Thương mại hóa sản phẩm nông sản chế biến Việt | Xã hội | Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

Thương mại hóa sản phẩm nông sản chế biến Việt

Chiều ngày 19/4, tại Tọa đàm “Dưỡng chất từ trái cà pháo và cà pháo lên men” tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp cho biết, trên khắp vùng, miền Việt Nam có không ít loại thực phẩm lên men đã trở thành món ăn đặc sản, nhưng chưa có điều kiện thuận lợi để đưa ra thị trường bán lẻ. Đồng thời, cũng có nhiều sản phẩm nông sản chế biến tiềm năng, nhưng chưa được thương mại hóa và đến với người tiêu dùng.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư, nghiên cứu, phát triển đa dạng sản phẩm nông sản chế biến với chất lượng đạt tiêu chuẩn, mẫu mã thiết kế phong phú; trong đó, có thể kể đến những dòng sản phẩm nông sản muối chua đã đổi mới sáng tạo từ khâu nguyên liệu, sản xuất… cho đến chủng loại, thương hiệu trên thị trường.

Thuong mai hoa san pham nong san che bien Viet hinh anh 1

Sản phẩm mắm cà pháo của Sông Hương Foods. Nguồn: thegioihoinhap.vn

Điển hình, Công ty Chế biến thực phẩm công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods) – Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, sau hơn 25 năm hoạt động trong ngành chế biến thực phẩm đã tung ra thị trường đa dạng món gia truyền, đặc sản Việt, gồm: mắm cà pháo, mắm tôm chua, mắm cá cơm, mắm ruốc Huế, mắm tôm bắc, mắm cá lóc, mắm nêm pha sẵn, dưa mắm… Hay những món ngâm như củ kiệu, dưa món, ớt xay; bánh nậm, bánh bột lọc Huế…

Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Sông Hương Foods cho biết, riêng với mặt hàng nông sản trái cà pháo, Sông Hương Foods đã nghiên cứu, chế biến và sản xuất được 6 dòng sản phẩm gồm: cà pháo muối, mắm cà pháo, mắm cà pháo chay, cà pháo mắm nêm, tôm chua cà pháo và cà pháo chua cay. Đây là những món được lên men tự nhiên bằng quy trình lên men truyền thống có cải tiến ứng dụng công nghệ, đảm bảo tạo ra sản phẩm cà pháo chế biến an toàn và đậm đà từ gia vị thiên nhiên.

Ở góc độ chuyên gia, PSG.TS Trịnh Khánh Sơn, Phó Trưởng khoa Công nghệ Hóa học và Thực phẩm – Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh cho hay, trái cà pháo nói riêng và nhiều nông sản Việt khác nói chung khi lên men sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dùng và có thể sử dụng tiện lợi trong bữa ăn hàng ngày. Những sản phẩm nông sản Việt đã có phương thức sơ chế, chế biến truyền thống thường được sử dụng phổ biến, nhưng trên phương diện truyền thông chưa được quan tâm đúng mức để có thể xây dựng thành thương hiệu Việt.

PSG.TS Trịnh Khánh Sơn chỉ ra rằng, như hạt đậu nành, khi ăn sống trong một số trường hợp không tốt nhưng nếu nấu chín và lấy sữa hay lên men làm khuôn đậu non thì lại khá tốt. Còn trái cà pháo khi lên men sẽ giúp loại bỏ những dưỡng chất không tốt và trở thành sản phẩm tiện lợi cho người sử dụng.

Nhằm nâng tầm cho mặt hàng nông sản Việt, hiện nay có không ít doanh nghiệp đã cho thấy chiến lược xây dựng thương hiệu bài bản thông qua triển khai hoạt động đầu tư nhà máy chuyên sản xuất và chế biến, phục vụ cho nhu cầu phát triển nhóm dòng sản phẩm nông sản chế biến Việt. Từ đó, doanh nghiệp vừa từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất kinh doanh, vừa xây dựng vùng nguyên liệu và hỗ trợ người nông dân, mặt hàng nông sản Việt có đầu ra ổn định.

Với sự dẫn dắt của những doanh nghiệp dẫn đầu đã chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang hiện đại, nhất là nhóm doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, phong trào khởi nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam cũng được thúc đẩy phát triển mạnh với nhiều dự án thành công và phát triển thành doanh nghiệp trong những năm gần đây. Song song đó, các cơ quan quản lý, hiệp hội cũng đồng hành cùng những hoạt động hỗ trợ, kết nối, xúc tiến và tạo dựng nên hệ sinh thái, bệ đỡ cho những tổ chức, cá nhân tham gia khởi nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam.

Theo một số chuyên gia, ngoài những chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, thì đối với sản phẩm nông sản chế biến còn phải đảm bảo tính “chuẩn vị” ổn định cho thương hiệu dòng sản phẩm mới có thể tiếp cận khách hàng và mở rộng thị trường tiêu thụ, cũng như hình thành thương hiệu bền vững. Hơn thế nữa, doanh nghiệp muốn tiếp cận và trở thành nhà cung cấp trong ngành ẩm thực, nhà hàng, khách sạn… hay hướng đến thị trường xuất khẩu thì sản phẩm nông sản chế biến phải đáp ứng yêu cầu chất lượng không khác gì sản phẩm của nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác trong nhóm ngành lương thực, thực phẩm.

Vấn đề quan trọng hiện nay, doanh nghiệp nên chú trọng chiến lược nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng, khai thác được tiềm năng của thị trường nông sản chế biến để có định hướng sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng. Cụ thể, khi nói đến nông sản thì mọi người thường nghĩ về yếu tố tài nguyên bản địa, đặc sản vùng miền…, nhưng trong bối cảnh hiện nay có thể mở rộng đáp ứng tiêu chuẩn về dinh dưỡng, an toàn, tiện lợi… .

Mỹ Phương