Thực trạng hệ thống chính trị đối với bộ máy Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội?

Trong xã hội có giai cấp, các chủ thể chính trị được liên kết với nhau trong một hệ thống tổ chức, nhằm tác động vào các quá trình của đời sống xã hội; củng cố, duy trì và phát triển chế độ chính trị phù hợp với lợi ích của giai cấp cầm quyền, đồng thời thực hiện lợi ích của các chủ thể khác.

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn pháp luật của Công ty luật Minh Khuê

>> Luật sư tư vấn pháp luật, gọi:  1900 6162

NỘI DUNG TƯ VẤN:

1. Thực trạng Hệ thống chính trị ở nước ta:

– Hệ thống chính trị nước ta tỏ rõ ưu việt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

– Sau chiến tranh, đất nước trải qua nhiều khó khăn chủ quan và khách quan, đặc biệt là sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã, nhưng chúng ta vẫn đứng vững được vượt qua thử thách, khủng hoảng đưa đất nước phát triển lên một bước mới, đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Nguyên nhân của những thành tựu đó là “do Đảng ta có bản lĩnh vững vàng và đường lối lãnh đạo đúng đắn, Nhà nước có cố gắng lớn trong việc điều hành, quản lý; toàn dân và toàn quân phát huy lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm, đoàn kết nhất trí, cần cù, năng động sáng tạo, tiếp tục thực hiện đổi mới, ra sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Bên cạnh những thành tựu, hệ thống chính trị nước ta cũng bộc lộc những yếu kém:

– Cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý chưa được cụ thể hóa, chưa phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, phương  thức và phạm vi hoạt động của từng chủ thể trong hệ thống chính trị.

– Chưa thực hiện tốt các cơ chế tổ chức thực thi quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước. Dẫn đến tình trạng chồng chéo, giảm hiệu lực, hiệu quả của quá trình thực thi quyền lực nhà  nước.

– Chúng ta còn chưa thực hiện đầy đủ và đúng đắn các nguyên tắc hoạt động của hệ thống chính trị.

– Còn quan niệm giản đơn về thống nhất quyền lực nhà nước và sự phân công các cơ  quan nhà nước trong việc thực thi các quyền.

– Việc phân cấp phân quyền còn chưa hợp lý, còn tình trạng vừa chồng chéo, vừa bỏ trống trong thực thi quyền lực nhà nước ở địa phương.

– Các tổ chức chính trị – xã hội hành chính hóa, hoạt động kém hiệu quả.

Những yếu kém của hệ thống chính trị được Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI chỉ rõ:

Dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chưa được phát huy đầy đủ. Quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi, trên một vài lĩnh vực còn bị vi phạm. Việc thực hành dân chủ còn hình thức. Việc tuyên truyền vận động, tập hợp, thu hút nhân dân tham gia các phong trào, cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân còn hạn chế. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân chưa sâu sát các tầng lớp nhân dân và cơ sở.

Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế và quản lý đất nước. Năng lực xây dựng thể chế, quản lý, điều hành, tổ chức thực thi pháp luật còn yếu. Tổ chức bộ máy ở nhiều cơ  quan còn chưa hợp lý, biên chế cán bộ công chức tăng thêm, nhiệm vụ của một số cơ quan chưa đủ rõ, còn chồng chéo. Cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu; thủ tục hành chính còn gây phiền hà cho tổ chức và công dân.

Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu đề ra.

Công tác xây dựng Đảng còn nhiều hạn chế yếu kém, chậm được khắc phục. Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề về đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãnh phí, quan liêu… còn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trên một số nội dung còn chưa rõ, chậm đổi mới…

2. Thực trạng hệ thống chính trị đối với bộ máy Nhà nước:

2.1 Ưu điểm:

+Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có tiến bộ trên cả ba lĩnh vực Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp.

+ Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được đẩy mạnh, hiệu lực và hiệu quả hoạt động được nâng lên”.  Cụ thể:  

– Quốc hội tiếp tục được kiện toàn về tổ chức, có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động. Hệ thống pháp luật được bổ sung. Hoạt động giám sát đã tập trung vào những vấn đề bức xúc, quan trọng nhất của đất nước. Việc thảo luận, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia có chất lượng và thực chất hơn. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội có nhiều cải tiến nội dung, phương pháp công tác; đề cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội.                

– Cơ cấu tổ chức, bộ máy của Chính phủ được sắp xếp, điều chỉnh, giảm đầu mối theo hướng tổ chức các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Quản lý, điều hành của Chính phủ, các bộ năng động, tập trung nhiều hơn vào quản lý vĩ mô và giải quyết những vấn đề lớn, quan trọng. Cải cách hành chính tiếp tục được chú trọng, đã rà soát, bước đầu tổng hợp thành bộ thủ tục hành chính thống nhất và công bố công khai. Việc thực hiện thí điểm đổi mới về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương (không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện, phường) được tập trung chỉ đạo để rút kinh nghiệm.                          

– Tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp có một số đổi mới. Việc tăng thẩm quyền cho toà án cấp huyện, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên toà, đề cao vai trò của luật sư trong tố tụng được thực hiện bước đầu có kết quả. Việc thực hiện các thủ tục tố tụng ngày càng tốt hơn, hạn chế được tình trạng điều tra, truy tố, xét xử oan, sai hay bỏ lọt tội phạm. Chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được nâng lên.                              

– Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được chỉ đạo tích cực, đạt một số kết quả. Nhiều vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử. Trên một số lĩnh vực, lãng phí, tham nhũng từng bước được kiềm chế.   

2.2 Hạn chế:

+Tổ chức và hoạt động của Nhà nước…còn một số khâu chậm đổi mới. Quốc hội còn lúng túng trong việc thực hiện chức năng giám sát. Bộ máy quản lý nhà nước các cấp, nhất là ở cơ sở còn yếu kém Tình trạng nhũng nhiễu cửa quyền, thiếu trách nhiệm ở một bộ phận công chức, nhất là ở cơ quan trực tiếp giải quyết công việc của dân và doanh nghiệp chậm được khắc phục. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương, nhất là tổ chức Hội đồng nhân dân, còn những điểm bất hợp lý. Cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu…

+ Việc “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế và quản lý đất nước”. Cụ thể là:           

– Năng lực xây dựng thể chế, quản lý, điều hành, tổ chức thực thi pháp luật còn yếu. Tổ chức bộ máy ở nhiều cơ quan còn chưa hợp lý, biên chế cán bộ, công chức tăng thêm; chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan chưa đủ rõ, còn chồng chéo. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới của đất nước. Cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra; thủ tục hành chính còn gây phiền hà cho tổ chức và công dân. Năng lực dự báo, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trên một số lĩnh vực yếu; phân cấp mạnh nhưng thiếu kiểm tra, kiểm soát; trật tự, kỷ cương xã hội không nghiêm. Cải cách tư pháp còn chậm, chưa đồng bộ. Công tác điều tra, giam giữ, truy tố, xét xử trong một số trường hợp chưa chính xác; án tồn đọng, án bị huỷ, bị cải sửa còn nhiều.                

– Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt được yêu cầu đề ra. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc xã hội.

3. Thực trạng hệ thống chính trị đối với Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội

3.1 Ưu điểm:

+Hoạt động Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân ngày càng thiết thực. Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở được mở rộng và có hiệu quả hơn, nhất là ở xã, phường. Công tác  dân tộc, tôn giáo, vận động người Việt Nam ở nước ngoài có tiến bộ.

+Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân phát huy tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, mở rộng tổ chức, phát triển đoàn viên, hội viên, tổ chức nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động có hiệu quả thiết thực…; cùng nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, góp phần tích cực vào những thành tựu của đất nước. Thông qua hoạt động của Mặt trận  Tổ quốc Việt Nam, khối đại đoàn kết toàn dân tộc – trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng – tiếp tục được mở rộng và tăng cường trên cơ sở thống nhất về mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

3.2 Hạn chế:

+Hoạt động Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân ở nhiều nơi còn mang tính hành chính, hình thức. Dân chủ trong xã hội còn bị vi phạm. Kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi không nghiêm.

+Việc tuyên truyền, vận động, tập hợp, thu hút nhân dân tham gia các phong trào, cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân còn hạn chế. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân chưa sâu sát các tầng lớp nhân dân và cơ sở.

Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật Minh Khuê, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật Minh Khuê 1900.6162 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email [email protected] để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật Minh Khuê