Thuế giá trị gia tăng là gì? Chủ thể nào có nghĩa vụ nộp thuế giá trị gia tăng?

Trên thực tế ta hay bắt gặp khái niệm thuế giá trị gia tăng hay còn gọi là VAT. Vậy đây là loại thuế gì? Ai là người phải nộp thuế giá trị gia tăng. Bài viết sau đây của Luật Hoàng Anh sẽ giải đáp thắc mắc này.

1. Khái niệm thuế giá trị gia tăng

Thuế giá trị gia tăng được định nghĩa theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008:

“Điều 2

Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.”

Từ định nghĩa ta có thể suy ra thuế giá trị gia tăng là loại thuế gián thu, được cộng vào giá bán hàng hóa, dịch vụ và do người tiêu dùng trả khi sử dụng sản phẩm. Trong đó người tiêu dùng là người chi trả thuế giá trị gia tăng, nhưng người trực tiếp thực hiện nghĩa vụ đóng thuế với Nhà nước là đơn vị sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, kể cả các hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Thêm vào đó, loại thuế này chỉ tính trên phần tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ chứ không tính trên toàn bộ giá trị của sản phẩm.

2. Chủ thể nộp thuế giá trị gia tăng

Căn cứ vào Điều 4 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008, hướng dẫn chi tiết tại Điều 3 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013, những chủ thể sau đây có nghĩa vụ nộp thuế giá trị gia tăng.

“Người nộp thuế GTGT là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT ở Việt Nam, không phân biệt ngành nghề, hình thức, tổ chức kinh doanh (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa, mua dịch vụ từ nước ngoài chịu thuế GTGT (sau đây gọi là người nhập khẩu)”

Cụ thể hơn nữa là các chủ thể sau:

– Các tổ chức kinh doanh được thành lập và đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Hợp tác xã năm 2012 và pháp luật kinh doanh chuyên ngành khác.

– Các tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức sự nghiệp và các tổ chức khác.

– Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh theo Luật đầu tư năm 2020; các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh ở Việt Nam nhưng không thành lập pháp nhân tại Việt Nam.

– Cá nhân, hộ gia đình, nhóm người kinh doanh độc lập và các đối tượng khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu;.

– Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam (kể cả trường hợp mua dịch vụ gắn với hàng hóa).

Cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân mua dịch vụ là người nộp thuế, trừ trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng

– Chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được thành lập để hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.

Trên đây là nội dung về khái niệm thuế giá trị gia tăng và các chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế này vào ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Luật Hoàng Anh