Thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) – cho biết, KH&CN từ lâu đã là một bộ phận trọng yếu đối với phát triển kinh tế. Thị trường KH&CN có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế.
Đưa sản phẩm KH&CN nhanh chóng đi vào sản xuất và đời sống
Thời gian qua, xúc tiến thương mại đã đồng hành, phát triển cùng thị trường KH&CN ở nhiều lĩnh vực. Cụ thể, kết nối cung – cầu sản phẩm KH&CN giữa các viện nghiên cứu, các trường đại học, các nhà khoa học và DN KH&CN với các DN có nhu cầu áp dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh; tổ chức tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước về thiết bị, công nghệ, nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước đa dạng các lĩnh vực về nông lâm thủy sản, vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin, thông tin truyền thông, công nghiệp hỗ trợ…
Bên cạnh đó, xúc tiến thương mại hỗ trợ các DN KH&CN phát triển thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu; xúc tiến đầu tư nhằm đẩy mạnh chuyển giao công nghệ giữa DN trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế đất nước; xúc tiến tiêu thụ, xây dựng và quảng bá thương hiệu tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu cho các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN của các DN trong nước.
Theo ông Vũ Bá Phú, Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã lựa chọn “đổi mới, sáng tạo” là một trong ba giá trị cốt lõi của chương trình và đặt ra những tiêu chí liên quan về chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo; nghiên cứu và phát triển; quản trị tài sản trí tuệ; áp dụng sáng kiến, công nghệ, giải pháp mới của DN để xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, để hoạt động xúc tiến thương mại tham gia hiệu quả hơn vào công tác xúc tiến phát triển thị trường KH&CN, tạo điều kiện thuận lợi cho DN Việt Nam nhanh chóng gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững theo chiều sâu, cần lồng ghép với các hoạt động xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành, địa phương liên quan để thực thi hiệu quả cơ chế, chính sách phát triển thị trường KH&CN.
Cùng với đó, cần huy động tối đa nguồn lực của khu vực tư nhân và quốc tế nhằm từng bước liên thông với thị trường hàng hóa, lao động và tài chính, góp phần gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của hàng hóa “Made in Vietnam”, đồng thời bổ sung mạnh mẽ các sản phẩm KH&CN trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin, dự báo về các thị trường xuất nhập khẩu, thị trường trong nước, thông tin về thương mại – đầu tư của các nước, khu vực thị trường đã ký FTA với Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, CPTPP, Nhật Bản, Hàn Quốc… để các DN Việt Nam có thể kịp thời nắm bắt các thông tin, yêu cầu về kỹ thuật, quy định về quản lý, xuất nhập khẩu hàng hóa, phòng vệ thương mại, tạo động lực cần thiết để các DN chú trọng đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng, đổi mới công nghệ.
Mặt khác, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thu hút sự tham gia của các DN công nghệ vào phát triển các công cụ, nền tảng tạo thuận lợi cho các hiệp hội ngành hàng, DN… xúc tiến thương mại trên nền tảng số.