Thuế giá trị gia tăng | Crowe Vietnam

Thuế giá trị gia tăng (“GTGT”) là loại thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, người chịu thuế là tổ chức, cá nhân tiêu dùng cuối cùng hàng hóa, dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam thông qua việc mua hàng hóa, dịch vụ với giá đã bao gồm thuế GTGT. Người kê khai và nộp thuế (bản chất là trung gian thu hộ và chi hộ) là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa, mua dịch vụ từ nước ngoài chịu thuế GTGT (Xem thêm chi tiết tại Điều 3, Thông tư 219/2013/TT-BTC).

Các quy định liên quan đến thuế GTGT trình bày các nội dung sau:

1. Các đối tượng chịu thuế/không chịu thuế GTGT và thuế suất;

2. Phương pháp tính thuế GTGT;

3. Kê khai và nộp thuế;

4. Quyết toán thuế;

5. Hoàn thuế;

6. Hướng dẫn các bước kê khai và nộp thuế.

7. Những câu hỏi thường gặp

Để giúp người đọc dễ dàng hơn trong việc tìm hiểu và nắm bắt các văn bản trên, chúng tôi đã phân tích các trường hợp và hệ thống hóa lại các nội dung trên như dưới đây.

Để xem toàn bộ các văn bản liên quan vui lòng xem tại đây (các quy định liên quan đến thuế)

 

1. Các đối tượng chịu thuế/ không chịu thuế GTGT và thuế suất

Đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài).

  • Thuế suất GTGT

    • Thuế suất 0%:

      áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu và các hoạt động tương tự quy định chi tiết tại Điều 9,

      Thông tư

      219/2013/TT-BTC

      .

    • Thuế suất 5%:

      thường áp dụng cho các ngành và lĩnh vực của nền kinh tế có liên quan với việc cung cấp các loại hàng hóa và dịch vụ thiết yếu xem chi tiết tại Điều 10,

      Thông tư

      219/2013/TT-BTC

      .

    • Thuế suất 10%:

      áp dụng cho các đối tượng không thuộc đối tượng chịu thuế suất thuế GTGT 0% và đối tượng chịu thuế suất thuế GTGT 5%.

  • Lưu ý:

    • Đối với các loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau sẽ có các thời điểm xác định thuế GTGT khác nhau, xem chi tiết tại Điều 8,

      Thông tư

      219/2013/TT-BTC

      .

    • Nếu cơ sở kinh doanh không xác định theo từng mức thuế suất thì phải tính và nộp thuế theo mức thuế suất cao nhất của hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở sản xuất, kinh doanh.

    • Đối với hàng hóa nhập khẩu thì thực hiện theo mức thuế quy định cụ thể tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

Đối tượng không chịu thuế GTGT có thể kể đến một số đối tượng như:

  • Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thuỷ sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.

  • Sản phẩm muối được sản xuất từ nước biển, muối mỏ tự nhiên, muối tinh, muối i-ốt mà thành phần chính là Na-tri-clo-rua (NaCl).

  • Tưới, tiêu nước; cày, bừa đất; nạo vét kênh, mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp; dịch vụ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.

  • V.v.

Xem chi tiết tại Điều 4, Thông tư 219/2013/TT-BTC và các luật bổ sung liên quan.

Các trường hợp không phải kê khai và nộp thuế GTGT như tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác, v.v. xem thêm quy định chi tiết tại Điều 5, Thông tư 219/2013/TT-BTC.

 

2. Phương pháp tính thuế GTGT phải nộp

Có 2 phương pháp tính thuế GTGT là khấu trừ thuế GTGT và tính trực tiếp trên GTGT. Dựa vào các điều kiện của doanh nghiệp để xác định phương pháp tính thuế phù hợp.

2.1 Phương pháp khấu trừ thuế

Điều kiện áp dụng: Cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật:

  • Cơ sở kinh doanh có doanh thu hàng năm từ bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT từ một tỷ đồng trở lên, trừ hộ, cá nhân kinh doanh

    nộp theo phương pháp tính trực tiếp.

  • Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, trừ hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp tính trực tiếp.

Xác định thuế GTGT phải nộp

Thuế GTGT phải nộp

=

Thuế GTGT đầu ra

Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

  • Thuế GTGT đầu ra = ∑ giá tính thuế x thuế suất (hàng hóa, dịch vụ bán ra) = tổng số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn GTGT.

  • Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ bằng tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả tài sản cố định), chứng từ nộp thuế GTGT của hàng hóa nhập khẩu và đáp ứng đầy đủ các quy định.

(Xem chi tiết tại khoản 5, Điều 12 Thông tư 219/2013/TT-BTC).

Trong đó: Giá tính thuế xem bảng dưới đây và thuế suất xem mục 1.Các đối tượng chịu thuế/ không chịu thuế GTGT và thuế suất

Giá tính thuế:

Đối tượng

Giá tính thuế

Hàng hóa, dịch vụ do cơ sở sản xuất, kinh doanh

Giá bán chưa có thuế GTGT

Hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB

Giá bán chưa có thuế GTGT + thuế TTĐB

Hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường (BVMT)

Giá bán chưa có thuế GTGT + thuế BVMT

Hàng hóa chịu thuế TTĐB và thuế BVMT

Giá bán chưa có thuế GTGT + thuế TTĐB + thuế BVMT

Hàng hóa nhập khẩu

Giá nhập tại cửa khẩu + thuế nhập khẩu (nếu có) + thuế TTĐB (nếu có) + thuế BVMT (nếu có)

Hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi, biếu, tặng, cho

Giá tính thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh

Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật

0

Hoạt động cho thuê tài sản

Số tiền cho thuê chưa có thuế GTGT

Hàng hóa bán theo phương thức trả góp, trả chậm

Giá bán trả một lần chưa có thuế giá trị gia tăng, (không bao gồm khoản lãi trả góp, lãi trả chậm)

Gia công hàng hóa

Giá gia công chưa có thuế GTGT

Hoạt động xây dựng, lắp đặt

Giá trị công trình, hạng mục công trình thực hiện bàn giao chưa có thuế GTGT

Hoạt động kinh doanh bất động sản

Giá bán BĐS chưa có thuế GTGT – giá chuyển quyền sử dụng đất/ tiền thuế đất phải nộp NSNN

Hoạt động đại lý, môi giới, dịch vụ hưởng hoa hồng

Tiền hoa hồng nhận được chưa có thuế GTGT

(Xem thêm hướng dẫn chi tiết tại Điều 7, Thông tư 219/2013/TT-BTC).

Lưu ý:

  • Không được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT

    .

  • Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (kể cả tài sản cố định) sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT.

    (Xem chi tiết tại khoản 9, Điều 1,

    Thông tư 26/2015/TT-BTC

    ).

2.2. Phương pháp tính trực tiếp trên GTGT

a. Phương pháp trực tiếp trên GTGT

  • Đối tượng áp dụng:

    Hoạt động mua bán vàng, bạc, đá quý.

  • Công thức xác định số thuế phải nộp

    : Xem Điều 13,

    Thông tư

    219/2013/TT-BTC

    .

b. Phương pháp trực tiếp trên doanh thu

Đối tượng áp dụng:

  • Doanh nghiệp, hợp tác xã có doanh thu hàng năm dưới ngưỡng doanh thu một tỷ đồng, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế

    .

  • Cá nhân và hộ kinh doanh.

  • Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh không cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có doanh thu phát sinh tại Việt Nam và các tổ chức khác chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

Công thức xác định số thuế GTGT phải nộp

Số thuế GTGT phải nộp

=

Tỷ lệ %

x

Doanh thu

Tỷ lệ % quy định như sau:

Lĩnh vực hoạt động

Tỷ lệ %

Phân phối, cung cấp hàng hoá

1%

Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu

5%

Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hoá, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu

3%

Hoạt động kinh doanh khác

2%

  • Doanh thu: số tiền bán hàng hóa, dịch vụ thực tế ghi trên hóa đơn bán hàng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT, bao gồm các khoản phụ thu, phí thu thêm mà cơ sở kinh doanh được hưởng.

 

3. Kê khai, nộp thuế GTGT

Kỳ khai thuế: Xem tiêu chí để khai thuế theo quý hay theo tháng tại Điều 8, 9, Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

Hồ sơ khai thuế và các hướng dẫn liên quan xem chi tiết tại Điều 13, Thông tư 80/2021/TT-BTC.

 

4. Quyết toán thuế

Cuối năm tài chính, doanh nghiệp không cần quyết toán thuế GTGT ngoại trừ trường hợp khi kết thúc hợp đồng nhà thầu đối với trường hợp hợp đồng thanh toán nhiều lần.

(Xem chi tiết tại Điểm e, Khoản 6, Điều 8, Nghị định 126/2020/NĐ-CP)



5. Hoàn thuế

Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc trong quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo; trường hợp lũy kế sau ít nhất mười hai tháng tính từ tháng đầu tiên hoặc sau ít nhất bốn quý tính từ quý đầu tiên phát sinh số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết mà vẫn còn số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế.

(Xem thêm các trường hợp hoàn thuế cho dự án đầu tư, hàng hóa dịch vụ xuất khẩu, chuyển đổi doanh nghiệp và hướng dẫn chi tiết về điều kiện hoàn thuế tại Điều 18, Thông tư 219/2013/TT-BTC và sửa đổi bổ sung tại khoản 3, Điều 1 Thông tư 130/2016/TT-BTC).

 

6. Hướng dẫn các bước kê khai và nộp thuế

Bước 1: Xác định phương pháp tính thuế GTGT là phương pháp khấu trừ hay trực tiếp theo quy định tại Điều 12, Thông tư 219/2013/TT-BTC.

Bước 2: Xác định kỳ khai thuế của doanh nghiệp là theo tháng hay theo quý theo quy định tại Điều 8,9 Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

Bước 3: Lập tờ khai thuế GTGT hàng tháng hoặc hàng quý.

Bước 4: Quyết toán thuế (đối với trường hợp theo quy định).

Bước 5: Hoàn thuế (nếu có).

 

7. Các câu hỏi thường gặp

 

Xem chi tiết tại Câu hỏi thường gặp về Thuế.