Tích cực tuyên truyền, đề xuất giải pháp đưa nhanh Luật Quốc phòng năm 2018 vào cuộc sống

Các ý kiến phát biểu và tham luận gửi tới Ban tổ chức cuộc tọa đàm đã nêu bật nhiều vấn đề quan trọng xung quanh việc xây dựng, nhất là đề xuất giải pháp tổ chức thực hiện Luật Quốc phòng bảo đảm nhanh chóng, hiệu quả, thiết thực. Báo Quân đội nhân dân trân trọng trích đăng các tham luận, ý kiến tâm huyết tại cuộc tọa đàm.

Thượng tướng NGUYỄN VĂN RINH, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam: Tạo tiềm lực chính trị tinh thần trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân

Luật Quốc phòng được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 8-6-2018 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 nêu rõ: “Nền quốc phòng toàn dân là sức mạnh quốc phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực, tài chính, mang tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường”.

leftcenterrightdel

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh. Ảnh: DUY ĐÔNG – HOÀNG HÀ.

Bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; trong nước bên cạnh những thuận lợi và cơ hội, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức… Điều đó, đòi hỏi việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) cần thực chất hơn, bằng nhiều giải pháp đồng bộ hơn, trong đó tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo tiềm lực chính trị tinh thần trong xây dựng nền QPTD, thế trận chiến tranh nhân dân.

Một đối tượng cần được quan tâm, tuyên truyền và bảo đảm tốt công tác chính sách, tạo sự đồng thuận, đoàn kết và tạo sức mạnh tổng hợp trong xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần của đất nước, chính là người có công (NCC) với cách mạng. Hiện nay trên cả nước có khoảng 9 triệu  NCC. Hệ thống văn bản pháp luật về ưu đãi NCC hiện hành đã đáp ứng và cơ bản thể chế hóa được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NCC, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia tích cực vào việc “đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo, trợ giúp NCC và tạo điều kiện để NCC tiếp tục vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng và các chính sách ưu đãi đối với NCC đã bộc lộ những hạn chế, bất cập; tạo những kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng, kích động, lôi kéo một số cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học… tham gia biểu tình, gây rối. Chính vì vậy, việc quan tâm chăm lo thực hiện tốt chính sách NCC trong bối cảnh, tình hình hiện nay thực chất là giải pháp cơ bản nhằm tạo sự ổn định chung của xã hội, sự đồng thuận chung của nhân dân đối với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo nền tảng để thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

—————————————-

Đồng chí ĐỖ TIẾN SỸ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên: Đạo luật rất quan trọng, chi phối toàn bộ hệ thống pháp luật về quốc phòng

Luật Quốc phòng năm 2018 là đạo luật rất quan trọng, chi phối toàn bộ hệ thống pháp luật về quốc phòng, tác động đến hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh (QPAN) và đối ngoại. Luật Quốc phòng năm 2018 đã thể chế hóa đầy đủ quan điểm, đường lối của Đảng về quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, LLVT nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc, đồng thời cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, thống nhất với hệ thống pháp luật về QPAN và pháp luật có liên quan. Đáng chú ý là Luật Quốc phòng năm 2018 có nhiều quy định mới, tạo khung pháp lý quan trọng để tăng cường sức mạnh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; hình thái chiến tranh trong tương lai có nhiều thay đổi, phát triển.

leftcenterrightdel

Đồng chí Đỗ Tiến Sỹ. Ảnh: DUY ĐÔNG – HOÀNG HÀ.

Quán triệt thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với QPAN và QPAN với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội…”, những năm qua, Tỉnh ủy Hưng Yên luôn quan tâm kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) gắn với QPAN trong tình hình mới… Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan lập quy hoạch phát triển tổng thể KT-XH gắn với QPAN giai đoạn 2011-2020 và những năm tiếp theo. Trước sự chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tốc độ đô thị hóa nhanh, tỉnh kịp thời bổ sung quy hoạch đất vào mục đích quốc phòng, điều chỉnh quy hoạch ngành, sản phẩm bảo đảm yêu cầu gắn giữa phát triển tổng thể KT-XH với xây dựng thế trận khu vực phòng thủ (KVPT), phục vụ nhiệm vụ củng cố QPAN, vừa kết hợp phục vụ dân sinh trong thời bình, vừa sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ QPAN trong thời chiến. Các dự án đều được thực hiện đúng quy định về trình tự lập, thẩm định phê duyệt và quản lý, quy hoạch trên địa bàn tỉnh; vừa bảo đảm nhu cầu phát triển KT-XH, vừa bảo đảm yêu cầu xây dựng KVPT tỉnh, huyện, tạo thế liên hoàn, vững chắc, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh. Bên cạnh việc chú trọng phát triển KT-XH, tỉnh còn tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả công tác quân sự, quốc phòng địa phương; chú trọng xây dựng, huấn luyện, nâng cao trình độ mọi mặt cho LLVT có đủ khả năng SSCĐ và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống…

——————————————-

Trung tướng PHÙNG KHẮC ĐĂNG, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam: Phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện Luật Quốc phòng

Luật Quốc phòng 2018 ra đời kịp thời, phù hợp với sự phát triển của tình hình trong nước và quốc tế; là cơ sở pháp lý rất tốt để các cấp, các ngành từ địa phương đến Trung ương bám sát trong vận dụng và thực thi pháp luật. Dư luận xã hội, nhất là những người mà tính chất công việc có liên quan đến luật này đánh giá rất cao về chất lượng của Luật Quốc phòng 2018.

leftcenterrightdel

Trung tướng Phùng Khắc Đăng. Ảnh: DUY ĐÔNG – HOÀNG HÀ

Việc cho ra đời một luật tốt mất rất nhiều công sức và trí tuệ, nhưng làm sao đưa luật vào cuộc sống, làm cho hiệu lực của luật được phát huy, đó mới là cái đích mà nhân dân và Quốc hội mong muốn. Câu hỏi đặt ra là làm gì, làm thế nào để phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực thi luật. Kinh nghiệm và bài học thực tiễn cho thấy, bất cứ một sứ mệnh nào, bất cứ một nhiệm vụ nào do Đảng lãnh đạo, dù khó khăn đến mấy, nhưng tạo ra được nguồn sức mạnh tổng hợp, được quần chúng đồng tình thì đều có thể hoàn thành được. Lịch sử đã chứng minh, từ trong chiến tranh đến hòa bình, lúc nào, khi nào mà hệ thống chính trị vững mạnh, có sự đồng thuận cao, nhân dân đồng tình ủng hộ, khi đó thành quả và thắng lợi là chắc chắn.

Như trên đã nói, Luật Quốc phòng là luật rất quan trọng, có thể coi đó là luật định hướng và chi phối các luật chuyên ngành trong cùng lĩnh vực. Việc phát huy được sức mạnh tổng hợp và thực thi nó có ảnh hưởng rất lớn đến hai nhiệm vụ chiến lược. Để Luật Quốc phòng phát huy được hiệu lực, vấn đề đầu tiên là phải tăng cường làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật cho mọi tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị, mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là những lực lượng nòng cốt có liên quan trực tiếp đến thực thi luật này. Các đối tượng trên phải hiểu rõ vị trí, vai trò của luật, hiểu rõ nội dung của luật, những vấn đề mới được xác định trong luật, mối quan hệ của nó với Hiến pháp, với các luật chuyên ngành gần gũi với Luật Quốc phòng; phải thấy hết những khó khăn,vướng mắc trong quá trình thực hiện luật, để có những giải pháp tháo gỡ, nhất là khi các luật ra đời trước, hoặc sau Luật Quốc phòng có những điều bất cập; tạo ra được một nhận thức thống nhất về tư tưởng, quan điểm trong xây dựng luật, hiểu đúng bản chất của các điều luật đã được ban hành để thực hiện không sai lệch…

————————————————-

Đồng chí NGUYỄN TÚC, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với việc thực thi Luật Quốc phòng

Để đưa Luật Quốc phòng năm 2018 vào cuộc sống, trước hết, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tập trung thực hiện việc mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức, góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (trong đó có Luật Quốc phòng) và các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh (QPAN) vào cuộc sống, đến với từng nhà, từng người dân. Thông qua các tổ chức thành viên, tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, tinh thần tự lực, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho đoàn viên, hội viên. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm tăng cường QPAN, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ công cuộc xây dựng đất nước ổn định và phát triển.

leftcenterrightdel

Đồng chí Nguyễn Túc. Ảnh: DUY ĐÔNG – HOÀNG HÀ

Thời gian tiếp theo, MTTQ Việt Nam tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực và chủ động tham gia Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” với người có công. Trong đó, cùng với vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, hưởng ứng Ngày hội Quốc phòng toàn dân, đẩy mạnh Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; thực hiện và giám sát thực hiện chính sách hậu phương quân đội bằng những hoạt động cụ thể; tổ chức tốt việc động viên thanh niên nhập ngũ và giải quyết việc làm cho thanh niên xuất ngũ về địa phương. Vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về QPAN; tham gia tích cực vào công tác quân sự, quốc phòng ở địa phương…

————————————————-

Thiếu tướng PHẠM QUANG NGÂN, Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ, Bộ Tổng Tham mưu: Sự cần thiết ban hành Luật Quốc phòng năm 2018

Sau hơn 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng năm 2005 đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc chưa được thể chế và cụ thể hóa; một số nội dung của Luật Quốc phòng năm 2005 chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan về quốc phòng, nhiều nội dung về hoạt động quốc phòng chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ; quá trình thực hiện bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc… Cụ thể:

Thứ nhất, từ năm 2005 đến nay, Đảng ta đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị với nhiều chủ trương, quan điểm mới về bảo vệ Tổ quốc, về quốc phòng, an ninh (QPAN) cần phải được thể chế hóa.

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Phạm Quang Ngân. Ảnh: DUY ĐÔNG – HOÀNG HÀ

Thứ hai, Hiến pháp năm 2013 có nhiều quy định mới về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; tuyên bố, công bố, bãi bỏ tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; việc LLVT nhân dân thực hiện nghĩa vụ quốc tế, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới; xây dựng quân đội nhân dân và dân quân tự vệ; hội đồng QPAN; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bình đẳng giới; việc kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN và một số quy định khác liên quan đến quốc phòng. Trong khi đó, Luật Quốc phòng năm 2005 chưa quy định hoặc quy định chưa đầy đủ để phù hợp với Hiến pháp mới.

Thứ ba, qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng 2005 trên phạm vi cả nước, các cơ quan, tổ chức, địa phương đều kiến nghị, đề xuất cần sửa đổi, bổ sung các quy định của luật cho phù hợp với các quan điểm, chủ trương mới của Đảng và Hiến pháp năm 2013.

Thứ tư, từ thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới, những năm gần đây và dự báo chiến tranh trong tương lai, ngoài chiến tranh truyền thống còn xuất hiện chiến tranh phi quy ước, chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng và việc sử dụng vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng, an ninh phi truyền thống, sẽ được sử dụng là chủ yếu, ngay từ đầu và trong suốt cuộc chiến tranh. Mặt khác, thế giới đã và đang có nhiều thay đổi khó lường về phương thức, quy mô, phạm vi, không gian, thời gian, môi trường, lực lượng và thủ đoạn tác chiến… trong chiến tranh. Nhằm chủ động ngăn ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi và ứng phó thắng lợi trong mọi tình huống, đánh bại mọi hình thức chiến tranh xâm lược nếu xảy ra, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Quốc phòng…

Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, việc xây dựng, ban hành Luật Quốc phòng năm 2018 là cần thiết.

———————————-

Thượng tọa, TS THÍCH ĐỨC THIỆN, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự-Trưởng ban Phật giáo quốc tế, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Tiếp tục làm tốt việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho chức sắc tôn giáo

Việt Nam là một quốc gia có đời sống sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng phong phú và đa dạng. Các tổ chức và hoạt động tôn giáo, đội ngũ chức sắc, tín đồ tôn giáo có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, trong những năm qua, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng tôn giáo và nhân quyền để chống phá Đảng và Nhà nước ta. Bởi vậy, việc nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh (QPAN) cho chức sắc tôn giáo hiện nay là cấp thiết và vô cùng quan trọng…

leftcenterrightdel

Thượng tọa, TS Thích Đức Thiện. Ảnh: DUY ĐÔNG – HOÀNG HÀ

Những năm gần đây, Ban Thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQPAN) Trung ương phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, hội đồng GDQPAN các quân khu tổ chức bồi dưỡng kiến thức QPAN cho chức sắc, nhà tu hành và đại diện các tổ chức tôn giáo, góp phần đưa đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo và kiến thức QPAN đến với đồng bào có đạo. Do đó, từ năm 2003 đến nay, đã có hơn 250.000 chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo được bồi dưỡng kiến thức QPAN.

Thông qua các lớp bồi dưỡng, chức sắc các tôn giáo có dịp cập nhật kiến thức QPAN; hiểu rõ hơn về cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ quân đội. Đây cũng là dịp để các tôn giáo giao lưu, học hỏi và tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng. Nhờ đó, khi tuyên truyền về những nội dung liên quan đến QPAN cho tín đồ, chức sắc tôn giáo, đều bảo đảm đúng với chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; làm rõ âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; phản ánh đúng đắn chủ trương kết hợp phát triển kinh tế, xã hội gắn với tăng cường, củng cố QPAN của Đảng, Nhà nước. Trên cơ sở đó, các chức sắc, chức việc các tôn giáo đã nêu cao trách nhiệm công dân, tuyên truyền, vận động tín đồ, đạo hữu, giáo dân, phật tử tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Về phía tổ chức tôn giáo, để cụ thể hóa các kiến thức đã được trang bị tại các khóa bồi dưỡng kiến thức QPAN, nhiều sáng kiến, mô hình trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc đã được đưa vào thực tiễn… Các chức sắc tôn giáo đã thể hiện rõ tinh thần chung sức trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; thực hiện tốt công tác vận động bà con các tôn giáo đoàn kết, yêu nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

——————————————————

PGS, TS ĐỖ CHÍ NGHĨA, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân: Phát huy vai trò của báo chí trong tuyên truyền và tổ chức thực hiện Luật Quốc phòng

Luật Quốc phòng năm 2018 có hiệu lực từ ngày 1-1-2019; trong đó, tại Khoản 3, Điều 5 có riêng một quy định rất mới về quyền của công dân trong việc được thông tin, phổ biến các quy định của pháp luật về quốc phòng: “Công dân được tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng; giáo dục quốc phòng và an ninh; trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật”.

leftcenterrightdel

PGS, TS Đỗ Chí Nghĩa. Ảnh: DUY ĐÔNG – HOÀNG HÀ

Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh, thông tin lan tràn, thiếu sự kiểm chứng thì việc phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông chính thống cần thiết hơn bao giờ hết. Bởi vậy, tùy từng điều kiện, đặc thù cụ thể, các cơ quan báo chí chính thống nên mở các chuyên trang, chuyên mục về quốc phòng, an ninh, về thế trận chiến tranh nhân dân, để khắc sâu tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm của mỗi công dân với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với trách nhiệm của mình, Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để đưa Luật Quốc phòng nhanh chóng đi vào cuộc sống. Chúng tôi rất mong được Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị tạo điều kiện chỉ đạo các đơn vị liên quan để phóng viên của báo được tiếp cận, viết bài tuyên truyền về các hoạt động thực hiện Luật Quốc phòng, cả kết quả và những vướng mắc, khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Tuyên truyền về Luật Quốc phòng nói riêng, về hoạt động quân sự, quốc phòng nói chung là trách nhiệm của cả hệ thống báo chí, trong đó báo chí quân đội giữ vai trò nòng cốt. Với vai trò là cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện, mong Báo Quân đội nhân dân và các cơ quan báo chí trong quân đội tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí khác, trong đó có Báo Đại biểu Nhân dân, tuyên truyền kịp thời, chính xác về quan điểm, đường lối, chính sách quốc phòng của Đảng, Nhà nước nói chung, Luật Quốc phòng nói riêng đến mỗi người dân, các đại biểu cơ quan dân cử. Báo Đại biểu Nhân dân cũng mong muốn được phối hợp với Báo Quân đội nhân dân, Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội và các cơ quan liên quan tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo để tuyên truyền sâu hơn các nội dung của Luật Quốc phòng, các chủ trương, chính sách mới liên quan đến quân đội và nền quốc phòng toàn dân tới các đối tượng bạn đọc.

————————————

Thiếu tướng, TS, NGND NGUYỄN THIỆN MINH, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng-An ninh, Bộ Giáo dục và Đào tạo: Triển khai thực chất nhiệm vụ quốc phòng, an ninh

Nội dung bồi dưỡng, giáo dục kiến thức quốc phòng và an ninh (GDQPAN) cho giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì có sự tham gia của các cơ quan bộ, ngành Trung ương. Đặc biệt, việc cập nhật kiến thức từ hệ thống luật pháp quốc tế về chủ quyền biển, đảo; các nội dung mới liên quan đến nhận thức, kỹ năng quân sự, QPAN được tiến hành bài bản, thường xuyên. Sự tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, như nghị định, thông tư về GDQPAN luôn có sự tham gia tích cực của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ…

leftcenterrightdel

Thiếu tướng, TS, NGND Nguyễn Thiện Minh. Ảnh: DUY ĐÔNG – HOÀNG HÀ

Qua thực tế công tác GDQPAN ở Bộ GD&ĐT, chúng tôi thấy, nhiệm vụ quân sự, QPAN nói chung, việc thực hiện Luật Quốc phòng và các văn bản quy phạm pháp luật khác về QPAN nói riêng đối với bộ, ngành Trung ương là rất quan trọng, do đó cần đưa vào nội dung chấm điểm thi đua đối với từng cá nhân lãnh đạo cấp bộ và đối với tập thể các bộ, ngành Trung ương để bảo đảm tính toàn diện trong chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ QPAN. Công tác kiểm tra, giám sát, công tác thi đua của các cán bộ cần tập trung vào những nội dung chính, như: Hoạt động chỉ đạo diễn tập về nội dung QPAN; hoạt động duy trì, đôn đốc cán bộ thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ này; công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ QPAN thường xuyên ở cơ quan, đơn vị do mình quản lý… Đi liền với đó cần tích cực đầu tư cho nhiệm vụ QPAN, tức là phải triển khai hoạt động thực chất các nội dung về QPAN, trong đó có việc bồi dưỡng kiến thức về QPAN cho các lãnh đạo thuộc quyền (nhất là cấp ban, vụ), đầu tư ngân sách, mua sắm trang bị, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực QPAN… Mặt khác, cấp trên cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự, QPAN của các bộ, ngành Trung ương, kịp thời chấn chỉnh những lệch lạc trong tổ chức thực hiện. Bản thân các bộ, ngành cũng phải tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị trực thuộc cấp mình, bảo đảm cho việc thực hiện nhiệm vụ QPAN được toàn diện, triệt để, thực sự có chất lượng, hiệu quả trong thực tiễn…

—————————————-

Đồng chí LÊ QUANG TOÁN, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Cơ quan Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Cần phát huy tốt vai trò của cựu chiến binh

Lực lượng cựu chiến binh (CCB) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chính là lực lượng nòng cốt trong thực hiện các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS, QP) nói chung và thực hiện Luật Quốc phòng nói riêng trong tập đoàn. Từ khi Luật Quốc phòng có hiệu lực thì lực lượng CCB luôn đi đầu trong triển khai, thực hiện. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy tập đoàn, sự chỉ đạo của Hội đồng thành viên, Hội CCB PVN đã phối hợp chặt chẽ với các bộ phận chức năng, triển khai đồng bộ các hoạt động, như: Tổ chức tuyên truyền về Luật Quốc phòng trong toàn đơn vị; thông tin kịp thời về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh (QPAN)… cho cán bộ, hội viên CCB và đoàn viên, thanh niên.

leftcenterrightdel

Đồng chí Lê Quang Toán. Ảnh: DUY ĐÔNG – HOÀNG HÀ

Trong thời gian tới, Hội CCB PVN sẽ cùng tập thể người lao động tiếp tục phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, đóng góp xây dựng ngành dầu khí không ngừng phát triển, góp phần tích cực vào xây dựng và phát triển đất nước. Việc thực hiện Luật Quốc phòng trong ngành dầu khí là rất quan trọng, nhất quán với thực hiện chủ trương gắn phát triển kinh tế-xã hội với củng cố QPAN của Đảng ta. Do đó, hội CCB sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tập đoàn triển khai tuyên truyền và thực hiện Luật Quốc phòng tích cực, hiệu quả hơn nữa trong toàn ngành.

Chúng tôi cũng nhận thấy, nhiệm vụ phổ biến, tuyên truyền Luật Quốc phòng cần phải được nhân rộng ở tất cả các cấp hội thuộc Hội CCB Việt Nam. Bởi CCB là những người từng trải qua chiến tranh, trải qua quân ngũ, có nhiều kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ QS, QP, do đó sẽ là lực lượng quan trọng giúp các địa phương, cơ sở triển khai hiệu quả Luật Quốc phòng trong cuộc sống.

NHÓM PHÓNG VIÊN PHÒNG BIÊN TẬP QUỐC PHÒNG – AN NINH (lược ghi)