Thương mại hóa kết quả nghiên cứu Khoa học và phát triển công nghệ là gì?
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các yếu tố về lao động giá rẻ và vị trí địa lý không còn là lợi thế so sánh giữa các quốc gia. Thay vào đó là vai trò quyết định của khoa học và công nghệ (KH&CN) đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Do vậy, việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu KH&CN và phát triển công nghệ đang trở thành vấn đề cấp thiết, nhận được sự quan tâm chung của các cơ quan quản lý, các cơ sở nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp.
Thuật ngữ “thương mại” được đề cập trong Khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại Việt Nam (2005) như sau:
“1. Hoạt động thương mại là hoạt động sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”.
Bách khoa thư trực tuyến Wiki nhìn nhận thuật ngữ thương mại (commerce) dưới 2 góc độ: vi mô và vĩ mô. Dưới góc độ vi mô, thương mại bao gồm tất cả các hoạt động tạo nên giá trị gia tăng nhằm thu được lợi nhuận cho một tổ chức nào đó. Ở góc độ vĩ mô, thương mại là một hệ thống hay môi trường tác động tới các đối tượng sản xuất – kinh doanh của một nền kinh tế hay một quốc gia.
Cũng trong bách khoa thư Wiki, “Thương mại hoá” (commercialization) được định nghĩa là một quá trình hay một chu kỳ giới thiệu sản phẩm mới hay phương thức sản xuất-kinh doanh mới trên thị trường. Thuật ngữ “Thương mại hoá” thường bị sử dụng nhầm lẫn với “bán hàng”, “marketing” hay “phát triển kinh doanh”.
Tại Việt Nam, việc đánh giá khả năng thương mại hóa khi xét duyệt nhiệm vụ nghiên cứu còn chưa được quan tâm đúng mức. Mặc dù trong quá trình đề xuất và xét duyệt nhiệm vụ của một số chương trình có quy định bắt buộc nhưng các nội dung liên quan đến thương mại hóa còn tương đối hình thức.
Quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu Khoa học cần sự hỗ trợ với nguồn kinh phí lớn và cơ chế tài chính linh hoạt. Tại Việt Nam, các nguồn hỗ trợ để thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn chưa nhiều. Nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thông qua các nhiệm vụ còn thiếu các mục chi và định mức chi hợp lý, cũng như sự thiếu linh hoạt về cơ chế tài chính; còn các kênh hỗ trợ quốc tế cũng chưa mang lại hiệu quả đáng kể. Đặc biệt là sự thiếu vắng các doanh nghiệp.
Để phát triển qua các bước của quá trình thương mại hóa đòi hỏi một dự án phải trải qua nhiều rào cản khác nhau về công nghệ và thị trường. Bản thân một (hoặc một nhóm) tổ chức rất khó vượt qua các rào cản này. Đây là “thung lũng chết” mà các doanh nghiệp hoặc các tổ chức chính phủ cần hỗ trợ để dự án sống sót. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam các tổ chức trung gian hỗ trợ thương mại hóa công nghệ còn thiếu và yếu. Mặt khác, mối liên kết giữa khu vực nghiên cứu và sản xuất cũng chưa phát triển. Do vậy, việc triển khai các dự án thương mại hóa kết quả nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Khoản 7 Điều 3 Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2013 quy định về phát triển công nghệ như sau:
“7. Phát triển công nghệ là hoạt động sử dụng kết quả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, thông qua việc triển khai thực nghiệm và sản xuất thử nghiệm để hoàn thiện công nghệ hiện có, tạo ra công nghệ mới.”
Từ các khái niệm trên có thể thấy khái niệm thương mại hóa kết quả nghiên cứu Khoa học và phát triển Công nghệ được quy định theo Khoản 11 Luật chuyển giao công nghệ số 07/2017/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2017 như sau:
“11. Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là hoạt động khai thác, hoàn thiện, ứng dụng, chuyển giao, hoạt động khác có liên quan đến kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nhằm mục đích thu lợi nhuận.”
Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã và đang là những vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý trong nước và quốc tế quan tâm. Thương mại hóa kết quả nghiên cứu không chỉ góp phần tích cực thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ mà còn giúp đẩy nhanh ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về công nghệ và chuyển giao công nghệ
Luật Hoàng Anh