Thúy Vân “mày rậm” hay thân hình nở nang? – Giáo dục Việt Nam
(GDVN) – Một câu thơ 6 chữ của đại thi hào Nguyễn Du, tưởng chừng đơn giản, nhưng thời gian qua, cả trên sách giáo khoa, dường như mọi người đã hiểu chưa chuẩn về nó.
Truyện Kiều, kiệt tác thơ nôm của Đại thi hào Nguyễn Du, có thể nói người Việt ai cũng biết. Xung quanh tác phẩm của ông cũng có hàng nghìn công trình nghiên cứu, mổ xẻ.
Tòa soạn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam vừa nhận được một góp ý của tác giả Huy Thư, người xứ nghệ, về một đoạn trích Truyện Kiều trong sách giáo khoa lớp 9. Theo tác giả, cách giải thích của sách là không đúng, gây hiểu lầm ý tứ thực của Đại thi hào.
Đây là góc nhìn riêng của tác giả, nhưng cũng rất đáng chú ý. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Hồi học sinh, tôi cứ phân vân về một câu thơ trong đoạn trích: “chị em Thúy Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du (1765 – 1820). Vào đại học, dẫu đã trao đổi chuyện này với nhiều người, kể cả các thầy cô và sinh viên khoa Văn, nhưng cho đến bây giờ, cái băn khoăn ấy trong tôi, vẫn còn chưa dứt.
Số là, câu thơ “khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” từ xưa tới nay, vẫn được sách giáo khoa (SGK) các cấp phổ thông (nay là sách Ngữ Văn lớp 9, tập 1, trang 82) chú thích như sau: “Khuôn trăng đầy đặn: gương mặt đầy đặn như mặt trăng tròn; nét ngài nở nang (nét ngài: nét lông mày) ý nói lông mày hơi đậm, cốt tả đôi mắt đẹp… ”.
Theo tôi, hiểu thế này là không ổn lắm. Đành rằng với kiệt tác thơ nôm đồ sộ 3254 câu lục bát của truyện Kiều, không ai dám nói, đã hiểu hết ngọn ngành từng chân tơ kẽ tóc, nhưng đoạn trích “chị em Thúy Kiều” là đoạn thơ đã được nghiên cứu kỹ và đưa vào giảng dạy từ lâu trong nhà trường.
Bốn câu thơ “Vân xem trang trong khác vời/ Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang/ Hoa cười ngọc thốt đoan trang/ Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da” Nguyễn Du đã tập trung miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân một cách tổng quát, từ khuôn mặt, vóc dáng, cho tới mái tóc, làn da, đúng như quan niệm dân gian “nhất dáng, nhì da, thứ ba mái tóc”. Vẻ đẹp “đoan trang” ấy, bắt đầu từ khuôn mặt “khuôn trăng đầy đặn” cho tới thân thể “nét ngài nở nang”. Thiên nhiên cũng ngưỡng mộ vẻ đẹp phúc hậu của nàng, nên “hoa” phải “cười”, “ngọc” phải “thốt”. Tuyết, mây không thể sánh được vẻ đẹp của con người nên đành nhường lại “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”
Theo tôi, chữ “nét ngài” trong câu thơ “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” không phải là “nét lông mày” như chú thích của SGK. Nguyễn Du đã rất tinh tế, rất toàn diện khi nhìn nhận vẻ đẹp của một người con gái.
Ông miêu tả khuôn mặt phúc hậu của Thuý Vân chỉ bằng 2 chữ “đầy đặn” và ngay sau đó, tác giả nói tới thân hình của nàng bằng 2 chữ “nở nang”, chứ không nói tới lông mày. Chúng ta thử hình dung, một người con gái có đôi lông mày rậm như con bướm ngài thì có đẹp không? Có đúng với thẩm mỹ Á Đông không? Nhân dân ta quan niệm về đôi mắt đẹp của người con gái là “con mắt lá răm lông mày lá liễu”. Thành ngữ “mắt phượng mày ngài” là để chỉ đôi mắt đẹp của những người quyền quý, sang trọng nói chung. Bởi vậy, chữ “nét ngài” ở câu thơ này, hiểu theo chú thích của SGK như bấy lâu nay là phi logic
Ông lang Chọi với kho Truyện Kiều cổ nhất đất Kinh Bắc
(GDVN) – Đó là ông Nguyễn Khắc Bảo người nổi tiếng với biệt hiệu truyền nhân 5 đời của Hiệu Chính tông cao Chọi và được nhân dân đặt cho biệt hiệu “ông lang Chọi”
Nguyễn Du là người xứ Nghệ, văn hóa xứ Nghệ đã ảnh hưởng không nhỏ đến thơ ca và được biểu hiện nhiều trong tác phẩm của ông, thông qua cách biểu đạt, hình ảnh, ngôn ngữ văn chương…. Người Nghệ có cả một kho từ vựng tiếng Nghệ, đủ các từ loại: danh từ, động từ, đại từ, thán từ… (tru – trâu; cợi – cưỡi; ngài – người; nhớp – bẩn….). Người Nghệ An, Hà Tĩnh, hiểu chữ “ngài” không chỉ đơn thuần là đại từ nhân xưng ngôi thứ 2 mà còn là danh từ, chỉ thân thể con người hoặc động vật. Ví dụ: ngài ngợm nhớp nhúa (thân thể dơ bẩn)…
Chúng ta đã biết, thời phong kiến, người Việt đọc, hiểu chữ Hán, thông qua âm Hán – Việt; còn chữ Nôm là sản phẩm sáng tạo của ông cha ta trên cơ sở chữ Hán, mặc dù khi viết phức tạp hơn, nhưng lại được đọc “thẳng”, hiểu ngay.
Nguyễn Du viết Truyện Kiều bằng chữ Nôm, nên ít nhiều đã ghi lại được phương ngữ Nghệ trên văn bản viết. Chữ “ngài” mà Nguyễn Du dùng trong câu thơ “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” là một từ địa phương, để chỉ thân thể con người. “Nét ngài” ở đây, là “nét người”, chỉ đường nét thân thể của Thuý Vân, nở nang, cân đối. Đó là vẻ đẹp hình thể hài hoà, trên thì có “khuôn trăng đầy đặn”; dưới thì có “nét ngài nở nang”.
Mọi người hãy xem những câu thơ Nguyễn Du nói về Từ Hải: “Râu hùm hàm én mày ngài/ Vai năm tấc rộng thân mười thước cao”. Ông chỉ miêu tả vài chi tiết nổi bật trên khuôn mặt Từ Hải, bên cạnh râu quai nón, hàm én, là đôi lông mày rậm như con bướm ngài. Cùng với “vai năm tấc”, “thân mười thước” đã góp phần khắc họa nên dung mạo Từ Hải hiên ngang, cao đẹp, phi thường. Chữ “ngài” trong “mày ngài” mới được hiểu trọn vẹn là đôi lông mày và thường được dùng để chỉ lông mày, dày dặn, rậm rạp, của người đàn ông. Chữ “ngài” trong câu thơ “Râu hùm hàm én mày ngài” mới đích thị được Nguyễn Du dùng để chỉ đôi lông mày.
Như vậy “nét ngài” trong câu thơ “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” không phải chỉ “nét lông mày”, mà là để chỉ “nét người” – nét thân thể của Thuý Vân.
Một câu thơ 6 chữ, tưởng chừng như đơn giản, nhưng thời gian qua, dường như mọi người đã hiểu chưa chuẩn về nó. Thiết nghĩ, đã đến lúc, chúng ta cần xem xét lại câu thơ, để hiểu đúng hơn những gì mà Đại thi hào Nguyễn Du muốn nói !
HUY THƯ