Tiền Việt Nam in ở đâu? Các chất liệu được sử dụng để in tiền Việt Nam

Phan Thị Linh Chi
0
Tiền tệ

Tiền Việt Nam được phát hành bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và là đồng tiền pháp định được dùng và làm phương tiện thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam. Vậy tiền Việt Nam được in ở đâu?

Tiền Việt Nam có đơn vị tiền tệ là “đồng”, ký hiệu quốc gia là “đ”, ký hiệu quốc tế là “VND”. Tiền được sử dụng trong hoạt động mua bán, giao dịch hàng ngày trên lãnh thổ Việt Nam và chịu sự quản lý chặt chẽ của nhà nước. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan duy nhất phát hành tiền của Việt Nam.

Các loại tiền Việt Nam đang lưu hành trên thị trường

Theo công bố trên trang web chính thức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện nước ta đang lưu hành các loại tiền sau:

  • Tiền giấy: Tiền được làm từ chất liệu giấy in cotton với các mệnh giá gồm: 100 đồng, 200 đồng, 500 đồng, 1000 đồng, 2000 đồng, 5000 đồng 
  • Tiền Polymer: Loại tiền phổ biến nhất hiện nay với các mệnh giá gồm: 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng, 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng.
  • Tiền xu (tiền kim loại): Loại tiền này dù hiện rất hiếm thấy trên thị trường nhưng vẫn chưa có công bố bãi bỏ tiền xu. Tiền xu có các mệnh giá: 5.000 đồng, 2.000 đồng, 1.000 đồng, 500 đồng, 200 đồng.

Tiền Việt Nam in ở đâu?

Rất nhiều người thắc mắc Việt Nam có in được tiền không và tiền Việt Nam được in ở đâu? Với các câu hỏi này, TheBank chia sẻ như sau:

Việt Nam có thể tự in được tiền và in tại Nhà máy in tiền Quốc gia Việt Nam. Nhà máy in tiền Quốc gia nằm ở địa chỉ 30 Phạm Văn Đồng, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội.

Nhà máy in tiền Quốc gia hoạt động theo mô hình công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước làm chỉ sở hữu từ tháng 8/2010. Nhà máy in tiền Quốc gia có nhiệm vụ in, đúc tiền.

Thực tế, Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam là tại Đồn điền Chi Nê, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Nhà máy hoạt động từ năm 1946. Đến năm 1947, nhà máy này ngừng hoạt động. Hiện nay, nhà máy in tiền tại Hòa Bình là một di tích lịch sử cách mạng, một điểm tham quan du lịch cho du khách.

Hiện nay cả tiền giấy và tiền polymer Việt Nam đều được in tại nhà máy in tiền Quốc gia, theo đúng quy trình in, quản lý và phê duyệt về thiết kế mẫu, chế bản của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Di tích nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam

Di tích nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam tại Hòa Bình (nguồn ảnh: báo Dân trí)

Tiền Việt Nam được in bằng chất liệu gì?

Tiền Việt Nam hiện được in chủ yếu bằng 2 chất liệu dưới đây:

  • Giấy cotton: Đây là chất liệu để in tiền giấy hay còn gọi là tiền cotton. Tiền cotton không phải in từ loại giấy thông thường, thay vào đó sẽ được in trên loại giấy sử dụng khoảng 80% cotton (hay sợi bông) đôi khi được trộn với sợi dệt.
  • Polymer: Tiền Polymer có cấu tạo 3 lớp gồm lớp phim, lớp giấy nền, phủ mờ và vecni. Hiện nay, tiền polymer là loại tiền duy nhất có yếu tố chống giả đặc trưng sử dụng công nghệ cao để cài hình ẩn. Người dùng có thể tự mình phân biệt được tiền giả hoặc tiền thật. Tiền Polymer được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành từ năm 2003 nhằm bổ sung cơ cấu, mệnh giá đồng tiền trong lưu thông, đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế và nâng cao chất lượng, khả năng chống giả của đồng tiền, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. 

Hiện nay cả tiền giấy và tiền Polymer đều được lưu hành song song trên thị trường. Tuy nhiên, so với tiền giấy, tiền Polymer vẫn được đánh giá cao và nổi bật hơn nhờ sở hữu các ưu điểm:

  • Độ bền cao hơn: Tiền ít bị rách, không bị nát khi vò và nhất là không thấm nước
  • Lớp vecni phủ trên tiền Polymer có khả năng chống ẩm và chống dính bẩn nên phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam, an toàn cho người sử dụng
  • Nâng cao khả năng chống tiền giả, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người sử dụng 

Quy trình in, đúc tiền Việt Nam

Đối với việc in, đúc tiền Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 23/2009/TT-NHNN quy định việc thiết kế mẫu, chế bản và quản lý in, đúc tiền Việt Nam. Theo thông tư này, việc in, đúc tiền Việt Nam được thực hiện theo quy trình như sau:

  • Việc in, đúc tiền Việt Nam được thực hiện theo hợp đồng giữa Ngân hàng Nhà nước (Cục Phát hành và Kho quỹ) và nhà máy in, đúc tiền trên cơ sở kế hoạch in, đúc tiền và tiêu chuẩn kỹ thuật đồng tiền được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
    Ngân hàng Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả đối với mẫu thiết kế các loại tiền đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Họa sĩ trực tiếp sáng tác mẫu tiền đã được phê duyệt được công nhận là tác giả hoặc đồng tác giả và được hưởng thù lao theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
  • Nhà máy in, đúc tiền theo hợp đồng với Ngân hàng Nhà nước không được sử dụng vật tư chuyên dùng in, đúc tiền Việt Nam để sản xuất các sản phẩm khác. Trường hợp thực hiện chế bản in, tạo khuôn đúc và in, đúc tiền Việt Nam ở nước ngoài, Cục Phát hành và Kho quỹ trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
  • Hệ thống máy tính hoặc mạng máy tính nội bộ dùng để thiết kế, chế bản in, tạo khuôn đúc tiền phải được quản lý nghiêm ngặt về đối tượng sử dụng, việc truy cập, sửa đổi, sao chép, kết xuất thông tin nhằm đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin, dữ liệu.
  • Sau khi đi vào sản xuất chính thức, nhà máy in, đúc tiền phải bàn giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến các công đoạn thiết kế, chế bản, tạo khuôn, in, đúc thử cho Ngân hàng Nhà nước; đối với các thông tin, dữ liệu trên máy tính, phải sao lưu toàn bộ vào thiết bị lưu trữ để bàn giao và xóa hoàn toàn các thông tin, dữ liệu dưới sự chứng kiến của đại diện được ủy quyền của Ngân hàng Nhà nước (căn cứ theo Khoản 3, Điều 15 Thông tư 23)

Nhà nước có được phát hành tiền Việt Nam số lượng lớn?

Nguyên tắc phát hành tiền Việt Nam là dựa vào chính sách Tài khoản và chính sách tiền tệ. Tiền Việt Nam sẽ bị hạn chế phát hành số lượng lớn nhằm: 

  • Bảo vệ giá trị đồng tiền, tránh tối đa lạm phát. Vì có nhiều tiền trong thị trường sẽ làm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, giá thành cũng sẽ tăng mạnh. 
  • Thúc đẩy trao đổi hàng hóa có sử dụng đồng tiền Việt Nam làm trung gian cho các giao dịch mua bán. Điều này sẽ hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển về kinh tế – xã hội. 

Chưa kể, mỗi lần in tiền Việt Nam các cơ quan liên quan phải tiến hành khảo sát, đánh giá và trao đổi trước khi đi đến quyết định in, đúc tiền. Bởi vậy Nhà nước in bao nhiêu tiền Việt Nam còn phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và chính sách tiền tệ liên quan. 

Đồng tiền Việt Nam

Tiền Polymer Việt Nam

Cách nhận biết tiền Việt Nam thật hay giả bằng tay và mắt thường

Hiện nay tiền Việt Nam vẫn được làm giả rất nhiều. Để tránh rủi ro nhận phải tiền giả, bạn có thể kiểm tra, phân biệt tiền giả và tiền thật bằng tay hoặc mắt thường với các cách sau đây:

  • Dùng ta vò tiền: Nếu bạn dùng tay vò tiền Polymer khi thả ra thấy đồng tiền đàn hồi nhanh, không bị nát thì là tiền thật vì tiền làm bằng chất liệu polymer thật thường có độ bền cơ học rất cao.
  • Soi tiền dưới ánh sáng: Bạn có thể soi đồng tiền dưới ánh sáng,  tờ tiền thật sẽ hiện lên các hiện lên các bóng chìm một cách sắc nét và ăn khít với nhau. Theo đó:
    • Tiền polymer mệnh giá 20.000 đồng đến 500.000 đồng khi soi dưới ánh sáng sẽ thấy chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh
    • Tiền polymer mệnh giá 10.000 đồng khi soi dưới ánh sáng sẽ thấy hình ảnh của chùa Một Cột
  • Vuốt đồng tiền bằng tay và cảm nhận độ nhám: Bạn hãy dùng tay vuốt nhẹ trên mặt tờ tiền, nếu ở các vị trí in nổi bạn cảm nhận được độ nhám nhưng vẫn trơn trượt và không có độ nổi thì là tiền thật.
  • Kiểm tra các ô trong suốt: Trên các đồng tiền polymer Việt Nam đều có một ô trong suốt ở góc đồng tiền. Khi đưa cửa sổ trong suốt này tới gần sát mắt, nhìn xuyên qua cửa sổ tới nguồn sáng đỏ phát ra từ bóng đèn sợi đốt hoặc bật lửa…bạn sẽ thấy hình ẩn xung quanh nguồn sáng và mỗi mệnh giá tiền sẽ có một hình ảnh đặc trưng riêng bạn nhé. Nếu là tiền giả sẽ không thấy có yếu tố này.
  • Chao nghiêng tờ tiền: Khi chao nghiêng tờ tiền và quan sát, bạn sẽ thấy mực đổi màu chuyển từ màu vàng sang màu xanh lá cây hoặc ngược lại. Cách này chỉ áp dụng cho các tiền Việt Nam polymer mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng.
  • Soi tiền bằng máy: Tại các ngân hàng, cửa hàng vàng bạc có máy soi tiền, bạn có thể phân biệt bằng cách cho tờ tiền vào máy để soi. Đây là cách kiểm tra chính xác và nhanh chóng nhất.

Trên đây là các thông tin về việc in, đúc tiền Việt Nam. Hy vọng qua bài viết này bạn đã nắm rõ địa chỉ in tiền Việt Nam, quy trình cũng như các thông tin về chất liệu in tiền và cách phân biệt tiền thật, tiền giả.