về hoá đơn là hành vi có lỗi do tổ chức, cá nhân thực hiện vi phạm quy định của pháp luật về hoá đơn mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

 

2. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn

– Đối tượng bị xử phạt vi pham hành chính về thuế, hoá đơn bao gồm:

+ Người nộp thuế có hành vi vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn.

Trường hợp người nộp thuế uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân thực hiện các nghĩa vụ về thuế mà pháp luật về thuế, quản lý thuế quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của bên được uỷ quyền phải thực hiện thay người nộp thuế thì nếu bên được uỷ quyền phải thực hiện thay người nôp thuế thì nếu bên được uỷ quyền có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân được uỷ quyền bị xử phạt theo Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

Trường hợp theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ đăng ký thuế, khai, nộp thuế thay người nộp thuế mà tổ chức, cá nhân khai, nôp thuế thay có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này thì tổ chức, cá nhân khai, nộp thuế thay bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định tại Nghị định này.

+ Tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn.

– Người nộp thuế là tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn bao gồm:

+ Doanh nghiệp được thành lập và hoạt đông theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán, Luật Dàu khí, Luật Thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật khác; đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, địa điểm kinh doanh trực tiếp kê khai, nộp thuế, sử dụng hoá đơn;

+ Đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập;

+ Tổ chức được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã;

+ Tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài, văn phòng điều hành của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam;

+ Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao.

+ Tổ hợp tác và các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật.

 

3. Hình thức xử phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn

Phạt tiền tối đa không quá 100.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính về hoá đơn. Phạt tiền tối đa không quá 50.000.000 đồng đối với cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính về hoá đơn.

Phạt tiền tối đa không quá 200.000.000 đồng đối với người nộp thuế là tổ chức thực hiện hành vi vi phạm thủ tục thuế. Phạt tiền tối đa không quá 100.000.000 đồng đối với người nộp thuế là cá nhân thực hiện hành vi vi phạm thủ tục thuế.

Phạt 20% số tiền thuế thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy định đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu sót tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn.

Phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn đối với hành vi trốn thuế.

Phạt tiền tương ứng với số tiền không trích vào tài khoản của ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

Lưu ý: Đối với người nộp thuế là hộ gia đình, hộ kinh doanh áp dụng mức phạt tiền như đối với cá nhân.

 

4. Tiền chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn

Điều 42 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về Tiền chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn như sau:

– Cách tính tiền chậm nộp tiền phạt:

+ Tổ chức, cá nhân chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn thì bị tính tiền chậm nộp tiền phạt theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền phạt chậm nộp.

Tiền chậm nộp tiền phạt = 0,05% x Số ngày chậm nộp tiền phạt x Số tiền phạt

+ Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày kế tiếp ngày hết thời hạn nộp tiền phạt đến ngày liền kề trước ngày tổ chức, cá nhân nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước.

– Không tính tiền chậm nộp tiền phạt trong các trường hợp sau:

+ Trong thời gian được hoãn thi hành quyết định phạt tiền;

+ Trong thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn tiền phạt.

+ Số tiền phạt chưa đến hạn nộp trong trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần.

– Trường hợp tổ chức, cá nhân không tự giác nộp tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước thì cơ quan thuế quản lý trực tiếp tổ chức, cá nhân đó có trách nhiệm thông báo, đôn đốc tổ chức, cá nhân nộp tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt theo quy định.

Lưu ý: Trường hợp được miễn tiền phạt thì cũng được miễn tiền chậm nộp tiền phạt tương ứng.

Quý bạn đọc có vướng mắc pháp lý liên quan đến vấn đề tiền chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn nói riêng và các vấn đề pháp lý khác nói chung, xin vui lòng liên hệ tới Luật Minh Khuê qua số tổng đài 19006162 để được chuyên viên của Chúng tôi hỗ trợ tư vấn nhanh chóng. Trân trọng!