Thực trạng công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2018 và kiến nghị
Thực trạng công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2018 và kiến nghị
Thực trạng công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2018 và kiến nghị
Thực hiện nhiệm vụ quản lý xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC), Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC; trong năm 2018, tỉnh Khánh Hòa đã đạt được nhiều kết quả trong thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính như sau:
– Công tác chỉ đạo triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính
Ngày 22/12/2017, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 3890/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2018 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (sau đây gọi tắt là Quyết định số 3890/QĐ-UBND) yêu cầu các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2018 thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực tại địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 26/02/2018 về việc đảm bảo thời hạn và hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhằm đảm bảo việc xử phạt vi phạm hành chính đúng quy định pháp luật, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo trực tiếp Sở Tư pháp làm cơ quan đầu mối giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực thi Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn có liên quan tại địa phương.
– Những kết quả đạt được
Công tác phổ biến, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về XLVPHC được các sở, ban, ngành trong tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chú trọng tăng cường bằng nhiều hình thức đa dạng như tuyên truyền trực tiếp, trên đài truyền thanh, tại các buổi giao ban, buổi sinh hoạt “Ngày pháp luật”, phát hành các tờ rơi, tờ gấp, sổ tay pháp luật có các quy định liên quan đến XLVPHC, cụ thể:
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phát hành 5.000 bản tờ rơi “Những điều cần biết về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội”.
Sở Y tế đã tổ chức 33 lớp tập huấn với tổng số 3.064 lượt người tham dự; trong đó, tập trung tuyên truyền các nội dung và hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dược và an toàn thực phẩm tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Sở Giao thông Vận tải đã tổ chức 30 buổi phổ biến pháp luật về giao thông cho 2.201 người tham dự; tổ chức in ấn và phát 5.000 tờ rơi tuyên truyền với chủ đề về vận tải hành khách, phù hiệu xe cho các đơn vị hoạt động vận tải khách và lái xe trên địa bàn tỉnh; phát hơn 3.000 tờ rơi tuyên truyền về chủ đề đã uống rượu bia thì không lái xe từ nguồn của Ban An toàn giao thông tỉnh Khánh Hòa.
Sở Tư pháp đã tổ chức được 20 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn về các Luật mới ban hành như: Luật Tố cáo, Luật Dược, Luật An ninh mạng, Luật Cảnh vệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Quốc phòng,… với tổng số hơn 4.500 lượt người tham dự.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người có thẩm quyền xử lý, quần chúng nhân dân trên địa bàn, những đối tượng có nguy cơ vi phạm, cụ thể đã tổ chức được 66 Hội nghị tập huấn, tuyên truyền với hơn 5.664 lượt người tham dự. Hình thức tuyên truyền được thực hiện đa dạng, phong phú, lồng ghép phổ biến, quán triệt các nội dung của Luật, Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành trong các hội nghị, cuộc họp, tập huấn, các buổi nói chuyện; tuyên truyền trên các chuyên trang, chuyên mục báo, tạp chí, Đài Truyền thanh – Truyền hình từ cấp huyện đến cấp xã; mua và cấp phát sách pháp luật; in ấn, phát hành tài liệu, tờ gấp, đĩa hình, băng đĩa tiếng; tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã, phường; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật tại địa phương…
– Một số khó khăn, hạn chế
Tình hình vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực: văn hóa, thể thao và quảng cáo, kinh doanh, an toàn thực phẩm (vi phạm quy định về Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, Giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm), trật tự an toàn giao thông, khai thác khoáng sản, xây dựng, đất đai, … Nguyên nhân chính của tình hình vi phạm hành chính nói trên là do bộ phận người dân ý thức còn hạn chế, chưa chấp hành nghiêm pháp luật. Thời gian gần đây số lượng khách du lịch quốc tế (khách du lịch Trung Quốc, Nga… đặc biệt là khách du lịch Trung Quốc) đến Nha Trang tăng đột biến, để phục vụ kịp thời khách du lịch quốc tế, các tổ chức, cá nhân đã chủ động quảng cáo, quảng bá các hoạt động kinh doanh của mình bằng tiếng nước ngoài, nên dẫn đến việc sai quy định của Luật Quảng cáo trong việc ghi tên tổ chức, cá nhân, sản phẩm dịch vụ trên biển, bảng quảng cáo. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, người kinh doanh chưa nắm rõ những quy định về kiến thức an toàn thực phẩm. Các tổ chức, cá nhân tuy đã được tuyên truyền, hiểu rõ quy định của pháp luật nhưng vẫn cố tình vi phạm vì lợi ích của bản thân.
Trong kỳ báo cáo, tổng số vụ vi phạm hành chính bị phát hiện và xử lý trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa là: 28.824 vụ việc vi phạm với 28.067 đối tượng vi phạm; đã xử phạt 28.029 vụ; còn 738 vụ chưa bị xử phạt; 57 vụ được chuyển sang xử lý bằng hình thức khác, cụ thể 01 vụ việc chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự và 56 vụ việc áp dụng biện pháp thay thế đối với người chưa thành niên.
Trong đó, số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành là 28.137 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có 26.316 quyết định đã được thi hành, 1.821 quyết định chưa thi hành xong; tổng số tiền phạt thu được: 53.907.771.682 đồng; tổng số tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu: 3.831.798.000 đồng; số quyết định bị khiếu nại, khởi kiện: 07. Theo thống kê trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 339 đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, trong đó 77 đối tượng bị UBND cấp xã áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; 05 đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng; 05 đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; 252 đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; 01 vụ việc bị khiếu nại.
* Đánh giá chung và kiến nghị
Nhìn chung, qua theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về XLVPHC trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa của các cơ quan, đơn vị trong năm 2018 cho thấy việc triển khai tích cực và đồng bộ Luật XLVPHC bước đầu đã được thi hành một cách có hiệu quả, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, đấu tranh kịp thời có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính. Công tác XLVPHC trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc, việc tuân thủ các quy trình, trình tự thủ tục trong công tác XLVPHC được thực hiện đầy đủ, đúng với hành vi vi phạm. Kết quả, số vụ vi phạm hành chính giảm so với cùng kỳ năm 2017.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính tại địa phương trong thời gian tới, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung những khó khăn, vướng mắc vào Luật Xử lý vi phạm hành chính; đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ để bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách tại 14 sở theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và để công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính được thực hiện đồng bộ, đáp ứng yêu cầu và có hiệu quả đồng thời thống nhất về cán bộ làm công tác theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với cấp huyện theo đúng tinh thần của Quyết định số 1950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đề nghị Bộ Tư pháp xem xét xây dựng phần mềm báo cáo thống kê công tác xử lý vi phạm hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu sử dụng chung trong toàn quốc để khắc phục thời gian cho công tác thống kê, tổng hợp và báo cáo; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn sử dụng các phần mềm ứng dụng để đáp ứng kịp thời công tác thống kê, báo cáo, truy cập dữ liệu xử lý vi phạm hành chính; đề nghị Bộ Tư pháp hằng năm tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính, xây dựng các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, thực tế trong hoạt động xử lý vi phạm hành chính nói chung; đề nghị các Bộ, ngành Trung ương xem xét rà soát lại tất cả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác XLVPHC, kịp thời bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và bảo đảm tính khả thi.
Lệ Phượng