Tịch thu tài sản là gì? Quy định về hình phạt tịch thu tài sản – Công ty Luật Quốc tế DSP

Tịch thu tài sản là một trong những hình phạt bổ sung được quy định trong Bộ luật Hình sự. Đây là hình phạt tương đối nghiêm khắc vì đã tước bỏ đi quyền tài sản của người phạm tội, nhưng trên thực tế không phải ai cũng hiểu rõ về hình phạt này. Vậy tịch thu tài là gì? Quy định của pháp luật về tịch thu tài sản như thế nào? Có thể được áp dụng khi phạm tội gì? Thông qua bài viết dưới đây, Công ty Luật Quốc tế DSP sẽ cung cấp cho Quý bạn đọc những thông tin hữu ích liên quan đến hình phạt tịch thu tài sản.

1. Tịch thu tài sản là gì?

1.1. Khái niệm

Theo Điều 45 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “Tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước”.

Theo đó, tại điểm đ khoản 2 Điều 32 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì tịch thu tài sản là một trong những hình phạt bổ sung đối với người phạm tội, đó có thể là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để sung quỹ nhà nước.

Vậy, khi tài sản bị tịch thu thuộc sở hữu của người bị kết án, tức là tài sản đang được người bị kết án sử dụng hoặc đã được cho người khác vay, mượn, thuê, giữ để sử dụng hoặc đang cầm cố, thế chấp,… nhưng có đủ căn cứ chứng minh rằng thuộc sở hữu của người phạm tội thì tài sản vẫn bị tịch thu. Tài sản bị tịch thu này có thể tồn tại dưới dạng hiện vật hoặc là tiền, kể cả tiền gửi ngân hàng, quỹ tín dụng hoặc trái phiếu, tín phiếu,…

1.2. Mục đích

Pháp luật hình sự quy định về hình phạt tịch thu tài sản nhằm làm cho người phạm tội không còn điều kiện kinh tế để tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội hoặc nhằm để thu hồi triệt để các khoản thu lợi bất chính mà người phạm tội có được do thực hiện tội phạm. Đồng thời, hình phạt này còn góp phần răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm.

2. Nguyên tắc khi áp dụng hình phạt tịch thu tài sản

– Chỉ áp dụng với những trường hợp người phạm tội có thu nhập bất chính, có tài sản là do hành vi phạm tội mà có hoặc trong trường hợp nhận thấy có căn cứ khẳng định rằng nếu không tịch thu tài sản thì người đó sẽ sử dụng tài sản đó vào việc thực hiện tội phạm hoặc sẽ tiếp tục thực hiện tội phạm.

– Chỉ được tịch thu tài sản thuộc sở hữu của người phạm tội, đối với tài sản thuộc sở hữu chung của nhiều chủ sở hữu trong đó có người phạm tội, thì chỉ tịch thu phần tài sản thuộc quyền sở hữu của người phạm tội.

– Mức độ tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản của người bị kết án sẽ do Tòa án quyết định tùy thuộc vào tính chất phạm tội của người phạm tội trong từng vụ án.

– Khi tịch thu toàn bộ tài sản không được tước đoạt tất cả mà phải dành cho người bị kết án và gia đình họ một khoản tài sản nhất định để đảm bảo điều kiện sinh sống, điều này thể hiện tính nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam.

3. Quy định của pháp luật về hình phạt tịch thu tài sản

3.1. Chủ thể có thẩm quyền áp dụng hình phạt tịch thu tài sản

Theo Điều 30 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, thì Tòa án là cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng hình phạt tịch thu tài sản đối với người phạm tội.

3.2. Điều kiện áp dụng hình phạt tịch thu tài sản

Tịch thu tài sản là một hình phạt nghiêm khắc vì hình phạt đã tước bỏ đi quyền tài sản của người phạm tội. Do vậy, để áp dụng hình phạt tịch thu tài sản thì phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 45 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, như sau:

Thứ nhất, chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Theo đó, để xác định về mức độ phạm tội làm căn cứ cho việc áp dụng hình phạt, thì cần dựa theo Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó:

– Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;

– Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;

– Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình

Trường hợp người bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng thì không bị áp dụng hình phạt bổ sung tịch thu tài sản, dù quy định của pháp luật về tội đó có điều khoản về hình phạt này.

Thứ hai, hành vi của người bị kết án xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật Hình sự quy định.

Ví dụ: Nguyễn Văn A sử dụng xe ô tô cá nhân của mình để vận chuyển 25 gam heroin và bị phát hiện. Theo đó A phạm vào Tội vận chuyển trái phép chất ma túy tại điểm h khoản 2 Điều 250 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức phạt tù từ 10 năm (tội phạm rất nghiêm trọng). A đã sử dụng xe ô tô cá nhân làm phương tiện để thực hiện hành vi vi phạm tội là vận chuyển heroin, nên Tòa án đã ra quyết định áp dụng hình phạt bổ sung tịch thu xe ô tô cá nhân của A.

Theo đó, ngoài những tội phạm như tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm tham nhũng, thì trong trường hợp điều luật cụ thể quy định về tội phạm khác mà có hình phạt bổ sung là tịch thu tài sản thì cũng có thể áp dụng hình phạt tịch thu tài sản.

Ví dụ: Huỳnh Văn B phạm vào Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại khoản 2 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức phạt tù cao nhất là 07 năm, thuộc trường hợp tội phạm nghiêm trọng. Đồng thời tại khoản 5 của điều luật này cũng quy định: “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”. Vậy nên, trong trường hợp này, bên cạnh hình phạt tù, thì B có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

4. Căn cứ pháp lý

– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Quốc tế DSP về hình phạt tịch thu tài sản và các vấn đề pháp lý có liên quan. Để hiểu rõ hơn về vấn đề trên, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với Công ty Luật Quốc tế DSP để nhận được sự tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Mọi thông tin chi tiết, Quý khách vui lòng liên hệ với Công ty Luật Quốc tế DSP chúng tôi theo:

Điện thoại: 0236 222 55 88

Hotline: 089 661 6767 hoặc 089 661 7728

Email: [email protected]

Fanpage: facebook.com/dsplawfirm.vn

Miền Trung: 87 Phạm Tứ, Quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam

Miền Nam: Tầng 2, Toà nhà GP Bank, 83 Đinh Tiên Hoàng, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam

Hoa Kỳ: 9869 Coronado Lake Drive, Boynton Beach City, Florida 33437, USA

Rất mong được hợp tác cùng Quý khách hàng!