Thực trạng áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam trong Tố tụng hình sự
CHƯƠNG I
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CỦA VIỆC ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP
BẮT, TẠM GIỮ, TẠM GIAM TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CỦA VIỆC ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP BẮT, TẠM GIỮ, TẠM GIAM TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
1.1. Khái niệm các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam trong Tố tụng hình sự
1.1.1. Khái niệm về biện pháp ngăn chặn trong Tố tụng hình sự
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, Bộ luật tố tụng hình sự quy định nhiều biện pháp cưỡng chế do cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng nhằm thực hiện những mục đích nhất định. Căn cứ vào mục đích của biện pháp cưỡng chế, có thể phân loại các biện pháp cưỡng chế thành các nhóm sau:
Nhóm thứ nhất: gồm những biện pháp nhằm mục đích ngăn chặn tội phạm, ngăn ngừa người có hành vi phạm tội bỏ trốn hoặc có hành vi gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án như tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh và đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.
Nhóm thứ hai: gồm những biện pháp bảo đảm cho việc thu thập chứng cứ như khám xét người, khám xét chỗ ở, địa điểm nơi làm việc, khám nghiệm hiện trường, xem xét dấu vết trên thân thể, các vật chứng….
Nhóm thứ ba: gồm những biện pháp bảo đảm sự thuận lợi cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án như kê biên tài sản, áp giải bị can, bị cáo, người bị kết án, dẫn người làm chứng, những biện pháp xử lý do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa áp dụng đối với người có hành vi vi phạm nội quy phiên toà.
Trong hệ thống các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự thì các biện pháp ngăn chặn chiếm vị trí đặc biệt quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến thân thể, quyền con người, hạn chế một số quyền nhân thân của công dân. Chính vì vậy mà Bộ luật tố tụng hình sự đã dành hẳn chương VI để quy định về biện pháp ngăn chặn. Để việc hiểu và thực hiện tốt các quy định về biện pháp ngăn chặn, nhiều công trình nghiên cứu, sách báo, tài liệu đã có những khái niệm khác nhau về biện pháp ngăn chặn.
Theo Từ điển thuật ngữ Pháp lý phổ thông của Nhà xuất bản Sách Pháp lý Matxcơva cho rằng:“Biện pháp ngăn chặn là biện pháp cưỡng chế về mặt tố tụng hình sự do điều tra viên, dự thẩm viên, kiểm sát viên và tòa án áp dụng đối với bị can (người bị tình nghi) nếu có đủ căn cứ cho rằng bị can trốn tránh việc điều tra, dự thẩm hoặc trốn tránh tòa án, cản trở việc xác minh sự thật về vụ án, hay sẽ tiếp tục hoạt động phạm tội, cũng như để đảm bảo việc thi hành án”[1].
Theo Từ Điển Luật học, Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp định nghĩa: “Biện pháp ngăn chặn là biện pháp cưỡng chế về mặt tố tụng khi có đủ căn cứ đối với bị can, bị cáo hoặc người chưa bị khởi tố trong trườnghợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang, để ngăn chặn những hành vi nguy hiểm cho xã hội của họ, ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội, trốn tránh pháp luật hoặc có hành động gây cản trở cho việc điều tra truy tố, xét xử”[2].
Mặc dù, Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, 2003 không đưa ra một khái niệm về biện pháp ngăn chặn, tuy nhiên tại Điều 79 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 cũng đã quy định các căn cứ áp dụng các biện pháp ngăn chặn như sau: “Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong phạm vi thẩm quyền tố tụng của mình hoặc người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật này có thể áp dụng một trong những biện pháp ngăn chặn sau đây: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm”[3].
Các căn cứ này cũng phản ánh một phần bản chất của các biện pháp ngăn chặn của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam. Tuy nhiên, biện pháp ngăn chặn là biện pháp cưỡng chế tố tụng rất nghiêm khắc, đòi hỏi phải có sự phân định rõ ràng về chủ thể áp dụng, về thẩm quyền áp dụng, về đối tượng áp dụng, về căn cứ và mục đích áp dụng để từ đó mới có thể hiểu một cách thấu đáo và vận dụng đúng đắn vào thực tiễn.
– Theo cuốn sách Tội phạm học, luật hình sự và tố tụng hình sự, cho rằng: Biện pháp ngăn chặn là một loại biện pháp do cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án áp dụng đối với người bị tình nghi phạm tội, đối với bị can, bị cáo và cả người bị kết án khi các cơ quan này có căn cứ cho rằng những người này sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc tiếp tục phạm tội. Biện pháp ngăn chặn gồm: Bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm[4].
– Giáo trình luật Tố tụng hình sự Việt Nam – Trường Đại học luật Hà Nội cho rằng: “Biện pháp ngăn chặn là biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự được áp dụng đối với bị can, bị cáo, người bị truy nã hoặc đối với những người chưa bị khởi tố (trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang), nhằm ngăn chặn những hành vi nguy hiểm cho xã hội của họ, ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội, trốn tránh pháp luật hoặc có hành động gây cản trở cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự”[5].
Như vậy, có thể nói các tài liệu nêu trên đã nêu lên được khía cạnh này hay khía cạnh khác khái niệm về các biện pháp ngăn chặn, nhưng nhìn chung vẫn chưa đưa ra được một khái niệm đầy đủ, khoa học chứa đựng tất cả các yếu tố cấu thành nên biện pháp ngăn chặn thể hiện ở các dấu hiệu đặc trưng như căn cứ áp dụng, mục đích, thẩm quyền áp dụng và đối tượng áp dụng biện pháp ngăn chặn. Do đó, căn cứ những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam và một số các khái niệm nêu trên, qua phân tích có thể hiểu được rằng: Biện pháp ngăn chặn là những biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự do cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật áp dụng đối với bị can, bị cáo hoặc đối với người chưa bị khởi tố; khi có căn cứ do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định nhằm kịp thời ngăn chặn tội phạm, ngăn chặn việc bị can, bị cáo gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hoặc ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội. Biện pháp ngăn chặn gồm: Bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để đảm bảo.
1.1.2. Khái niệm về biện pháp ngăn chặn bắt
Bắt là một trong những hình thức thể hiện biện pháp ngăn chặn. Bắt có tính chất khởi đầu cho việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tiếp theo. Bắt là một trong những biện pháp ngăn chặn có tính cưỡng chế nghiêm khắc, vì vậy việc bắt nhất thiết phải tuân thủ các căn cứ, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Bắt còn là biện pháp ngăn chặn nhằm kịp thời ngăn chặn tội phạm, ngăn ngừa người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trốn tránh pháp luật, nhằm tạo điều kiện bảo đảm cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Bắt người còn mang tính chất đặc thù thường được áp dụng liền trước các biện pháp ngăn chặn như tạm giữ, tạm giam. Việc áp dụng biện pháp này làm hạn chế một số quyền tự do của cá nhân người bị bắt, buộc họ phải có mặt tại địa điểm quy định để làm việc với điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán. Bắt người được tính từ thời điểm người có chức vụ theo luật định ra lệnh bắt đến khi kết thúc là người bị bắt được dẫn giải đến nơi để tạm giữ, tạm giam.
Theo nghĩa rộng: Bắt không phải là biện pháp trừng phạt của pháp luật đối với người phạm tội mà là biện pháp ngăn chặn của hoạt động tố tụng hình sự. Bắt đúng người, bắt kịp thời có tác dụng ngăn chặn mọi âm mưu và thủ đoạn chống đối của người phạm tội, không cho họ tiếp tục phạm tội, che dấu, trốn tránh hoặc gây khó khăn cho việc xác định sự thật để giải quyết vụ án.
Theo nghĩa hẹp: Bắt người nhằm hạn chế một số quyền tự do của cá nhân, là điểm khởi đầu của sự trừng phạt của pháp luật nếu người đó là người thực hiện hành vi phạm tội, bởi vì khi thi hành án, thời gian tạm giữ, tạm giam được khấu trừ vào thời gian thi hành án.
Bắt người không theo quy định của pháp luật như bắt nhầm (dẫn đến bắt oan, sai) người vô tội sẽ gây tác hại rất lớn, không những quy định của pháp luật bị vi phạm, mà quyền bất khả xâm phạm của con người bị xâm hại, ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân được pháp luật bảo hộ. Từ đó ảnh hưởng xấu đến lòng tin của nhân dân đối với cơ quan bảo vệ pháp luật, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch chống phá nhà nước ta. Do đó, khi bắt người phải thể hiện thái độ kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, song cũng phải thận trọng khi xem xét đánh giá chứng cứ.
Bắt người nhằm mục đích đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, thực hiện mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật cũng như đảm bảo các quyền tự do dân chủ của công dân, Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định ba trường hợp bắt, đó là:
– Bắt bị can, bị cáo để tạm giam;
– Bắt người trong trường hợp khẩn cấp;
– Bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã.
Các trường hợp nêu trên là quy định chung để khi có căn cứ thuộc trường hợp nào thì cơ quan, người có thẩm quyền do luật định có thể áp dụng. Song căn cứ vào Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, các quy định đối với người chưa thành niên, các quy định đối với người phạm tội là người nước ngoài, khi chủ thể thuộc các đối tượng này còn phải vận dụng thêm các quy định mang tính cá biệt để áp dụng biện pháp ngăn chặn cũng như áp dụng các quy định trong Bộ luật tố tụng được đúng đắn. Việc áp dụng các biện pháp bắt cũng phải quán triệt các nguyên tắc chung, các chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong mỗi giai đoạn xây dựng và phát triển nền kinh tế – xã hội của đất nước ta.
Từ những phân tích trên, chúng ta có thể khái quát khái niệm về biện pháp bắt trong tố tụng hình sự như sau: “Bắt là biện pháp cưỡng chế được quy định trong tố tụng hình sự do cơ quan, người có thẩm quyền do luật định áp dụng đối với bị can, bị cáo hoặc người chưa bị khởi tố; người đang có hành vi phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã khi có căn cứ do Bộ luật tố tụng hình sự quy định, nhằm kịp thời ngăn chặn tội phạm, ngăn chặn việc bị can, bị cáo gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự”.
Trong ba trường hợp bắt theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, chúng ta có thể nghiên cứu từng trường hợp sau:
1.1.2.1. Trường hợp bắt bị can, bị cáo để tạm giam
Từ khi đất nước ta đổi mới đến nay (1986), nền kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng: ổn định về chính trị – xã hội, phát triển mạnh về kinh tế. Bên cạnh những mặt tích cực thì tình hình tội phạm cũng có xu hướng gia tăng. Do ảnh hưởng của mặt trái kinh tế thị trường, đã phát sinh nhiều tội phạm có tính đặc biệt nguy hiểm, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Để giữ gìn thành quả cách mạng, tạo môi trường lành mạnh, ổn định để phát triển kinh tế – xã hội thì việc đấu tranh phòng chống tội phạm, ngăn chặn tội phạm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ngăn chặn tội phạm không chỉ bảo vệ kịp thời những khách thể được luật hình sự bảo vệ mà còn góp phần tích cực vào việc ngăn ngừa và hạn chế hậu quả do tội phạm gây ra. Muốn làm được việc đó, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải có những biện pháp hữu hiệu nhằm kiểm soát được hoạt động của người phạm tội cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan này tìm ra sự thật của vụ án trong thời gian ngắn nhất. Nói cách khác, để đấu tranh phát hiện hành vi phạm tội một cách khách quan, chính xác, đồng thời đưa vụ án ra xét xử thì hoạt động bắt bị can, bị cáo để tạm giam chính là một trong những biện pháp đó.
Như vậy, bắt bị can, bị cáo để tạm giam là biện pháp cần thiết để giải quyết vụ án hình sự, được các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng như một biện pháp hữu hiệu phục vụ cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.
Mục đích, ý nghĩa của việc áp dụng biện pháp bắt bị can, bị cáo để tạm giam.
– Bắt bị can, bị cáo để tạm giam nhằm bảo đảm cho việc ngăn ngừa tội phạm nghĩa là ngăn ngừa tội phạm không cho tội phạm xảy ra hoặc không cho tội phạm đang được thực hiện tiếp tục. Ngăn ngừa kịp thời tội phạm có ý nghĩa rất lơn trong việc giảm bớt hậu quả của tội phạm. Kịp thời ngăn chặn tội phạm không những bảo vệ được đối tượng tác động của tội phạm mà còn ngăn ngừa, hạn chế hậu quả do tội phạm gây ra.
Trong thực tế không phải bị can, bị cáo nào cũng hối lỗi sau khi thực hiện tội phạm, đặc biệt đối với những bị can, bị cáo phạm tội có tính chất chuyên nghiệp. Vì vậy, khi bị can, bị cáo có biểu hiện tiếp tục phạm tội thì việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt sẽ nhằm hạn chế tối đa hành vi phạm tội của bị can, bị cáo xâm phạm đến các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ.
– Bắt bị can, bị cáo để tạm giam nhằm đảm bảo công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án theo đúng các quy định của pháp luật; bảo đảm cho sự có mặt của bị can, bị cáo trong hoạt động tố tụng khi cần thiết; bảo đảm cho bản án đã tuyên có điều kiện thi hành khi có hiệu lực pháp luật cũng như đảm bảo tính chính xác, khách quan của hoạt động tố tụng đó.
Ví dụ:
+ Ở giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra áp dụng biện pháp bắt, tạm giam với mục đích ngăn ngừa tội phạm và bảo đảm các điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ điều tra như: đảm bảo sự có mặt của bị can để thường xuyên làm việc, chống việc bị can tiêu hủy chứng cứ, thông đồng với nhau để khai báo; ngăn ngừa việc bị can bỏ trốn gây khó khăn cho việc xử lý vụ án.
+ Ở giai đoạn xét xử, việc áp dụng biện pháp bắt để bảo đảm sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa. Việc bắt tạm giam bị cáo còn có ý nghĩa ngăn ngừa không cho các bị can, bị cáo thông cung, đe dọa người làm chứng, người bị hại, bảo đảm cho việc xét xử tại phiên tòa được khách quan và thi hành ngay được bản án khi có hiệu lực pháp luật.
Đối tượng bị áp dụng biện pháp bắt bị can, bị cáo để tạm giam.
Bắt bị can, bị cáo để tạm giam là bắt người đã bị khởi tố về hình sự hoặc người đã bị Tòa án đưa ra xét xử để tạm giam, phục vụ cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án (Điều 80 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003). Như vậy, đối tượng của việc bắt để tạm giam chỉ có thể là bị can, bị cáo. Bị can, bị cáo theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự là người đã bị khởi tố về hình sự và là người đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử.
Còn những người chưa bị khởi tố về hình sự hoặc người không bị Tòa án đưa ra xét xử không phải đối tượng bắt để tạm giam theo quy định của Điều 80 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Nếu họ có hành vi phạm tội thì có thể bị bắt theo trường hợp khẩn cấp hoặc quả tang chứ không phải là bắt bị can, bị cáo để tạm giam.
Căn cứ áp dụng biện pháp bắt bị can, bị cáo để tạm giam gồm có các căn cứ sau:
– Khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử;
– Khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội;
– Khi có căn cứ rõ ràng bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc thi hành án hình sự.
Để chứng minh được một trong các căn cứ này, các cơ quan tiến hành tố tụng phải thu thập chứng cứ theo đúng trình tự, thủ tục luật định. Các căn cứ phải được đánh giá một cách khách quan, toàn diện chứ không phải ý chí chủ quan của một người, hay một cơ quan nào đó. Tránh tình trạng, nhiều nơi điều tra viên do trình độ có hạn trong quá trình thực thi công việc thông báo cho bị can đến nhưng bị can do điều kiện khách quan không đến đúng hẹn hoặc bị can khai báo không thành khẩn thì điều tra viên đã cho rằng bị can gây khó khăn, do đó đã làm công văn đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt tạm giam.
Bắt bị can, bị cáo để tạm giam tức là người bị bắt sẽ bị tạm giam cho nên ngoài các căn cứ áp dụng theo Điều 79 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 ra, còn phải căn cứ vào điều kiện để tạm giam quy định tại Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 như: Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng; bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định mức phạt trên 2 năm tù và có căn cứ để cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội. Như vậy, nếu dưới 2 năm tù mà có các điều kiện ở Điều 79 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì cũng không được bắt tạm giam. Ngoài ra, nếu không phải trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì không bắt, không tạm giam đối với người già yếu, bệnh nặng có nơi cư trú rõ ràng, phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng.
Từ những phân tích trên, chúng ta có thể nhận thấy việc xem xét căn cứ để bắt và căn cứ để tạm giam là rất quan trọng bởi vì nếu bắt xong mà không tạm giam được thì rất khó xử lý. Hoặc nếu bắt tạm giam mà không đủ các căn cứ cho dù họ là bị can, bị cáo thì lệnh tạm giam đó bị coi là vi phạm pháp luật, cần phải xử lý. Tránh tình trạng bắt tràn lan, trường hợp không đáng bắt thì vẫn tiến hành bắt, gây quá tải cho các trại tạm giam.
Thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt bị can, bị cáo để tạm giam
Bắt bị can, bị cáo để tạm giam là việc hệ trọng, ảnh hưởng đến một số quyền con người, cho nên việc quy định thẩm quyền ra lệnh và phê chuẩn chỉ hạn chế và tập trung ở một số người tiến hành tố tụng và cơ quan.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 80 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, người có thẩm quyền ra lệnh áp dụng biện pháp bắt bị can, bị cáo gồm những người sau:
– Viện trưởng, phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp;
– Chánh án, phó Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp;
– Thẩm phán giữ chức vụ Chánh Tòa, phó Chánh Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử;
– Thủ trưởng, phó Thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp (đối với trường hợp này lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành).
Theo quy định tại Điều 1 Pháp lệnh 23/2004/PL- UBTVQH11 ngày 20/8/2004 về tổ chức điều tra hình sự quy định cơ cấu tổ chức của cơ quan điều tra gồm:
– Cơ quan điều tra trong an ninh nhân dân gồm có:
+ Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an;
+ Cơ quan điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
+ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện, quận, thị xã thành phố thuộc tỉnh).
– Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an; cơ quan điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
– Cơ quan điều tra trong quân đội nhân dân gồm có:
+ Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng;
+ Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương;
+ Cơ quan điều tra hình sự khu vực.
– Cơ quan an ninh điều tra Bộ Quốc phòng; cơ quan an ninh điều tra quân khu và tương đương.
– Cơ quan điều tra ở Viện kiểm sát nhân dân gồm có: Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao; cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương.
Về thủ tục bắt bị can, bị cáo để tạm giam:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 80 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp bắt bị can, bị cáo để tạm giam. Lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam phải bằng văn bản, lệnh phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ người ra lệnh, họ tên, địa chỉ của người bị bắt, lý do bắt. Lệnh phải được người ra lệnh ký đóng dấu. Những lệnh phải phê chuẩn thì phải có mục phê chuẩn của Viện kiểm sát, ghi rõ số, ngày, tháng, năm phê chuẩn, họ tên, chữ ký của người phê chuẩn và phải có đóng dấu. Như vậy, lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam ngoài hình thức thể hiện đặc thù như tên gọi ra còn phải được thể hiện dưới thể thức văn bản pháp lý nhà nước.
Người được giao chủ trì thi hành lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam phải chuẩn bị phương tiện, bố trí lực lượng và có sự tham gia của thành phần bắt buộc. Trước khi bắt người, người được giao trách nhiệm thi hành lệnh bắt, đọc lệnh bắt và giải thích lệnh cho người bị bắt biết. Việc bắt người phải được lập biên bản ghi rõ ngày, giờ, tháng năm, địa điểm, nơi lập biên bản. Ghi rõ những đồ vật, tài liệu thu giữ, những khiếu nại của người bị bắt. Biên bản phải ghi đầy đủ, tỉ mỉ tránh việc bắt người có nhiều nội dung, tình huống nhưng không ghi hết hoặc ghi quá vắn tắt theo mẫu biên bản in sẵn, gây khó khăn cho việc giải quyết về sau. Biên bản lập xong được đọc công khai cho các thành phần có mặt nghe, các ý kiến bổ sung phải được ghi lại đầy đủ. Người bị bắt và các thành phần tham gia phải ký xác nhận vào biên bản.
Khi thi hành lệnh bắt bị can, bị cáo phải có đại diện chính quyền xã hoặc đại diện cơ quan, tổ chức nơi người bị bắt cư trú, làm việc. Trường hợp bắt tại nơi cư trú của bị can, bị cáo thì phải có người láng giềng chứng kiến. Việc bắt bị can, bị cáo để tạm giam không mang tính chất cấp bách như bắt người trong trường hợp khẩn cấp hoặc bắt người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người bị bắt, của thân nhân, của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, tránh gây căng thẳng do việc bắt người gây ra, khoản 3 Điều 80 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định “Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã…”. Ban đêm, theo Bộ luật Tố tụng hình sự được hiểu là từ 22 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, do đó chỉ được bắt bị can, bị cáo để tạm giam từ 6 giờ đến 22 giờ. Ngoài thời gian đó mà tổ chức bắt bị can bị cáo là vi phạm thủ tục tố tụng. Người bị bắt và công dân có quyền phản đối. Người ra lệnh bắt và thi hành lệnh bắt mà cố ý làm trái quy định, vi phạm pháp luật có thể bị xử lý về hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tóm lại, việc bắt bị can, bị cáo để tạm giam nhằm phục vụ cho điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự phải được tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
1.1.2.2. Bắt người trong trường hợp khẩn cấp
Bắt người trong trường hợp khẩn cấp là biện pháp ngăn chặn thường áp dụng đối với người chưa bị khởi tố về hình sự, không cần sự phê chuẩn trước của Viện kiểm sát, nhằm ngăn chặn tội phạm, không để người phạm tội bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.
Theo quy định của Điều 81 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định những trường hợp bắt khẩn cấp sau:
Thứ nhất, bắt người trong trường hợp có tài liệu, chứng cứ khẳng định người đó chuẩn bị tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng cần phải bắt ngay, nếu không tội phạm sẽ xảy ra. Việc bắt khẩn cấp trong trường hợp này là ngăn chặn không để tội phạm xảy ra, gây hậu quả xấu cho xã hội. Việc bắt người trong trường hợp này chỉ được tiến hành khi có các căn cứ sau:
– Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có quá trình theo dõi hoặc kiểm tra, xác minh các nguồn tin biết người đó đang bí mật tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện cần thiết khác để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, cần phải bắt ngay trước khi tội phạm được thực hiện. Việc bắt người trong trường hợp này cần có hai điều kiện.
+ Điều kiện thứ nhất: có căn cứ khẳng định một người đang chuẩn bị thực hiện tội phạm, những căn cứ này, có thể do cơ quan có thẩm quyền trực tiếp xác định qua việc theo dõi đối tượng hoặc qua việc kiểm tra, xác minh các nguồn tin do quần chúng cung cấp, đã khẳng định người đó đang tìm kiếm công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện cần thiết khác để thực hiện tội phạm như: bàn mưu, tính kế, xây dựng kế hoạch để thực hiện tội phạm. Những hành vi nói trên, mặc dù chưa trực tiếp xâm hại đến lợi ích của nhà nước và công dân nhưng đã đặt các lợi ích ấy vào tình trạng bị đe dọa, cần thiết phải được bảo vệ kịp thời.
+ Điều kiện thứ hai: có căn cứ cho rằng một hoặc nhiều người đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Theo khoản 3 Điều 8 của Bộ luật Hình sự 1999 phân loại tội phạm thành bốn nhóm tội phạm khác nhau: “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”. Tuy nhiên, việc chuẩn bị thực hiện tội phạm vẫn còn một khoảng cách nhất định với việc thực hiện tội phạm nên không nhất thiết đều phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Mà theo quy định tại Điều 17 Bộ luật hình sự 1999 thì chỉ người nào chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Do vậy, muốn bắt khẩn cấp một người đang chuẩn bị thực hiện tội phạm thì tội phạm họ đang chuẩn bị phải là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; còn người đang chuẩn bị thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng thì điều luật không cho phép áp dụng biện pháp bắt khẩn cấp.
Thực tế hiện nay, một số trường hợp việc xác định tội phạm mà một người đang chuẩn bị thực hiện có phải là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hay không lại không đơn giản. Bởi vì, theo Bộ luật Hình sự có những tội phạm luôn luôn là tội ít nghiêm trọng (Ví dụ: Tội cố ý gây tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 106 Bộ luật hình sự 1999); Tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ (Điều 130 Bộ luật hình sự 1999). Hay có những tội phạm luôn luôn là tội nghiêm trọng (Ví dụ: Tội loạn luân (Điều 150 Bộ luật hình sự 1999). Hoặc có những tội luôn luôn là tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng (Ví dụ: Tội phản bội tổ quốc (Điều 78 Bộ luật hình sự 1999). Khi có căn cứ cho rằng một người đang chuẩn bị phạm một trong những tội phạm này, thì việc xác định đó có phải là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hay không để quyết định có áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt khẩn cấp thì rất đơn giản. Nhưng Bộ luật hình sự, có những tội danh mà cấu thành cơ bản của tội đó là tội ít nghiêm trọng, nhưng còn trong các cấu thành tăng nặng của tội đó thì lại là tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng, thậm chí còn là cả tội đặc biệt nghiêm trọng và một trong các tình tiết định khung tăng nặng của tội đó là căn cứ vào hậu quả do hành vi phạm tội gây ra. Cho nên, trong những trường hợp này, khi quá trình thực hiện tội phạm mới chỉ ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, chưa gây hậu quả và người thực hiện tội phạm chưa thực hiện các hành vi được quy định ở các tình tiết định khung tăng nặng khác thì không thể xác định được người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm gì (ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng) để từ đó mà tiến hành bắt khẩn cấp đối với họ hay không.
– Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn. Đối với trường hợp này, tội phạm đã xảy ra nhưng người thực hiện tội phạm không bị bắt ngay lúc đó. Sau một thời gian, người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy đã xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm. Nếu cơ quan điều tra xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó bỏ trốn thì ra lệnh bắt khẩn cấp. Việc bắt khẩn cấp trong trường hợp này cần có các điều kiện sau:
+ Điều kiện thứ nhất: Có người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm. Người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm có thể là người bị hại hoặc là một người khác đã chính mắt trông thấy và xác nhận với cơ quan có thẩm quyền đúng là người đã thực hiện tội phạm. Việc xác nhận phải mang tính chất khẳng định một cách chắc chắn, chứ không thể “hình như” hoặc “nhìn giống” người đã thực hiện tội phạm. Điều luật này cũng không quy định là “… người bị hại hoặc người làm chứng…” là vì theo quy định của pháp luật thì người làm chứng là bất cứ người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án và một điều kiện nữa là phải được cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập đến mà trên thực tế thì tại nơi xảy ra tội phạm có rất nhiều người có mặt mà không phải ai cũng có thể trở thành người làm chứng cả. Vì vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định “có người bị hại hoặc người có mặt…” là rất chính xác. Có như vậy mới đảm bảo được tính xác thực và giá trị của lời tố giác tội phạm. Trước đây, trong các văn bản pháp luật về Tố tụng hình sự thì chỉ cần có điều kiện này là đã được phép ra lệnh bắt khẩn cấp, dẫn đến tình trạng bắt tràn lan, do đó không phát huy được ưu điểm của biện pháp bắt người, gây tốn kém về tiền và sức người một cách không cần thiết. Để hạn chế nhược điểm trên, Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định thêm điều kiện nữa, đó là “… chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm”.
+ Điều kiện thứ hai: Cần ngăn chặn ngay người đó bỏ trốn. Để ra lệnh bắt người trong trường hợp này, cơ quan điều tra ngoài căn cứ nêu ở phần trên thì còn phải xem xét đến vấn đề có cần bắt để ngăn chặn ngay việc người đó trốn hay không. Nếu có căn cứ để cho rằng người đó không có khả năng trốn thì không cần bắt khẩn cấp. Căn cứ để cho rằng cần bắt ngay để ngăn chặn việc người đó trốn có thể dựa vào căn cứ thực tế người phạm tội có hành động bỏ trốn hoặc đã trốn.
– Khi có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ. Đây là trường hợp cơ quan có thẩm quyền chưa có đủ tài liệu, chứng cứ để xác định người thực hiện tội phạm. Nhưng qua việc phát hiện dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần thiết ngăn chặn việc người này bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ thì bắt khẩn cấp.
Thứ hai, bắt người khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy, xác nhận đúng đó là người đã thực hiện tội phạm, cần phải bắt ngay nếu không người phạm tội sẽ trốn. Trong trường hợp này tội phạm đã hoàn thành, hậu quả đã xảy ra, nhưng người thực hiện hành vi phạm tội chưa bị bắt mà sau một thời gian, người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy, xác nhận đó là người đã thực hiện tội phạm và báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau khi xác minh, khẳng định thấy thông tin do người bị hại, người trực tiếp chứng kiến tội phạm tại hiện trường cung cấp là đúng, cần phải bắt ngay, nếu không người phạm tội sẽ trốn gây khó khăn cho việc điều tra.
Thứ ba, bắt người khi thấy dấu vết của tội phạm ở người, hoặc tại nơi ở của người bị nghi đã thực hiện tội phạm và xét thấy cần phải bắt ngay, nếu không người đó sẽ trốn, hoặc tiêu hủy chứng cứ. Việc xác định dấu vết ở người hoặc nơi ở của người bị nghi đã thực hiện tội phạm do cơ quan có thẩm quyền thực hiện trong quá trình thực thi pháp luật như: trong quá trình khám xét người, chỗ ở, kiểm tra hành chính…. và xét thấy, nếu không bắt ngay, người đó sẽ trốn, hoặc tiêu hủy chứng cứ và gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý tội phạm.
1.1.2.3. Bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã
Tại Điều 82 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định: Bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã chỉ áp dụng đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Khi bắt người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.
Theo quy định trên, đối tượng được coi là bắt người phạm tội quả tang gồm 3 trường hợp sau:
Trường hợp thứ nhất: Người đang thực hiện tội phạm thì bị phát hiện là trường hợp người phạm tội đang thực hiện dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực để cướp, giật tài sản hoặc gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người khác….
Trường hợp thứ hai: Người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đã thực hiện xong hành vi phạm tội chưa kịp tẩu tán tài sản hoặc chưa tẩu thoát khỏi nơi gây ra hành vi vi phạm pháp luật hoặc chưa phi tang, cất giấu phương tiện vi phạm thì bị phát hiện và bị bắt giữ.
Trường hợp thứ ba: Người phạm tội đã hoặc đang thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì bị phát hiện, bỏ chạy và đang bị đuổi bắt.
Từ các trường hợp trên, chúng ta có thể đưa ra một khái niệm về trường hợp bắt người phạm tội quả tang như sau: Bắt người phạm tội quả tang là bắt người khi người đó đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt.
Ngoài các trường hợp phân tích về đối tượng bắt người phạm tội quả tang, thì đối tượng của trường hợp bắt người đang bị truy nã được hiểu là bắt người phạm tội đang bỏ trốn và đã có lệnh truy nã của cơ quan điều tra. Người bị truy nã là người đã bị khởi tố về hình sự, họ có thể bị truy nã trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành án.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, lệnh truy nã phải ghi rõ họ, tên, ngày tháng năm sinh, đặc điểm nhận dạng, ảnh chụp (nếu có)….và tội danh của người bị truy nã. Lệnh truy nã phải được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông báo đến công an xã, phường biết người đang có lệnh truy nã để ngăn chặn bắt khi người đó xuất hiện ở địa phương. Về thủ tục bắt người bị truy nã được áp dụng tương tự như trường hợp bắt người có hành vi phạm tội quả tang.
Như vậy có thể hiểu: Bắt người đang bị truy nã là bắt người đã bị khởi tố về hình sự khi người đó trốn tránh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành án hình sự.
Về thẩm quyền bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã thì ai cũng có quyền bắt. Việc quy định như vậy nhằm động viên và nâng cao trách nhiệm toàn dân trong công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Để ngăn chặn ngay hành vi phạm tội, hoặc phát hiện người bị truy nã đang lẩn trốn ở địa phương, do đó phải tiến hành bắt ngay để không cho người phạm tội có thời gian trốn thoát.
Về thủ tục bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã là khi phát hiện một người đang có hành vi phạm tội, ngay sau khi phạm tội, đang bị đuổi bắt hoặc đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt giữ mà không cần lệnh, cách thức bắt tùy theo sự chống đối và tính chất tội phạm mà áp dụng cho phù hợp. Khi bắt, người bắt có quyền tước vũ khí của người bị bắt kèm theo các vật chứng có liên quan (nếu có). Sau khi bắt phải dẫn giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản về việc bắt, nhận người bị bắt và phải tổ chức giải người bị bắt đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp Uỷ ban nhân dân cấp xã sau khi nhận người phải dẫn giải đến cơ quan Công an cấp huyện và không được tạm giữ ở cấp xã, Uỷ ban nhân dân cấp xã không được xây nhà tạm giữ để giữ người theo thủ tục Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, trong thực tế đối với quần chúng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp xã do chưa phân biệt một cách rõ ràng giữa hành vi phạm tội và hành vi vi phạm hành chính, từ đó dẫn đến tình trạng là bắt cả người có hành vi vi phạm hành chính dẫn đến Cơ quan điều tra. Do vậy, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân cần có sự phối hợp trong công tác phân loại xử lý, sau đó mới có quyết định việc áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp ngăn chặn tiếp theo.
Việc bắt đối với một số đối tượng khác ngoài việc phải tuân thủ các quy định về bắt người nói chung theo các điều 79,80,81 và điều 82 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 còn phải căn cứ vào một số quy định khác của pháp luật, cụ thể:
– Trường hợp bắt người phạm tội là đại biểu Quốc hội thì Hiến pháp 1992 quy định “Không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp không có sự đồng ý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội. Nếu vì phạm tội quả tang mà đại biểu Quốc hội bị bắt giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét và quyết định”. Vấn đề này cũng được Luật Tổ chức Quốc hội quy định “Việc đề nghị bắt giam, truy tố, khám xét nơi ở và làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao”. Theo các quy định trên, đại biểu Quốc hội được miễn trừ về tư pháp nhưng không phải vì thế mà đại biểu Quốc hội sẽ không bị xử lý nếu thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, vì đại biểu Quốc hội mang hai tư cách: tư cách cá nhân công dân và tư cách đại diện. Với tư cách là đại diện ý chí và nguyện vọng của nhân dân thì không bao giờ có tội phạm xảy ra, còn với tư cách cá nhân công dân thì rất có thể đại biểu Quốc hội cũng phạm tội, hoặc lợi dụng tư cách đó để phạm tội.
– Trường hợp bắt người phạm tội là đại biểu Hội đồng nhân dân “Trong thời gian Hội đồng nhân dân họp nếu không có sự đồng ý của chủ toạ kỳ họp thì không được bắt giữ đại biểu Hội đồng nhân dân; nếu phạm tội quả tang hoặc trong trường hợp khẩn cấp mà đại biểu Hội đồng nhân dân bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo ngay cho chủ toạ phiên họp. Giữa hai kỳ họp của Hội đồng nhân dân nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra lệnh tạm giữ đại biểu Hội đồng nhân dân thì phải báo cho chủ tịch Hội đồng nhân dân và chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp” (Điều 27 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân). Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương tham gia vào việc quản lý nhà nước. Đại biểu Hội đồng nhân dân về nguyên tắc họ không được quyền miễn trừ như đại biểu Quốc hội. Nhưng khi cần áp dụng biện pháp ngăn chặn theo Luật Tố tụng hình sự thì phải tuân thủ theo điều trên. Đây là những quy định nhằm đảm bảo cho việc thực hiện chức năng giám sát việc thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước được tốt, chứ không phải nhằm bảo vệ một cá nhân nào.
– Trường hợp bắt người chưa thành niên phạm tội: Chính sách hình sự của Nhà nước ta đối với người chưa thành niên chủ yếu là giáo dục và giúp đỡ họ sửa chữa những sai lầm để họ trở thành những công dân tốt có ích cho xã hội, vì vậy Bộ luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự đều có những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn. Ngoài việc áp dụng các quy định chung ra còn phải áp dụng thêm các điều luật đối với người chưa thành niên, điều này thể hiện rõ chính sách nhân đạo của Nhà nước ta. Theo đó “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng” (Điều 12 Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2008). Như vậy, năng lực chịu trách nhiệm hình sự của một người phải ít nhất từ 14 tuổi trở lên. Để phân loại sự nhận thức khi có hành vi phạm tội, luật chia làm hai lứa tuổi của người chưa thành niên để xác định trách nhiệm hình sự của họ theo mức độ tội phạm khác nhau.
Để phù hợp với Luật hình sự, Điều 303 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định:
1. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu đủ căn cứ quy định tại các điều 80,81,82,86,88 và 120 Bộ luật này nhưng chỉ trong trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị bắt tạm giữ, tạm giam quy định tại các điều 80,81,82,86,88 và 120 Bộ luật này nhưng chỉ trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Đối với người chưa thành niên phạm tội, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 đã dành một chương riêng quy định về “Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên” phạm tội. Mục đích là thể hiện chính sách nhân đạo xã hội chủ nghĩa đối với người chưa thành niên phạm tội.
– Trường hợp bắt người nước ngoài phạm tội, Điều 5 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2008 quy định: “Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao”. Đối với trường hợp bắt người nước ngoài phạm tội, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 vẫn chưa có chế định riêng hoặc có những văn bản hướng dẫn cụ thể quy định về việc bắt, tạm giữ, tạm giam mà vẫn áp dụng thủ tục bắt chung như người Việt Nam vi phạm pháp luật.
1.1.3. Khái niệm về biện pháp ngăn chặn tạm giữ
Theo quy định tại khoản 1 Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 “Tạm giữ là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự do cơ quan và những người có thẩm quyền áp dụng đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo lệnh truy nã”.
– Mục đích của tạm giữ đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú là để ngăn chặn hành vi phạm tội, hành vi trốn tránh pháp luật, cản trở hoạt động điều tra của người phạm tội, tạo điều kiện cho Cơ quan điều tra thu thập chứng cứ tài liệu, bước đầu xác định tính chất haàn vi của người bị tạm giữ. Tạm giữ đối với người bị bắt theo lệnh truy nã để có thời gian cho cơ quan đã ra quyết định truy nã đến nhận người bị bắt.
– Căn cứ để áp dụng biện pháp tạm giữ đối với người vi phạm pháp luật: Đối tượng có thể bị áp dụng biện pháp tạm giữ là người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo lệnh truy nã. Trong trường hợp người bị bắt khi phạm tội quả tang nhưng sự việc phạm tội nhỏ, tính chất ít nghiêm trọng, người bị bắt có nơi cư trú rõ ràng và không có hành động, biểu hiện sẽ cản trở việc điều tra thì không cần phải tạm giữ.
Người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp thường phải vị tạm giữ, vì trong hầu hết các trường hợp khi quyết định bắt khẩn cấp, Cơ quan điều tra đã xác định cần phải ngăn chặn việc người đó bỏ trốn hoặc cản trở điều tra.
Người bị bắt theo lệnh truy nã thì ngay sau khi lấy lời khai, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo cho cơ quan đã ra lệnh truy nã để cơ quan này đến nhận người bị bắt. Việc tạm giữ đối với người này chỉ đặt ra khi xét thấy cơ quan đã ra lệnh truy nã không thể đến ngay để nhận người bị bắt.
– Về thẩm quyền ra quyết định tạm giữ: Theo quy định tại khoản 2 Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003: “Những người có quyền ra lệnh bắt khẩn cấp quy định tại khoản 2 Điều 81của Bộ luật này, Chỉ huy trưởng vùng Cảnh sát biển có quyền ra quyết định tạm giữ”. Theo khoản 2 Điều 86 quy định về thẩm quyền ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp thì có bốn nhóm người có quyền ra lệnh bắt khẩn cấp, gồm những nhóm người sau đây:
+ Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;
+ Người chỉ huy đơn vị quân độ độc lập cấp trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới;
+ Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời sân bay, bến cảng;
+ Chỉ huy trưởng vùng Cảnh sát biển.
Như vậy, những người có quyền ra quyết định tạm giữ không hoàn toàn là những người đại diện của các cơ quan tiến hành tố tụng mà bao gồm cả những người của các cơ quan nhà nước khác hoặc trong lực lượng vũ trang.
– Về thủ tục tạm giữ: Theo quy định tại khoản 3 Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự: Việc tạm giữ phải có lệnh viết của người có thẩm quyền. Lệnh tạm giữ phải ghi rõ lý do tạm giữ, thời hạn tạm giữ ngày hết hạn tạm giữ và giao cho người bị tạm giữ một bản. Nếu việc tạm giữ không có lệnh của người có thẩm quyền, người bị tạm giữ có quyền yêu cầu trả tự do cho họ. Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi ra lệnh tạm giữ, lệnh tạm giữ phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp để kiểm sát việc áp dụng biện pháp ngăn chặn. Khi kiểm sát việc tạm giữ, nếu thấy việc tạm giữ không đúng pháp luật hoặc không cần thiết phải tạm giữ thì Viện kiểm sát ra quyết định huỷ bỏ lệnh tạm giữ và cơ quan đã ra lệnh tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ. Việc huỷ bỏ lệnh tạm giữ của Viện kiểm sát được thực hiện trong các trường hợp sau:
+ Người bị tạm giữ không phải là người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, trường hợp phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã và không phải là người phạm tội tự thú, đầu thú;
+ Người bị tạm giữ chỉ có những vi phạm nhỏ, tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Người bị tạm giữ trong trường hợp phạm tội quả tang nhưng sự việc phạm tội nhỏ, tính chất ít nghiêm trọng, người bị tạm giữ có nơi cư trú rõ ràng và không có biểu hiện sẽ trốn hoặc cản trở việc điều tra.
– Về thời hạn tạm giữ: Theo Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định: “Thời hạn tạm giữ không quá ba ngày, kể từ khi Cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá ba ngày. Trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể ra hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng cũng không được quá ba ngày. Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ. Thời hạn tạm giữ được tính vào thời hạn tạm giam. Việc tạm giữ đối với người chưa thành niên phạm tội không có quy định khác về thời hạn tạm giữ”[6].
Căn cứ vào các quy định trên, cách tính thời hạn trong Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định khi tính thời hạn theo ngày thì thời hạn sẽ hết vào lúc 24 giờ, do vậy trong cách tính thời hạn tạm giữ, thời điểm ra lệnh tạm giữ chỉ có ý nghĩa để tính ngày bị tạm giữ chứ không có ý nghĩa tính giờ bị tạm giữ, nói cách khác mặc dù các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ vào lúc mấy giờ nhưng thời hạn tạm giữ chỉ hết vào lúc 24 giờ của ngày hết hạn. Việc Bộ luật Tố tụng hình sự quy định hai lần có thể gia hạn tạm giữ nhằm bảo đảm tính có căn cứ và cần thiết của việc tạm giữ, hạn chế hiện tượng tạm giữ tràn lan, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, do vậy đòi hỏi người áp dụng pháp luật phải nhận thức rõ vấn đề này để bảo đảm áp dụng pháp luật được tốt.
1.1.4. Khái niệm về biện pháp ngăn chặn tạm giam
Tạm giam là một biện pháp tạm thời tước bỏ tự do có giới hạn đối với một con người. Đây chính là sự kiện pháp lý trung tâm, là hạt nhân của chế định tạm giam và kéo theo nó là dây chuyền các mối quan hệ xã hội cần được điều chỉnh về mặt pháp luật. Xã hội càng văn minh thì con người được coi trọng và Hiến pháp đã ghi nhận các quyền cơ bản của con người. Do vậy, dây chuyền các mối quan hệ kéo theo sự kiên tạm giam càng dài, tức là pháp luật càng phải điều chỉnh các mối quan hệ này một cách thấu đáo hơn để vừa đảm bảo các quyền, lợi ích chính đáng của con người, lại vừa bảo đảm ngăn chặn, phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Trên cơ sở những đòi hỏi có tính nguyên tắc đó có thể tiến hành xem xét sự kiện pháp lý trung tâm – tạm giam một con người – đụng chạm đến những chủ thể nào và có những mối quan hệ nào nảy sinh, cần được điều chỉnh bằng pháp luật.
Ở mức độ khái quát nhất, tạm giam là một biện pháp ngăn chặn trong Tố tụng hình sự, mà việc thực hiện nó có hai chủ thể lớn: đó là Nhà nước, với đại diện là những cơ quan, những người tiến hành tố tụng và người bị tạm giam, với tư cách là người chưa bị kết tội bởi một bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Như vậy, ở đây có hai nguồn pháp lý:
Thứ nhất, phải có những quy định của pháp luật cho người tiến hành tố tụng trong việc áp dụng biện pháp tạm giam;
Thứ hai, phải có những quy định về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giam, sao cho họ được đối xử đúng với địa vị pháp lý của họ.
Cả hai nguồn pháp lý này đều phải thực hiện cả về mặt lập pháp cũng như mặt áp dụng pháp luật, theo tinh thần của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tức là những người tiến hành tố tụng chỉ được làm và buộc phải làm những gì mà pháp luật quy định.
Chế định tạm giam được quy định rải rác tại một số chương, điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, bao gồm các điều luật sau: Điều 6, 34, 36, 38, 79, 80, 88, 89,90,94,96,112,120,121,163,166,177,228,243,250,287,303,322 và 324.
1.1.4.1. Đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm giam
Theo quy định tại Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm giam là bị can, bị cáo.
– Bị can là người đã bị khởi tố hình sự[7];
– Bị cáo là người đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử[8].
Người chưa bị khởi tố về hình sự hoặc người chưa bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử thì không thể tạm giam. Người đã bị tạm giữ, nếu không đủ tài liệu, chứng cứ để khởi tố họ với tư cách là bị can thì không được ra lệnh tạm giam đối với họ.
Bản chất biện pháp tạm giam chỉ là biện pháp ngăn chặn có tính chất tình thế, chứ không phải là hình phạt. Do đó, Luật đưa ra những điều kiện kèm theo để chọn lọc đối tượng cần thiết mới áp dụng tạm giam nhằm thu hẹp đối tượng bị tạm giam.
1.1.4.2. Căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định căn cứ tạm giam chủ yếu dựa vào sự phân loại tội phạm (kể cả với trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên).
Theo khoản 1 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp sau đây:
Trường hợp thứ nhất: Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng;
Đây là trường hợp bị can, bị cáo phạm tội mà theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, mức cao nhất của khung hình phạt áp dụng đối với tội ấy là từ trên 7 năm tù đến 15 năm tù (tội phạm rất nghiêm trọng) hoặc tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt là trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình (tội phạm đặc biệt nghiêm trọng). Việc áp dụng biện pháp tạm giam trong trường hợp này cần hai điều kiện:
+ Người thực hiện tội phạm là bị can, bị cáo;
+ Bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Như vậy, trong trường hợp thứ nhất này để xác định một người có thể bị tạm giam thì ngoài việc xác định họ là đối tượng của biện pháp tạm giam (bị can, bị cáo) như đã phân tích ở trên thì cần phải xác định tội phạm do họ thực hiện thuộc trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, ví dụ: bị can, bị cáo phạm tội Buôn lậu (Điều 153 Bộ luật hình sự) mà vật phạm pháp có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng thì có thể bị tạm giam, vì tội phạm mà họ thực hiện thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng, mức cao nhất của khung hình phạt có thể bị áp dụng đến 15 năm tù. Hoặc trường hợp bị can, bị cáo phạm tội Hiếp dâm làm nạn nhân chết hoặc tự sát (điểm c, khoản 3, Điều 111 Bộ luật hình sự), cũng có thể bị tạm giam, vì đây là trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Trường hợp thứ hai: Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể phạm tội.
Để tạm giam trong trường hợp này cần có các căn cứ sau:
+ Người thực hiện tội phạm là bị can, bị cáo;
+ Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng hoặc ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm.
Đây là trường hợp bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng hoặc phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt tù đối với tội ấy là trên hai năm tù. Trong một điều luật có nhiều khoản thì phạm tội thuộc khoản có mức hình phạt trên hai năm tù có thể bị tạm giam, phạm tội thuộc khoản có mức hình phạt tù từ hai năm trở xuống thì không thuộc trường hợp có thể tạm giam.
+ Có căn cứ để cho rằng người phạm tội có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.
Căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử được thể hiện qua việc bỏ trốn, làm giả hoặc tiêu hủy chứng cứ, bàn bạc với nhau trốn tránh pháp luật, mua chuộc, khống chế người làm chứng…
Đối với bị can, bị cáo có biểu hiện tiếp tục phạm tội thì việc áp dụng biện pháp cách ly họ với xã hội hoặc hạn chế không để họ phạm tội là cần thiết. Khi áp dụng căn cứ này cần phân biệt với căn cứ “để kịp thời ngăn chặn tội phạm”. Cả hai căn cứ này đều nhằm ngăn chặn không cho tội phạm xảy ra. Điểm khác nhau là căn cứ “để kịp thời ngăn chặn tội phạm” được áp dụng với những người chưa bị khởi tố, còn “để ngăn chặn việc bị can, bị cáo sẽ tiếp tục phạm tội” chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo khi có căn cứ cho rằng họ sẽ tiếp tục phạm tội. Để xác định căn cứ này phải căn cứ vào nhân thân bị can, bị cáo, thái độ của họ sau khi phạm tội hoặc những vi phạm nghĩa vụ của bị can, bị cáo khi được áp dụng biện pháp ngăn chặn ít nghiêm khắc.
Khi phạm tội thuộc trong những trường hợp trên, bị can, bị cáo có thể sẽ bị áp dụng biện pháp tạm giam. Tuy vậy, đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang thời kỳ nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ trường hợp sau đây:
+ Bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã;
+ Bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng lại tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử;
+ Bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
* Bắt tạm giam sau khi tuyên án:
Theo Điều 228 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định: Bắt tạm giam bị cáo ngay sau khi tuyên án sơ thẩm. Việc bắt tạm giam bị cáo ngay sau khi tuyên án được thực hiện nhằm đảm bảo cho công tác thi hành án phạt tù. Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể bắt tạm giam bị cáo ngay sau khi tuyên án khi có các căn cứ sau:
Thứ nhất, bị cáo không bị tạm giam nhưng bị phạt tù.
Được coi là không bị tạm giam là trường hợp trước khi xét xử họ đang tại ngoại do: chưa bị áp dụng biện pháp tạm giam lần nào; có bị tạm giữ, tạm giam (thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam có thể liên tục với nhau, có thể không liên tục với nhau) nhưng khi xét xử đang được tại ngoại.
Điều luật quy định là “bị phạt tù” nên không cần phân biệt họ bị phạt tù về loại tội nào (tội ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng). Đây là căn cứ tạm giam bị cáo ngay sau khi tuyên án khác hẳn với căn cứ tạm giam bị can, bị cáo trong các trường hợp trên.
Thứ hai, có căn cứ cho thấy bị cáo có thể trốn hoặc tiếp tục gây án.
Theo khoản 3 Điều 243 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định việc bắt tạm giam bị cáo ngay sau khi tuyên án Phúc thẩm như sau:
“Đối với bị cáo đang bị tạm giam bị xử phạt tù mà đến ngày kết thúc phiên toà thời hạn tạm giam đã hết thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo để đảm bảo việc thi hành án, trừ trường hợp được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 227 của Bộ luật này.
Đối với bị cáo không bị tạm giam, nhưng bị xử phạt tù thì Hội đồng xét xử có thể ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay sau khi tuyên án, trừ các trường hợp quy định tại Điều 261 của Bộ luật này.
Thời hạn tạm giam là bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày tuyên án”.
Như vậy, điều kiện bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án Phúc thẩm cũng giống như điều kiện bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án Sơ thẩm. Mục đích chủ yếu của việc tạm giam bị cáo sau khi tuyên án Phúc thẩm là để bảo đảm cho việc thi hành án. Do đó không được bắt tạm giam những người thuộc trường hợp hoãn chấp hành hình phạt tù quy định tại Điều 261 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Đối với bị cáo đang bị tạm giam bị xử phạt tù mà đến ngày kết thúc phiên toà thời hạn tạm giam đã hết thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo để đảm bảo thi hành án, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và 5 Điều 227 Bộ luật Tố tụng hình sự tuyên trả tự do ngay cho bị cáo đang bị tạm giam nhưng bị xử phạt tù nếu: được hưởng án treo; hoặc thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian bị cáo đã bị tạm giam. Còn các trường hợp khác Hội đồng xét xử Phúc thẩm phải quyết định tạm giam để đảm bảo thi hành án.
* Căn cứ tạm giam đối với bị can, bị cáo chưa thành niên
Theo Điều 303 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Điều kiện tạm giam bị can, bị cáo chưa thành niên phạm tội phụ thuộc vào độ tuổi của người chưa thành niên và loại tội phạm mà người đó thực hiện, cụ thể:
– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị tạm giam nếu có đủ căn cứ quy đinh tại Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự nhưng chỉ trong trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Việc Bộ luật Tố tụng hình sự quy định như vậy vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng”.
– Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị tạm giam nếu có đủ căn cứ quy định tại Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự, nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Như vậy, người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi trở lên, tuy phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, nhưng chỉ có thể bị tạm giam trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Đây là chính sách hình sự nhân đạo của Nhà nước ta đối với người chưa thành niên phạm tội.
1.1.4.3. Thẩm quyền ra lệnh tạm giam
Theo khoản 3 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định: Những người có thẩm quyền ra lệnh bắt được quy định tại Điều 80 của Bộ luật này có quyền ra lệnh tạm giam. Lệnh tạm giam của những người được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được lệnh tạm giam, đề nghị xét phê chuẩn và hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc tạm giam, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Viện kiểm sát phải hoàn trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra ngay sau khi kết thúc việc xét phê chuẩn.
Những người có thẩm quyền ra lệnh bắt được quy định tại Điều 80 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 bao gồm:
– Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp;
– Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp;
– Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử;
– Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trong trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
So với quy định về thẩm quyền ra lệnh tạm giam của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 thì quy định này trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã hoàn thiện một bước về biện pháp tạm giam, trong đó quy định rõ và thu hẹp phạm vi người có thẩm quyền ra lệnh tạm giam. Quy định mới này đã loại bỏ thẩm quyền ra lệnh tạm giam của Trưởng Công an, Phó trưởng Công an cấp huyện (vì đây là những chức danh hành chính chứ không phải chức danh tố tụng), thay vào đó, đối với Cơ quan điều tra chỉ có Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp mới có thẩm quyền ra lệnh tạm giam; loại bỏ thẩm quyền ra lệnh tạm giam của Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc Toà án quân sự cấp Quân khu trở lên chủ toạ phiên toà, đồng thời bổ sung thẩm quyền ra lệnh tạm giam cho các Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao.
1.1.4.4. Thời hạn tạm giam
Theo các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năo 2003, tạm giam được áp dụng trong các giai đoạn Tố tụng hình sự khác nhau. Tạm giam được áp dụng trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Vì vậy, việc áp dụng biện pháp tạm giam được quy định ở hầu hết các điều luật khác nhau của Bộ luật Tố tụng hình sự. Thời hạn tạm giam trong giai đoạn điều tra và điều tra bổ sung được quy định tại Điều 120, khoản 4 Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự; thời hạn tạm giam trong giai đoạn truy tố được quy định tại khoản 2 Điều 166 Bộ luật Tố tụng hình sự; thời hạn tạm giam trong giai đoạn xét xử được quy định tại Điều 177, Điều 243, Điều 287 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Pháp luật Tố tụng hình sự quy định về thời hạn tạm giam như trên, xuất phát từ các căn cứ sau đây:
Thứ nhất, thời hạn tạm giam căn cứ vào loại tội phạm
Theo quy định tại Điều 120 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì: Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiên trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.
Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau:
a. Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá một tháng;
b. Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá hai tháng và lần thứ hai không quá một tháng;
c. Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng, lần thứ hai không quá hai tháng;
d. Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.
Về thẩm quyền gia hạn tạm giam:
Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực có quyền gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng, gia hạn tạm giam lần thứ nhất đối với tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng. Trong trường hợp vụ án được thụ lý để điều tra ở cấp tỉnh, cấp quân khu thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng, gia hạn tạm giam lần thứ nhất đối với tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trong trường hợp gia hạn tạm giam lần thứ nhất quy định theo các trường hợp nêu trên đã hết mà vẫn chưa thể kết thúc việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực có thể gia hạn tạm giam lần thứ hai đối với tội phạm nghiêm trọng. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có thể gia hạn tạm giam lần thứ hai đối với tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Trong trường hợp vụ án được thụ lý để điều tra ở cấp trung ương thì việc gia hạn tạm giam thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương.
Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, trong trường hợp thời hạn gia hạn tạm giam lần thứ hai quy định đã hết và vụ án có nhiều tình tiết rất phức tạp mà không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể gia hạn tạm giam lần thứ ba. Trong trường hợp cần thiết đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần nữa không quá bốn tháng.
Trong khi tạm giam, nếu xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giam thì Cơ quan điều tra phải kịp thời đề nghị Viện kiểm sát huỷ bỏ việc tạm giam để trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Khi đã hết thời hạn tạm giam thì người ra lệnh tạm giam phải trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Qua việc phân tích thời hạn tạm giam và gia hạn tạm giam trong giai đoạn điều tra, chúng ta có thể tóm tắt như sau:
Tội phạm
Tạm giam
(tháng)
Gia hạn
lần 1
Gia hạn
lần 2
Gia hạn
lần 3
An ninh Quốc gia
Ít nghiêm trọng
2
1
Nghiêm trọng
3
2
1
Rất nghiêm trọng
4
3
2(tỉnh)
Đặc biệt nghiêm trọng
4
4 (tỉnh)
4(tỉnh)
4 (tối cao)
An ninh Quốc gia
4 (tối cao)
Thứ hai, thời hạn tạm giam căn cứ vào thời hạn tố tụng trong từng giai đoạn:
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, thời hạn tạm giam trong giai đoạn truy tố bằng với thời hạn quyết định truy tố; thời hạn tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử bằng thời gian chuẩn bị xét xử; thời hạn tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm bằng thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm. Cụ thể:
Thời hạn quyết định truy tố của Viện kiểm sát đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng là 20 ngày; đối với tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng là 30 ngày. Trong trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn, nhưng không quá mười ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng; không quá mười lăm ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng; không quá ba mươi ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Thời hạn quyết định truy tố được tính từ khi Viện kiểm sát nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra (Điều 166 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003). Tương ứng với các thời hạn quyết định truy tố (và gia hạn quyết định truy tố) nêu trên là thời hạn tạm giam. Về nguyên tắc, thời hạn tạm giam đối với từng loại tội phạm không quá thời hạn quyết định truy tố nêu trên.
Theo Điều 176 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Thời hạn chuẩn bị xét xử đối với tội phạm ít nghiêm trọng là ba mươi ngày, đối với tội phạm nghiêm trọng là bốn lăm ngày, đối với tội phạm rất nghiêm trọng là hai tháng, đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là ba tháng. Đối với những vụ án phức tạp, Chánh án Toà án có thể gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá mười lăm ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá ba mươi ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Thời hạn chuẩn bị xét xử và thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử tính từ khi Toà án nhận được hồ sơ vụ án.
Theo quy định tại Điều 228 Bộ luật Tố tụng hình sự, việc quyết định tạm giam bị cáo tại phiên toà thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử và thời hạn này là bốn mươi lăm ngày kể từ ngày tuyên án.
Về thời hạn xét xử phúc thẩm, Điều 242 và Điều 243 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu phải mở phiên toà phúc thẩm trong thời hạn sáu mươi ngày; Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án quân sự trung ương phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án. Thời hạn tạm giam không được quá thời hạn xét xử phúc thẩm nêu trên.
Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử, thì Toà án ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa.
Đối với bị cáo đang bị tạm giam bị xử phạt tù mà đến ngày kết thúc phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo để bảo đảm việc thi hành án, trừ trường hợp bị cáo bị xử phạt tù nhưng được hưởng án treo hoặc trong trường hợp thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian bị cáo đã bị tạm giam.
Về thời hạn tạm giam bị can, bị cáo theo thủ tục rút gọn, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì thẩm quyền và thủ tục tạm giam được áp dụng theo quy định chung về tạm giam nhưng thời hạn tạm giam để điều tra, truy tố được quy định tại khoản 3 Điều 322, không được quá 16 ngày; thời hạn tạm giam để xét xử theo thủ tục rút gọn được quy định tại khoản 4 Điều 324 là không quá 14 ngày.
Như vậy, thời hạn tạm giam trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã được quy định chi tiết, cụ thể hơn và thời hạn tạm giam đã được rút ngắn hơn so với trước. Thời hạn tạm giam gắn liền với thời hạn điều tra, truy tố, xét xử đối với từng loại tội cụ thể đã được quy định trong Bộ luật hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự.
1.1.4.5. Thủ tục tạm giam và bắt tạm giam
Việc tạm giam được thực hiện đối với bị can, bị cáo khi có đủ căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và xét thấy việc áp dụng biện pháp ngăn chặn là cần thiết. Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, căn cứ vào đặc điểm nhân thân bị can, căn cứ vào loại tội phạm mà họ thực hiện (ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng) mà Cơ quan điều tra xem xét, quyết định ra lệnh tạm giam (thời hạn tạm giam phụ thuộc vào loại tội phạm do bị can thực hiện). Lệnh tạm giam phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được lệnh tạm giam, đề nghị xét phê chuẩn và hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc tạm giam, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Viện kiểm sát phải hoàn trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra ngay sau khi kết thúc việc xét phê chuẩn.
Cơ quan ra lệnh tạm giam phải kiểm tra căn cước của người bị tạm giam và thông báo ngay cho gia đình người bị tạm giam và cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cho cơ quan, tổ chức nơi người bị tạm giam cư trú hoặc làm việc biết.
– Bắt bị can, bị cáo để tạm giam là việc bắt người sau khi đã có lệnh bắt tạm giam của cơ quan có thẩm quyền. Việc bắt bị can, bị cáo để tạm giam của Cơ quan điều tra chỉ có thể được tiến hành khi có lệnh bắt tạm giam khi có phê chuẩn của Viện kiểm sát hoặc lệnh bắt tạm giam của Viện kiểm sát, Tòa án đối với bị can, bị cáo đang tại ngoại.
Lệnh bắt phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ của người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị bắt và lý do ra lệnh bắt. Lệnh bắt phải có chữ ký của người ra lệnh và có đóng dấu.
Người thi hành phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt.
Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến. Khi tiến hành bắt người đó tại nơi làm việc phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Khi bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người. Việc bắt bị can, bị cáo không được tiến hành vào ban đêm.
Điều 84 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định chung về biên bản của việc bắt người, trong đó có cả biện pháp bắt bị can, bị cáo để tạm giam, đều phải tuân thủ theo những quy định sau đây:
+ Người thi hành lệnh bắt trong mọi trường hợp đều phải lập biên bản.
Biên bản phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm bắt, nơi lập biên bản; những việc đã làm, tình hình, diễn biến trong khi thi hành lệnh bắt, những đồ vật, tài liệu bị tạm giữ và những khiếu nại của người bị bắt.
Biên bản phải được đọc cho người bị bắt và những người chứng kiến nghe. Người bị bắt, người thi hành lệnh bắt và người chứng kiến phải cùng ký tên vào biên bản, nếu ai có ý kiến khác hoặc không đồng tình với nội dung biên bản thì có quyền ghi vào biên bản và ký tên.
+ Khi giao và nhận người bị bắt, hai bên giao và nhận phải lập biên bản.
Tại điểm I.9 Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02/10/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết về hình thức và nội dung của các văn bản thuộc thẩm quyền của Tòa án theo quy định tại Điều 79,80,88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 như sau:
+ Đối với trường hợp bị can, bị cáo đang bị tạm giam mà việc tiếp tục tạm giam bị can, bị cáo là do Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp, Thẩm phán giữ chức vụ Chánh tòa, Phó Chánh tòa Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao quyết định thì hình thức văn bản là “ Lệnh tạm giam”, nếu việc tiếp tục tạm giam bị cáo là do Hội đồng xét xử quyết định thì hình thức văn bản là “Quyết định tạm giam”.
+ Đối với trường hợp bị can, bị cáo không bị tạm giam (đang được tại ngoại) mà việc bắt bị can, bị cáo để tạm giam là do Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp, Thẩm phán giữ chức vụ Chánh tòa, Phó Chánh tòa Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao quyết định thì hình thức văn bản là “Lệnh bắt và tạm giam”; nếu việc bắt bị can, bị cáo để tạm giam là do Hội đồng xét xử quyết định thì hình thức văn bản là “Quyết định bắt và tạm giam”.
Việc quy định chi tiết và cụ thể hình thức, thủ tục tạm giam và bắt tạm giam bị can, bị cáo nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo được pháp luật quy định, hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật từ phía các cơ quan và người tiến hành tố tụng gây ra cho bị can, bị cáo. Việc quy định chặt chẽ như vậy xuất phát từ nguyên tắc của Bộ luật Tố tụng hình sự đó là: “không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” (Điều 9 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003). Việc bị can, bị cáo tuy bị khởi tố, tạm giam nhưng họ mới chỉ bị hạn chế một số quyền công dân, do đó pháp luật vẫn phải bảo vệ một số quyền và lợi ích chính đáng của họ, đây cũng đồng thời là nguyên tắc Hiến định của Nhà nước ta.
1.1.4.6 Chế độ tạm giam
* Quyền và nghĩa vụ người bị tạm giam:
– Theo quy định tại Điều 49, Điều 50 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, bị can, bị cáo có các quyền liên quan đến việc áp dụng biện pháp tạm giam như sau:
+ Bị can có quyền được biết mình bị khởi tố về tội gì, nhận được quyết định khởi tố, quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn… và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.
+ Bị can có quyền được nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biênh pháp ngăn chặn… các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.
– Ngày 07/11/1998 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/1998/NĐ-CP về việc ban hành Quy chế về tạm giữ, tạm giam và Nghị định số 98/2002/NĐ-CP ngày 27/11/2002 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP. Theo quy định của Quy chế này thì người bị tạm giam ngoài việc được hưởng các chế độ về tạm giam theo quy định thì họ có quyền khiếu nại, tố cáo việc tạm giam trái pháp luật, việc tố cáo có thể bằng đơn, thư hoặc bằng miệng với cán bộ Quản giáo, Giám thị hay Phó Giám thị trại tạm giam. Cán bộ tiếp nhận khiếu nại, tố cáo miệng phải lập thành văn bản, nếu người bị tạm giam muốn khiếu nại, tố cáo bằng đơn thư thì Giám thị hay Phó Giám thị Trại tạm giam hoặc người tiến hành tố tụng giải quyết vụ án đó phải bố trí địa điểm, giấy, bút để người bị tạm giam viết. Người bị tạm giam có quyền khiếu nại, tố cáo với Viện kiểm sát. Đơn, thư khiếu nại, tố cáo gửi cơ quan cấp trên trực tiếp của Trại tạm giam hoặc người tiến hành tố tụng hoặc Viện kiểm sát phải được chuyển giao trong vòng 24h. Khi nhận được đơn, thư khiếu nại, tố cáo của người bị tạm giam thì cá nhân hoặc cơ quan có trách nhiệm giải quyết phải tiến hành xác minh làm rõ sự việc và trả lời cho người khiếu nại, tố cáo chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn, thư hoặc lời khiếu nại, tố cáo đó.
Bị can, bị cáo bị tạm giam phải có nghĩa vụ chấp hành lệnh, quyết định tạm giam của các cơ quan tiến hành tố tụng, chấp hành các quy định của nơi giam giữ hoặc Trại tạm giam theo quy định của pháp luật.
* Những quy định về chế độ tạm giam
Tạm giam không phải là hình phạt mà là biện pháp ngăn chặn trong Tố tụng hình sự. Việc áp dụng biện pháp tạm giam không phải nhằm trừng trị người phạm tội mà để ngăn chặn tội phạm và hành vi trốn tránh pháp luật của người phạm tội. Vì vậy, điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định chế độ tạm giam khác với chế độ đối với người đang chấp hành hình phạt tù. Nơi tạm giam, chế độ nhận quà, sinh hoạt, liên hệ với gia đình và các chế độ khác trong thời hạn bị tạm giam được thực hiện theo quy định tại Nghị định 89/1998/NĐ-CP ngày 7/11/1998 và Nghị định số 98/2002/NĐ-CP ngày 27/11/2002 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP, cụ thể như sau:
– Chế độ quản lý tạm giam:
+ Việc giam giữ, bố trí theo khu vực và phân loại như sau: phụ nữ; người chưa thành niên; người nước ngoài; người có bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; đối tượng côn đồ, hung hãn, giết người, cướp tài sản, tái phạm nguy hiểm; người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia; người bị Tòa tuyên án tử hình; người có án phạt tù chờ chuyển đi Trại giam.
+ Người bị tạm giam có thể được gặp nhân thân, luật sư hoặc nhờ người bào chữa khác và do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định.
– Chế độ đối với người bị tạm giam:
+ Tiêu chuẩn ăn trong một tháng của một người bị tạm giam được tính theo định lượng là 15kg gạo, 0,3kg thịt, 0,5 kg cá, 0,8 kg muối, ½ lít nước mắm, 15kg rau xanh và 15kg chất đốt. Trong các ngày lễ, Tết Dương lịch được ăn thêm gấp 3 lần tiêu chuẩn ngày thường, trong các ngày Tết Nguyên đán được ăn gấp 5 lần tiêu chuẩn ngày thường.
+ Một tháng không quá hai lần người bị tạm giam được nhận quà và đồ dùng sinh hoạt của thân nhân gửi đến theo quy định, số lượng không vượt quá hai lần tiêu chuẩn ăn hàng ngày. Nghiêm cấm rượu, bia, chất kích thích…
+ Bình quân diện tích tối thiểu nơi giam đối với người bị tạm giam là 2m2/1 người, có bệ nằm bằng xi măng hay gạch men và có chiếu trải để nằm.
+ Trong thời gian bị tạm giam người bị tạm giam được sử dụng chăn, chiếu, màn cá nhân, nếu thiếu Trại giam cho mượn theo tiêu chuẩn. Hàng tháng người bị tạm giam được cấp 2kg xà phòng giặt, 02 tháng được cấp 01 khăn rửa mặt, người bị tạm giam là nữ được cấp thêm một số tiền để mua đồ dùng cần thiết cho vệ sinh phụ nữ.
+ Người bị tạm giam ốm đau, bệnh tật, thương tích được cán bộ y tế của Trại tạm giam khám và điều trị, nếu vượt quá khả năng khám, chữa bệnh của y tế Trại giam thì Trại giam báo cho cơ quan thụ lý đồng thời làm thủ tục chuyển họ đến cơ sở y tế ngoài để điều trị và tổ chức canh giữ họ. Chi phí khám, chữa bệnh do Trại giam thanh toán với cơ sở y tế đó.
+ Giám thị Trại tạm giam tổ chức cho người bị tạm giam nghe Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam.
* Việc chăm nom người thân thích và bảo quản tài sản của người bị tạm giữ, tạm giam được quy định tại Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003::
– Khi người bị tạm giữ, tạm giam có con chưa thành niên dưới 14 tuổi hoặc có người thân thích là người tàn tật, già yếu mà không có người chăm sóc thì cơ quan ra quyết định tạm giữ, tạm giam giao những người đó cho người thân thích chăm nom. Trong trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam không có người thân thích thì cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh tạm giam giao những người đó cho chính quyền sở tại chăm nom.
– Trong trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam có nhà hoặc tài sản khác không có người trông nom, bảo quản thì cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh tạm giam phải áp dụng những biện pháp chăm nom, bảo quản thích đáng.
– Cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh tạm giam thông báo cho người bị tạm giữ, tạm giam biết những biện pháp đã được áp dụng.
1.1.4.7. Hủy bỏ biện pháp tạm giam
Hủy bỏ biện pháp tạm giam là việc Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án quyết định không tiếp tục áp dụng biện pháp tạm giam đối với người đang bị áp dụng tạm giam. Điều 94 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định:
“1. Khi vụ án bị đình chỉ thì mọi biện pháp ngăn chặn đã áp dụng đều phải được hủy bỏ.
2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hủy bỏ biện pháp ngăn chặn khi thấy không còn cần thiết hoặc có thể thay thế bằng một biện pháp ngăn chặn khác.
Đối với những biện pháp ngăn chặn do Viện kiểm sát phê chuẩn thì việc hủy bỏ hoặc thay thế phải do Viện kiểm sát quyết định.”
Theo điều luật quy định, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn nói chung và việc hủy bỏ biện pháp tạm giam nói riêng được tiến hành khi có một trong các điều kiện sau:
– Một là, khi vụ án bị đình chỉ.
Đình chỉ vụ án là những quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án thấy rằng có nhứng căn cứ để không khởi tố vụ án hình sự được quy định tại Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003; hoặc trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm theo quy định tại Khoản 2 Điều 105; hoặc khi có các căn cứ quy định tại Điều 19, Điều 25 và Khoản 2 Điều 69 Bộ luật Hình sự. Việc đình chỉ vụ án là chấm dứt toàn bộ mọi hoạt động tố tụng của cơ quan và người tiến hành tố tụng đối với bị can, bị cáo. Do đó, khi vụ án đã được đình chỉ thì việc hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo là bắt buộc.
– Hai là, khi thấy không còn cần thiết
Trường hợp này được áp dụng khi các căn cứ để áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo không còn nữa. Do đó, khi thấy không cần thiết áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam để trả tự do cho bị can, bị cáo.
Trong trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án thấy có căn cứ để hủy bỏ biện pháp tạm giam nhưng vẫn cần phải áp dụng biện pháp ngăn chặn khác ít nghiêm khắc hơn để bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án thì các cơ quan này có thể thay thế biện pháp tạm giam bằng biện pháp ngăn chặn khác như: Cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.
Điều 177 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam của Tòa án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, trong đó việc hủy bỏ biện pháp tạm giam được quy định như sau: “…việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án quyết định…”. Đối với quy định này, Nghị quyết 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn: Hủy bỏ biện pháp tạm giam là việc Chánh án, Phó Chánh án Tòa án theo đề nghị của Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo trong trường hợp bị can, bị cáo đang bị tạm giam nhưng xét thấy không cần thiết tiếp tục tạm giam bị can, bị cáo và cũng không cần thiết áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
II. CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ CÁC BIỆN PHÁP BẮT, TẠM GIỮ, TẠM GIAM TỪ SAU CÁCH MẠNG THÁNG 8/1945 ĐẾN NAY
2.1.Khái quát lịch sử hình thành và phát triển các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam từ sau cách mạng tháng 8/1945 đến khi có Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988
Cách mạng tháng 8/1945 thành công đã đập tan chế độ thực dân phong kiến, thành lập nên nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một trang sử mới của cách mạng Việt Nam. Việc thiết lập, củng cố và phát triển bộ máy nhà nước của chính quyền cách mạng là một đòi hỏi cấp thiết. Ở thời điểm đó, tình hình chính trị, kinh tế, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội rất phức tạp. Thù trong, giặc ngoài, giặc đói, dặc dốt đã đặt đất nước ta trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Do đó, đòi hỏi nhà nước ta phải kịp thời tổ chức hệ thống các cơ quan bảo vệ pháp luật để đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ trật tự kỷ cương xã hội, bảo vệ an ninh chính trị và bảo vệ chế độ mới.
Đứng trước yêu cầu đòi hỏi của đất nước, chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ban hành một loạt các Sắc lệnh như: Sắc lệnh số 33C ngày 13/9/1945 về thiết lập các Tòa án quân sự; Sắc lệnh số 7 ngày 15/01/1946 bổ sung Sắc lệnh số 33C; Sắc lệnh số 21 ngày 14/02/1946 về tổ chức Tòa án quân sự; Sắc lệnh số 40 ngày 29/3/1946 về bảo vệ tự do cá nhân; Sắc lệnh số 131 ngày 30/7/1946 về tổ chức tư pháp công an…..
– Về việc bắt, theo quy định tại Sắc lệnh số 40 ngày 29/3/1946 về bảo vệ tự do cá nhân quy định về việc bắt người “Chỉ trừ khi nào có sự phạm pháp quả tang về khinh tội hay trọng tội còn bao giờ bắt người cũng cần phải có lệnh của thẩm phán viên” (Điều 1). Lệnh bắt người đó phải được viết ra giấy và bao giờ cũng phải do nhân viên các cơ quan chính thức đem thi hành. Ở nơi nào chưa có thẩm phán viên thì chỉ có những cơ quan do luật pháp đã ấn định để thay cho thẩm phán viên thì mới có quyền ra lệnh bắt người.
Như vậy, ngay từ khi nhà nước cách mạng mới thành lập, nhiệm vụ trấn áp tội phạm được đặt ra bức thiết nhưng việc tôn trọng và bảo vệ tự cá nhân cũng đã được nhà nước quan tâm. Việc bắt người cũng đã được quy định trong Sắc lệnh: việc bắt người phải có lệnh của những người có thẩm quyền do pháp luật quy định như thẩm phán viên. Nơi nào chưa có thẩm phán viên thì phải có cơ quan thay thẩm phán viên do pháp luật quy định mới có quyền ra lệnh bắt người. Trường hợp phạm pháp quả tang thì bắt người không phải có lệnh trước của thẩm phán viên và ai cũng có quyền bắt người trong trường hợp này.
Theo Điều 2 của Sắc lệnh quy định về việc phạm pháp quả tang “ Khi nào sự phạm pháp đương xảy ra hoặc vừa xảy ra trước mắt, hoặc khi nào kẻ phạm pháp còn đương bị công chúng theo đuổi hay còn đương cầm giữ tang vật, thì gọi là phạm pháp quả tang”.
Đối với những việc phải làm sau khi bắt người, Sắc lệnh quy định “ Tư nhân bắt được kẻ phạm pháp quả tang phải lập tức dẫn trình nhà chức trách ở gần đấy. Những nhân viên có trách nhiệm về việc tuần phòng có thể dẫn người bị bắt đến thẳng thẩm phán viên mà không cần hỏi cung trước. Bất kỳ vào trường hợp nào cũng phải được đem ra trước mặt thẩm phán viên để hỏi cung”.
Về việc bắt người, Điều 11 Hiến pháp 1946 nêu rõ “Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam” và quy định việc bắt giam nghị viện như sau “Nếu chưa được Nghị viện nhân dân đồng ý hay trong lúc Nghị viện không họp mà chưa được Ban thường vụ đồng ý thì Chính phủ không được bắt giam và xét xử những nghị viện. Trong trường hợp phạm pháp quả tang, Chính phủ có thể bắt gia nghị viện ngay nhưng chậm nhất là 24 giờ phải thông tri cho Ban thường vụ, Ban thường vụ hoặc Nghị viện sẽ định đoạt”.
– Về giam cứu, Sắc lệnh số 40 ngày 29/3/1946 không quy định thời hạn tạm giữ mà chỉ quy định thời hạn giam cứu (tạm giam).
Nếu người bị bắt bị truy tố về tiểu hình thì thời hạn giam cứu không được quá ½ tháng kể từ ngày bắt.
Nếu người bị bắt bị truy tố về đại hình thì thời hạn giam cứu không được quá ba tháng kể từ ngày bắt.
– Về việc gia hạn thời hạn giam cứu, Điều 4 Sắc lệnh số 40 ngày 29/3/1946 quy định như sau:
Nếu xét ra cần phải giam cứu lên hơn một tháng hay ba tháng như đã nêu trong Điều 3 thì cơ quan tư pháp có thể quyết nghị ra hạn thêm hai lần nữa, mỗi lần thêm một tháng hay ba tháng tùy theo tiểu hình hay đại hình.
Việc gia hạn giam cứu chỉ được phép quyết định sớm nhất là tám hôm trước khi hết hạn giam và quyết định gia hạn phải nói rõ lý do và thông đạt cho người bị giam muộn nhất là 24 giờ trước khi hết hạn giam. Trong hạn 24 giờ kể từ lúc nhận được thông đạt, người bị giam cứu có quyền kháng nghị lên Tòa thượng thẩm.
Tòa thượng thẩm sẽ xét việc kháng nghị ấy trong phòng Hội đồng trong một phiên họp gần nhất; nghị quyết sẽ tuyên ở phiên công khai.
Tại Điều 5, Sắc lệnh số 40 còn quy định “Sự giam cứu sau khi Tòa trừng trị đã tuyên án không bao giờ được quá một hạn là ba tháng kể từ ngày tuyên án. Quá hạn đó, nếu chưa kịp xét lại án văn cảu Tòa trừng trị mà xét ra cần phải ra hạn giam cứu thì Tòa thượng thẩm phải tuyên bố một quyết nghị riêng. Nhưng dầu sao thì hạn giam cứu kể từ ngày bắt cũng không bao giừo được quá hạn tù do Tòa trừng trị đã tuyên phạt. Nếu bị cáo bị kết án về đại hình thì điều này không tái bàn”.
– Về thẩm quyền, Điều 3 Sắc lệnh 40 quy định “Việc giam cứu trước khi xử bao giờ cũng do các cơ quan tư pháp quyết định”.
Đến những giai đoạn tiếp theo, cách mạng Việt Nam có những diễn biến phức tạp. Thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, cả đất nước dồn vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Năm 1954 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thành công, hòa bình được lập lại miền Bắc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đế quốc Mỹ tiến hành xâm lược miền Nam Việt Nam. Đất nước ta tạm thời chia làm hai miền với hai chế độ khác nhau. Cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn mới với hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước. Năm 1975 đất nước ta hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, cả nước ta tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Để đáp ứng nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn, nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh xã hội. Về tư pháp, các chế định bắt, tạm giữ, tạm giam được quy định tại nhiều văn bản khác nhau nhưng đáng chú ý nhất là Sắc luật số 103 – SL/L005 ngày 20/5/1957 và Sắc luật số 02/SL – 76 ngày 13/3/1976.
Khi nghiên cứu các Sắc luật này, chúng tôi thấy Luật không quy định căn cứ để tiến hành tạm giữ thành một điều riêng, nhưng nghiên cứu Điều 3 Sắc lệnh số 40 thì quy định việc bắt người phạm tội quả tang hoặc trường hợp khẩn cấp quy định tại Điều 1,2 thì thấy tạm giữ người chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng người đó trốn hoặc làm sai lệch chứng cứ.
Thẩm quyền áp dụng lệnh bắt, tạm giữ, cơ quan tư pháp cấp huyện hoặc công an cấp huyện được tạm giữ can phạm trong ba ngày kể từ lúc nhận can phạm (đoạn 2 Điều 5).
Cơ quan tư pháp, công an cấp tỉnh, thành phố trở lên hoặc Tòa án binh phải hỏi cung trong hạn ba ngày kể từ lúc nhận giữ can phạm (đoạn 1 Điều 6).
– Về thời hạn tạm giữ: cơ quan tư pháp, công an huyện được tạm giữ can phạm trong ba ngày kể từ lúc nhận can phạm để xét và hỏi cung, rồi phải ra quyết định tha hẳn, tạm tha hoặc giải lên Tòa án nhân dân hoặc Công an cấp trên (Điều 5). Cơ quan Tư pháp, Công an từ cấp tỉnh, thành phố trở lên hoặc Tòa án binh phải hỏi cung trong hạn ba ngày kể từ lúc nhận giữ can phạm để quyết định việc tha hẳn, tạm tha hoặc tạm giam (Điều 6). Như vậy, việc áp dụng biện pháp tạm giữ đối với một can phạm có thể kéo dài từ một đến chín ngày.
– Về thủ tục tạm giữ: Việc giữ người phạm pháp phải có lệnh và ghi rõ lý do, ngày đến hạn tạm giữ và phải đọc cho can phạm nghe. Trong thời hạn 24 giờ kể từ lúc tạm giữ can phạm, thẩm phán Tòa án nhân dân huyện, châu, công an huyện, châu hoặc đồn công an trở lên, cán bộ quân đội có trách nhiệm điều tra vụ phạm pháp phải hỏi cung bị can (Điều 4 Nghị định số 301 Thủ tướng Chính phủ ngày 10/7/1957).
Ngày 15/3/1976 Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành Sắc luật số 02/SL – 76 quy định việc bắt, giam, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật. Sắc luật là cơ sở pháp lý để trấn áp bọn phản cách mạng và trừng trị những kẻ phạm tội khác, đồng thời đảm bảo quyền tự do thân thể của công dân. Phạm vi áp dụng là các tỉnh phía Nam mới giải phóng. Kỹ thuật lập pháp còn nhiều hạn chế nhưng cũng đã góp phần tích cực vào việc ổn định tình hình chính trị, kinh tế, trật tự trị an của miền Nam nước ta những ngày mới giải phóng. Điều 5 của Sắc luật quy định về tạm giam lại chứa đựng cả chế định tạm giữ như: “Sau khi bắt hoặc nhận người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, hoặc trường hợp khẩn cấp, cơ quan An ninh hoặc Viện kiểm sát nhân dân phải xét hỏi ngay. Trong hạn ba ngày kể từ khi bị bắt hoặc nhận người bị bắt, các cơ quan này phải xét, quyết định trả tự do, tha hẳn, tạm tha hoặc giải người bị bắt lên cấp trên, nếu vụ án thuộc thẩm quyền cấp trên”.
Về thẩm quyền, Điều 5 Sắc luật số 02/SL – 07 chỉ ghi là cơ quan An ninh hoặc Viện kiểm sát ra lệnh mà không nói rõ cấp nào. Nhưng khi nghiên cứu Sắc luật số 01/SL – 76 ngày 15/3/1976 của Chính phủ lâm thời Việt Nam miền Nam quy định tổ chức Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân. Viện kiểm sát nhân dân gồm có: “Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Viện kiểm sát nhân dân Phúc thẩm”.
Về tạm giam, theo Sắc luật số 103/SL-L005 thì đối tượng bị tạm giam là những can phạm sau khi bị xét xử thấy không thể tạm tha được (đoạn 1 Điều 6).
Sắc luật số 02/SL – 76 quy định có hai loại đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm giam là:
Loại đối tượng thứ nhất, là những kẻ phạm tội trong các vụ án hình sự do Viện kiểm sát nhân dân hoặc Tòa án nhân dân trực tiếp ra lệnh. Nếu là trưởng hoặc phó cơ quan An ninh từ cấp huyện, quyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh trở lên có quyền ra lệnh bắt tạm giam nhưng lệnh đó phải có sự phê chuẩn trước của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp (Điều 1 Sắc luật 02/SL-76).
Loại đối tượng thứ hai, có thể bị áp dụng biện phạm tạm giam là những kẻ bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc khẩn cấp, căn cứ để áp dụng:
– Can phạm sau khi bị tạm giữ, xét thấy tạm tha sẽ gây nguy hiểm cho trật tự chung, hoặc gây khó khăn cho điều tra vụ án thì phải áp dụng biện pháp tạm giam.
– Thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm giam. Theo quy định tại đoạn 2, Điều 6 Sắc luật số 103/SL-L005 thì thẩm quyền ra lệnh tạm giam là cơ quan Tư pháp, Tòa án từ cấp tỉnh hoặc thành phố trở lên hoặc Tòa án binh. Theo quy định tại điều 1 Sắc luật số 02/SL-76 thì thẩm quyền ra lệnh tạm giam đối với kẻ phạm tội là Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp. Nếu là lệnh của Trưởng hoặc Phó trưởng cơ quan an ninh từ cấp huyện, quận trở lên ra lệnh thì lệnh đó phải được Viện kiểm sát phê chuẩn trước.
Thời hạn tạm giam
Thời hạn tạm giam được quy định tại Điều 7 Sắc luật số 103/SL – L005 và Điều 5 Sắc luật số 02/SL-76 giống nhau. Thời hạn không được quá hai tháng đối với vụ án thường mà pháp luật quy định hình phạt từ năm năm tù trở xuống; bốn tháng đối với các vụ vi phạm đến an toàn Nhà nước và các vụ vi phạm mà luật pháp quy định hình phạt trên năm năm tù. Nếu xét thấy thật cần thiết cho cuộc điều tra thì cơ quan ra lệnh tạm giam có thể gia hạn một hoặc hai lẫn nữa. Đối với những vụ án phức tạp, cần phải điều tra lâu hơn, thì phải được sự chuẩn y của cơ quan tư pháp trung ương.
Việc quy định thời hạn tạm giam ở Sắc luật số 02/SL-76 còn nhiều mâu thuẫn, không rõ ràng. Ví dụ: Toà án nhân dân ra lệnh tạm giam đối với kẻ phạm tội trong những vụ án hình sự đang thụ lý nhưng không rõ bắt đầu từ bao giờ và kết thúc khi nào (đoạn 3 Điều 1). Tương tự, tại Điều 5 quy định trường hợp cơ quan điều tra gia hạn tạm giam thì lệnh đó phải được sự phê chuẩn của cơ quan tư pháp trung ương. Trong khi đó Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân đều là cơ quan tư pháp.
Như vậy, việc quy định thời hạn tạm giam ở Sắc luật số 02/SL-76 là sự sao chép máy móc của Sắc luật số 103/SL-L005 mà không tính đến việc thay đổi tổ chức, hoạt động của cơ quan tư pháp trước đây chỉ có Toà án, nay Viện kiểm sát nhân dân đã được thành lập, là một trong những cơ quan tư pháp trong bộ máy nhà nước.
Về thủ tục tạm giam: Theo quy định tại Điều 2 Sắc luật số 103/SL-L005 và Điều 6 Nghị định số 301-TTg ngày 10/7/1957 thì lệnh tạm giam do cơ quan tư pháp từ cấp tỉnh, thành phố trở lên hoặc Toà án ký. Lệnh phải ghi rõ lý do việc tạm giam, ngày hết hạn tạm giam và phải giao một bản sao cho can phạm. Lúc ra lệnh tạm giam, hoặc gia hạn tạm giam một người phạm pháp, cơ quan tư pháp phải báo tin cho thân nhân người ấy biết lý do việc tạm giam và cơ quan đã ra lệnh tạm giam, trừ trường hợp không có cách nào báo tin được; ngược lại, nếu người đang bị tạm giam được tha hẳn hoặc tạm tha thì cơ quan và người có thẩm quyền ra lệnh phải giao cho người được tha hẳn hoặc tạm tha một bản sao.
Theo quy định tại Điều 1 và Điều 5 Sắc luật số 02/SL-76 thì thủ tục tạm giam phải có lệnh viết của cơ quan và người có thẩm quyền. Điểm hạn chế của Sắc luật số 02/SL-76 là không quy định chi tiết về thể thức, thủ tục cụ thể mà chỉ quy định ở mức độ khái quát. Đây là kẽ hở dễ dẫn đến vi phạm của người và cơ quan có thẩm quyền ra lệnh tạm giam.
2.2. Khái quát các quy định pháp luật về các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003
2.2.1. Các quy định của pháp luật về các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam từ khi ban hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988
Đứng trước yêu cầu cần phải hoàn thiện pháp luật hình sự nhằm đảm bảo quyền và lợi ích cơ bản của công dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới, ngày 28/6/1988, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Bộ luật Tố tụng hình sự. Bộ luật được ban hành đã quy định rõ trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.
Khi tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự, để thực hiện nhiệm vụ phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội và người phạm tội, không để lọt kẻ phạm tội, không làm oan người vô tội, trong một số trường hợp nhất định Bộ luật tố tụng hình sự cho phép các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp nhất định để hạn chế quyền và lợi ích của công dân. Các biện pháp trong tố tụng hình sự vô cùng phong phú về tính chất, mức độ cưỡng chế cũng như về đối tượng áp dụng; từ biện pháp nghiêm khắc nhất như tạm giam đến các biện pháp nhẹ hơn như thu giữ tài liệu, thư tín; có những biện pháp áp dụng đối với bị can, bị cáo, các đương sự có liên quan đến vụ án, nhưng cũng có những biện pháp áp dụng cho cả những người không liên quan gì đến sự việc phạm tội như người làm chứng, người phiên dịch, người giám định.
– Về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt: Các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt được quy định tại một chương riêng và một số điều khác trong bộ luật. Sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung đến năm 2000, Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi, bổ sung đã quy định cụ thể thêm căn cứ để áp dụng các trường hợp bắt cho phù hợp với tình hình thực tế và phù hợp với Bộ luật hình sự năm 1999. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 đã quy định khá cụ thể các trường hợp bắt, bao gồm: bắt bị can, bị cáo để tạm giam; bắt trong trường hợp khẩn cấp; bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã. Cùng với việc quy định các trường hợp bắt, Bộ luật Tố tụng hình sự 1988 đã quy định tương đối cụ thể các vấn đề về thẩm quyền, đối tượng và thủ tục áp dụng trong từng trường hợp với phương châm: bắt đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Có thể nói rằng, sau khi có Bộ luật Tố tụng hình sự 1988, các quy phạm pháp luật về việc bắt đã được pháp điển hoá thành những quy định trong một văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao, những quy định này đã đóng góp một phần vô cùng quan trọng trong cuộc đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, góp phần đặc lực cho các hoạt động điều tra khám phá và xử lý tội phạm trong thời gian vừa qua.
– Về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ: Chế định tạm giữ trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 được quy định tại các điều 68,69,72,73. Việc tạm giữ đối với người chưa thành niên phạm tội được quy định tại điều 273. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 tiếp tục kế thừa những nội dung của pháp luật Tố tụng hình sự Việt Nam trước khi có bộ luật về những vấn đề điều chỉnh trong Bộ luật Tố tụng hình sự về tạm giữ, bao gồm: Những trường hợp có thể tạm giữ (đối tượng tạm giữ), thẩm quyền tạm giữ, thời hạn tạm giữ và thời hạn gia hạn tạm giữ, thủ tục tạm giữ cũng như thủ tục gia hạn tạm giữ, những trường hợp có thể tạm giữ người chưa thành niên phạm tội, kiểm sát việc tạm giữ. Những quy định về tổ chức nhà tạm giữ, chế độ đối với người bị tạm giữ được quy định trong Quy chế về tạm giữ, tạm giam ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 07/11/1998 của Chính phủ.
– Về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam: Cùng với các chế định khác, chế định tạm giam trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 cũng từng bước được hoàn thiện sau những lần sửa đổi, bổ sung. Chế định tạm giam được quy định khá cụ thể tại các Điều 70,71,72,73 về thẩm quyền áp dụng, đối tượng bị áp dụng, thủ tục áp dụng cũng như các vấn đề khác về thời hạn tạm giam như chế độ tạm giam; việc chăm nom thân nhân và bảo quản tài sản của người bị tạm giam cũng như các quy định khác về việc phê chuẩn lệnh tạm giam, về việc huỷ bỏ hoặc thay thế biện pháp tạm giam… Ngoài ra, Bộ luật còn quy định khá chi tiết về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn này trong từng giai đoạn của tố tụng hình sự. Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự đã tạo cơ sở rõ ràng hơn cho việc thực hiện các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.
2.2.2. Các quy định của pháp luật về các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003
Qua quá trình thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988, Bộ luật đã bộc lộ những hạn chế về trình tự, thủ tục bắt, tạm giữ, tạm giam đối với bị can, bị cáo và để đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp, ngày 26 tháng 11 năm 2003, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 4 thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 thay thế Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 và các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự được Quốc hội thông qua năm 1990, năm 1992 và năm 2000. Đối với việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định chặt chẽ hơn.
– Về biện pháp ngăn chặn bắt: Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 đã quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối với việc bắt bị can, bị cáo để tạm giam và bắt người trong trường hợp khẩn cấp.
+ Đối với việc bắt bị can, bị cáo để tạm giam, Bộ luật quy định khá chặt chẽ về những người có thẩm quyền ra lệnh bắt, đó là: Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa quân sự các cấp; Thẩm phán giữ chức vụ Chánh tòa, Phó Chánh tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp (trong trường hợp Thủ trưởng, Phó Thue trưởng Cơ quan điều tra các cấp ra lệnh bắt thì lệnh này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành). Như vậy, so sánh giữa hai Bộ luật (Bộ luật Tố tụng hình sự 1988 và Bộ luật Tố tụng hình sự 2003), Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 không quy định thẩm quyền bắt cho chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu làm chủ tọa phiên tòa, mà thay bằng việc quy định thẩm quyền này cho các chức danh Thẩm phán giữ chức vụ Chánh tòa, Phó Chánh tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, cũng như không quy định thẩm quyền riêng của từng người, từng cấp trong cơ quan điều tra như trước đây mà quy định cung thẩm quyền của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp.
+ Đối với việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã bổ sung một số quy định mới như: quy định về việc Viện kiểm sát phải trực tiếp gặp, hỏi người bị bắt trước khi xem xét, quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp. Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị xét phê chuẩn và tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp, Viện kiểm sát ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Nếu Viện kiểm sát quyết định không phê chuẩn thì người đã ra lệnh bắt phải trả tự do ngay cho người bị bắt.
– Về biện pháp ngăn chặn tạm giữ: Theo quy định tại Điều 68 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 “Tạm giữ có thể được áp dụng đối với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang”. Như vậy, đối tượng bị tạm giữ theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 chỉ có thể là những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang. Thực tế, để đảm bảo công tác điều tra, truy tố, xét xử thì đối với những trường hợp người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc bị bắt theo lênh truy nã, những người có thẩm quyền ra lệnh tạm giữ thường phải ra quyết định áp dụng biện pháp tạm giam đối với các đối tượng này. Do đó, khoản 1 Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã bổ sung đối tượng có thể bị áp dụng biện pháp tạm giữ là người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 cũng bổ sung thêm thẩm quyền ra lệnh tạm giữ cho Chỉ huy trưởng vùng cảnh sát biển cho phù hợp với tình hình thực tiễn công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên biển “Chỉ huy trưởng vùng cảnh sát biển có quyền ra quyết định tạm giữ” (khoản 2 Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003).
– Về biện pháp ngăn chặn tạm giam: Theo quy định tại khoản 2 Điều 70 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 “Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ những trường hợp đặc biệt”. Nhằm tạo cơ sở pháp lý áp dụng biện pháp này một cách chặt chẽ, tránh sự tùy tiện. Do vậy, khoản 2 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 đã cụ thể hóa những trường hợp đặt biệt phải áp dụng biện pháp tạm giam đối với các đối tượng trên như:
+ Bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã;
+ Bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử;
+ Bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm hoạt động an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
CHƯƠNG II
THỰC TRẠNG ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP BẮT,
TẠM GIỮ, TẠM GIAM TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ Ở VIỆT NAM
Trong những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được, quá trình đổi mới, chuyển đổi nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tham gia hội nhập kinh tế quốc tế cũng bộc lộ những hạn chế về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, nảy sinh những vấn đề tiêu cực làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, tác động rất lớn đến tình hình tội phạm, đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và công tác bắt, tạm giữ, tạm giam nói riêng. Mặc dù, Đảng, Chính phủ, các cấp chính quyền, ngành Công an và các ngành có liên quan đã quan tâm chỉ đạo nhưng tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện một số hành vi nguy hiểm mới cho xã hội, tính chất phạm tội ngày càng nguy hiểm và phức tạp hơn. Chính vì thế, các đối tượng bị bắt, tạm giữ, tạm giam ở các trại tạm giam, nhà tạm giữ ngày càng tăng về số lượng và phức tạp về thành phần xã hội, trong khi đó yêu cầu của công tác điều tra, truy tố, xét xử đòi hỏi phải được nâng cao, công tác quản lý tạm giam, tạm giữ phải nghiêm ngặt, chặt chẽ, hiệu quả, đảm bảo đúng pháp luật, tôn trọng và đảm bảo các quyền công dân. Tình hình trên đã tác động trực tiếp đến công tác bắt và quản lý giam giữ ở các trại tạm giam, nhà tạm giữ trong những năm qua.
2.1. Thực trạng áp dụng pháp luật trong việc bắt
Bắt (bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã) là biện pháp ngăn chặn trong Tố tụng hình sự, tạm thời tước bỏ một phần quyền bất khả xâm phạm về thân thể và một số quyền khác của người bị bắt trong thời gian nhất định, nhằm ngăn chặn tội phạm tiếp diễn, ngăn ngừa việc người phạm tội trốn tránh pháp luật, bảo đảm cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Có thể nói, trong những năm gần đây việc áp dụng biện pháp bắt đã có những tiến bộ rõ rệt. Những trường hợp bắt oan, bắt sai về thủ tục đã giảm đáng kể; những trường hợp không đáng bắt, bắt cũng được, không bắt cũng được nay không áp dụng lệnh bắt đã làm tăng tỷ lệ khởi tố hình, đáng chú ý là từ khi áp dụng Nghị quyết số 32/1999/QH11 của Quốc hội về thi hành Bộ luật hình sự 1999 có hiệu lực và thực hiện Chỉ thị số 53/CT-TW ngày 21/3/2000 của Bộ Chính trị về một số công việc cấp bách của các cơ quan tư pháp cần thực hiện trong năm 2000, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn nói chung và việc áp dụng các biện pháp bắt nói riêng có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ bắt, xử lý hình sự đạt cao hơn. Thể hiện sự nâng cao năng lực của các cơ quan tiến hành tố tụng, đã đáp ứng được nhiều yêu cầu của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền; giữ vững ổn định chính trị, trật tự trị an và an toàn xã hội; bảo vệ quyền của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đa số các trường hợp bắt đều có căn cứ và đúng pháp luật. Tình trạng bắt oan người vô tội, bắt không có lệnh của người có thẩm quyền giảm đáng kể. Tuy nhiên, công tác bắt nói riêng và áp dụng biện pháp ngăn chặn nói chung vẫn còn nhiều vụ việc oan sai gây hậu quả nghiêm trọng, làm xôn xao dư luận quần chúng. Ví dụ: Đêm ngày 15/11/2006, vườn tràm của ông Phạm Ngọc Quý, xóm trưởng xóm 7 xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh bị kẻ ác chặt phá, thiệt hại ước tính khoảng 1 triệu đồng. Sự việc được trình báo lên công an xã và dựa trên những ghi ngờ cảm tính của người bị hại, sáng ngày 24/11, ông Nguyễn Minh Vinh, trưởng công an xã Sơn Thọ đã viết giấy triệu tập, yêu cầu Trần Ngọc Thông (sinh năm 1982, trú cùng xóm ông Quý) có mặt tại UBND xã (thuê trụ sở tại Trạm y tế xã) để tiến hành điều tra, xét hỏi. Tham gia việc xét hỏi còn có một số cán bộ công an huyện Vũ Quang. Thông bị các cán bộ công an thay nhau xét hỏi liên tục trong nhiều giờ đồng hồ. Ăn trưa xong, Thông phải viết tường trình đến 22h30 mới được nghỉ. Nhằm phục vụ cho công tác điều tra, ông Vinh yêu cầu Thông không được về nhà mà phải ngủ ở một phòng điều trị của trạm Y tế. Sáng hôm sau, cuộc xét hỏi tiếp tục được tiến hành, và sau khi gia đình Thông phản đối việc giam giữ Thông thì 17 giờ ngày 25/11, Thông mới được cho về nhà. Kết quả cuộc bắt giam không thu được kết quả gì vì Thông không phải là người gây ra vụ việc. Sau đó, công an xã cũng không có lời xin lỗi hoặc phản ánh lại với Thông và gia đình về vụ việc bắt giam trên[9]. Như vậy, do nhận thức không đầy đủ về tính chất, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động bắt cũng như các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết vụ án làm cho việc vận dụng thiếu chính xác dễ dẫn đến việc bắt tuỳ tiện, trái pháp luật xâm hại đến quyền con người, lợi ích hợp pháp của công dân.
Đứng trước thực trạng đó, các ngành tư pháp đã có nhiều tổng kết đánh giá báo cáo trình Quốc hội để có giải pháp khắc phục. Đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp. Trong thời gian ngắn Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết để lãnh đạo, nhận định đánh giá thực trạng công tác tư pháp (trong đó có việc bắt) được nêu trong Chỉ thị số số 53/CT-TW ngày 21/3/2000 về một số công việc cấp bách của các cơ quan tư pháp cần thực hiện trong năm 2000: “Trong những năm gần đây, hoạt động của các cơ quan tư pháp đã có những chuyển biến tích cực trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ pháp luật và các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, phục vụ tích cực cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Tuy nhiên tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp vẫn chưa chuyển biến kịp để đáp ứng kịp những yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm… công tác bắt, giam, giữ điều tra, truy tố, xét xử còn yếu kém. Vẫn còn tình trạng sai phạm trong hoạt động tư pháp dẫn đến những trường hợp oan sai. Khi đã xác định oan sai lại chưa có cơ chế bồi thường thiệt hại dẫn đến oan ức và gây khó khăn đối với cuộc sống của người bị xử lý oan sai, đáng chú ý là nhiều trại giam, nhà tạm giữ xuống cấp nghiêm trọng, số người bị giam giữ quá đông nhất là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ chí Minh”[10].
Qua thực tiễn đã được Bộ Chính trị đánh giá, chúng ta có thể nhận thấy thực trạng việc áp dụng biện pháp ngăn chặn và các trường hợp bắt nói riêng vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế cần phải được chấn chỉnh, sửa chữa, đây được coi là nhiệm vụ quan trọng, có làm tốt được vấn đền này thì mới củng cố được lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật.
– Về việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã trong thời gian qua đã được thực hiện nghiêm túc hơn, đã có sự phối kết hợp giữa các cơ quan và người có thẩm quyền trong việc bắt giữ người, Viện kiểm sát các cấp đã tăng cường kiểm sát việc bắt giữ nên chất lượng bắt để tạm giữ đã được nâng cao, các vi phạm trong các hoạt động bắt để tạm giữ như: lạm dụng trong việc bắt, tạm giữ; bắt, tạm giữ không có căn cứ; để quá hạn tạm giữ đã dần được hạn chế. Việc bắt để tạm giữ trong thời gian qua về cơ bản đã đảm bảo các thủ tục pháp luật, đã hạn chế tình trạng bắt giữ oan sai. Tuy nhiên, tình hình bắt để tạm giữ trong thời gian qua cũng đã phản ánh một thực trạng là việc bắt để tạm giữ vẫn còn một số vi phạm như: Cơ quan điều tra một số nơi vẫn còn lạm dụng việc bắt khẩn cấp nhưng việc bắt này chưa vận dụng đúng quy định tại điểm b,c khoản 1 Điều 81 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, bắt khẩn cấp không đủ căn cứ khởi tố phải trả tự do, bắt khẩn cấp cả những trường hợp người phạm tội ra đầu thú hoặc do nghi vấn mời lên, gọi hỏi rồi ra lệnh bắt khẩn cấp rồi bắt giữ luôn, có trường hợp đáng ra phải bắt theo quy định tại Điều 80 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 mới đúng pháp luật, nhưng Cơ quan điều tra lại ra lệnh bắt khẩn cấp.
Ví dụ: Ngày 10/11/2009, Nguyễn Mạnh Hùng (33 tuổi, ở Quận Hà Đông, Hà Nội) đã ra đầu thú về hành vi trộm cắp lôgô ô tô và đã thu hồi được tang vật, Công an quận Hà Đông ra quyết định tạm giam để điều tra. Khoảng 11 giờ 45 ngày 21.11.2009, Hùng được công an đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cấp cứu trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim, mạch bẹn và mạch cảnh không bắt được, đồng tử hai bên bị giãn hoàn toàn, từ 1/3 đùi trở xuống cẳng chân 2 bên bầm tím, căng nề. Nhận định ban đầu, Hùng có dấu hiệu dùng nhục hình dẫn đến chết, nhưng đến nay cơ quan chức năng chưa giải thích vì sao lại xuất hiện những vết bầm tím, căng nề 2 bên chân của Hùng[11].
– Về việc bắt người phạm tội quả tang không khởi tố hình sự, trả tự do xử lý hành chính còn chiếm tỷ lệ khá cao, công tác phân loại bắt giữ ban đầu ở cấp phường, xã chưa đảm bảo quy định, Cơ quan điều tra khi tiếp nhận người bị bắt đã không thực hiện đúng các quy định tại Điều 83 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về việc lấy lời khai của người bị bắt trong thời hạn 24 giờ để quyết định có tạm giữ hay không.
2.2. Thực trạng áp dụng pháp luật trong việc tạm giữ[12]
Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê tội phạm, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao thì tình hình bắt để tạm giữ từ năm 1999 đến năm 2002 như sau:
Bắt, tạm giữ
Năm 1999
Năm 2000
Năm 2001
Năm 2002
* Tổng số
75.475
46.747
44.583
46.008
– Bắt khẩn cấp
19.385
14.597
10.812
12.367
– Bắt quả tang
47.133
25.095
28.009
27.957
– Truy nã + Đầu thú
47.133
5.539
5.762
5.684
– Bắt trái pháp luật
41
9
22
39
* Tổng số giải quyết
73.922
45.167
44.019
45.467
– Khởi tố
57.235
(78,5%)
36.456
(80%)
37.040
(84,1%)
39.987
(88%)
– Chuyển tạm giam
50.492
31.075
32.670
35.153
– Áp dụng biện pháp ngăn chặn khác
6.181
3.977
3.992
4.483
– Chuyển nơi khác
561
605
1.497
518
– Không khởi tố
14.493
8.691
5.510
5.046
– Trốn
62
27
16
24
(Chưa bắt lại 18)
– Chết
34
28
20
33
– Còn lại
1.250
560
535
490
– Quá hạn trong giải quyết
2.134
62
96
22
– Quá hạn trong số còn
33
84
6
2
– Trả tự do Khoản 1 Điều 28 Luật Tổ chức Viện kiểm sát 2002 (Khoản 6 Điều 23 Luật Tổ chức 1992)
37
14
28
2
Qua số liệu thống kê về việc bắt để tạm giữ từ năm 1999 đến năm 2002, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét như sau:
– Trong toàn quốc, tổng số người bị bắt để tạm giữ hình sự năm 1999 là: 75.475 người; năm 2000 là: 46.747 người; năm 2001 là: 44.583 người; năm 2002 là: 46.008 người. Như vậy, tỷ lệ bắt giữ ở những năm sau so với năm trước có chiều hướng giảm đi rõ rệt. So sánh tình hình bắt để tạm giữ, năm 2002 giảm 1.008 người (chiếm 2,15%) so với năm 2000, tăng 1.425 người (chiếm 3,2%) so với năm 2001.
– Tỷ lệ khởi tố hình sự trong các năm tăng dẫn. Năm 2001 tăng 4,1% so với năm 2000 và năm 2002 là năm có tỷ lệ khởi tố hình sự cao nhất từ trước tới nay.
– Về thủ tục bắt để tạm giữ về cơ bản đều tuân thủ theo đúng pháp luật, hạn chế những vi phạm như lạm dụng trong việc bắt tạm giữ, bắt tạm giữ không có căn cứ, để quá hạn tạm giữ:
Tuy nhiên, công tác bắt để tạm giữ trong các năm qua còn tồn tại một số vi phạm sau:
Thứ nhất, vẫn còn có trường hợp bắt, tạm giữ không đúng quy định của pháp luật, năm 1999 là 41 trường hợp; năm 2000 là: 09 trường hợp; năm 2001 là: 22 trường hợp; năm 2002 là: 39 trường hợp.
Thứ hai, về thời hạn tạm giữ người theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Bộ luật Tố tụng hình sự đã có nhiều tiến bộ nhưng việc để quá hạn đã có xu thế giảm mạnh, tuy vậy vẫn còn trường hợp để quá hạn tạm giữ, năm 1999 là: 2.134 trường hợp; năm 2000 là: 62 trường hợp; năm 2001 là: 96 trường hợp và năm 2002 là: 22 trường hợp.
2.3. Thực trạng áp dụng pháp luật trong việc tạm giam
Theo số liệu thống kê của Cục thống kê tội phạm, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì tình hình tạm giam bị can, bị cáo từ năm 1997 đến năm 2006 như sau:
Biểu 1. Số liệu tạm giam từ năm 1997 đến năm 2001
Năm
1997
1998
1999
2000
2001
Số bị can, bị cáo (người)
Tổng số tạm giam
96.563
101.481
110.729
80.561
72.562
Số đã giải quyết
67.248
68.623
77.575
60.809
51.888
Số đình chỉ điều tra
3.014
2.761
1.924
1.662
683
Áp dụng BPNC khác
13.164
13.091
12.046
9.222
6.125
Đã xét xử
48.684
49.792
61.010
48.287
42.965
Xét xử không giam
549
2.366
2.326
2.063
Số trốn
313
217
176
127
165
Số chết
64
73
98
91
141
Tổng số quá hạn
6.405
4.558
4.657
991
440
Quá hạn (trong số đã giải quyết)
4.747
3.524
3.130
660
246
Quá hạn (số còn lại)
1.658
1.034
1.527
331
194
Biểu 2. Số liệu tạm giam từ năm 2002 đến năm 2006
Năm
2002
2003
2004
2005
2006
Số bị can, bị cáo (người)
Tổng số khởi tố
99.622
98.461
106.057
122.913
Tổng số tạm giam
79.248
88.657
78.793
92.386
105.094
Số đã giải quyết
52.209
59.004
57.531
60.904
71.757
Số đình chỉ điều tra
401
296
49
32
284
Áp dụng BPNC khác
5.852
6.826
6.960
7.511
9.150
Đã xét xử
42.940
51.676
47.674
50.117
58.253
Xét xử không giam
2.352
2.419
2.437
2.382
2.761
Số trốn
140
285
82
95
82
Đã bắt lại
69
236
39
49
49
Số chết
134
160
200
275
164
Tổng số quá hạn
437
1.964
697
1.361
2.109
Quá hạn (trong số đã giải quyết)
130
1.586
435
1.138
1.872
Quá hạn (số còn lại)
307
378
262
223
237
Từ số liệu của biểu số 1 và biểu số 2 cho thấy thực trạng tình hình tạm giam từ năm 1997 đến năm 2006 (chia ra làm 2 giai đoạn từ năm 1997- 2001 và từ năm 2002 đến năm 2006), cụ thể như sau:
– Những tiến bộ cơ bản đạt được trong việc áp dụng biện pháp tạm giam:
+ Lưu lượng người bị tạm giam trung bình của một năm giai đoạn 1997 – 2001 từ 92.379 người/năm giảm xuống còn 87.832 người/năm giai đoạn từ năm 2002 – 2006 (giảm 4.547 người), trong những năm gần đây chấm dứt hoàn toàn tình trạng tạm giam không có lệnh hợp pháp;
+ Do việc áp dụng biện pháp tạm giam thận trọng hơn nên số người bị tạm giam sau đó đưa ra xét xử có chiều hướng tăng lên từ 76,8% giai đoạn 1997-2001 lên 82% giai đoạn 2002-2006;
+ Tạm giam sau đó phải đình chỉ điều tra giảm từ 3% giai đoạn 1997-2001 xuống còn 0,3% giai đoạn 2002-2006, việc phân loại người bị tạm giam chặt chẽ hơn nên đã hạn chế tình trạng thông cung giữa các bị can trong cùng một vụ án (phân buồng giam và chế độ tạm giam áp dụng chặt chẽ với những bị can là đồng phạm);
+ Tình trạng người tạm giam trốn cũng giảm từ 0,2% giai đoạn 1997-2001 xuống còn 0,1% giai đoạn 2002 – 2006;
+ Chế độ tạm giam được quan tâm hơn, các buồng giam được nâng cấp, xây mới nên nơi ở của người bị tạm giam rộng rãi hơn, đủ tiêu chuẩn quy định, chế độ lương thực quy ra gạo được tăng từ 12kg lên thành 15kg, các chế độ thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người bị tạm giam định lượng và quyết toán theo giá thị trường… Số người ốm chết do suy kiệt, ốm yếu do hậu quả của chế độ ăn uống không bảo đảm đã được khắc phục mộ cách căn bản.
– Một số tồn tại trong việc áp dụng biện pháp tạm giam:
+ Biện pháp tạm giam đã được các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng một cách phổ biến trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, cụ thể như sau: tỷ lệ bị can, bị cáo bị tạm giam trên tổng số bị can, bị cáo bị khởi tố điều tra: năm 2003 tỷ lệ 84%; năm 2005 tỷ lệ 87%; năm 2006 tỷ lệ 86%. Với tỷ lệ này cho thấy biện pháp tạm giam được áp dụng trong thực tế là quá cao so với các biện pháp ngăn chặn còn lại được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự như biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.
+ Giai đoạn 1997 – 2001, số bị tạm giam sau đó Toà đình chỉ điều tra chiếm tỷ lệ 3%; số tạm giam Toà xét xử tuyên không áp dụng biện pháp tù giam chiếm tỷ lệ 1,6%; số tạm giam sau đó chuyển sang áp dụng biện pháp ngăn chặn khác chiếm tỷ lệ 14,4%; số tạm giam quá hạn chiếm tỷ lệ 3,7%. Trong số những bị can, bị cáo bị áp dụng biện pháp tạm giam thì số không cần thiết phải tạm giam hoặc số tạm giam không đúng quy định của pháp luật đã chiếm tỷ lệ 22,7% (bằng 104.850 người).
+ Giai đoạn từ năm 2002 – 2006, số bị tạm giam sau đó Toà đình chỉ điều tra chiếm tỷ lệ 0,3%; số tạm giam Toà xét xử tuyên không áp dụng biện pháp tù giam chiếm tỷ lệ 2,8%; số tạm giam sau đó chuyển sang áp dụng biện pháp ngăn chặn khác chiếm tỷ lệ 8,2%; số tạm giam quá hạn chiếm tỷ lệ 1,4%. Số những bị can, bị cáo không cần thiết phải tạm giam hoặc áp dụng tạm giam không đúng quy định của pháp luật (quá thời hạn) đã chiếm tỷ lệ 12,7% (bằng 55.770 người).
Từ số liệu phân tích trên cho thấy, số người bị các cơ quan tiến hành tố tụng lạm dụng biện pháp tạm giam trung bình hàng năm là không hề nhỏ. Có những trường hợp không cần thiết áp dụng biện pháp tạm giam nhưng cơ quan tiến hành tố tụng vẫn tạm giam họ, sau đó đã được thay bằng biện pháp ngăn chặn khác ít nghiêm khắc hơn; có nhiều trường hợp bị tạm giam sau đó Toà xét xử không tuyên áp dụng hình phạt tù giam; có nhiều trường hợp các Cơ quan tiến hành tố tụng vi phạm trong việc để quá hạn tạm giam đối với người bị tạm giam. Tuy việc lạm dụng biện pháp tạm giam của các cơ quan tiến hành tố tụng ở nhiều mức độ khác nhau nhưng hàng năm có hàng chục nghìn người đã không được các cơ quan tiến hành tố tụng bảo đảm quyền hợp pháp thông qua việc áp dụng biện pháp ngăn chặn trong Tố tụng hình sự thì cũng đáng báo động về tình hình thực tiễn.
2.4. Thực trạng các điều kiện đảm bảo trong tổ chức và hoạt động của công tác quản lý tạm giữ, tạm giam ở nước ta trong thời gian qua
2.4.1. Về cơ sở vật chất phục vụ công tác tạm giữ, tạm giam
– Về cơ sở vật chất phục vụ công tác tạm giữ[13]: Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 10 năm từ năm 1998 đến 30/6/2008, toàn quốc có 673 Công an cấp huyện, trong đó có 29 Công an cấp huyện do mới thành lập hoặc di chuyển địa điểm nên chưa xây nhà tạm giữ. Còn lại các nhà tạm giữ được Bộ Công an duyệt có quy mô giam giữ từ 15 đến 400 chỗ với tổng quy mô giam giữ là 33.774 chỗ. Căn cứ vào quy mô giam giữ đã được Bộ Công an phê duyệt năm 2004 thì chỉ có 184/664 nhà tạm giữ thuộc Bộ Công an cấp huyện tạm thời đáp ứng được yêu cầu giam giữ, còn lại phải xây dựng bổ sung diện tích, tăng thêm buồng giam giữ hoặc sửa chữa các công trình phụ trợ… mới đảm bảo được yêu cầu.
Bộ Quốc phòng quản lý 34 nhà tạm giữ thuộc Cơ quan điều tra hình sự khu vực, có quy mô giam giữ bình quân là 04 chỗ/01 nhà tạm giữ. Các nhà tạm giữ của Bộ Quốc phòng, từ tháng 5/2006 đều thuộc các Cơ quan điều tra hình sự khu vực, biên chế 01 sỹ quan là trưởng nhà tạm giữ.
Các nhà tạm giữ tại Công an cấp huyện, trong thời gian từ năm 1998 đến năm 2004, được tổ chức theo mô hình có trưởng nhà tạm giữ và phó trưởng nhà tạm giữ phụ trách. Mô hình này đã phát huy tác dụng tốt, có cán bộ quản lý nhà tạm giữ chuyên sâu, giúp cho công tác quản lý giam giữ ở các nhà tạm giữ tại các địa phương đi vào nề nếp. Các mặt còn tồn tại trong các năm trước như giam giữ không đúng đối tượng, thiếu thủ tục hoặc vi phạm về chế độ giam giữ… về cơ bản đã được khắc phục, phục vụ tốt yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử tại Công an cấp huyện. Từ năm 2004 thực hiện Quyết định 724/2004/QĐ-BCA(X13) của Bộ Công an, các nhà tạm giữ tại Công an cấp huyện giao cho Đội Cảnh sát bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp, nhà tạm giữ quản lý. Do đó, không có đội quản lý nhà tạm giữ riêng theo quy định tại thông tư số 08/2001/TT-BCA ngày 12/11/2001 của Bộ Công an.
– Về cơ sở vật chất phục vụ công tác tạm giam[14]: Hiện nay trong toàn quốc, lực lượng công an nhân dân quản lý 70 trại giam. Trong đó, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quản lý 02 trại (T16 và T17), Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an quản lý 02 trại (B14 và B34). Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có 01 trại (riêng TP. Hà Nội có 03 trại và TP. Hồ Chí Minh có 02 trại). Các trại tạm giam có quy mô giam giữ từ 350 đến 5.000 chỗ với tổng quy mô giam giữ được Bộ Công an duyệt năm 2004 (có tính tới tương lai) là 56.690 chỗ. Trong đó, tạm giam, tạm giữ là 42.960 chỗ, phân trại quản lý phạm nhân là 13.730 chỗ.
Bộ Quốc phòng có 13 trại tạm giam với quy mô giam giữ bình quân là 100 chỗ/01 trại tạm giam, bao gồm 01 trại tạm giam thuộc Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, 08 trại tạm giam trực thuộc các Quân khu và 04 trại giam trực thuộc các Quân đoàn với biên chế cán bộ khung từ 20 đến 26 cán bộ khung/01 trại.
2.4.2. Về công tác phân loại người bị tạm giữ, tạm giam
Đối với bị can, bị cáo bị áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam, thì việc phân loại giam giữ được lãnh đạo các trại giam, nhà tạm giữ hết sức quan tâm trên cơ sở trao đổi thống nhất với các cơ quan tiến hành tố tụng đảm bảo bị can, bị cáo được phân loại giam giữ riêng theo giới tính, tội danh, đối tượng trong cùng vụ án, người chưa thành niên, người có án tử hình, không để người bị tạm giữ, tạm giam thông cung, trốn, tự sát và có biện pháp quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ đối với những tên tội phạm nguy hiểm, những đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, côn đồ hung hãn, có nhiều tiền án, tiền sự phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, số can phạm, phạm nhân nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS, số người bị kết án tử hình. Vì thế đã chủ động hơn trong việc giám sát, quản lý, giáo dục, quản chế đối với can phạm nhân, góp phần ngăn chặn, hạn chế được việc thông cung, trốn khỏi nơi giam hoặc đánh nhau, gây mất trật tự buồng giam hay phạm tội mới trong các trại tạm giam, nhà tạm giữ.
Tuy nhiên, việc phân loại giam giữ theo Nghị định số 89/CP cũng còn một số bất cập do cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu như: số buồng tạm giam, buồng tạm giữ, buồng dành cho người chưa thành niên phạm tội, người nước ngoài… ở nhiều trại tạm giam, nhà tạm giữ còn thiếu nên không đủ giam riêng theo quy định. Nhiều đối tượng cần phải giam riêng do mắc bệnh hiểm nghèo, sức khỏe yếu, nghiện ma túy, nhiễm HIV hoặc do yêu cầu điều tra nhưng đối tượng có tư tưởng hoang mang, dao động dễ nảy sinh tiêu cực, tự sát nên phải giam cùng với đối tượng khác, đã gây rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện phân loại giam giữ.
2.4.3. Về việc lập và quản lý hồ sơ, sổ sách theo dõi người bị tạm giữ, tạm giam
Ở các trại tạm giam, nhà tạm giữ việc lập hồ sơ quản lý, theo dõi người bị tạm giữ, tạm giam được thực hiện nghiêm túc theo Chỉ thị số 10 và Quyết định số 886 của Bộ Công an. Các bị can, bị cáo khi nhập hoặc ra khỏi trại tạm giam, nhà tạm giữ đều được vào sổ và lập hồ sơ cá nhân đăng ký để theo dõi, quản lý. Những năm gần đây, hầu hết các trại tạm giam trong toàn quốc đã được đầu tư, trang bị về phương tiện và ứng dụng công nghệ thông tin với các phần mềm vào công tác quản lý. Do vậy đã phục vụ kịp thời, nhanh chóng và có hiệu quả trong việc quản lý, theo dõi và khai thác, tra cứu thông tin nghiệp vụ.
Cán bộ hồ sơ lập danh chỉ bản, chụp ảnh và vào sổ quản lý theo dõi cụ thể từng trường hợp tạm giữ, tạm giam đảm bảo giam giữ đúng người, đúng pháp luật. Công tác lập căn cước can phạm ở các trại tạm giam, nhà tạm giữ đều được triển khai thực hiện nghiêm túc, nhất là từ khi thực hiện Điều 126 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về lập danh chỉ bản bị can; Chế độ công tác hồ sơ, tàng thư thông tin nghiệp cụ Cảnh sát năm 2003 về phân công phân cấp trách nhiệm lập căn cước đối tượng. Từ năm 2004 đến nay, các trại giam thuộc Bộ (T16, T17, B14, B34) đã lập căn cước 1.646 can phạm (trong đó 101 người mang quốc tịch nước ngoài); trại tạm giam Công an các tỉnh, thành phố lập căn cước 45.365 can phạm. Vì thế đã thông báo kịp thời những trường hợp sắp hết hạn tạm giữ, tạm giam cho các cơ quan thụ lý giải quyết kịp thời nên số quá hạn tạm giữ đã giảm từ 1,9 % năm 1998 xuống còn 0,06 % năm 2008, quá hạn tạm giam giảm từ 2,9 % năm 1998 xuống còn 0,9 % năm 2007. Ở các nhà tạm giữ, gắn liền với việc thực hiện Chỉ thị số 06 ngày 22/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về việc tăng cường công tác tàng thư căn cước can phạm và một số người vi phạm pháp luật khác, từ năm 1999 đến nay đã lập căn cước 621.224 đối tượng chiếm gần 75 % so với tổng số đối tượng phải tiến hành lập căn cước ở các cấp Công an[15].
2.4.4. Về công tác quản chế giáo dục đối với người bị tạm giữ, tạm giam
Trong những năm qua, trại giam và Công an các huyện, thị, quận trong toàn quốc đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản chế, giáo dục đối với người bị tạm giữ, tạm giam học tập nội quy, quy chế trại tạm giam, nhà tạm giữ; niêm yết công khai các văn bản quy định của pháp luật trong khu giam giữ để người bị tạm giam, tạm giữ học tập. Bên cạnh đó, các cán bộ quản giáo duy trì thực hiện tốt 4 biết: “biết tên, biết mặt, biết lai lịch, biết tội trạng của từng người bị tạm giữ, tạm giam”. Qua đó, chủ động gặp gỡ, động viên, giáo dục họ yên tâm tư tưởng, xác định được tội trạng của mình để có thái độ khai báo thành khẩn và chấp hành nghiêm túc các quy định của trại tạm giam, nhà tạm giữ.
Đối với phạm nhân thi hành án ở các phân trại quản lý phạm nhân, các trại tạm giam đã thực hiện tốt phương châm: Để đảm bảo thực hiện đúng pháp luật, kết hợp giữa giáo dục cải tạo bằng chính trị với giáo dục dạy lao động và văn hóa, dạy nghề cho phạm nhân. Để nâng cao chất lượng công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, các trại giam đã chú trọng các biện pháp động viên, giáo dục, cảm hóa, giúp phạm nhân nhận rõ tội lỗi, ăn năn, hối cải để hoàn lương qua các hình thức như: tổ chức cho phạm nhân đọc báo, xem ti vi hàng ngày; tham gia các hoạt động thể dục thể thao, đảm bảo chế độ, chính sách đối với phạm nhân; thực hiện nghiêm túc, công bằng, dân chủ trong việc xét giảm án đối với những phạm nhân tích cực lao động, chấp hành tốt nội quy, quy chế cải tạo, lập công chuộc tội.
Do thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý đối với người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân ở các trại tạm giam, nhà tạm giữ nên những năm qua số lượng người bị bắt tạm giữ, tạm giam tăng, tính chất phạm tội nguy hiểm, nhưng các trại tạm giam, nhà tạm giữ vẫn đảm bảo tuyệt đối an toàn, không để xảy ra tình trạng đầu gấu, gây rối an ninh, trật tự trong buồng giam, nhà giam; đã ngăn chặn kịp thời nhiều vụ can phạm nhân trốn trại, cố ý gây thương tích hoặc gây rối trật tự trong các buồng giam, nhà tạm giữ. Đã tổ chức truy bắt kịp thời các bị can, bị cáo trốn khỏi nơi giam giữ; khởi tố mới hàng trăm vụ bị can, bị cáo phạm tội mới trong các trại giam, nhà tạm giữ. Công an các đơn vị, địa phương thường xuyên chú trọng tới việc đổi mới công tác quản lý, giám sát nên đã giảm đáng kể những sai phạm, yếu kém tồn tại trong công tác quản lý giam giữ đối với những người bị tạm giữ, tạm giam ở trong các trại tạm giam, nhà tạm giữ.
2.4.5. Về thực hiện chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, khám, chữa bệnh của người bị tạm giữ, tạm giam
Trong thời gian vừa qua, các trại tạm giam, nhà tạm giữ đã thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định số 89/CP của Chính phủ và Thông tư số 01/NV-QP-TC-YT ngày 2/3/1994 hướng dẫn thực hiện chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, tổ chức phòng chống dịch bệnh, khám, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam.
– Về chế độ ăn, mặc, ở: Người bị tạm giữ, tạm giam được ăn theo định lượng: 15 kg gạo, 0,3kg thịt, 0,5kg cá, 0,8kg muối, ½ lít nước chấm, 15 kg rau xanh, 15kg chất đốt trong một tháng. Trong những ngày lễ, Tết dương lịch được ăn thêm gấp 3 lần tiêu chuẩn ăn thường ngày; trong các ngày lễ, Tết nguyên đán được ăn thêm gấp 5 lần tiêu chuẩn ăn hàng ngày[16].
Mặc dù còn nhiều khó khăn do giá cả thị trường tăng cao, nhưng Công an các địa phương và các trại giam đều cố gắng trong việc duy trì đảm bảo đủ số lượng, định lượng về tiêu chuẩn ăn, mặc, đồ dùng sinh hoạt cho người bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của nhà nước. Vấn đề này luôn được Công an các cấp quan tâm kiểm tra, đôn đốc, đặc biệt là Viện kiểm sát cùng cấp kiểm tra, giám sát hàng tháng, hàng quý nên đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người bị tạm giữ, tạm giam trong quá trình bị giam giữ. Bộ Quốc phòng đã điều chỉnh mức ăn cho người bị tạm giữ, tạm giam nâng lên theo trượt giá thị trường ở từng thời điểm: Từ mức 4.800 đồng – 6.800 đồng – 9000 đồng và hiện nay là 12.000 đồng/người/ngày. Ngoài ra, các trại còn trích quỹ tăng gia cho ăn thêm theo điều kiện thực tế ở mỗi trại.
Thực hiện chủ trương của Nhà nước về việc quan tâm đến chỗ ở của người bị tạm giữ, tạm giam, từ năm 2003 đến nay, các trại tạm giam, nhà tạm giữ đã được đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp, chỗ ở của người bị tạm giữ, tạm giam và đã được cải thiện rõ rệt, đảm bảo đủ diện tích nằm tối thiểu theo quy định chỗ nằm là 2m2 cho một người. Nhà giam, buồng giam được thiết kế đảm bảo thoáng mát, đủ nước sạch và điều kiện sinh hoạt. Người bị tạm giữ, tạm giam được mượn quần áo, chăn chiếu và được cấp xà phòng mỗi tháng theo quy định 0,2kg.
– Về chế độ phòng, khám và chữa bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam: Hiện nay, trên toàn quốc hầu hết các trại giam đều xây dựng bệnh xá để khám và điều trị cho người bị tạm giữ, tạm giam. Có 01 trại tạm giam đã xây dựng bệnh viện (Trại tạm giam Chí Hòa – TP. Hồ Chí Minh), 65 trại tạm giam có khu vực bệnh xá điều trị riêng biệt, 02 trại tạm giam sử dụng buồng giam can phạm nhân làm bệnh xá (Bắc Ninh, Kon Tum); 02 trại tạm giam chưa xây dựng bệnh xá (T17, Cà Mau). Hầu hết các bệnh xá trong trại tạm giam đã được quan tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất, nhân lực, phương tiện và dụng cụ y tế, nên đã cơ bản đáp ứng được việc khám và điều trị tại chỗ. Một số trại tạm giam đã liên hệ với các bệnh viện dân y trong khu vực để xây dựng khu điều trị riêng cho can phạm nhân. Công an các tỉnh, thành phố đều có quyết định thành lập bệnh xá và bổ nhiệm bệnh xá trưởng theo quy định của Bộ Công an. Biên chế cán bộ y tế hiện nay có 293 đồng chí, trong đó: Bác sỹ 83 đồng chí, y sỹ 125 đồng chí, y tá điều dưỡng 73, dược tá 12. So với quy định tại Quyết định số 910/2004/QĐ-BCA ngày 13/9/204 về việc thành lập bệnh xá tại các trại tạm giam, Cơ sở giáo dưỡng, Trường Giáo dưỡng thì biên chế cán bộ y tế ở các trại tạm giam còn thiếu 37 đồng chí[17].
Bệnh xá của trại tạm giam đã thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong việc khám, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam từ khâu tiếp nhận phát hiện người bệnh, khám điều trị, cấp thuốc hoặc chuyển viện, xác nhận sức khỏe cho phạm nhân đi thi hành án. Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác y tế, các trại còn tổ chức tiếp nhận thuốc do gia đình người bị tạm giữ, tạm giam gửi hỗ trợ cho việc điều trị, nên đã điều trị hiệu quả, kịp thời đối với can phạm nhân mắc các bệnh mãn tính hoặc bị bệnh nặng, hiểm nghèo.
Công tác vệ sinh phòng dịch được tăng cường các buồng giam, nhà giam thường xuyên được vệ sinh, quét dọn sạch sẽ. Các trại tạm giam đã chủ động phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng địa phương thường xuyên tổ chức xét nghiệm HIV cho các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao như: đối tượng nghiện ma túy, gái mại dâm để kịp thời phát hiện tư vấn và chăm sóc y tế cho họ được tốt hơn. Kết quả, trong 10 năm qua không có dịch bệnh xảy ra tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ.
Đối với các nhà tạm giữ có quy mô giam giữ từ 200 chỗ trở lên đã thành lập buồng y tế tại chỗ để bước đầu sơ cứu trước khi chuyển ra bệnh viện dân y khám và điều trị. Đối với các nhà tạm giữ chưa có buồng y tế, việc y tế do Công an các quận, huyện đảm nhiệm..
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại trong việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người bị tạm giữ, tạm giam như: Chế độ khám, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ được thực hiện tại Thông tư số 01/NV-QP-TC-YT ngày 2/3/1994 hướng dẫn thực hiện chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, tổ chức phòng, chống dịch bệnh, khám chữa bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam. Theo quy định, các tiêu chuẩn ăn được tính theo thời giá thị trường ở từng địa phương, nhưng trong thời gian vừa qua do giá thị trường luôn có sự biến động, giá lương thực và thực phẩm tăng trong khi đó, giá ấn định của một số địa phương không sát hợp, nhiều khi thấp hơn giá thị trường, nên việc thực hiện mua đủ định lượng theo tiêu chuẩn ăn của người bị tạm giữ, tạm giam rất khó thực hiện. Chế độ ăn theo quy định hiện nay là quá thấp, không đảm bảo chế độ dinh dưỡng đối với người bị tạm giữ, tạm giam. Nghị định số 113/2008/NĐ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ ban hành kèm theo Quy chế Trại giam (sửa đổi) đã nâng chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt cho phạm nhân. Trong khi đó, chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt của người bị tạm giữ, tạm giam chưa được điều chỉnh kịp thời tạo ra sự bất bình đẳng về chế độ giữa người bị tạm giữ, tạm giam với phạm nhân trong cùng một trại tạm giam.
Hiện nay chưa có quy định cụ thể chế độ chính sách về ăn, mặc, khám chữa bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam là người có quốc tịch nước ngoài và việc cho người bị tạm giữ, tạm giam mang quốc tịch nước ngoài được tiếp xúc lãnh sự hoặc tiếp xúc với các tổ chức nhân đạo theo thỏa thuận hoặc theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết chưa được quy định cụ thể nên rất khó khăn trong việc áp dụng đối với người bị tạm giữ, tạm giam là người nước ngoài hoặc người Việt Nam mang quốc tịch nước ngoài.
2.4.6. Về chế độ thăm gặp thân nhân, gặp luật sư và nhận quà thăm nuôi, tiếp tế do thân nhân, gia đình người bị tạm giam, tạm giữ gửi
Việc tổ chức cho người bị tạm giữ, tạm giam nhận quà thăm nuôi và gặp mặt thân nhân đã được các trại tạm giam thực hiện theo đúng quy định của pháp luật: Mỗi tháng người bị tạm giam nhận quà thăm nuôi, tiếp tế của thân nhân không quá hai lần, người bị tạm giữ được nhận quà thăm nuôi 1 lần trong thời gian tạm giữ, định lượng quà không quá hai lần tiêu chuẩn ăn hàng ngày. Việc tổ chức cho người bị tạm giữ, tạm giam nhận quà thăm nuôi, hoặc gặp nhân thân đều có sự trao đổi thống nhất với cơ quan tiến hành tố tụng và trại tạm giam, nhà tạm giữ. Quá trình gặp nhân thân và nhận quà đều được kiểm tra, giám sát chặt chẽ phòng ngừa, ngăn chặn việc thông cung, liên lạc và đưa vật cấm vào trại tạm giam, nhà tạm giữ. Nếu thăm nuôi là tiền được gửi qua lưu ký có sổ sách theo dõi chặt chẽ việc sử dụng của từng can phạm, phạm nhân.
Các trại tạm giam đều thông báo công khai thời gian và các quy định về thăm nuôi, nhận quà và tạo điều kiện cho thân nhân người bị tạm giữ, tạm giam được gửi tiếp tế theo quy định. Nhiều trại tạm giam đã mở căng tin, dịch vụ bán hàng phục vụ cho việc tổ chức tiếp nhận và quản lý tiếp tế bằng tiền mặt cho người bị tạm giữ, tạm giam. Hàng căng tin được bán theo đúng quy định, niêm yết công khai giá bán, nghiêm cấm việc bán thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, và chất kích thích cho can phạm nhân sử dụng. Hình thức này đã góp phần tích cực trong việc ngăn chặn hiệu quả việc đưa các vật cấm trong hàng rào, quà vào trong các buồng giam, kiểm soát được định lượng cũng như việc sử dụng được hàng quà của thân nhân người bị tạm giữ, tạm giam gửi.
Việc tổ chức cho người bị tạm giữ, tạm giam được gặp luật sư trong quá trình giam giữ cũng được các trại tạm giam quan tâm thực hiện. Các trại tạm giam đều xây dựng buồng gặp luật sư riêng và tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư hoặc người bào chữa của bị can, bị cáo được tiếp xúc với bị can, bị cáo theo quy định của pháp luật.
2.4.7. Về mối quan hệ phối hợp giữa Toà án với Viện kiểm sát và cơ quan Công an (Cơ quan quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam)
– Đối với Viện kiểm sát: Một số trường hợp khi chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án thì thời hạn tạm giam đối với bị can đã đến ngày cuối cùng nhưng đó là ngày cuối tuần hoặc giáp ngày nghỉ lễ, nghỉ tết…Điều này gây khó khăn cho Toà án vì không có đủ thời gian nghiên cứu để kịp quyết định có tiếp tục áp dụng biện pháp tạm giam nữa hay không, nên đã xảy ra trường hợp bị can, bị cáo bị giam không có lệnh, quá hạn tạm giam một số ngày.
– Đối với Cơ quan công an (Cơ quan quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam): Một số trường hợp khi cán bộ Toà án đề nghị gặp bị can, bị cáo để thông báo hoặc tống đạt các quyết định tố tụng thì chưa được bố trí kịp thời, có trường hợp không cắt cử cán bộ, chiến sĩ giám sát bị can, bị cáo; một số trường hợp, Toà án cấp huyện đã lên lịch xét xử lưu động, đã chuẩn bị xong các thủ tục để mở phiên toà nhưng sau cùng Công an huyện trả lời không có lực lượng bảo vệ phiên toà và dẫn giải bị cáo nên Hội đồng xét xử phải hoãn phiên toà; một số trường hợp, trong thời gian bị kháng cáo chờ xét xử phúc thẩm, thì Công an huyện chuyển bị cáo từ nhà tạm giữ lên trại tạm giam của Công an tỉnh nhưng không thông báo cho Toà án biết dẫn đến Toà án cấp phúc thẩm vẫn ra Lệnh trích xuất bị cáo ở nhà tạm giữ của Công an huyện, sau đó phải thay Lệnh mới làm cho quá trình tố tụng bị kéo dài. Ngoài ra, do một số đơn vị Công an huyện không có nhà tạm giữ, tạm giam nên mỗi lần tống đạt Lệnh tạm giam, Lệnh trích xuất, Toà án phải cử cán bộ đến Công an huyện khác hoặc trại tạm giam của Công an tỉnh liên hệ, gây những khó khăn nhất định cho hoạt động của Toà án.
2.5. Những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn về bắt, tạm giữ, tạm giam ở nước ta trong thời gian qua
2.5.1. Những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam ở nước ta trong thời gian qua
2.5.1.1. Khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt
Thứ nhất, về thẩm quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam của những người có thẩm quyền trong Cơ quan điều tra.
Theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự ngày 04/4/1989 thì ở cấp huyện, trưởng công an làm nhiệm vụ thủ trưởng đội điều tra, phó trưởng công an phụ trách công tác điều tra là phó thủ trưởng đội điều tra, những người này là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp huyện.
Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh trở lên gồm những cán bộ sau đây: Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng cảnh sát điều tra, an ninh điều tra thuộc sở công an cấp tỉnh; Cục trưởng, Phó cục trưởng cục điều tra của lực lượng cảnh sát nhân dân và an ninh nhân dân; Cục trưởng, Phó cục trưởng Cục điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp trong quân đội nhân dân gồm: Cục trưởng, Phó cục trưởng cục điều tra hình sự của Bộ Quốc phòng; Trưởng phòng, Phó trưởng phòng điều tra hình sự ở tổng cục, quân khu, quân chủng, binh chủng và cấp tương đương; Trưởng ban, Phó trưởng ban điều tra hình sự ở bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh và tương đương[18].
Như vậy có thể thấy rằng, quy định của điểm d khoản 1 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 là quá dài dòng, không cần thiết, khi mà chỉ cần quy định: ‘Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. . . ” như quy định tại điểm d khoản 1 điều 80 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 là chính xác và đầy đủ, tuy nhiên Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 đã được thay thế bằng Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì cũng cần phải có sự thay đổi Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự mới, có như vậy mới có sự thống nhất cao trong quá trình thực hiện các văn bản pháp luật quy định về cùng một lĩnh vực.
Thứ hai, vấn đề sử dụng lệnh bắt theo Điều 80 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003
Trong thực tế tiến hành tố tụng nhiều địa phương, nhiều người có ý kiến khác nhau và thực hiện khác nhau về mẫu lệnh bắt tạm giam.
– Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, bắt và tạm giam là các biện pháp ngăn chặn độc lập. Cho nên ban đầu sử dụng lệnh bắt đối với bị can, bị cáo, khi người bị bắt được đưa về trụ sở mới ra lệnh tạm giam.
– Loại ý kiến thứ hai cho rằng, chỉ cần sử dụng một lệnh bắt tạm giam là đủ.
– Loại ý kiến thứ ba cho rằng, chỉ cần ra lệnh tạm giam.
Ở ý kiến thứ ba này dựa trên cơ sở hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao ở các công văn như Công văn số 86/ NCPL ngày 9/5/1989, cụ thể: “Khi xét thấy cần tạm giam bị can, bị cáo để xét xử thì Tòa án chỉ cần ra lệnh tạm giam mà không phải ra thêm lệnh bắt”[19], Công văn số 481/NCPL ngày 19/11/1992 giải thích: “Đối với các bị can, bị cáo tại ngoại phạm tội thuộc trường hợp nghiêm trọng, đặc biệt là đối với những người phạm tội thuộc loại tội tham nhũng mà họ chưa bị tạm giam thì Tòa án cần ra lệnh tạm giam họ để bảo đảm cho sự có mặt của họ tại phiên tòa”[20].
Đối với ý kiến thứ hai, hiện nay nhiều địa phương mẫu lệnh bắt bị can, bị cáo ghi là: “Lệnh bắt, tạm giam”, trên lệnh ghi thời hạn… tháng… tính từ ngày… Cơ quan điều tra ra lệnh, Viện kiểm sát phê chuẩn, trong lệnh bỏ trống thời hạn giam và thời hạn tính để khi Cơ quan điều tra thực hiện xong lệnh thì ghi thời hạn vì giữa việc ra lệnh bắt và thời gian thực hiện sẽ có khoảng cách. Ý kiến này cho rằng, điều luật ghi bắt để tạm giam chứ không phải bắt để áp dụng biện pháp ngăn chặn nào khác, nếu không cần tạm giam thì không bắt. Khi Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt đồng thời phê chuẩn lệnh tạm giam để tránh rườm rà song vẫn đủ thủ tục, mẫu lệnh phải ghi đủ là “Lệnh bắt, tạm giam”.
Từ ba loại ý kiến trên, chúng tôi cho rằng việc áp dụng bắt tạm giam bị can, bị cáo cần áp dụng với ý kiến thứ nhất, bởi vì, trước hết phải xác định bắt và tạm giam là hai biện pháp ngăn chặn độc lập với nhau, giữa chúng có ranh giới rõ ràng, ý nghĩa của hai biện pháp này cũng khác nhau. Khoản 2 Điều 80 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 chỉ quy định lệnh bắt ghi rõ ngày tháng năm, không ghi thời hạn tạm giam. Việc phê chuẩn của Viện kiểm sát theo các điều luật nêu trên được hiểu là Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt để tạm giam.
Thực tiễn cho thấy, nếu sử dụng lệnh bắt đồng thời là lệnh tạm giam thì rõ ràng khi Viện kiểm sát phê chuẩn, trong lệnh này đã ghi thời hạn tạm giam. Vấn đề đặt ra là nếu không bắt được bị can theo đúng thời gian đã ghi trong lệnh thì sao?. Ví dụ: Lệnh bắt tạm giam ghi thời hạn tạm giam tính từ 10/5/2009 nhưng đến 20/5/2009 mới bắt được bị can thì lệnh sẽ không khớp với thực tế. Nếu giữ nguyên lệnh thì bị can được lợi 7 ngày tạm giam. Muốn tính từ ngày bắt thì cơ quan ra lệnh bắt phải đổi lại lệnh cho phù hợp nhưng nếu lệnh bắt tạm giam mà lại để khống thời hạn ghi trong lệnh cũng không phù hợp vì sẽ dẫn đến sự tùy tiện của Cơ quan điều tra trong việc áp dụng biện pháp bắt tạm giam.
Từ các vấn đề thực tiễn và lý luận nêu trên đã phủ nhận quan điểm cho dừng việc nhập hai thủ tục bắt và tạm giam là tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Từ sự phân tích trên, chúng tôi cho rằng, việc nhập hai thủ tục là không đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Việc bắt để tạm giam phải sử dụng hai lệnh riêng biệt: Lệnh bắt để tạm giam và lệnh tạm giam, trong đó lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam không ghi thời hạn tạm giam.
Thứ ba, vấn đề bắt khẩn cấp quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 vẫn chưa thật rõ ràng nên còn có hai quan điểm:
Quan điểm 1: Phải chờ phê chuẩn của Viện kiểm sát sau đó cơ quan điều tra mới được ra quyết định tạm giữ.
Quan điểm 2: Không phải chờ mà sau khi bắt khẩn cấp, trong khi chờ Viện kiểm sát phê chuẩn thì cơ quan điều tra cứ ra quyết định tạm giữ.
Theo Điều 83 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận người bị bắt, cơ quan điều tra phải quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt. Việc quyết định tạm giữ trước hay cơ quan điều tra phải chờ Viện kiểm sát xem xét xong mới ra quyết định tạm giữ. Thông thường Cơ quan điều tra bắt được người sau đó ra quyết định tạm giữ đồng thời chuyển hồ sơ, văn bản đến Viện kiểm sát để Viện kiểm sát xem xét và phê chuẩn hay không phê chuẩn vào lệnh bắt khẩn cấp của Cơ quan điều tra,Viện kiểm sát sau khi nghiên cứu hồ sơ, tài liệu về trường hợp bắt giữ khẩn cấp đó, nếu xét thấy cần thiết thì giữ nguyên lệnh đó và phê chuẩn vào lệnh, còn nếu xét thấy không cần thiết thì ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ của cơ quan điều tra, trường hợp này cơ quan điều tra phải trả tự do ngay cho người đã bị bắt. Viện kiểm sát nhân dân Tối cao căn cứ khoản 1 Điều 83 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 chỉ đạo các Viện kiểm sát địa phương kiểm sát không để Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ trước khi có sự xem xét và phê chuẩn vào lệnh bắt khẩn cấp, vì như vậy nếu Viện kiểm sát không phê chuẩn thì người bị bắt đã bị tạm giữ. Việc này có rất nhiều ý kiến tranh luận trên một số báo, tạp chí… Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, sau khi bắt được người theo trường hợp khẩn cấp thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định tạm giữ, không phụ thuộc vào việc phải chờ Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp mới ra lệnh tạm giữ bởi các lý do sau:
– Phải cần thiết mới ra lệnh bắt khẩn cấp, điều kiện để bắt khẩn cấp rất chặt chẽ cho nên phải có đủ tài liệu, căn cứ thì cơ quan điều tra mới được ra lệnh bắt khẩn cấp. Bắt được người có hành vi phạm tội đưa về không thể để ở một chỗ nào đó tại Cơ quan điều tra, chờ phê chuẩn hoặc không phải đợi đến hết 24 giờ mới quyết định tạm giữ. Nếu cho phép như vậy thì sẽ gây tùy tiện, giữ người trá hình ở Cơ quan điều tra; nếu sau 24 giờ mới ra quyết định tạm giữ thì người bị bắt đã một 1 ngày mà không được tính vào để khấu trừ khi thi hành án sau này. Nếu trong thời gian chờ Viện kiểm sát phê chuẩn Cơ quan điều tra vẫn đưa người bị bắt khẩn cấp vào nhà tạm giữ, tạm giam mà không ra lệnh thì cũng vi phạm thủ tục tố tụng: giam, giữ người không có lệnh hợp pháp. Do vậy sau khi đưa người bị bắt về Cơ quan điều tra phải ra quyết định tạm giữ, và gửi quyết định tạm giữ đến Viện kiểm sát theo quy định. Hơn nữa theo tinh thần của Điều 81 khoản 4 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 nếu Viện kiểm sát không phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp thì phải trả tự do cho người bị bắt, như vậy có thể hiểu là phải có quyết định tạm giữ mới trả tự do và khi trả tự do phải bằng quyết định có thể là hủy bỏ lệnh tạm giữ khi đang còn thời hạn hoặc quyết định trả tự do khi đã hết hạn tạm giữ, người bị bắt không thể tự nhiên im lặng rời Cơ quan điều tra được. Bởi vì, trước đó khi tổ chức bắt đã có cơ quan chính quyền địa phương tham gia và biết đó là người bị Cơ quan điều tra bắt khi được trở về phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền để trình báo, nếu không khó mà phân biệt được trường hợp nào là người bị bắt được trả tự do hoặc trường hợp nào là bỏ trốn. Việc Cơ quan điều tra bắt sai, giữ sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật cũng như Viện kiểm sát phải chịu trách nhiệm về việc phê chuẩn hay không phê chuẩn của mình.
Thứ tư, về thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp
Ở trường hợp trên tàu bay, tàu biển khi đã rời sân bay, bến cảng nếu theo đúng khoản 2 Điều 80 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì không thể thực hiện được, vì trên tàu bay, tàu biển khi đó sẽ không thể nào có được đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành việc bắt người chứng kiến, hoặc phải đảm bảo được thủ tục như có lệnh, đóng dấu… thì việc đó rất khó thực hiện. Do vậy điều luật cũng cần quy định bổ sung để mang tính khả thi.
Thứ năm, về việc bắt người phạm tội quả tang
Theo quy định tại Điều 82 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đối với người đã có hành vi phạm tội khi có đủ các căn cứ để bắt thuộc một trong ba trường hợp có thể bắt. Thực tế ở trường hợp này người thực hiện việc bắt khó có thể phân biệt ranh giới giữa vi phạm hành chính và tội phạm hình sự, hoặc nếu không có việc bắt sẽ là án hình sự, nhưng bị bắt thì người đó chỉ bị coi là vi phạm hành chính vì hậu quả xảy ra chưa đến mức xử lý hình sự. Điển hình là các trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác… trong thực tế việc bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang bị lạm dụng rất nhiều đối với các vi phạm hành chính. Căn cứ vào tỷ lệ khởi tố về hình sự và xứ lý hành chính sau khi áp dụng biện pháp bắt người phạm tội quả tang thì tỷ lệ khởi tố hình sự tương đối thấp. Những năm gần đây Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã có sự phối hợp bằng cách phân loại xử lý để quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn cho nên tỷ lệ có được nâng lên, song việc giải quyết triệt để vấn đề này phải có giải pháp đồng bộ từ việc tuyên truyền pháp luật đến việc phân loại xử lý để điều luật không bị vi phạm.
Thứ sáu, vấn đề bắt người đang bị truy nã
Bắt người đang bị truy nã được quy định cùng với trường hợp bắt người phạm tội quả tang nhằm phát động toàn dân tham gia chống tội phạm. Song việc bắt người đang bị truy nã là việc khó vì thông tin về một người phạm tội qua phương tiện thông tin đại chúng, một số thông báo niêm yết tại nơi công cộng chưa đủ cơ sở để xác định, dẫn đến việc bắt người truy nã rất dễ xảy ra sai sót. Cho nên việc bắt người trong trường hợp đang bị truy nã cần thiết phải có điều luật riêng để có khái niệm về người bị truy nã, thủ tục bắt, dẫn giải, giao nhận người bị bắt.
Hiện nay điều luật về tạm giữ đã quy định đối với trường hợp người bị bắt theo lệnh truy nã. Trong thực tế thì Cơ quan điều tra cấp huyện ra quyết định tạm giữ sau đó chuyển lên công an tỉnh và thông báo cho cơ quan đã ra quyết định để nhận người. Lý do phải ra quyết định tạm giữ vì đối tượng bị bắt cần phải được đưa vào nhà tạm giữ, tạm giam mới có thể ngăn chặn việc họ tiếp tục trốn. Quy định của pháp luật muốn đưa người vào nhà tạm giữ, trại tạm giam phải có lệnh hợp pháp. Nếu không có lệnh thì Viện kiểm sát trong quá trình kiểm sát giam, giữ có thể trả tự do cho người bị bắt và coi việc giữ, giam đó là vi phạm pháp luật. Trong thực tế người bị truy nã thường phải lẩn trốn xa nơi cư trú, sau khi bị bắt không phải một sớm một chiều mà cơ quan truy nã có thể đến để nhận người bị bắt, việc đến nhận có thể kéo dài nhiều ngày do điều kiện địa lý, điều kiện đi lại để nhận người bị bắt còn nhiều khó khăn. Vì vậy, việc bắt người đang bị truy nã có thể coi là trường hợp đặc biệt cần có quy định riêng, cụ thể, để có cơ sở thực hiện pháp luật đúng đắn, một mặt giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng tránh được vi phạm, mặt khác có tác dụng động viên toàn dân tham gia chống tội phạm, không cho người phạm tội trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật.
2.5.1.2. Khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ
Thứ nhất, vướng mắc về thẩm quyền ra quyết định tạm giữ
Để đảm bảo cho yêu cầu kịp thời đấu tranh chống tội phạm trên các vùng biển của đất nước, lực lượng Cảnh sát biển đã được thành lập và lực lượng này cũng cần phải có thẩm quyền bắt người trong trường hợp khẩn cấp và thẩm quyền tạm giữ. Tuy nhiên, Điều 81 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 lại không quy định thẩm quyền ra lệnh bắt khẩn cấp cho lực lượng này, thế nhưng khoản 2 Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 lại quy định cho lực lượng này có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ.
Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành thì các cơ quan như cơ quan Hải quan, cơ quan Kiểm lâm được tham gia vào một số hoạt động tố tụng hình sự như được khởi tố vụ án, tiến hành những hoạt động điều tra ban đầu như: “… ra quyết định khởi tố vụ án, lấy lời khai… Xét cần ngăn chặn ngay người có hành vi phạm tội chạy trốn thì tạm giữ ngay người đó và xin lệnh tạm giữ của cơ quan có thẩm quyền…” hoặc: “… đối với hành vi thuộc loại tội nghiêm trọng, phức tạp thì ra quyết định khởi tố vụ án, lấy lời khai… xét cần ngăn chặn ngay người có hành vi phạm tội chạy trốn thì tạm giữ ngay người đó và xin lệnh tạm giữ của cơ quan có thẩm quyền. . . “[21]. Tuy nhiên, cũng chưa có quy định chính thức nào trong Bọ luật Tố tụng hình sự năm 2003 cho phép cơ quan Hải quan, Kiểm lâm có quyền bắt khẩn cấp hoặc tạm giữ và như vậy thì người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội vẫn được tự do, tẩu tán tang tài vật, thông cung, thông chứng, trốn tránh pháp luật…
Thứ hai, vướng mắc trong việc phân loại để tạm giữ sau khi đã bắt khẩn cấp hoặc quả tang.
Hiện nay trong quá trình giải quyết các vụ án về ma túy, thông thường xảy ra trường hợp do nhận được tin báo về một số người đang tụ tập sử dụng trái phép các chất ma túy nên cơ quan công an tổ chức bắt. Sau khi bắt được số người sử dụng trái phép các chất ma túy, do không đủ cơ sở và căn cứ để xem xét trong số người bị bắt, ai là người vi phạm lần đầu, ai là người mà hành vi của họ có đủ các dấu hiệu của tội phạm nên cơ quan công an buộc phải chuyển vụ việc lên cơ quan điều tra cấp trên. Sau khi nhận ngời bị bắt, Cơ quan điều tra cũng chưa đủ căn cứ để phân loại những người bị bắt để xem ai là người có thể xử lý hình sự, ai là người chỉ xử lý hành chính vì theo quy định tai Điều 199 Bộ luật hình sự, chỉ người nào sử dụng trái phép các chất ma túy mà đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy thì mới đủ dấu hiệu của cấu thành tội phạm “sử dụng trái phép chất ma túy”, do vậy cần thiết phải ra quyết định tạm giữ để xem xét. Trong thời gian tạm giữ, nếu có cơ sở thì cơ quan đã ra quyết định tạm giữ có thể hủy bỏ việc tạm giữ để trả tự do cho người bị tạm giữ hoặc để xử lý hành chính. Vấn đề đặt ra là cần có nhận thức đúng về những trường hợp đã tạm giữ nhưng không xử lý về hình sự nhất là trong trường hợp tạm giữ người bị bắt quả tang. Không phải mọi trường hợp tạm giữ mà không xử lý hình sự đều là trái pháp luật và đều là hiện tựơng vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, để hạn chế những trường hợp đã tạm giữ theo tố tụng hình sự nhưng không xử lý về hình sự nên chăng kéo dài hơn thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 83 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định Cơ quan điều tra sau khi nhận người bị bắt phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt. Nhằm tạo điều kiện về thời gian xác minh các căn cứ để tạm giữ. Đối với trường hợp này, để tạo điều kiện thời gian xác minh các căn cứ để tạm giữ thì nên quy định thời hạn tạm giữ không quá 48 giờ.
Thứ ba, vướng mắc về thời hạn tạm giữ
– Khoản 1 Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định về thời điểm bắt đầu của thời hạn tạm giữ là thời điểm Cơ quan điều tra nhận người bị bắt là chưa dự tính hết những phức tạp nảy sinh từ thực tiễn, bởi vì trên thực tế không phải trường hợp nào cũng có thể giải ngay người bị bắt đến ngay Cơ quan điều tra. Ví dụ: Những người bị bắt trên tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng Việt Nam hoặc những người bị bắt ở biên giới, hải đảo. Những người bị bắt trong trường hợp này có thể một thời gian khá lâu sau khi bị bắt mới giải đến giao cho Cơ quan điều tra được, khoảng thời gian khá dài này những người bị bắt đó bị áp dụng biện pháp ngăn chặn nào? Bắt hay tạm giữ? Bắt thì không phải vì biện pháp bắt phải coi là kết thúc sau khi người có hành vi nguy hiểm cho xã hội bị bắt, nhưng tạm giữ thì cũng không phải vì lúc đó người bị bắt vẫn chưa được nhận bởi Cơ quan điều tra.
Một vấn đề cần được nghiên cứu và hoàn thiện đó là việc tạm giữ người bị bắt có khi kéo dài quá 9 ngày đêm nhưng cơ quan ra lệnh truy nã vẫn chưa đến nhận người bị bắt thì cần phải giải quyết như thế nào? Nếu cứ giữ thì vi phạm luật còn nếu không giữ người bị bắt thì lại để lọt người phạm tội. Mặc dù Thông tư liên ngành số 03/TTLN ngày 7/1/1995 của TANDTC-VKSNDTC – BNV – BTP Hướng dẫn thực hiện một số quy định về truy nã bị can, bị cáo trong giai đoạn truy tố và xét xử đã quy định:
Để bảo đảm việc giam, giữ người phải có lệnh thì sau khi lấy lời khai, Cơ quan điều tra áp dụng Điều 68 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 ra lệnh tạm giữ đối với bị can và giải ngay người đó đến trại tạm giam gần nhất. Trại tạm giam có trách nhiệm tiếp nhận và giam giữ bị can. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được thông báo của cơ quan điều tra về kết quả truy nã là bắt được bị can, thì Viện kiểm sát đã yêu cầu truy nã phải ra ngay quyết đinh tạm giam đối với bị can và tiếp tục tiến hành các công việc theo thủ tục chung nhằm bảo đảm việc giam giữ người bị truy nã theo đúng pháp luật[22].
Thực tiễn áp dụng cho thấy, các quy định này còn rất nhiều điểm hạn chế và vướng mắc như: nhanh nhất cũng phải sau 24 giờ thì mới có lệnh tạm giam của Viện kiểm sát đã yêu cầu truy nã gửi đến, như vậy thì thời hạn tạm giữ có được Viện kiểm sát dự tính trước để ghi sẵn trong lệnh tạm giam không?. Trong một thời gian ngắn sao lại có cả lệnh tạm giữ và lệnh tạm giam?. Bao nhiêu lâu sau thì Viện kiểm sát đã yêu cầu truy nã đến nhận người bị bắt?. Thời gian từ khi gửi thông báo cho Viện kiểm sát đã yêu cầu truy nã đến khi nhận được lệnh tạm giam hoặc bàn giao người bị bắt cho cơ quan ra lệnh truy nã phải kéo dài nhiều ngày, nếu quá cả thời hạn tạm giữ thì phải giải quyết như thế nào?.
Trong thực tiễn áp dụng các qui định về thời hạn tố tụng nói chung và thời hạn tạm giữ nói riêng đang nảy sinh một vấn đề là cách tính thời hạn tạm giữ như thế nào khi mà ngày kết thúc thời hạn lại là ngày nghỉ lao động hoặc ngày lễ?. Theo Điều 96 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 qui định:
Thời hạn mà Bộ luật này qui định được tính theo giờ, ngày và tháng. Khi tính thời hạn theo ngày thì thời hạn sẽ hết vào lúc 24 giờ ngày cuối cùng của thời hạn; khi tính thời hạn theo tháng thì thời hạn sẽ hết vào ngày trùng của tháng sau; nếu tháng đó không có ngày trùng thì thời hạn sẽ hết vào ngày cuối cùng của tháng đó; nếu thời hạn hết vào ngày nghỉ thì ngày làm việc đầu tiên tiếp theo được tính là ngày cuối cùng của thời hạn…
Theo Quyết định số 188/1999/QĐ-TTg ngày 17/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ “về thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ” thì kể từ ngày 02/10/1999 sẽ thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ trong 5 ngày, nghỉ ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần đối với cán bộ, công chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, do đó khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày thứ bảy, ngày chủ nhật hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó. Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào đúng 24 giờ của ngày đó[23].
Như chúng ta đã biết, thời hạn tạm giữ được tính theo ngày. Giả sử ngày 10/6/2009, cơ quan có thẩm quyền ra lệnh tạm giữ người bị bắt khẩn cấp trong thời hạn 3 ngày, như vậy thời hạn tạm giữ sẽ hết vào 24 giờ ngày 12/6/2009, nhưng do ngày 12/6 lại là ngày thứ bảy nghỉ làm việc nên thời hạn tạm giữ sẽ hết vào 24 giờ của ngày thứ hai (14/6). Nếu cần gia hạn tạm giữ thì việc gia hạn tạm giữ lần thứ nhất không quá ba ngày, do vậy sẽ hết hạn tạm giữ lần thứ nhất vào ngày 17/6, giả sử cần gia hạn tạm giữ lần thứ hai thì thời hạn tạm giữ lần thứ hai sẽ hết vào 20/6/2009 và lại đúng vào ngày chủ nhật nghỉ lao động, do vậy thời hạn gia hạn tạm giữ sẽ hết vào 24 giờ ngày thứ hai (21/6). Theo cách tính này thì thời hạn tạm giữ bao gồm cả gia hạn sẽ là tổng số 12 ngày chứ không phải 9 ngày như quy định của pháp luật, cách tính này rõ ràng không có lợi cho người bị tạm giữ. Mặc dù các cơ quan tiến hành tố tụng đã có quy định phân công lãnh đạo trực đơn vị để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh nhưng rõ ràng vấn đề hướng dẫn cách tính thời hạn tố tụng nói chung và thời hạn tạm giữ nói riêng có liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau, như các cơ quan ra lệnh tạm giữ, cơ quan phê chuẩn việc tạm giữ, cơ quan quản lý và giữ người bị tạm giữ cũng như liên quan tới chính quyền và lợi ích của người bị tạm giữ, do vậy rất cần có một sự hướng dẫn chung giữa các cơ quan này để bảo đảm việc áp dụng pháp luật được thống nhất, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
– Theo quy định tại khoản 4 Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, thời hạn tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam. Đây là qui định có tính chất nhân đạo rõ nét. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi bị can bị tạm giam thì việc tính trừ thời hạn tạm giữ vào thời hạn tạm giam như thế nào khi viết lệnh tạm giam?. Đã có cơ quan tiến hành tố tụng hướng dẫn cấp dưới cách viết lệnh tạm giam bằng cách ghi vào lệnh tạm giam thời hạn tạm giam sẽ được tính kể từ ngày bị can bị tạm giữ, với lý do ghi như vậy sẽ trừ ngay được thời hạn tạm giữ vào thời hạn tạm giam. Thực ra đây chỉ đơn thuần là vấn đề kỹ thuật ghi văn bản, ghi như thế nào để có thể trừ thời hạn tạm giữ vào thời hạn tạm giam, nhằm tạo điều kiện cho cơ quan giam giữ người thực hiện đúng quy định của pháp luật về tính thời hạn tạm giữ vào thời hạn tạm giam. Về vấn đề này chúng tôi cho rằng, khi ghi thời hạn tạm giam trong lệnh tạm giam, nếu bị can trước đó có bị tạm giữ thì cần phân biệt các trường hợp sau đây:
+ Một là, bị can bị tạm giữ và sau đó bị tạm giam, thời hạn tạm giam nối liền ngay với thời hạn tạm giữ;
+ Hai là, sau khi bị tạm giữ, mặc dù người đó bị khởi tố bị can nhưng không bị tạm giam ngay mà sau một thời gian mới bị tạm giam, trường hợp này giữa thời hạn tạm giam với thời hạn tạm giữ không liền nhau. Việc ghi lệnh tạm giam để có thể trừ đi thời hạn tạm giữ vào thời hạn tạm giam trong hai trường hợp nói trên có khác nhau. Với trường hợp thứ nhất, việc tính thời hạn tạm giam có thể tính từ ngày người đó bị tạm giữ, trường hợp thứ hai thì sau khi ghi thời hạn tạm giam bị can theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và tính từ khi bị can bị bắt tạm giam, cần ghi rõ có trừ đi thời hạn bị can bị tạm giữ vào trong thời hạn tạm giam. Với hai cách ghi như vậy sẽ giúp cho người thi hành lệnh tạm giam biết được giới hạn thời hạn của việc tạm giam để thi hành đúng pháp luật.
Thứ tư, vướng mắc trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ đối với người phạm tội ra đầu thú, tự thú.
Như chúng ta đã biết hai khái niệm “tự thú” và “đầu thú’ không giống nhau.
Tự thú là việc một người sau khi đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng hành vi đó chưa vị phát hiện, hoặc người thực hiện hành vi đó vẫn chưa bị phát hiện, nhưng sau một thời gian, do bị lương tâm cắn rứt, do hối hận về hành vi của mình, người đó đã tự ra trước cơ quan bảo vệ pháp luật trình diện và khai nhận về hành vi của mình, hoặc hành vi phạm tội của mình và đồng bọn.
Còn đầu thú là việc một người đã thực hiện hành vi phạm tội, hành vi đó đã bị phát hiện, vụ án đó đã được khởi tố, có thể đã hoặc đang được tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử. Cá nhân người đó đã bị khởi tố bị can, có thể chưa hoặc đã bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị xử phạt nhưng trốn tránh nay đang bị truy nã, sau một thời gian trốn tránh người đó đã ra trước các cơ quan bảo vệ pháp luật để trình diện, khai nhận về các hành vi của mình.
Việc người tự thú, đầu thú được coi là đối tượng có thể bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, theo chúng tôi cần phải quy định rõ, trường hợp nào cần thiết phải tạm giữ, còn trường hợp nào không cần thiết, bởi vì rằng có trường hợp nhữmg người này phạm tội ở các mức độ khác nhau, có hoàn cảnh, nhân thân khác nhau . . . cho nên đây cũng là vấn đề vướng mắc đang cần tháo gỡ.
Thứ năm, vướng mắc về chế độ tạm giữ.
Theo quy định của pháp luật, việc tạm giữ người bị tạm giữ được thực hiện trong nhà tạm giữ của Công an cấp huyện. Ngoài ra trong các trại tạm giam của Công an cấp tỉnh có thể bố trí một số phòng để tạm giữ người bị tạm giữ. Bộ luật Tố tụng hình sự cũng qui định rõ quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, chế độ đối với người bị tạm giữ. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, các cơ quan có liên quan chưa thực sự tôn trọng và bảo đảm thực hiện các quyền của người bị tạm giữ. Nhiều trường hợp người bị tạm giữ bị đối xử không đúng, bị bỏ đói, bỏ rét, hoặc bị buộc phải làm những công việc nặng nhọc hoặc bẩn thỉu; nhiều người bị tạm giữ nhưng không được biết rõ lý do bị tạm giữ, bị giữ lâu ngày mới được hỏi, được khai báo; công tác phân loại những người bị tạm giữ để xử lý chưa đúng bản chất sự việc, còn bỏ lọt tội phạm, đặc biệt còn hiện tượng lẫn lộn hoặc lợi dụng giữa bắt giữ hành chính với bắt giữ theo tố tụng hình sự.
2.5.1.3. Khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam
Thứ nhất, về thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam để điều tra.
Quy định về thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam để điều tra vẫn không trùng khớp nhau làm cho việc áp dụng trên thực tế gặp những khó khăn nhất định.
Theo quy định tại Điều 120 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì thời hạn tạm giam để điều tra (kể cả thời hạn gia hạn) là không quá 3 tháng đối với tội ít nghiêm trọng, 6 tháng đối với tội nghiêm trọng, 9 tháng đối với tội rất nghiêm trọng, 16 tháng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng. Trong khi đó Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 lại quy định thời hạn để điều tra (kể cả thời hạn gia hạn) là 4 tháng đối với tội ít nghiêm trọng, 8 tháng đối với tội nghiêm trọng, 12 tháng đối với tội rất nghiêm trọng, 16 tháng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, thời hạn điều tra dài hơn thời hạn tạm giam để điều tra. Thực tế cho thấy trong đấu tranh phòng chống tội phạm thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam để điều tra có quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong nhiều vụ án khi hết thời hạn tạm giam thì thời hạn điều tra vẫn còn mà do tính chất của vụ án không thể trả tự do cho bị can. Trong những trường hợp này thì áp dụng tiếp biện pháp ngăn chặn nào là thích hợp?. Hoặc nên quy định thời hạn tạm giam để điều tra và thời hạn điều tra là bằng nhau?.
Thứ hai, về trách nhiệm của người đề xuất, người ra lệnh và người phê chuẩn lệnh tạm giam.
Có thể hiểu rằng, quan hệ giữa Thủ trưởng cơ quan điều tra và Điều tra viên là quan hệ chỉ huy phục tùng. Sau khi khởi tố vụ án, Thủ trưởng cơ quan điều tra trực tiếp điều tra hoặc quyết định phân công cho Điều tra viên điều tra vụ án. Từ khi đó, Điều tra viên có quyền tiến hành các biện pháp điều tra do Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định, còn việc áp dụng biện pháp tạm giam Điều tra viên chỉ có quyền đề xuất. Thủ trưởng cơ quan điều tra ký lệnh tạm giam và Viện kiểm sát phê chuẩn. Vậy:
– Nếu tạm giam trái pháp luật thì ai phải chịu trách nhiệm: Điều tra viên hay Thủ trưởng cơ quan điều tra?;
– Nếu việc tạm giam sau đó lại được Viện kiểm sát phê chuẩn thì người phê chuẩn có phải chịu trách nhiệm không?. Mức độ sai phạm của bắt người trước khi có phê chuẩn được đánh giá ra sao?. Thực tế hiện nay, lệnh tạm giam cần phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát thường được phê chuẩn cùng ngày ra lệnh, nhưng vẫn có một số ít trường hợp phê chuẩn sau ngày bắt bị can, bị cáo để tạm giam.
Thứ ba, về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với các trường hợp đặc biệt không được miễn trừ chính sách ưu đãi khi áp dụng biện pháp ngăn chặn này. Khoản 2 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định:
– Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang thời kỳ nuôi con dưới 36 tháng tuổi có nơi cư trú rõ ràng;
– Bị can, bị cáo là người già yếu, người bị bệnh nặng có nơi cư trú rõ ràng.
Tuy nhiên, đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang thời kỳ nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh nặng có nơi cư trú rõ ràng, nếu có đủ điều kiện tạm giam thì vẫn có thể ra lệnh tạm giam, đó là “những trường hợp đặc biệt”. Đó là các trường hợp:
– Bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã;
– Bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử. Bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
Mặc dù luật đã có sự quy định tách bạch về trường hợp không áp dụng và trường hợp áp dụng nhưng quy định này vẫn khó vận dụng trên thực tiễn. Có thể hiểu được rằng đối với bị can, bị cáo thuộc một trong hai trường hợp nói trên cần áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, có thể là cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc bảo lãnh… Còn đối với các trường hợp đặc biệt không được miễn trừ chính sách ưu đãi khi áp dụng biện pháp tạm giam thì lại chưa có quy định cụ thể về điều kiện áp dụng và đảm bảo quyền lợi cho họ. Ví dụ trường hợp bị can đang mang thai cần được hưởng chế độ giam giữ như thế nào?. Dinh dưỡng cho thai sản ra sao?. Trẻ sinh ra và phải ở với mẹ trong trại tạm giam được chăm sóc nuôi dưỡng ra sao?. . . Đây cũng là những vấn đề mà pháp luật hình sự cần được hướng dẫn cụ thể.
2.5.1.4. Khó khăn, vướng mắc về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người chưa thành niên
Quy định về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người chưa thành phạm tội chưa thật phù hợp với thực tiễn vì trong thời gian gần đây ở nước ta, lứa tuổi này phạm tội nhiều, hay trốn tránh pháp luật và gây rối, cản trở điều tra.
Mặc dù Điều 303 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định về việc bắt, tạm giữ, tạm giam đối với người chưa thành niên, tuy nhiên thực tiễn cho thấy rằng, có rất nhiều trường hợp người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, nhưng phạm tội rất nhiều lần, hoặc người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi nhưng dưới 18 tuổi chỉ phạm tội ít nghiêm trọng nhưng cũng phạm tội nhiều lần, việc triệu tập họ đến các cơ quan tiến hành tố tụng là rất khó khăn, trong khi đó việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam lại không được phép, dẫn đến việc các cơ quan tiến hành tố tụng rất khó xử lý vụ việc. Chính vì vậy cũng cần phải có những hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền trong một số trường hợp nêu trên.
2.5.2. Nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn về bắt, tạm giữ, tạm giam ở nước ta trong thời gian qua
Thứ nhất, nguyên nhân về công tác xây dựng pháp luật
– Công tác xây dựng pháp luật của chúng ta quá chậm. Trải qua thời gian dài không có Bộ luật Tố tụng hình sự để tình trạng bắt người, tạm giữ, tạm giam tùy tiện, tràn lan, không thống nhất trong việc áp dụng làm cho tàn dư đó cho đến nay chưa khắc phục hết trong tiềm thức của một số cán bộ tiến hành tố tụng.
– Sự lãnh đạo của Đảng về công tác tư pháp nói chung và thực hiện các quy định về bắt người, tạm giữ, tạm giam thời gian trước đây chưa được quan tâm đúng mức. Chỉ đến năm 2000 mới có Chỉ thị của Bộ Chính trị và năm 2002 mới có Nghị quyết chuyên đề về công tác tư pháp, trong đó chấn chỉnh một bước quan trọng công tác thực hiện việc bắt, tạm giữ, tạm giam theo luật Tố tụng hình sự.
– Sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đối với việc thực thi pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam chưa thường xuyên. Mặc dù hàng năm, các kỳ họp đều có báo cáo của các cơ quan tư pháp, song các cơ quan quyền lực chưa có biện pháp điều chỉnh.
– Mặc dù đã qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung nhưng Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 vẫn còn những tồn tại trong các quy định luật về các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam, điều đó thể hiện ở chỗ: Có những quy định không rõ ràng, không phù hợp với thực tế áp dụng; chưa dự kiến hết đối tượng cần áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam; thời hạn tạm giữ, tạm giam quy định chưa phù hợp để tiến hành các hoạt động tố tụng cần thiết, đặc biệt là thời hạn tạm giam để điều tra chưa phù hợp với thời hạn điều tra; thẩm quyền ra lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam chưa thống nhất trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử… còn có sự mâu thuẫn trong một số điều khoản của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.
Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân xuất phát từ góc độ quy định của pháp luật, do trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 còn có một số quy định đang có những nhận thức khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn kịp thời, ví dụ như quy định về tạm giữ được áp dụng như thế nào?. Khi Viện kiểm sát đã phê chuẩn việc bắt khẩn cấp hay có thể áp dụng ngay cả khi Viện kiểm sát chưa phê chuẩn việc bắt khẩn cấp?. Vì vậy trong thực tiễn đã và đang phát sinh một số vấn đề đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải xem xét và sửa đổi các quy định của pháp luật cho phù hợp.
Thứ hai, nguyên nhân chủ quan của chủ thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam
Mặc dù còn những tồn tại nhất định trong các quy định luật về các trường hợp bắt, tạm giữ, tạm giam, song các quy định này ngày càng cụ thể, ngày càng hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các biện pháp này cho thấy tình hình vi phạm pháp luật trong thời gian qua vẫn còn khá phổ biến. Đó là việc bắt, tạm giữ, tạm giam không đúng đối tượng, không đúng thủ tục, sai thẩm quyền; lạm dụng việc bắt khẩn cấp, bắt quả tang, bắt nhưng không đủ căn cứ khởi tố phải trả tự do, lạm dụng tạm giữ thuộc vi phạm hành chính để áp dụng theo quy định của luật tố tụng hình sự… việc quản lý giữ, giam không chặt chẽ để người bị giam giữ trốn, cá biệt có cả người bị giam có mức án cao (chung thân, tử hình) cũng bỏ trốn; tạm giữ, tạm giam không đúng thời hạn luật định, để quá thời hạn tạm giữ, tạm giam, còn có không ít trường hợp bắt, giữ, giam oan, sai người vô tội.
Công tác kiểm tra, giám sát pháp luật trong lĩnh vực bắt, giữ, giam chưa được tiến hành thường xuyên và đều khắp nên chưa phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời những biểu hiện vi phạm.
Nguyên nhân của những vi phạm trong quá trình áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam còn xuất phát từ ý thức trách nhiệm của nhiều cán bộ chưa cao, còn có tư tưởng nặng về trấn áp nên chưa phân biệt rõ giữa vi phạm hành chính với tội phạm, do vậy khi có sự việc xảy ra các cơ quan chính quyền địa phương cứ chuyển sự việc lên cơ quan cấp trên mà không phân biệt sự việc nào thuộc trách nhiệm giải quyết của họ. Cơ quan cấp trên hoặc do nể nang, hoặc do chưa kịp thời giải quyết nên cứ tạm giữ, tạm giam để chờ xử lý sau. Công tác chỉ đạo của lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng chưa kịp thời và chưa sâu sát; công tác kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam của Viện kiểm sát chưa được quan tâm thường xuyên, chưa quán triệt đúng tinh thần của Chỉ thị số 53/CT của Bộ Chính trị.
– Nhận thức của một số cơ quan, đơn vị và những người có trách nhiệm, quyền hạn trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam còn hạn chế, chưa chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật tố tụng về thủ tục, căn cứ của việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn này.
– Trình độ của cán bộ làm công tác bắt, tạm giữ, tạm giam chưa đồng đều, thậm chí có lúc, có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ dẫn đến những vi phạm không đáng có.
– Sự vô trách nhiệm, lạm quyền của một số người có thẩm quyền trong hoạt động bắt, tạm giữ, tạm giam cùng với sự hạn chế về hiểu biết pháp luật của công dân cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự xâm phạm về quyền bất khả xâm phạm thân thể, quyền tự do của công dân.
– Công tác kiểm tra, giám sát pháp luật trong lĩnh vực bắt, giữ, giam chưa được Viện kiểm sát các địa phương tiến hành thường xuyên và đều khắp nên chưa phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời những biểu hiện vi phạm; việc phối hợp giữa Viện kiểm sát và những người có trách nhiệm, quyền hạn trong công tác quản lý người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam chưa được quy định bằng một quy chế thống nhất. Do đó, ở nhiều địa phương chưa tạo được mối quan hệ phối hợp cần thiết dẫn đến việc Viện kiểm sát không phát hiện kịp thời những biểu hiện vi phạm nhằm đưa ra các kiến nghị, kháng nghị và những quyết định cần thiết để khắc phục những vi phạm đó trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Thứ tư, nguyên nhân khách quan khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam
Nguyên nhân khách quan dẫn đến việc chấp hành pháp luật trong việc bắt người, tạm giữ, tạm giam chưa tốt có nhiều. Nó tạo ra những vướng mắc bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật, có thể nêu lên một số nguyên nhân cơ bản sau đây:
– Do tác động của nền kinh tế thị trường, xu thế tội phạm mang tính quốc tế toàn cầu hóa làm phát sinh nhiều tội phạm mới nguy hiểm trong khi đó trình độ năng lực, trang bị của các cơ quan bảo vệ pháp luật lại hết sức đơn giản. Tội phạm hình sự diễn biến phức tạp song hoạt động của cơ quan bảo vệ pháp luật lại chỉ mang tính chất hành chính sự nghiệp.
– Các điều kiện phương tiện, trang bị, chế độ cho công tác điều tra, truy tố xét xử và thi hành án chưa được ưu tiên đầy đủ làm hạn chế năng lực thực thi nhiệm vụ theo Tố tụng hình sự, dẫn đến hiệu quả áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam trên thực tế còn chưa cao, thậm chí có trường hợp còn dẫn đến hậu quả đáng tiếc .
– Về tổ chức biên chế cán bộ chiến sỹ ở các trại tạm giam, nhà tạm giữ: Hiện nay, Bộ Công an chưa có văn bản hướng dẫn về việc định biên cán bộ, nên số lượng cán bộ chiến sỹ ở các đơn vị, tổ, đội được biên chế số lượng khác nhau không theo một chỉ tiêu nào; cán bộ làm công tác quản lý giam giữ hầu hết chưa được đào tạo nghiệp vụ cảnh sát trại tạm giam, nhất là trong những năm gần đây, cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp chủ yếu là chiến sỹ nghĩa vụ có thời hạn, chưa có kinh nghiệm trong công tác. Cơ chế quản lý đối với cán bộ chiến sỹ phục vụ có thời hạn còn đang vướng mắc; việc thực hiện chế độ chính sách với cán bộ chiến sỹ làm công tác quản lý giam giữ chưa phù hợp, không thống nhất như: Chế độ độc hại, chế độ đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, cấp bậc hàm đối với cán bộ y tế trại tạm giam với trại giam[24].
– Hệ thống pháp luật Việt Nam liên quan đến công tác quản lý giam giữ chưa hoàn thiện và đồng bộ. Văn bản có tính chất pháp lý quan trọng điều chỉnh cho hoạt động quản lý tạm giữ, tạm giam từ năm 1998 đến nay là Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 07/11/1998 của Chính phủ ban hành kèm theo Quy chế về tạm giữ, tạm giam (đã được sửa đổi một số điều tại Nghị định số 98/2002/NĐ-CP ngày 27/11/2002) và Thông tư số 08/2001/BCA (V19) ngày 12/11/2001 hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế về tạm giam, tạm giữ. Tuy nhiên, một số quy định tại 02 nghị định và một thông tư hướng dẫn của Bộ Công an đến nay không còn phù hợp với thực tiễn quản lý giam, giữ.
– Chế độ tiêu chuẩn về ăn, mặc, ở, sinh hoạt, phòng khám chữa bệnh đối với người bị tạm giữ, tạm giam là bị can, bị cáo còn quá thấp. Mặc dù Nghị định số 113/2008/NĐ-CP của Chính phủ ban hành Quy chế trại giam thay thế Nghị định số 60/CP đã nâng cao chế độ đối với phạm nhân. Song chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam vẫn đang áp dụng nghị định số 89/1998/CP ngày 7/11/1998 của Chính phủ đến nay là chưa phù hợp.
– Cơ sở giam, giữ của nhiều trại tạm giam, nhà tạm giữ dù đã được quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp song vẫn còn nhiều trại tạm giam, nhà tạm giữ đã bị hư hỏng, chật chội, xuống cấp nghiên trọng. Trang bị phương tiện, công cụ phục vụ công tác quản lý giam giữ, dẫn giải vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đòi hỏi[25].
– Kinh phí chi cho công tác xây dựng pháp luật và đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, trau dồi đạo đức của các chức danh tư pháp trong lĩnh vực bắt, tạm giữ, tạm giam chưa được đầu tư thích đáng …. Từ đó dẫn đến năng lực của những người làm công tác bắt, giữ, giam còn hạn chế, ý thức trách nhiệm chưa cao, có trường hợp bị thoái hóa, biến chất về đạo đức. . .
CHƯƠNG III
NHỮNG GIẢI PHÁP, KIẾN NGHỊ GÓP PHẦN NÂNG CAO HIỆU QUẢ ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN BẮT, TẠM GIỮ, TẠM GIAM TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Quán triệt Chỉ thị 53/CT-TW ngày 21/3/2000 của Bộ Chính trị về một số công việc cấp bách của các cơ quan tư pháp cần thực hiện trong năm 2000. Tuy Chỉ thị ấn định thời gian song đó là điểm khởi đầu để thực hiện nghiêm chỉnh các quy định trong quá trình thực hiện luật Tố tụng hình sự trong thời gian tiếp theo. Chỉ thị nêu rõ: “… việc bắt, giam phải được phê chuẩn đối với từng trường hợp, từng đối tượng cụ thể… “. Quan điểm chỉ đạo rõ ràng là đối với trường hợp bắt, giam cũng được hoặc không bắt, giam cũng được thì không bắt, giam. Sai sót trong việc bắt, giam, giữ ở địa phương nào thì trước hết Viện kiểm sát ở địa phương đó chịu trách nhiệm.
Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới, về công tác bắt người, tạm giữ, tạm giam, Nghị quyết đã chỉ rõ: “…Tăng cường công tác kiểm sát việc bắt, giữ, giam đảm bảo đúng pháp luật; những trường hợp chưa cần bắt, tạm giữ, tạm giam thì kiên quyết không phê chuẩn lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam; phát hiện xử lý kịp thời các trường hợp oan, sai trong. bắt giữ. Viện kiểm sát các cấp chịu trách nhiệm về những oan, sai trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam thuộc phạm vi thẩm quyền phê chuẩn của mình”.
Chỉ thị, Nghị quyết nêu trên thể hiện sự quan tâm lãnh đạo của Đảng đối với công lác tư pháp, đặc biệt là việc bắt, tạm giữ, tạm giam. Điều đó cũng nói lên một thực trạng còn nhiều tồn tại của việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng xấu đến lòng tin của nhân dân đối với một số cơ quan tư pháp. Đã có kẻ xấu lợi dụng cơ hội đó để chống phá, rêu rao chúng ta vi phạm nhân quyền. Chính vì vậy các cơ quan, người tiến hành tố tụng và mọi công dân phải quán triệt sâu sắc các nguyên tắc của pháp luật, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước vào công tác áp dụng biện pháp ngăn chặn vào từng vụ án, từng con người cụ thể. Làm thế nào tránh được, hạn chế được những sai sót trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam càng nhiều càng tối, nhằm thực hiện tốt mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôn trọng quyền con người. Phát huy quyền dân chủ của công dân, kiên quyết đấu tranh chống tội phạm hình sự, đảm bảo mọi hành vi phạm tội đều phải được phát hiện và xử lý nghiêm minh, phấn đấu thực hiện nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
3.1. Một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam trong Tố tụng hình sự.
Từ thực trạng quy định và áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam trong thời gian vừa qua, có thể rút ra nhận xét rằng: quy định và áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam của chúng ta trong thời gian qua đã đạt được những thành tích rất đánh khích lệ, song cũng đã bộc lộ nhiều yếu kém, nhiều vướng mắc, bất cập cần được giải quyết, tháo gỡ. Xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan đã được thực tiễn chứng minh, đúc kết, Đảng và Nhà nước cần có sự chỉ đạo thường xuyên, có biện pháp khắc phục đối với từng vi phạm, từng bất cập để cho công tác bắt, tạm giữ, tạm giam theo luật Tố tụng hình sự đi vào nề nếp, hạn chế tối đa sự vi phạm pháp luật, nâng cao năng lực thực tiễn của cơ quan tư pháp, đảm bảo quyền dân chủ của công dân, để thực hiện điều trong thời gian tới, Nhà nước cần có hoàn thiện một số giải pháp sau đây:
3.1.1. Giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật là cần phải sửa đổi cấu trúc điều luật, sửa đổi, bổ sung nội dung các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về biện pháp ngăn chặn.
3.1.1. Về biện pháp ngăn chặn
Cần phải xây dựng một điều luật mà trong đó hàm chứa tất cả các yếu tố như: tính chất của biện pháp ngăn chặn, chủ thể áp dụng, đối tượng bị áp dụng, căn cứ áp dụng cũng như mục đích áp dụng biện pháp ngăn chặn.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003
Đề nghị xây dựng một điều luật riêng
Về biện pháp ngăn chặn
Điều 79. Các biện pháp và căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn
Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong phạm vi thẩm quyền tố tụng của mình hoặc người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật này có thể áp dụng một trong những biện pháp ngăn chặn sau đây: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.
Biện pháp ngăn chặn là những biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự, do cơ quan hoặc người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật này áp dụng đối với bị can, bị cáo hoặc người chưa bị khởi tố (trong trường hợp khởi tố khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang) khi có căn cứ do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, nhằm kịp thời ngăn chặn tội phạm, ngăn chặn việc họ gây khó khăn cho hoạt động điều tra truy tố, xét xử và thi hành án dân sự.
Biện pháp ngăn chặn gồm: Bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lãnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để đảm bảo.
3.1.2. VÒ biÖn ph¸p ng¨n chÆn b¾t
Quy ®Þnh vÒ biÖn ph¸p ng¨n chÆn b¾t còng cÇn ph¶i cã mét ®iÒu luËt riªng, trong ®ã ®a ra kh¸i niÖm (®Þnh nghÜa) vÒ b¾t, ®ång thêi ph©n ®Þnh râ tõng trêng hîp b¾t ngêi trong ®iÒu luËt.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003
Đề nghị xây dựng một điều luật riêng, trong đó đưa ra khái niệm bắt, đồng thời phân định rõ từng trường hợp bắt
Chưa quy định
B¾t lµ biÖn ph¸p ng¨n chÆn do c¬ quan hoÆc ngêi cã thÈm quyÒn do Bé luËt nµy quy ®Þnh ¸p dông ®èi víi bÞ can, bÞ c¸o, ngêi ®ang chuÈn thùc hiÖn téi ph¹m rÊt nghiªm träng hoÆc téi ph¹m ®Æc biÖt nghiªm träng, ngêi cã hµnh vi ph¹m téi qu¶ tang, ngêi ®ang truy n·, khi cã c¨n cø do Bé luËt Tè tông h×nh sù quy ®Þnh.
BiÖn ph¸p b¾t gåm: B¾t bÞ can bÞ c¸o ®Ó t¹m giam; b¾t ngêi trong trêng hîp khÈn cÊp; b¾t ngêi ph¹m téi qu¶ tang hoÆc ®ang bÞ truy n·; b¾t mét sè ®èi tîng ®Æc biÖt.
– Về các trường hợp bắt.
+ Về việc Bắt bị can, bị cáo để tạm giam (Điều 80 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003). Quy định về trường hợp bắt bị can, bị cáo để tạm giam cũng cần bổ sung khái niệm vào trước khoản 1 của Điều 80 như sau:
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003
Đề nghị bæ sung kh¸i niÖm vµo tríc kho¶n 1 cña §iÒu 80 BLTTHS 2003
Điều 80. Bắt bị can, bị cáo để tạm giam
1. Những người sau đây có quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam:
a) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp;
b) Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp;
c) Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử;
d) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trong trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
2. Lệnh bắt phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ của người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị bắt và lý do bắt. Lệnh bắt phải có chữ ký của người ra lệnh và có đóng dấu.
Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt.
Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.
3. Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã quy định tại Điều 81 và Điều 82 của Bộ luật này.
1- B¾t bÞ can, bÞ c¸o ®Ó t¹m giam lµ mét trêng hîp cña biÖn ph¸p ng¨n chÆn b¾t trong Tè tông h×nh sù, do ngêi cã thÈm quyÒn ¸p dông ®èi víi ngêi ®· bÞ khëi t«’ vÒ h×nh sù hoÆc ®· bÞ Tßa ¸n quyÕt ®Þnh ®a ra xÐt xö cã nh÷ng c¨n cø do Bé luËt Tè tông h×nh sù quy ®Þnh nh»m phôc vô cho c«ng t¸c ®iÒu tra, truy tèt, xÐt xö vµ thi hµnh ¸n h×nh sù.
+ Về quy định bắt người trong trường hợp khẩn cấp cũng cần phải bổ sung khái niệm vào khoản 1 của điều luật thay cho quy định của khoản 1 Điều 81 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003
Đề nghị bæ sung kh¸i niÖm vµo tríc kho¶n 1 cña §iÒu 81 BLTTHS 2003
Điều 81. Bắt người trong trường hợp khẩn cấp
1. Trong những trường hợp sau đây thì được bắt khẩn cấp:
a) Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;
c) Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.
……………..
2. Những người sau đây có quyền ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp:
a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;
b) Người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới;
c) Người chỉ huy tàu bay, tàu biển, khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.
3. Nội dung lệnh bắt và việc thi hành lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp phải theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 80 của Bộ luật này.
4. Trong mọi trường hợp, việc bắt khẩn cấp phải được báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp để xét phê chuẩn.
Viện kiểm sát phải kiểm sát chặt chẽ căn cứ bắt khẩn cấp quy định tại Điều này. Trong trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát phải trực tiếp gặp, hỏi người bị bắt trước khi xem xét, quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.
Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị xét phê chuẩn và tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Nếu Viện kiểm sát quyết định không phê chuẩn thì người đã ra lệnh bắt phải trả tự do ngay cho người bị bắt.
1. B¾t ngêi trong trêng hîp khÈn cÊp lµ mét trêng hîp cña biÖn ph¸p ng¨n chÆn b¾t, do nh÷ng ngêi cã thÈm quyÒn mµ luËt ®Þnh ¸p dông khi cã c¸c c¨n cø ®Ó cho r»ng mét ngêi ®ang chuÈn bÞ thùc hiÖn téi ph¹m rÊt nghiªm träng hoÆc téi ph¹m ®Æc biÖt nghiªm träng, khi cã ngêi chÝnh m¾t tr«ng thÊy vµ x¸c ®Þnh ®óng mét ngêi ®· thùc hiÖn téi ph¹m mµ xÐt cÇn ng¨n chÆn ngay viÖc ngêi ®ã trèn còng nh khi thÊy cã dÊu vÕt cña téi ph¹m ë ngêi hoÆc t¹i chç ë cña ngêi bÞ nghi thùc hiÖn téi ph¹m vµ xÐt xö thÊy cÇn ng¨n chÆn ngay viÖc ngêi ®ã hoÆc tiªu huû chøng cø.
+ Về việc bắt người phạm tội quả tang: Cần tách thành một điều luật riêng, đưa ra khái niệm về việc bắt này đồng thời ghép khoản 1 và khoản 2 Điều 82 của luật hiện hành thành khoản 1 của điều luật mới (bỏ cụm từ “người đang bị truỵ nã”); thêm khoản 3 cho điều này quy định về việc lấy lời khai, về thời hạn của việc ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003
Đề nghị tách thành một điều luật riêng về việc bắt người phạm tội quả tang
Điều 82. Bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã
1. Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
2. Khi bắt người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.
1. B¾t ngêi ph¹m téi qu¶ tang lµ b¾t ngêi khi ngêi ®ã ®ang thùc hiÖn téi ph¹m hoÆc bÞ ®uæi b¾t.
2. §èi víi ngêi cã hµnh vi ph¹m téi qu¶ tang th× bÊt kú ngêi nµo còng cã quyÒn b¾t, tíc vò khÝ cña ngêi bÞ b¾t vµ cÇn gi¶i ngay ®Õn c¬ quan C«ng an, ViÖn kiÓm s¸t hoÆc ñy ban nh©n d©n n¬i gÇn nhÊt. C¸c c¬ quan nµy ph¶i lËp biªn b¶n vµ ¸p gi¶i ngay ngêi bÞ b¾t ®Õn c¬ quan ®iÒu tra cã thÈm quyÒn.
3. Sau khi nhËn ngêi bÞ b¾t trong trêng hîp ph¹m téi qu¶ tang C¬ quan ®iÒu tra ph¶i lÊy lêi khai ngay vµ trong thêi h¹n 12 giê ph¶i ra lÖnh t¹m gi÷ hoÆc tr¶ tù do cho ngêi bÞ b¾t.
+ Về việc bắt người đang bị truy nã: Tách thành điều luật riêng, đưa khái niệm về việc bắt người đang bị truy nã vào điều luật thành khoản 1 của điều luật mới; thêm khoản 2, khoản 3 cho điều này quy định về thẩm quyền bắt, về việc áp giải, lập biên bản, lấy lời khai, ra quyết định tạm giữ, việc thông báo và việc nhận người bị truy nã.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003
Đề nghị tách thành một điều luật riêng về việc bắt người đang bị truy nã
Điều 82. Bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã
1. Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
2. Khi bắt người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.
1. B¾t ngêi ®ang bÞ truy n· lµ b¾t ngêi ®ang bÞ khëi tè h×nh sù khi ngêi ®ã trèn tr¸nh trong qu¶ tr×nh ®iÒu tra, truy tè, xÐt xö hoÆc thi hµnh ¸n d©n sù.
2. §èi víi ngêi ®ang bÞ truy n· th× bÊt kú ngêi nµo còng cã quyÒn b¾t, tíc vò khÝ cña ngêi bÞ b¾t vµ gi¶i ngay ngêi ®ã ®Õn C¬ quan C«ng an, ViÖn kiÓm s¸t hoÆc ñy ban nh©n d©n ë n¬i gÇn nhÊt, c¸c c¬ quan nµy ph¶i lËp biªn b¶n vµ gi¶i ngay ngêi bÞ b¾t ®Õn C¬ quan ®iÒu tra cã thÈm quyÒn.
3. Sau khi nhËn ngêi bÞ b¾t lÊy lêi khai cña ngêi ®ã, C¬ quan ®iÒu tra ph¶i ra quyÕt ®Þnh t¹m gi÷ ®ång thêi th«ng b¸o ngay cho c¬ quan ®· ra lÖnh truy n· biÕt. Sau khi nhËn ®îc th«ng b¸o c¬ quan ®· ra quyÕt ®Þnh truy n· ph¶i ®Õn nhËn ngay ngêi bÞ truy n·.
+ Việc bắt một số đối tượng đặc biệt: cần bổ sung thêm một điều về việc bắt người phạm pháp là đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, người chưa thành niên, người nước ngoài.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003
Đề nghị xây dựng một điều luật riêng về việc bắt người là đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, người chưa thành niên, người nước ngoài
Chưa quy định
ViÖc b¾t ®¹i biÓu Quèc héi, ®¹i biÓu Héi ®ång nh©n d©n, ngêi níc ngoµi, ngêi cha thµnh niªn ph¹m ph¸p ®îc tiÕn hµnh theo c¸c quy ®Þnh vÒ viÖc b¾t ngêi cña Bé luËt nµy vµ c¸c v¨n b¶n ph¸p luËt kh¸c cã liªn quan.
3.1.3. Về biện pháp ngăn chặn tạm giữ
Có thể đưa khái niệm tạm giữ vào khoản 1 của điều luật về tạm giữ thay cho quy định của khoản 1 Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 như sau:
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003
Đề nghị sửa đổi, bổ sung về khái niệm tạm giữ tại khoản 1 Điều 86 BLTTHS 2003
Điều 86. Tạm giữ
1. Tạm giữ có thể được áp dụng đối với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.
1. T¹m gi÷ lµ biÖn ph¸p ng¨n chÆn trong tè tông h×nh sù, do c¬ quan vµ ngêi cã thÈm quyÒn theo luËt ®Þnh ¸p dông ®èi víi nh÷ng ngêi bÞ b¾t trong trêng hîp khÈn cÊp, trêng hîp ph¹m téi qu¶ tang hoÆc ngêi ®ang bÞ truy n·, ngêi ph¹m téi tù thó, ®Çu thó nh»m ng¨n chÆn téi ph¹m, t¹o ®iÒu kiÖn cho viÖc xö lý téi ph¹m ®îc chÝnh x¸c vµ kÞp thêi.
– Về thời hạn tạm giữ: Bổ sung thêm vào khoản 3 Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về thẩm quyền huỷ bỏ quyết định tạm giữ của Viện kiểm sát trong trường hợp có gia hạn tạm giữ.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003
Đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 87 BLTTHS 2003 về thẩm quyền huỷ bỏ quyết định tạm giữ của VKS trong trường hợp gia hạn tạm giữ
Điều 87. Thời hạn tạm giữ
1…..
2……
3. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
1…..
2. …
3. Trong khi t¹m gi÷, nÕu kh«ng ®ñ c¨n cø khëi tè bÞ can th× c¬ quan vµ nh÷ng ngêi cã thÈm quyÒn theo ®Þnh cña ph¸p luËt ph¶i tr¶ tù do ngay cho ngêi bÞ t¹m gi÷, ®èi víi nh÷ng trêng hîp cã gia h¹n t¹m gi÷ th× viÖc hñy bá quyÕt ®Þnh t¹m gi÷ ®Ó tr¶ tù do cho ngêi bÞ t¹m gi÷ ph¶i do ViÖn kiÓm s¸t quyÕt ®Þnh.
3.1.4. Về biện pháp ngăn chặn tạm giam
Có thể đưa khái niệm tạm giam vào khoản 1 của điều luật về tạm giam thay cho quy định của khoản 1 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 như sau:
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003
Đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 88 BLTTHS 2003 về Tạm giam
Điều 88. Tạm giam
1. Tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp sau đây:
a) Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng;
b) Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.
1. T¹m giam lµ biÖn ph¸p ng¨n chÆn trong tè tông h×nh sù do nh÷ng ngêi cã thÈm quyÒn ë C¬ quan ®iÒu tra, ViÖn kiÓm s¸t, Tßa ¸n ¸p dông ®èi víi bÞ can, bÞ c¸o ph¹m téi trong trêng hîp ®Æc biÖt nghiªm träng, ph¹m téi rÊt nghiªm träng hoÆc bÞ can, bÞ c¸o ph¹m téi nghiªm träng; ph¹m téi Ýt nghiªm träng mµ Bé luËt h×nh sù quy ®Þnh h×nh ph¹t tï trªn hai n¨m vµ cã c¨n cø cho r»ng ngêi ®ã cã thÓ trèn hoÆc c¶n trë viÖc ®iÒu tra, truy tè, xÐt xö hoÆc cã thÓ tiÕp tôc ph¹m téi.
3.1.2. Giải pháp, kiến nghị về việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam
Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc và hạn chế, tồn tại trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự đã được nêu ở trên thì việc việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam cần tập trung vào các vấn đề sau:
– Về thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam của những người có thẩm quyền trong Cơ quan điều tra: Cần phải có sự thay đổi Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự, có như vậy mới có sự thống nhất cao trong quá trình thực hiện các văn bản pháp luật quy định về cùng một lĩnh vực;
– Vấn đề sử dụng lệnh bắt theo Điều 80 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.
Bắt và tạm giam là các biện pháp ngăn chặn độc lập cho nên việc bắt để tạm giam phải sử dụng hai lệnh riêng biệt: Lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam và lệnh tạm giam, trong đó lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam không ghi thời hạn tạm giam.
– Việc bắt giam bị cáo ngay tại phiên tòa cần có quy định theo hướng: Việc bắt giam bị cáo ngay tại phiên tòa phải có lệnh tạm giam vì nếu chỉ tuyên trong phần quyết định của bản án thì không thể tiếp tục tạm giam bị cáo do bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, chưa được đem ra thi hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 255 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 .
– Vấn đề bắt khẩn cấp quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự hiện nay cần phải được hướng dẫn theo hướng sau: sau khi bắt được người theo trường hợp khẩn cấp thì Cơ quan điều tra phải ra lệnh tạm giữ, không phụ thuộc vào việc phải chờ Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp mới ra lệnh tạm giữ.
– Về thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp: Ở trường hợp trên tàu bay, tàu biển khi đã rời sân bay, bến cảng thì khi tiến hành bắt chỉ cần có 2 người chứng kiến.
– Về việc bắt người phạm tội quả tang: Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát phải phối hợp trong việc phân loại xử lý để phân biệt ranh giới giữa vi phạm hành chính và tội phạm hình sự, để quyết định áp dụng hay không áp dụng biện pháp ngăn chặn theo tố tụng hình sự.
– Vấn đề bắt người đang bị truy nã: Cần thiết có hướng dẫn riêng về khái niệm người bị truy nã, về thủ tục bắt, dẫn giải, giao nhận người bị bắt.
– Về việc các cơ quan như: cơ quan Hải quan, cơ quan Kiểm lâm được tham gia vào một số hoạt động áp dụng các biện pháp ngăn chặn: Cần phải có hướng dẫn chính thức về việc các cơ quan như cơ quan Hải quan, cơ quan Kiểm lâm được tham gia vào một số hoạt động cụ thể trong việc áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ.
– Vấn đề phê chuẩn lệnh bắt bị can bị cáo để tạm giam:
Cần có quy định các mức thời hạn phê chuẩn lệnh của Viện kiểm sát, theo từng loại vụ án đơn giản hoặc phức tạp, kể từ khi nhận được công văn đề nghị phê chuẩn và tài liệu về vụ án.
– Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ đối với người phạm tội ra đầu thú, tự thú cần phải quy định rõ:
Trường hợp cần thiết phải tạm giữ đối với người phạm tội ra đầu thú, tự thú đó là các trường hợp người tự thú, đầu thú phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, hoặc rất nghiêm trọng nhưng có nhân thân xấu, không có nơi cư trú ổn định, còn trường hợp khác thì không cần thiết, bởi vì rằng có trường hợp những người này phạm tội ở các mức độ khác nhau, có hoàn cảnh, nhân thân khác nhau.
– Về chế độ tạm giữ cần quy định rõ:
Việc tạm giữ người bị tạm giữ được thực hiện trong nhà tạm giữ của Công an cấp huyện. Ngoài ra trong các trại tạm giam của Công an cấp tỉnh có thể bố trí một số phòng để tạm giữ người bị tạm giữ.
– Về thay thế, hủy bỏ việc tạm giữ cần quy định:
Đối với những biện pháp ngăn chặn nào do Viện kiểm sát phê chuẩn thì việc thay thế hoặc hủy bỏ biện pháp đó phải do Viện kiểm sát quyết định. Khi hết hạn tạm giữ, thì cơ quan, người đã ra quyết định tạm giữ, có quyền đương nhiên hủy bỏ việc tạm giữ và trả tự do cho người bị tạm giữ, hoặc thấy cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác mà không phải do Viện kiểm sát quyết định. Tuy nhiên đối với những trường hợp đã có gia hạn tạm giữ, chưa hết hạn tạm giữ mà cơ quan đã ra quyết định muốn thay đổi hoặc hủy bỏ thì phải do Viện kiểm sát quyết định.
+ Về trách nhiệm của người đề xuất, người ra lệnh và người phê chuẩn lệnh tạm giam cần phải có hướng dẫn theo hướng:
Nếu tạm giam trái pháp luật thì Điều tra viên phải chịu trách nhiệm của người đề xuất, Thủ trưởng cơ quan điều tra phải chịu trách nhiệm của người ra lệnh còn nếu việc tạm giam sau đó lại được Viện kiểm sát phê chuẩn thì người đã đề xuất phê chuẩn phải chịu trách nhiệm của người đề xuất, còn người đã phê chuẩn phải chịu trách nhiệm của người phê chuẩn. Mức độ sai phạm và trách nhiệm của từng người là như nhau.
+ Việc áp dụng biện phăp ngăn chặn tạm giam đối với các trường hợp đặc biệt không miễn trừ chính sách ưu đãi khi áp dụng biện pháp ngăn chặn này cần quy định:
Trường hợp bị can đang mang thai, đang nuôi con nhỏ, người già yếu, người bị bệnh nặng, người nước ngoài cần được hưởng chế độ giam giữ đặc biệt theo quy định của quy chế về tạm giữ, tạm giam.
– Quy định về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người chưa thành niên phạm tội cần có hướng dẫn:
Về các trường hợp người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, nhưng phạm tội rất nhiều lần, hoặc người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi nhưng dưới 18 tuổi chỉ phạm tội ít nghiêm trọng nhưng cũng phạm tội nhiều lần, việc triệu tập họ đến các cơ quan tiến hành tố tụng khó khăn thì phải áp dụng biện pháp áp giải.
– Về khái niệm “trả tự do” cho bị can, bị cáo trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử cần hướng dẫn:
Những người được đình chỉ vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 169, Điều 1 80 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, được Tòa án trả tự do theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, còn người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác thì không dùng khái niệm này.
3.2. Giải pháp về tăng cường năng lực và nâng cao phẩm chất đạo đức chủ thể áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam
Trước hết, cần phải chấp hành nghiêm túc các tiêu chuẩn đối với các chức danh: Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, đồng thời sửa đổi, bổ sung những quy định chưa phù hợp. Chuẩn hóa các chức danh Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán theo hướng:
– Phải có trình độ cử nhân luật;
– Phải được đào tạo nghề tại các trường chuyên ngành.
* Đối với Cơ quan điều tra:
– Cơ quan điều tra cần tập trung nâng cao chất lượng công tác bắt, tạm giữ, tạm giam theo luật tố tụng hình sự nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc bắt, giữ, giam oan sai; bắt, giam giữ không đúng trình tự, thủ tục mà luật quy định. Để làm được điều này, trước hết Cơ quan điều tra phải kiện toàn đội ngũ Điều tra viên, khắc phục tình trạng hiện nay là trong cơ quan vẫn còn nhiều cán bộ công an không phải là Điều tra viên, trình độ còn thấp như trung cấp cảnh sát. Thường xuyên mở các lớp huấn luyện nhằm nâng cao ý thức pháp luật, trình độ nghiệp vụ cho Điều tra viên. Bởi vì, Điều tra viên là người tiến hành tố tụng trực tiếp điều tra lập hồ sơ vụ án; đề xuất Thủ trưởng Cơ quan điều tra ra lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam. Để có mạng lưới công an cơ sở giúp cho việc bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã cần có tài liệu tổ chức tập huấn học tập cho đội ngũ công an viên cấp xã để họ có sự phân biệt giữa hành vi vi phạm và tội phạm để tổ chức bắt giữ người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã.
Trước khi bắt, tạm giữ hoặc tạm giam, Cơ quan điều tra cần cân nhắc sự cần thiết của việc áp dụng các biện pháp này. Quán triệt quan điểm tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng: Những trường hợp bắt cũng được, không bắt cũng được thì không bắt, giữ. Không được áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam để thay điều tra. Khi tính chất khẩn cấp hoặc quả tang không còn nữa, nếu thấy cần phải áp dụng biện pháp ngăn chặn thì Cơ quan điều tra củng cố hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn bắt tạm giam theo luật định, tránh việc lạm dụng bắt khẩn cấp. Đối với Cơ quan điều tra thì trường hợp bắt quả tang ít thực hiện, chủ yếu là nhận người và quyết định biện pháp tạm giữ, việc này chỉ cần xác định nếu có dấu hiệu tội phạm thì ra lệnh tạm giữ theo tố tụng hình sự, nếu chỉ là vi phạm thì chuyển để xử lý theo pháp luật tương ứng. Trường hợp bắt tạm giam thì trước khi thực hiện lệnh đã được Viện kiểm sát phê chuẩn cho nên sự sai sót hạn chế xảy ra. Riêng việc bắt khẩn cấp thì trong thời gian vừa qua, số liệu thống kê đã cho thấy một thực trạng đáng báo động đó là hiện tượng lạm dụng bắt khẩn cấp, hiện tượng đó cần phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhanh chóng chấn chỉnh. Cơ quan điều tra là cơ quan tiến hành tố tụng, tham gia giai đoạn đầu của tố tụng hình sự, các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam thường do Cơ quan điều tra nâng cao chất lượng của việc áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam là việc làm vô cùng bức thiết, trong đó điểm mấu chốt là trang bị kiến thức về tố tụng hình sự cho các chủ thể có thẩm quyền áp dụng, từ đó trang bị kiến thức về nghiệp vụ cho các Điều tra viên cũng như các cán bộ công an khác để đảm bảo cho việc bắt, tạm giữ, tạm giam được thực hiện đúng pháp luật.
– Quá trình chỉ đạo, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương cần đánh giá đúng vị trí, vai trò của công tác tạm giam, tạm giữ trong hoạt động tố tụng. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam không nên quan niệm đơn thuần là cách ly đối tượng ra khỏi cuộc sống đơn thuần, mà coi đây là hoạt động nghiệp vụ phục vụ cho công tác điều tra, xử lý tội phạm. Công tác quản lý người bị tạm giữ, tạm giam vừa phải đáp ứng yêu cầu phòng chống trốn, tự sát, thông cung và gây án mới trong trại tạm giam, nhà tạm giữ vừa phải đáp ứng yêu cầu điều tra, mở rộng vụ án của các đơn vị nghiệp vụ. Do đó, đòi hỏi cán bộ chiến sỹ làm công tác tạm giữ, tạm giam phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, am hiểu về vị trí, vai trò của công tác quản lý giam giữ trong phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
– Thường xuyên chăm lo, kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác quản lý giam giữ ở các trại tạm giam, nhà tạm giữ; bố trí đủ biên chế, xâu dựng đội ngũ cán bộ chiến sỹ làm công tác quản lý giam giữ chuyên trách thật trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, có chính sách hợp lý để khuyến khích cán bộ chiến sỹ toàn tâm, toàn ý với công việc.
– Thường xuyên quan tâm đầu tư kinh phí để cải thiện cơ bản điều kiện giam giữ và các trang thiết bị cần thiết để phục vụ công tác quản chế giam giữ và thực hiện chính sách chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho can phạm nhân.
* Đối với Viện kiểm sát:
– Viện kiểm sát với chức năng kiểm sát hoạt động tố tụng nói chung trong đó có việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc như bắt tạm giam, tạm giữ, cho nên vai trò của Viện kiểm sát có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định đến việc bắt, giam, giữ. Điều đó được Bộ Chính trị xác định: Việc bắt giữ oan sai xảy ra ở địa phương nào thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm; Viện kiểm sát kiểm sát chặt chẽ việc phê chuẩn. Nếu các biện pháp bắt, giữ, giam dùng lệnh mà Viện kiểm sát không phê chuẩn thì không có hiệu lực thi hành. Điều đó cho thấy sự quyết định của Viện kiểm sát đối với hoạt động bắt, tạm giữ, tạm giam. Muốn thực hiện được hoạt động kiểm sát này, Viện kiểm sát trước hết phải kiện toàn đội ngũ kiểm sát có đủ năng lực. Khâu tổ chức cán bộ của Viện kiểm sát đổi mới rất chậm so với thực tế. Viện kiểm sát muốn giám sát được hoạt động của người khác thì ngoài các căn cứ pháp luật quy định còn phải ít nhất là bằng hoặc hơn về khả năng thực lực về chuyên môn nghiệp vụ so với các chức danh tư pháp khác. Do vậy cần thiết phải đào tạo lại đội ngũ cán bộ Kiểm sát viên. Nhà nước nên nghiên cứu chế độ thi tuyển Kiểm sát viên để có thể chọn được đội ngũ cán bộ Kiểm sát viên có năng lực kiểm sát hoạt động tư pháp.
– Tăng cường kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam đối với từng trường hợp cụ thể. Trước khi phê chuẩn lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam Viện trưởng Viện kiểm sát phải giao cho Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ, xem xét nghiên cứu và đề xuất quan điểm. Căn cứ vào hồ sơ đề xuất đối chiếu với pháp luật, Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn. Theo quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị đối với công tác phê chuẩn lệnh bắt, giam, giữ: Viện kiểm sát kiên quyết không phê chuẩn lệnh bắt, giữ, giam trong trường hợp không cần thiết, chống việc bắt, giữ, giam thay điều tra dẫn đến oan sai.
– Hệ thống sổ sách theo dõi, lập hồ sơ kiểm sát phải được tiến hành nghiêm túc. Việc giao nhận hồ sơ, thời hạn phê chuẩn phải cụ thể để xác định trách nhiệm trong việc bắt,giữ, giam. Viện kiểm sát các cấp phải có sự thống kê đầy đủ các trường hợp bắt, tạm giữ, tạm giam, tổng hợp các vi phạm để Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao có hướng chỉ đạo và báo cáo Quốc hội về tình hình bắt, giữ, giam.
– Kiểm sát việc bắt, giam, giữ phải được tiến hành hàng ngày ở Cơ quan điều tra, nơi giam giữ để phát hiện các trường hợp oan sai, xử lý kịp thời theo luật định hạn chế hậu quả xấu xảy ra.
– Việc tập huấn nghiệp vụ của kiểm sát viên phải được tiến hành thường xuyên để thống nhất thực hiện pháp luật. Viện kiểm sát nhân dân Tối cao phải có hệ thống pháp luật để tiện thực hiện, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao phải có giải đáp hướng dẫn pháp luật để hiểu và thống nhất trong ngành. Viện kiểm sát nhân dân Tối cao phối hợp với các ngành, các cơ quan tiến hành tố tụng hướng dẫn thực hiện các quy định để việc hiểu, vận dụng pháp luật được thống nhất.
– Ngành kiểm sát phải được Nhà nước quan tâm ưu tiên về chế độ, trang thiết bị để có khả năng hoàn thành nhiệm vụ kiểm sát (Hiện nay ngành kiểm sát về trình độ, trang thiết bị tụt hậu so với mặt bằng chung của xã hội).
* Đối với Toà án:
Cần phải tiến hành thường xuyên việc tập huấn nghiệp vụ cho các Thẩm phán và Hội thẩm về vấn đề áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn. Cần phải có văn bản hướng dẫn chi tiết về các trường hợp áp dụng, về thẩm quyền ra lệnh bắt bị cáo để tạm giam, việc bắt người vi phạm trật tự, nội quy phiên toà, về thẩm quyền áp dụng, thay đổi biện pháp ngăn chặn của Chánh án, Phó chánh án, của Thẩm phán là Chánh toà, Phó chánh toà phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao và của Hội đồng xét xử, về thời hạn tạm giam trong từng giai đoạn của quá trình xét xử.
Tóm lại, trong số các giải pháp nâng cao chất lượng việc áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam theo luật tố tụng hình sự thì việc cơ bản là phải nâng cao trình độ chuyên môn cho những ngời tiến hành tố tụng và những người có thẩm quyền áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, giúp cho họ có nhận thức đúng các quy định về bắt, giữ, giam, từ đó làm cơ sở cho việc thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự tiếp theo.
3.3. Giải pháp về tăng cường công tác chỉ đạo và kiểm sát, kiểm tra việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự
Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan, một vấn đề quan trọng đặt ra trước mắt cũng như về lâu dài là tăng cường biện pháp để nâng cao trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng trong vấn đề áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam. Để nâng cao trách nhiệm của họ, đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao trình độ pháp lý cho những người tiến hành tố tụng, mặt khác tăng cường công tác kiểm tra của Thủ trưởng các đơn vị, của cơ quan quản lý cấp trên đối với cán bộ thuộc quyền và với cán bộ cấp dưới. Một lĩnh vực giám sát quan trọng là cần tăng cường công tác kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân đối với việc bắt, tạm giữ và tạm giam. Mặc dù pháp luật có quy định Viện kiểm sát nhân dân có quyền thường kỳ hoặc bất thường trực tiếp kiểm sát nhà tạm giữ, trại tạm giam… nhưng các Viện kiểm sát cần có kế hoạch thường kỳ áp dụng quyền hạn này, hơn nữa cần tạo lập quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa Viện kiểm sát nhân dân với cơ quan có thẩm quyền bắt, tạm giữ, tạm giam để bảo đảm mỗi khi có việc bắt, tạm giữ, tạm giam thì đều có hoạt động kiểm sát. Đối với những trường hợp vi phạm, cần xác định rõ trách nhiệm của những người có liên quan để xử lý nghiêm minh, nhằm nâng cao trách nhiệm của những người có liên quan. Cụ thể:
Thứ nhất: Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng với Bộ Công an phối hợp xây dựng Quy chế về quan hệ phối hợp giữa cơ quan Công an và Viện kiểm sát trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam và kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam trong đó qui định quan hệ phối hợp là trách nhiệm của hai bên. Trên cơ sở quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát nhân dân biết và hai bên phải phối hợp để xem xét, phân loại đối tượng, làm cơ sở cho Viện kiểm sát quyết định có phê chuẩn hay không; phê chuẩn việc bắt khẩn cấp cũng như phê chuẩn việc gia hạn tạm giữ. Mỗi Viện kiểm sát nhân dân cần bố trí ít nhất một cán bộ chuyên trách công tác kiểm sát việc bắt, giữ, giam, hàng ngày thường xuyên quan hệ với cơ quan Công an để nắm vững những trường hợp bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam. Mọi thông tin về bắt và tạm giữ, tạm giam cần được thông báo kịp thời trong ngày cho lãnh đạo cơ quan Công an và Viện kiểm sát để xem xét và xử lý những vấn đề phát sinh.
Thứ hai: Hàng năm, các ngành Tòa án, Kiểm sát và Công an cần phối hợp với nhau tập huấn cho cán bộ của mình những quy định của pháp luật có liên quan đến việc bắt, tạm giữ, tạm giam nhằm giúp cho cán bộ của các cơ quan này nắm vững những quy định của pháp luật, nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác bắt, tạm giữ, tạm giam, đồng thời qua tập huấn để rút kinh nghiệm về những trường hợp sai phạm trong công tác bắt, giam, giữ, tìm ra trách nhiệm của mỗi bên để từ đó rút kinh nghiệm cho công tác về sau.
Thứ ba, Tất cả các cơ quan, cá nhân vi phạm các quy định trong hoạt động bắt, tạm giữ, tạm giam đều phải chịu trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân trước pháp luật.
Thứ tư: Nhà nước cần xem xét để đầu tư nhằm xây dựng cơ sở vật chất đầy đủ trong vấn đề xây dựng nhà tạm giữ, trại tạm giam, trang bị công cụ vật dụng sinh hoạt cho nhà tạm giữ, trại tạm giam, bảo đảm cơ sở vật chất cho việc tạm giữ, tạm giam đúng quy định của pháp luật, hạn chế những vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam do nguyên nhân thiếu thốn cơ sở vật chất trong việc tạm giam, tạm giữ./.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Hiến pháp năm 1946.
2.
Hiến pháp 1992.
3.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988.
4.
Bộ luật hình sự năm 1999 và sửa đổi, bổ sung năm 2008.
5.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.
6.
Sắc lệnh số 33C ngày 13/9/1945 về thiết lập các Tòa án quân sự.
7.
Sắc lệnh số 07 ngày 15/01/1946 bổ sung Sắc lệnh số 33C.
8.
Sắc lệnh số 21 ngày 14/02/1946 về Tổ chức Tòa án quân sự.
9.
Sắc lệnh số 40 ngày 29/3/1946 về Bảo vệ tự do cá nhân.
10.
Sắc lệnh số 131 ngày 30/7/1946 về Tổ chức tư pháp công an.
11.
Sắc luật số 02/SL – 76 ngày 15/3/1976 quy định việc bắt, giam, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật.
12.
Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự ngày 04/4/1989.
13.
Pháp lệnh số 23/2004/PL- UBTVQH ngày 20/8/2004 về Tổ chức điều tra hình sự.
14.
Chỉ thị số 53 /CT-TW ngày 21/3/2000 của Bộ Chính trị về một số công việc cấp bách của các cơ quan tư pháp cần thực hiện trong năm 2000.
15.
Nghị định số 89/1998/NĐ-CP về việc ban hành Quy chế về tạm giữ, tạm giam.
16.
Nghị định số 98/2002/NĐ-CP ngày 27/11/2002 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP.
17.
QuyÕt ®Þnh sè 188/1999/Q§-TTg ngµy 17/9/1999 cña Thñ tíng ChÝnh phñ VÒ thùc hiÖn chÕ ®é tuÇn lµm viÖc 40 giê.
18.
Thông tư liên ngành số 03/TTLN ngày 7/1/1995 của TANDTC-VKSNDTC- BNV – BTP Hướng dẫn thực hiện một số quy định về truy nã bị can, bị cáo trong giai đoạn truy tố và xét xử.
19.
Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02/10/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết về hình thức và nội dung của các văn bản thuộc thẩm quyền của Tòa án.
20.
Nghị quyết 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn Hủy bỏ biện pháp tạm giam.
21.
Báo cáo số 143/BC-BCA ngày 20/4/2009 về tổng kết 10 năm thực hiện công tác tạm giữ, tạm giam.
22.
Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê tội phạm, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao về tình hình bắt để tạm giữ từ năm 1999 đến năm 2002.
23.
Theo số liệu thống kê của Cục thống kê tội phạm, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tình hình tạm giam bị can, bị cáo từ năm 1997 đến năm 2006.
24.
Từ điển thuật ngữ pháp lý phổ thông (1986), Nxb Pháp lý, Hà Nội.
25.
Từ Điển Luật học, Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp (2006), NxbTừ điển Bách Khoa và Nxb Tư pháp.
26.
Tội phạm học, Luật hình sự, Luật tố tụng hình sự (1995), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
27.
Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội (2006), Nxb Tư pháp.
28.
Theo http://vnexpress.net/Vietnam/Phapluat/2005/05/3B9DE35C/Untitled – 1.jpg.
29.
Theo http://tuoitre.com.vn ngày 19/01/2006.
30.
Theo http://dantri.com.vn ngày 27/11/2006.
31.
Báo mới.com ngày 29/3/2010.
[1] Từ điển thuật ngữ pháp lý phổ thông (1986), Nxb Pháp lý, Hà Nội
[2] Từ Điển Luật học, Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp (2006), NxbTừ điển Bách Khoa và Nxb Tư pháp
[3] Điều 79 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003
[4] Tội phạm học, Luật hình sự, Luật tố tụng hình sự (1995), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội
[5] Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội (2006), Nxb Tư pháp
[6] Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003
[7] Điều 49 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003
[8] Điều 50 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003
[9] Theo http://dantri.com.vn ngày 27/11/2006.
[10] Chỉ thị số 53 /CT-TW ngày 21/3/2000 của Bộ Chính trị về một số công việc cấp bách của các cơ quan tư pháp cần thực hiện trong năm 2000.
[11] Báo mới.com ngày 29/3/2010.
[12] Theo báo cáo của Bộ Công an (từ năm 1998 đến 30/6/2008) các trại tạm giam, nhà tạm giữ do Bộ Công an, Bộ quốc phòng quản lý đã tiếp nhận và quản lý số đối tượng bị tạm giữ là 455.804 lượt người (các trại tạm giam và nhà tạm giữ thuộc lực lượng Cảnh sát là 424.332 lượt người, An ninh 645 lượt người, Quân đội 1.064 lượt người).
[13] Báo cáo số 143/BC-BCA ngày 20/4/2009 về tổng kết 10 năm thực hiện công tác tạm giữ, tạm giam
[14] Báo cáo số 143/BC-BCA ngày 20/4/2009 về tổng kết 10 năm thực hiện công tác tạm giữ, tạm giam
[15] Báo cáo số 143/BC-BCA ngày 20/4/2009 về tổng kết 10 năm thực hiện công tác tạm giữ, tạm giam
[16] Khoản 1 Điều 26 Nghị định số 89/1988/NĐ-CP ngày 07/11/1998 của Chính phủ ban hành Quy chế về tạm giữ, tạm giam.
[17] Báo cáo số 143/BC-BCA ngày 20/4/2009 về tổng kết 10 năm thực hiện công tác tạm giữ, tạm giam
[18] Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự ngày 04/4/1989
[19] Công văn số 86/ NCPL ngày 9/5/1989 của Tòa án nhân dân Tối cao
[20] Công văn số 481/NCPL ngày 19/11/1992 của Tòa án nhân dân Tối cao
[21] Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003
[22] Thông tư liên ngành số 03/TTLN ngày 7/1/1995 của TANDTC-VKSNDTC- BNV – BTP Hướng dẫn thực hiện một số quy định về truy nã bị can, bị cáo trong giai đoạn truy tố và xét xử.
[23] Quyết định số 188/1999/QĐ-TTg ngày 17/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ Về thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ
[24] Báo cáo số 143/BC-BCA ngày 20/4/2009 về tổng kết 10 năm thực hiện công tác tạm giữ, tạm giam
[25] Báo cáo số 143/BC-BCA ngày 20/4/2009 về tổng kết 10 năm thực hiện công tác tạm giữ, tạm giam