Thương mại điện tử là gì? Ai được phép kinh doanh thương mại điện tử?
Hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác. Vậy, pháp luật quy định ai được phép kinh doanh thương mại điện tử?
Mục Lục
1. Thương mại điện tử là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005, hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
Trong khi đó, khoản 1 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.
Như vậy, TMĐT bản chất vẫn là hoạt động mua bán hàng hoá nhưng thay vì diễn ra trực tiếp thông qua hành vi của các cá nhân, tổ chức thì sẽ diễn ra trên mỗi trường Internet trên các nền tảng là các website bán hàng, mạng viễn thông được đăng ký theo quy định của pháp luật.
2. Ai được phép kinh doanh thương mại điện tử?
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm:
– Thương nhân, tổ chức, cá nhân Việt Nam;
– Cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam;
– Thương nhân, tổ chức nước ngoài có sự hiện diện tại Việt Nam thông qua hoạt động đầu tư, lập chi nhánh, văn phòng đại diện, hoặc thiết lập website dưới tên miền Việt Nam.
Trường hợp không cư trú ở Việt Nam, muốn tạo website TMĐT tại Việt Nam, cá nhân, tổ chức nước ngoài trước hết cần đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật nước sở tại. Nếu không có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam thì phải sử dụng tên miền Việt Nam. Sau đó, cá nhân, tổ chức cần thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website TMĐT bán hàng theo quy định tại Điều 52 nghị định 52/2013/NĐ-CP.
3. Sàn giao dịch TMĐT là gì?
Sàn giao dịch TMĐT là một website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu của website có thể tiến hành toàn bộ hoặc một phần quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên website đó, Ví dụ một số cái tên như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đang vô cùng thành công khi triển khai hình thức này.
Định nghĩa Sàn giao dịch TMĐT được quy định cụ thể trong Điều 3 Nghị Định Số 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử. Pháp luật quy định về sàn giao dịch TMĐT nêu rõ, nếu website cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác đăng ký tài khoản, đăng tải thông tin, hình ảnh quảng cáo về doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ để kinh doanh thì bắt buộc phải đăng ký dưới dạng sàn giao dịch TMĐT.
Tuy nhiên, hiện đăng ký sàn giao dịch TMĐT chỉ các thương nhân, tổ chức mới được tiến hành, không áp dụng cho cá nhân. Do vậy, để website được duy trì, người thành lập cần đăng ký hình thức doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh cá thể. Sau đó mới tiến hành bước tiếp theo là đăng ký website cung cấp dịch vụ TMĐT (sàn giao dịch TMĐT). Hồ sơ đăng ký website cung cấp dịch vụ TMĐT theo hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư số 12/2013/TT-BCT quy định thủ tục thông báo, đăng ký và công bố thông tin liên quan đến website thương mại điện tử.
Căn cứ khoản 1 Điều 35 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT là thương nhân, tổ chức thiết lập website TMĐT để các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.
Việc tổ chức giao dịch trên sàn TMĐT được diễn ra dưới các hình thức:
– Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;
– Website cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;
– Website có chuyên mục mua bán trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ;
– Các loại website khác do Bộ Công Thương quy định.
Hiện nay, hình thức tạo lập website cho phép phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ đang rất phổ biến. Người tham gia trưng bày, giới thiệu hàng hoá có thể phải đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh theo quy định.
Tại Việt Nam, một số website về sàn giao dịch thương mại điện tử lớn là: Tiki, Shopee, Lazada, Sendo…
4. Trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT
Trách nhiệm của thương nhân, tổ chức khi cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT được pháp luật quy định cụ thể tại Điều 36 Nghị Định 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử như sau:
– Thương nhân, tổ chức đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định tại Mục 2 Chương IV Nghị định và công bố các thông tin đã đăng ký trên trang chủ website.
– Thương nhân, tổ chức xây dựng và công bố công khai trên website quy chế hoạt động của sàn giao dịch TMĐT theo quy định tại Điều 38 Nghị định này; theo dõi và bảo đảm việc thực hiện quy chế đó trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
– Yêu cầu thương nhân, tổ chức, cá nhân là người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 29 Nghị định này khi đăng ký sử dụng dịch vụ.
– Có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn giao dịch TMĐT được thực hiện chính xác, đầy đủ.
– Lưu trữ thông tin đăng ký của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia sàn giao dịch TMĐT và thường xuyên cập nhật những thông tin thay đổi, bổ sung có liên quan.
– Thiết lập cơ chế cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia sàn giao dịch TMĐT thực hiện được quy trình giao kết hợp đồng theo quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định này nếu website có chức năng đặt hàng trực tuyến.
– Áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân và thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
– Có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch TMĐT
– Hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật, cung cấp thông tin đăng ký, lịch sử giao dịch và các tài liệu khác về đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch TMĐT.
– Công bố công khai cơ chế giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch trên sàn giao dịch TMĐT. Khi khách hàng trên sàn giao dịch TMĐT phát sinh mâu thuẫn với người bán hoặc bị tổn hại lợi ích hợp pháp, phải cung cấp cho khách hàng thông tin về người bán, tích cực hỗ trợ khách hàng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
5. Trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch TMĐT
Người bán khi tham gia kinh doanh, buôn bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT cần phải đảm bảo hoàn thành các trách nhiệm sau:
Thứ nhất: Cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin theo quy định gồm: Tên và địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc tên và địa chỉ thường trú của cá nhân; Số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân, hoặc số, ngày cấp và đơn vị cấp quyết định thành lập của tổ chức, hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân; Số điện thoại hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác cho thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT khi đăng ký sử dụng dịch vụ.
Thứ hai: Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ như thông tin về giá cả; Thông tin về điều kiện giao dịch chung; Thông tin về vận chuyển và giao nhận; Thông tin về các phương thức thanh toán khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT.
Thứ ba:Đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên sàn giao dịch TMĐT.
Thứ tư: Thực hiện các quy định về giao kết hợp đồng sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên website thương mại điện tử theo quy định pháp luật khi ứng dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên sàn giao dịch TMĐT.
Thứ năm: Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử.
Thứ sáu: Tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT.
Thứ bảy: Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
6. Quy chế hoạt động của sàn giao dịch TMĐT
Quy chế hoạt động của sàn giao dịch TMĐT phải được thể hiện trên trang chủ của website. Quy chế hoạt động sàn giao dịch TMĐT phải bao gồm các nội dung sau:
– Quyền và nghĩa vụ của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT;
– Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ sàn giao dịch TMĐT;
– Mô tả quy trình giao dịch đối với từng loại giao dịch có thể tiến hành trên sàn giao dịch TMĐT;
– Hoạt động rà soát và thẩm quyền xử lý của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT khi phát hiện các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch;
– Quyền và nghĩa vụ của các bên trong các giao dịch được thực hiện trên sàn giao dịch TMĐT;
– Giới hạn trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT trong những giao dịch thực hiện trên sàn;
– Các quy định về an toàn thông tin, quản lý thông tin trên sàn giao dịch TMĐT;
– Cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa các bên liên quan đến giao dịch tiến hành trên sàn giao dịch TMĐT;
– Chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ sàn giao dịch TMĐT theo quy định tại Điều 69 Nghị định này;
– Biện pháp xử lý với các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trên sàn giao dịch TMĐT;
– Biện pháp xử lý vi phạm đối với những người không tuân thủ quy chế hoạt động của sàn giao dịch TMĐT.
Khi có thay đổi về một trong các nội dung nêu trên, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao TMĐT phải thông báo cho tất cả các đối tượng sử dụng dịch vụ sàn giao dịch TMĐT ít nhất 5 ngày trước khi áp dụng những thay đổi đó.
7. Điều kiện thiết lập Website thương mại điện tử bán hàng
Website thương mại điện tử bán hàng là website thương mại điện tử do các thương nhân, tổ chức, cá nhân tự thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình.
Các thương nhân, tổ chức, cá nhân được thiết lập website thương mại điện tử bán hàng nếu đáp ứng các điều kiện sau:
– Là thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân đã được cấp mã số thuế cá nhân.
– Đã thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng theo quy định;
Thủ tục thông báo thiết lập website thương mại điện tử bán hàng
Thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập website thương mại điện tử bán hàng phải thông báo với Bộ Công Thương thông qua công cụ thông báo trực tuyến trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử. Thông tin phải thông báo bao gồm:
– Tên miền của website thương mại điện tử;
– Loại hàng hóa, dịch vụ giới thiệu trên website;
– Tên đăng ký của thương nhân, tổ chức hoặc tên của cá nhân sở hữu website;
– Địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc địa chỉ thường trú của cá nhân;
– Số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân, hoặc số, ngày cấp và đơn vị cấp quyết định thành lập của tổ chức; hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân;
– Tên, chức danh, số chứng minh nhân dân, số điện thoại và địa chỉ thư điện tử của người đại diện thương nhân, người chịu trách nhiệm đối với website thương mại điện tử;
– Các thông tin khác theo quy định của Bộ Công Thương.