Thực trạng và giải pháp cải cách thủ tục hành chính tại xã Duyên Thái – Thường Tín – Hà Nội.

Thực trạng và giải pháp cải cách thủ tục hành chính tại xã Duyên Thái #8211 Thường Tín – Hà Nội.

Ngày nay, trước xu thế toàn cầu hoá kinh tế và văn hoá, cải cách hành chính là một nhu cầu tất yếu của hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhằm xây dựng một nền hành chính nhà nước hiện đại, năng động, hiệu quả, giảm phiền hà, một nền hành chính lấy đối tượng phục vụ làm tôn chỉ, mục đích chủ yếu, để từ đó xây dựng, phát triển và hoàn thiện nền hành chính.

Ở Việt Nam hiện nay, công cuộc cải cách hành chính nhà nước đang là tâm điểm trong các nỗ lực của Đảng và Nhà nước nhằm tiến tới phát triển, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”, xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và là điều kiện căn bản để góp phần đạt được các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội quốc gia.

Tại Xã Duyên Thái Huyện Thường Tín Thành phố Hà Nội, cải cách hành chính trong những năm qua luôn được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và  đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Thực hiện Kế hoạch số 292/KH-UBND  của UBND huyện Thường Tín về việc ban hành kế hoạch CCHC năm 2020 của huyện; Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 10/01/2020 về thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2020 của UBND xã Duyên Thái đã nêu rõ: Nâng cao thứ bậc Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của xã so với mặt bằng chung của thành phố.

Trong những năm qua, Đảng ủy HĐND UBND xã đã tổ chức nhiều hội nghị triển khai về công tác cải cách hành chính nhằm đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo đúng kế hoạch đã đề ra về các vấn đề CCHC. Trong đó đặc biệt chú trọng đến vấn đề cải cách thủ tục hành chính theo hướng gọn nhẹ mục tiêu giúp công dân và tổ chức giảm bớt được gánh nặng khi đến giao dịch.

Trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị hành chính tiếp tục được nâng cao, thông qua việc tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của cấp uỷ Đảng; thực hiện nghiêm túc quy chế của UBND, quy chế của cơ quan, đơn vị; định kỳ đánh giá quá trình quản lý, điều hành và hiệu quả trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Hệ thống thể chế hành chính trên các lĩnh vực từng bước được đổi mới, trước hết là đã hình thành thể chế kinh tế tương đối phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các thể chế hành chính Nhà nước, bao hàm việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật và cơ cấu bộ máy tổ chức đã và đang được cải tiến theo hướng đơn giản, rõ ràng, tinh gọn, ngày càng rộng mở đối với doanh nghiệp và nhân dân, chặt chẽ đối với cán bộ, công chức. Các quan hệ kinh tế, dân sự, hành chính được luật hoá, cởi bỏ thói quen hành động cảm tính, suy luận chủ quan của cán bộ, công chức khi xử lý công việc, chứng tỏ sự thay đổi về tư duy đó và đang diễn ra rất tích cực.

Cơ cấu tổ chức bộ máy của cơ quan hành chính cấp xã được sắp xếp, điều chỉnh, thay đổi theo hướng tinh gọn hơn. Bộ máy hành chính vận hành phát huy tác dụng, hiệu quả tốt hơn, cùng với chủ trương hạn chế biên chế, giảm số lượng đầu mối (nơi phát sinh các thủ tục hành chính) từ Trung ương đến cơ sở và trong từng cơ quan, đơn vị.

Xã đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn 9001 : 2008 vào hoạt động của cơ quan UBND xã năm 2013 và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn 9001 : 2015 vào hoạt động của cơ quan UBND xã năm 2015 đến nay, tạo động lực đáng kể trong cải tiến hoạt động của bộ máy hành chính cấp xã. theo đó UBND xã được giao 20 biên chế với tỷ lệ đại học 100%.

UBND xã tập trung chỉ đạo đưa 100% thủ tục hành chính giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục hành chính đã được UBND thành phố công bố, quy trình, thời gian giải quyết, phí và lệ phí theo quy định; lựa chọn bố trí cán bộ, công chức có trình độ, năng lực, tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại UBND  xã.

Tất cả các TTHC sau khi ban hành, hay sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ đều được công bố và cập nhật rộng rãi trên địa bàn. Hiện nay Bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã là 145 thủ tục.

Cải cách nền hành chính xã Duyên Thái đã tiến hành nhiều năm qua, tuy nhiên, chưa đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi phải có cơ chế quản lý thích hợp thực tiễn, công cuộc đổi mới toàn diện, yêu cầu phát triển một nền hành chính lấy mục đích phục vụ nhân dân, vì dân, cũng như hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính chưa cao.

Giải pháp cải cách hành chính ở Xã Duyên Thái Huyện Thường Tín Thành phố Hà Nội năm 2020 và những năm tiếp theo

          1. Tiếp tục cải cách, đổi mới hệ thống thể chế hành chính ở các lĩnh vực, tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công dân.

          – Một là, tập trung hoàn thiện thể chế và phương thức điều hành ở tầm vĩ mô, tạo môi trường pháp lý đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế để tạo động lực lớn cho cơ sở. Đó là tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật, xoá bỏ những quy định phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế và không phù hợp kinh tế thị trường.

          – Hai là, thúc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục rà soát các giấy phép kinh doanh hiện hành và điều kiện kinh doanh đối với những ngành có điều kiện. Đơn giản hoá các thủ tục hành chính nhất là các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai..v.v.

          – Ba là, công bố công khai đầy đủ, kịp thời các văn bản pháp luật và thủ tục hành chính. Xây dựng quy chế công bố thông tin của các cơ quan nhà nước về quy hoạch, tình hình và chính sách pháp luật của nhà nước, quy chế trả lời ý kiến công dân và doanh nghiệp.

– Bốn là, thể chế hoá việc tổ chức đối thoại giữa doanh nghiệp với các cơ quan chức năng và chính quyền điạ phương; quy định trách nhiệm thực hiện các cam kết và thời hạn giải quyết.

          – Năm là, áp dụng tốt quy trình quản lý hành chính chuẩn ISO 9001:2015 (bộ tiêu chuẩn về quản lý chất lượng do Tổ chức Tiêu chuẩn hoá Quốc tế ban hành). Quy trình quản lý theo ISO 9001:2015 được coi như là một quy trình công nghệ quản lý mới với nhiều lĩnh vực.

Trong dịch vụ hành chính, tiêu chuẩn ISO 9001:2015 cho phép loại bỏ thủ tục rườm rà, nâng hiệu quả và chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

          2. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện hệ thống bộ máy hành chính, giảm đầu mối trung gian phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

– Một là, cải cách, kiện toàn, từng bước nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính nhà nước. Tuỳ theo tình hình, đặc điểm của từng ngành, địa phương, của từng giai đoạn để thành lập các cơ quan chuyên môn một cách linh động, sáng tạo phù hợp yêu cầu quản lý hành chính thực tế tại địa phương

– Hai là, tiến hành điều chỉnh cơ cấu tổ chức, biên chế, quy chế hoạt động của các cơ quan hành chính, sắp xếp, bố trí và bố trí lại để bộ máy quản lý được gọn nhẹ, năng động, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả, bảo đảm sự điều hành thống nhất, tập trung và thông suốt..

3. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp với yêu cầu quản lý hành chính hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tận tâm, tận tuỵ phục vụ nhân dân.

Để xây dựng được đội ngũ cán bộ công chức có lập trường chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn, ý thức và đạo đức nghề nghiệp cao, phù hợp với nền hành chính hiện đại cần phải tiến hành tích cực các biện pháp sau:

– Một là, tiến hành ngay công tác tuyển chọn, thu hút nhân tài; giản biên chế những cán bộ công chức không đáp ứng yêu cầu; đào tạo và đào tạo lại để thường xuyên nâng cao trình độ về mọi mặt cho đội ngũ cán bộ, công chức, bố trí lại công việc phù hợp với năng lực và sở trường của từng người. Thường xuyên có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức cả về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ, đáp ứng thời cuộc.

– Hai là, làm chuyển biến, nâng cao ý thức và thái độ, văn hoá hành chính phục vụ nhân dân, thực hiện triệt để phương châm ”Dân biết, dân đề xuất, dân bàn, dân quyết định, dân làm và dân kiểm tra”; tăng cường giám sát đội ngũ cán bộ công, chức theo quy định của pháp luật, đề cao vai trò, vị trí giám sát nhân dân của Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện và các đoàn thể đối với đội ngũ cán bộ, công chức đang sinh hoạt tại các địa bàn dân cư.

– Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra “nóng” đối với hoạt động công vụ của cán bộ, công chức trong một số lĩnh vực “nhạy cảm” nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những hành vi tiêu cực, tạo lòng tin nhân dân đối với cấp ủy đảng, chính quyền, làm cho nhân dân ngày càng tin tưởn vào chủ trương, đường lối chính sách pháp luật của đảng và nhà nước, dân chủ hóa hoạt động hành chính.

 

4. Xây dựng Đề án “Xây dựng phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước từ huyện đến cơ sở”

Mục tiêu là nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính nhà nước. Thông qua đó, các cơ quan hành chính nhà nước nắm bắt được các yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung cấp dịch vụ của mình nhằm nâng cao sự hài lòng và lợi ích của người dân, tổ chức. Để thực hiện xây dựng được đề án cần phải:

– Một là, phải xác định được các yếu tố, tiêu chí thành phần đo lường, xác định được Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho đội ngũ cán bộ công chức về mục tiêu, ý nghĩa nội dung của phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

– Thông qua tuyên truyền nâng cao nhận thức về quyền, lợi ích, trách nhiệm của người dân, tổ chức trong việc theo dõi giám sát, đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước

– Hai là, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả chỉ đạo điều hành của các ngành các cấp trong việc tổ chức cung cấp dịch vụ hành chính cho người dân tổ chức và định kỳ điều tra xã hội học đảm bảo khách quan, trung thực để khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức. Tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra, tổ chức các kênh tiếp nhận ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức về chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính.

– Ba là, đảm bảo nguồn lực triển khai áp dụng phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Bố trí công chức để thực hiện các nhiệm vụ triển khai áp dụng phương pháp đo lường sự hài lòng theo yêu cầu, thường xuyên tiến hành tập huấn cho đội ngũ cán bộ công chức về phương pháp, kỹ năng tiến hành đồng thời bố trí đủ kinh phí đảm bảo cho việc triển khai điều tra xã hội học, tổng hợp, phân tích số liệu và xác định chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính.

Công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước ở Xã Duyên Thái, Huyện Thường Tín Thành phố Hà Nội vừa mang tính chất khoa học, liên quan đến nhiều mặt phải giải quyết đồng bộ, vừa là cuộc đấu tranh khó khăn phức tạp, lâu dài. Đây không chỉ là công việc của hệ thống hành chính nhà nước cấp xã mà phải có sự lãnh đạo thường xuyên và trực tiếp của các cấp ủy Đảng; phải có vai trò tích cực gương mẫu của các tổ chức nhằm kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những thủ tục hành chính không còn phù hợp, cũng như giám sát các cơ quan, cán bộ công chức trong việc chấp hành thủ tục hành chính và quy chế công vụ đã ban hành. Người dân sẽ cảm nhận hiệu quả của việc cải cách hành chính từ chính khả năng, thái độ làm việc của cán bộ, công chức hành chính, những người trực tiếp đúng vai trò quan trọng trong công cuộc cải cách hành chính. Cho nên, không chỉ là cải tạo cơ sở vật chất, loại bỏ thủ tục rườm rà không cần thiết, làm trong sạch bộ máy hành chính…, cải cách hành chính còn là việc nâng cao khả năng chuyên môn, nghiệp vụ và tư tưởng cho bộ máy nhân sự trong các cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương.