Thương hiệu bưởi Đoan Hùng mang lại giá trị kinh tế cao cho nhà vườn

Từ bao đời nay, bên dòng sông Lô hiền hòa, thơ mộng, người dân Đoan Hùng trồng, gìn giữ giống bưởi quý để nơi đây trở thành xứ sở quả ngọt không chỉ của đất Tổ Phú Thọ mà còn là đặc sản nổi tiếng của Việt Nam.

Những vườn bưởi bội thu ở Đoan Hùng

Câu chuyện “ngư lôi bưởi” có trong những năm kháng chiến chống Pháp mà tiêu biểu là chiến thắng năm 1947 diễn ra dọc tuyến sông Lô, đoạn từ Đoan Hùng lên Tuyên Quang. Khi ấy để chặn đường tiến quân của kẻ thù, người dân hai bên bờ sông đã hợp sức cùng với bộ đội chủ lực cản bước tiến của quân Pháp bằng cách dùng hàng ngàn trái bưởi trồng hai bên bãi bồi ven sông thả xuống dòng Lô giang theo hàng dọc. Nhìn từ xa, tàu Pháp ngỡ những hàng quả bưởi trôi trên sông là ngư lôi của quân ta nên chúng khiếp sợ đã rút lui nhanh chóng.

Bưởi Đoan Hùng là loại cây trồng lâu năm, có quả hình cầu dẹt, chưa đầy 1kg, chín màu vàng sáng, vỏ hơi héo, cùi mỏng, múi ráo, tôm mọng nước, màu trắng ngà, hương vị thơm, ngon, ngọt, mát.

Cây bưởi Sửu đem lại lợi ích kinh tế cao cho nhiều hộ tại xã Chí Đám

Giống bưởi đặc sản này còn quý ở chỗ, có thể bảo quản được vài tháng đến nửa năm, khi bổ ra, ăn vẫn ngọt, ngon như thường. Theo thống kê, toàn huyện Đoan Hùng có tới 16 giống bưởi khác nhau, giống bưởi nào cũng ngon, cũng ngọt; trong đó đặc biệt là hai giống bưởi Sửu và bưởi Bằng Luân từ lâu đã nổi tiếng.

Ở khắp nơi trên địa bàn huyện, việc trồng, chăm sóc, thâm canh cây bưởi đặc sản đã phát triển thành phong trào rộng khắp; năng suất, sản lượng, chất lượng bưởi quả ngày càng nâng cao. Cây bưởi giữ vị thế mũi nhọn trong cơ cấu cây trồng của huyện Đoan Hùng, là một trong những giống cây có hiệu quả kinh tế cao nhất, cho thu nhập từ 300 – 600 triệu đồng/ha/năm.

Thương hiệu bưởi Đoan Hùng vươn xa

Diện tích bưởi toàn huyện Đoan Hùng có hơn 2 nghìn ha, sản lượng đạt trên 20.000 tấn. Trong đó, hai giống bưởi đặc sản là bưởi Sửu và bưởi Bằng Luân diện tích gần 2 nghìn ha; diện tích bưởi Diễn trên 800ha, còn lại là một số giống bưởi khác như bưởi Xuân Vân, bưởi da xanh…

Bưởi Đoan Hùng (giống bưởi Sửu và bưởi Bằng Luân) đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý, được quan tâm, chú trọng việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bảo hộ tên gọi chỉ dẫn địa lý, nhãn mác sản phẩm để tạo ra sản phẩm đặc thù, chất lượng tốt, có tính hàng hóa cao. Bưởi đặc sản Đoan Hùng nhiều năm được vinh danh là thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam.

Nông dân Phú Thọ chuyển những thùng bưởi Đoan Hùng chất lượng để xuất khẩu.

Từ năm 2017 đến nay, sản phẩm bưởi được thí điểm dán tem truy xuất nguồn gốc gắn với công tác quảng bá giới thiệu, từng bước xây dựng lòng tin của khách hàng với sản phẩm. Với tiềm năng sẵn có về cây bưởi, triển khai chương trình OCOP góp phần tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế; hình thành sản xuất theo chuỗi giá trị.

Tới thăm các vườn bưởi ở thôn Chí 2, xã Chí Đám, quê hương của giống bưởi Sửu, giống bưởi quý nổi tiếng cả nước. Do phù hợp thổ nhưỡng nên bưởi Sửu quả to, múi dài, tôm mọng, vị thơm ngọt mát, ăn một lần sẽ nhớ mãi. Bưởi Sửu sau 5 năm trồng cho quả có chất lượng tốt, cây độ tuổi càng cao thì chất lượng quả càng ngon, có thể bảo quản được 5 – 6 tháng.

Sản phẩm của Hợp tác xã Bưởi và dịch vụ tổng hợp xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng

Theo đó, xã Chí Đám hiện có gần 300 hộ trồng bưởi, đạt trên 90ha, chủ yếu là diện tích soi bãi, mỗi năm từ các vườn bưởi này cho thu hoạch trên 20 tỷ đồng, với giá bình quân 60 ngàn đồng/quả như hiện nay thì thu nhập đạt từ 100 đến 150 triệu đồng/hộ

Ông Nguyễn Minh Mạch, Chủ nhiệm HTX trồng bưởi Chí Đám cho biết: “Từ khi thành lập HTX đến nay, tất cả các hộ trồng bưởi đều thống nhất cùng nhau thực hiện các công đoạn tỉa cành, tạo tán, chăm sóc, bón phân, thụ phấn, kể cả việc thu hoạch, dán tem nhãn, bán hàng đều tuân thủ đúng các biện pháp kỹ thuật. Nhờ vậy mà chất lượng bưởi quả mới đảm bảo đúng thương hiệu Bưởi đặc sản Đoan Hùng”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh thăm quan gian hàng bưởi Đoan Hùng

Tại xã Bằng Luân có trên 800 hộ trồng bưởi với trên 200ha, trong đó có trên 90 vườn bưởi từ 100 cây trở lên đã cho thu hoạch. Nhờ việc thâm canh, chăm sóc cây bưởi đúng kỹ thuật mà vụ này sản lương đạt cao, quả sai trĩu cành, bưởi đều quả, mẫu mã đẹp, khách hàng từ khắp mọi nơi đã đến đặt mua.

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ phối hợp với UBND huyện Đoan Hùng và Công ty cổ phần Công nghệ nông nghiệp hữu cơ Kim Hằng Lục Ngạn tổ chức xuất khẩu lô bưởi Đoan Hùng đầu tiên đi thị trường Cộng hòa Liên bang Nga.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm bưởi Đoan Hùng

Để đảm bảo cho việc xuất khẩu bưởi sang thị trường Liên bang Nga, huyện Đoan Hùng đã phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh chỉ đạo Hợp tác xã Bưởi và Dịch vụ tổng hợp xã Vân Đồn tuyển chọn, cung cấp cho đơn vị thu mua bưởi quả đạt tiêu chuẩn và dán tem truy xuất nguồn gốc. Đây là sự kiện quan trọng, mở ra một giai đoạn mới, một thị trường mới, một tương lai mới cho cây bưởi và người nông dân trồng bưởi huyện Đoan Hùng.

Bà con nông dân trồng bưởi đã thay đổi tư duy nên năng xuất chất lượng cao hơn so với làm truyền thống 

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ khẳng định, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thâm canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật cải thiện mẫu mã, nâng cao chất lượng, giá trị quả bưởi; hình thành vùng trồng bưởi tập trung, quy mô lớn, với tổng diện tích khoảng 3.000 ha.

“Tỉnh phấn đấu 100% diện tích bưởi tập trung được áp dụng quy trình sản xuất an toàn, được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Đồng thời, huyện Đoan Hùng kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp, thương nhân thu mua và tham gia vào quy trình sản xuất, tạo đầu ra ổn định, từng bước hình thành chuỗi giá trị cho sản phẩm bưởi đặc sản và các sản phẩm khác của huyện Đoan Hùng”, ông Hải cho hay.

Sông Thao