Thuế môn bài tiếng Anh là gì? Business License tax là gì?

Thuế môn bài trong tiếng Anh là gì? Quy định của pháp luật Việt Nam về lệ phí môn bài như thế nào? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu với Luật Minh Khuê trong bài viết dưới đây

1. Thuế môn bài tiếng Anh là gì?

1.1. Khái niệm thuế môn bài

Thuế môn bài là một sắc thuế trực thu và được định ngạch đánh vào giấy phép kinh doanh (môn bài) của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Mỗi năm thuế môn bài được thu một lần duy nhất, mức thu không cố định mà phụ thuộc vào bậc hoạt động, dựa vào số tiền vốn mà công ty đã đăng ký kinh doanh hoặc cũng được thu theo doanh thu của doanh nghiệp trong một năm. Có một số nơi có thể được thu theo mức giá trị gia tăng trong năm của hoạt động kinh doanh. Như bậy, thuế môn bài được thu tuỳ theo từng nước, từng địa phương khác nhau.

Ở Việt Nam, thuế môn bài được ra đời vào cuối năm 1954 khi mà Nhà nước ban hành 12 sắc thuế thu bằng tiền áp dụng trên toàn miền Bắc. Hiện nay, thuật ngữ “thuế môn bài” ở Việt Nam không còn được sử dụng mà thay bằng thuật ngữ “lệ phí môn bài”. Sự thay đổi này cũng tạo ra sự khác biệt ở một số tiêu chí. Với thuế sẽ được áp dụng trên phạm vi cả nước, không phân biện đơn vị hành chính lãnh thổ hay phân biệt các công dân khác nhau. Trong khi đó, lệ phí chỉ được áp dụng trong những trường hợp, lĩnh vực nhất định trong phạm vi lãnh thổ hoặc theo sự phân chia địa giới hành chính.

 

1.2. Thuế môn bài trong tiếng Anh là gì?

Trong tiếng Anh, cụm từ Business License tax được sử dụng để chỉ thuế môn bài (hay thuế cấp phép kinh doanh) phải đóng khi mà doanh nghiệp đi vào kinh doanh. Tuy nhiên, theo pháp luật Việt Nam hiện nay sử dụng thuật ngữ “lệ phí môn bài” nên để phù hợp về mặt ngữ nghĩa thì cụm từ Licensing fee trong tiếng Anh sẽ thích hợp hơn.

Thuật ngữ Licensing fee có thể được sử dụng trong vài bối cảnh, tuy nhiên phổ biến nhất là để mô tả một số tiền được trả cho một thực thể cho quyền hoặc khả năng nhất định. Cũng có thể là một khoản tiền được trả bởi một cá nhân hoặc doanh nghiệp cho cơ quan chính phủ vì đặc quyền thực hiện một dịch vụ nhất định hoặc tham gia vào một ngành kinh doanh cụ thể.

 

2. Đối tượng phải nộp lệ phí môn bài

Căn cứ vào điều 2, Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài thì đối tượng đó là những tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ. Cụ thể:

– Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật

– Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã

– Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật

– Tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân

– Tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh

– Chi nhánh, văn phòng đại diện và các địa điểm kinh doanh của các tổ chức trên

– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 

3. Đối tượng được miễn lệ phí môn bài

Bên cạnh các đối tượng phải nộp lệ phí môn bài, cũng có một số các trường hợp được miễn lệ phí này. Theo điều 3, Nghị định 139/2016/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 22/2020/NĐ-CP có quy định về các trường hợp được miễn lệ phí môn bài dưới đây:

– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hằng năm từ 100 triệu đồng trở xuống

– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính

– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối

– Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá

– Điểm bưu điện văn hoá xã, cơ quan báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử)

– Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo quy định của pháp luật về hợp tác xã nông nghiệp

– Quỹ tín dụng nhân dân; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi (địa bàn miền núi được xác định theo quy định của Uỷ ban Dân tộc).

 

4. Các bậc lệ phí môn bài

Theo quy định tại điều 4, Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài và Nghị định 22/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài thì quy định về mức thu lệ phí môn bài được áp dụng như sau:

– Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hoá dịch vụ:

+ Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3 triệu đồng/ năm

+ Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2 triệu đồng/ năm

+ Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1 triệu đồng/năm

Mức thu lệ phí môn bài đói với tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng/ từ 10 tỷ đồng trở xuống được căn cứ vào vốn điều lệ được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; trường hợp mà không có vốn điều lệ thì sẽ căn cứ vào số vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

– Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ như sau:

+ Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/ năm là 1 triệu đồng/ năm

+ Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/ năm là 500 nghìn đồng/ năm

+ Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/ năm là 300 nghìn đồng/ năm

Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình theo hướng dẫn của Bộ Tài chính

– Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) khi hết thời gian được miễn lệ phí môn bài (năm thứ tư kể từ năm thành lập doanh nghiệp):

+ Trường hợp kết thúc trong 6 tháng đầu năm nộp mức lệ phí môn bài cả năm, trường hợp kết thúc trong thời gian 6 tháng cuối năm nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm

+ Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân sản xuất, kinh doanh đã giải thể có hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trong thời gian 6 tháng đầu năm nộp mức lệ phí môn bài cả năm, trong thời gian 6 tháng cuối năm nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.

 

5. Thời hạn nộp lệ phí môn bài 

Theo quy định tại Nghị định 22/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 1 hằng năm.

– Đói với doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) kết thúc thời gian được miễn lệ phí môn bài (năm thứ tư kể từ năm thành lập doanh nghiệp) nộp lệ phí môn bài như sau:

+ Trường hợp kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài trong thời gian 6 tháng đầu năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 7 năm kết thúc thời gian miễn

+ Trường hợp kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài trong 6 tháng cuối năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 1 năm liền kề năm kết thúc thời gian miễn

– Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân sản xuất, kinh doanh đã giải thể, ra hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại nộp lệ phí môn bài như sau:

+ Trường hợp ra hoạt động trong 6 tháng đầu năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 7 năm ra hoạt động

+ Trường hợp ra hoạt động trong thời gian 6 tháng cuối năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 1 năm liền kề năm ra hoạt động.

Trên đây là toàn bộ bài viết của Luật Minh Khuê về Thuế môn bài tiếng Anh là gì? Bussiness License tax là gì? Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho quý bạn đọc những thông tin hữu ích. Nếu quý bạn đọc có thắc mắc về bài viết trên hoặc cần tư vấn trong lĩnh vực pháp luật, hãy gọi đến tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí của chúng tôi qua số hotline: 19006162 để được đội ngũ luật sư của chúng tôi hỗ trợ kịp thời. Trân trọng cảm ơn!