Thực phẩm có tính axit: Những gì cần hạn chế hoặc tránh
Một số nghiên cứu đã cho thấy rằng một chế độ ăn uống với nhiều thực phẩm có tính axit có thể gây ra một số tác động tiêu cực đối với sức khỏe tổng thể của con người, bao gồm suy thoái xương, loãng xương, sỏi thận, loét hoặc trào ngược dạ dày.
Do đó, hiện nay nhiều người đã chọn theo phương pháp hạn chế hoặc loại bỏ những thực phẩm có tính axit ra khỏi chế độ ăn uống của mình nhằm cân bằng được mức độ pH của cơ thể.
Mục Lục
1. Xác định độ axit và độ kiềm của các loại thực phẩm
Đo giá trị pH của thực phẩm và đồ uống là một cách được áp dụng phổ biến nhất để xác định được độ axit hoặc độ kiềm của chúng.
Các giá trị pH thường dao động từ 0-14, cụ thể:
- Độ pH bằng 0: Mức độ axit cao
- Độ pH bằng 7: Trung tính
- Độ pH bằng 14: Có tính kiềm
Thông thường, nước cất tinh khiết sẽ có độ pH ở mức trung tính (bằng 7), do đó nó không có tính axit hoặc kiềm.
2. Xác định độ pH trong cơ thể con người
Cũng giống như các chất khác nhau, các bộ phận khác nhau của cơ thể con người đều có mức độ pH riêng. Trong hệ thống tiêu hóa, các giá trị pH có thể giao động từ tính axit cực mạnh cho đến tính hơi kiềm. Nhờ vào sự khác biệt về mức độ pH giữa các cơ quan và chất dịch của cơ thể mà chúng có thể thực hiện tốt nhiệm vụ hay chức năng cụ thể của riêng mình:
Các bộ phận/chất lỏng của cơ thể
Vai trò
Độ pH
Nước bọt
Hỗ trợ tiêu hóa thức ăn và phân hủy tinh bột.
6.5 – 7.5
Bụng trên
Bắt đầu quá trình tiêu hóa thức ăn.
4.0 – 6.5
Bụng dưới
Sản xuất ra axit hydrochloric để phân hủy thức ăn và tiêu diệt vi khuẩn.
1,5
Ruột non
Kết thúc việc tiêu hóa và hấp thụ các chất dinh dưỡng vào máu.
6.0 – 7.4
Ruột già
Hấp thụ nước, loại bỏ thức ăn và chất xơ khó tiêu.
5.0 – 8.0
Nồng độ pH trong máu lý tưởng thường mang tính kiềm nhẹ, dao động từ 7,35 – 7,45. Khi mức độ pH trong máu vượt quá các giới hạn này sẽ làm suy giảm nghiêm trọng các quá trình trao đổi chất bên trong cơ thể.
3. Giả thuyết tro – axit (acid – ash)
Giả thuyết tro – axit giúp xác định được một chế độ ăn uống có quá nhiều axit có hại cho sức khỏe tổng thể. Các nhà nghiên cứu đã dựa trên giả thuyết này và khám phá ra rằng thực phẩm khi được chuyển hóa bởi cơ thể sẽ để lại một lượng hóa chất dư thừa, hay còn gọi là “tro”. Khi kết hợp với các chất lỏng trong cơ thể, những “tro” này sẽ tạo thành axit hoặc kiềm và dẫn đến một số phản ứng trong cơ thể.
Theo giả thuyết, các loại thực phẩm có chứa các chất tạo axit có thể làm cho nồng độ pH trong máu bị giảm xuống, gây ra sự tích tụ axit. Sau đó, cơ thể sẽ bù đắp cho sự mất mát này bằng cách lọc các khoáng chất kiềm, đặc biệt là canxi.
Những người ủng hộ cho giả thuyết này đã cho rằng, việc tiêu thụ thực phẩm thường xuyên và lâu dài sẽ làm tăng nguy cơ mất khoáng xương và gây ra bệnh loãng xương.
Các loại thực phẩm có tính axit cần phải hạn chế sử dụng, bao gồm:
- Các loại hạt
- Thịt
- Sản phẩm từ bơ sữa
- Hướng dương
- Bí ngô
- Quả hạch
- Cà phê
- Đồ uống có ga
- Rượu
- Nước ngọt
- Muối tinh chế
- Thuốc lá
Những loại thực phẩm thúc đẩy tính kiềm có thể ngăn chặn hoặc chống lại sự tác động từ những axit dư thừa trong cơ thể. Những loại thực phẩm này chủ yếu là các loại trái cây và rau quả. Ngay cả trái cây thuộc họ cam quýt vốn dĩ ban đầu có tính axit, nhưng một khi được chuyển hóa, chúng có thể thúc đẩy được tính kiềm.
Ngoài ra, những nhà nghiên cứu cũng khuyến khích mọi người nên xét nghiệm độ pH của nước tiểu thường xuyên hơn để theo dõi mức độ pH của cơ thể. Kết quả này sẽ tạo nên tiền đề giúp bạn lựa chọn một chế độ ăn uống phù hợp hơn.
Các loại trái cây và nước ép trái cây có nhiều axit:
Dưới đây là danh sách các loại trái cây có chứa nhiều axit, bao gồm:
- Nước chanh: pH từ 2.00–2.60
- Chanh: pH từ 2.00–2.80
- Mận xanh: pH từ 2.80–3.40
- Nho: pH từ 2.90–3.82
- Quả lựu: pH từ 2.93–3.20
- Bưởi: pH từ 3.00–3.75
- Việt quất: pH từ 3.12–3.33
- Dứa: pH từ 3.20–4.00
- Táo: pH từ 3.30–4.00
- Đào: pH từ 3.30–4.05
- Cam: pH từ 3.69–4.34
- Cà chua: pH từ 4.30–4.90
Thông thường, các loại trái cây có múi sẽ có độ pH thấp, nghĩa là chúng có tính axit. Cam quýt và một số thực phẩm có tính axit khác có thể góp phần gây ra các triệu chứng như loét hoặc trào ngược dạ dày ở những người có vấn đề về đường tiêu hóa.
Bên cạnh đó, các loại nước ép trái cây cũng mang tính axit. Do đó, bạn nên sử dụng ống hút khi uống chúng. Điều này giữ cho nước ép trái cây không tiếp xúc trực tiếp với răng của bạn.
Nếu các loại trái cây được liệt kể ở trên không làm nặng thêm các triệu chứng tiêu hóa thì chúng thực sự là nguồn thực phẩm lành mạnh mà bạn nên bổ sung hàng ngày, thậm chí chúng đã được chứng minh là có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Mặc dù có tính axit ban đầu, những khi được chuyển hóa, hầu hết các loại trái cây này đều chuyển sang tính kiềm.
Độ pH của các loại rau xanh:
Hầu hết các loại rau đều không có tính axit. Dưới đây là danh sách các loại rau và độ pH của chúng:
- Dưa cải bắp: pH từ 3.30–3.60
- Bắp cải: pH từ 5.20–6.80
- Củ cải đường: pH từ 5.30–6.60
- Ngô: pH từ 5.90–7.50
- Nấm: pH từ 6.00–6.70
- Bông cải xanh: pH từ 6.30-6.85
- Rau xanh collard: pH từ 6.50–7.50
4. Thực phẩm có hàm lượng axit thấp
Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí sức khỏe cộng đồng, việc áp dụng một chế độ ăn uống có tính kiềm nhiều hơn sẽ giúp hạn chế được tình trạng mất cơ bắp, đồng thời giúp tăng cường trí nhớ và sự tỉnh táo, từ đó giúp bạn sống thọ hơn.
Một số loại thực phẩm và đồ uống có tính kiềm hoặc trung tính mà bạn có thể lựa chọn để kết hợp vào chế độ ăn uống của mình, bao gồm:
- Đậu nành, chẳng hạn như đậu phụ, miso, và tempeh
- Sữa chua không đường
- Hầu hết các loại rau tươi, bao gồm khoai tây
- Hầu hết các loại trái cây
- Các loại thảo mộc và gia vị, ngoại trừ muối tinh luyện, mù tạt và hạt nhục đậu khấu
- Đậu lăng
- Trà thảo mộc
- Chất béo như bơ, dầu oliu hoặc các loại hạt
5. Các loại thực phẩm giàu axit ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Một chế độ ăn uống có quá nhiều thực phẩm sản xuất ra axit, chẳng hạn như protein và đường có thể làm tăng axit trong nước tiểu, đồng thời đem lại một số tác động tiêu cực khác đối với sức khỏe, bao gồm sỏi thận, đặc biệt là hình thành nên sỏi axit uric.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng nhận thấy rằng việc ăn quá nhiều thực phẩm giàu axit có thể dẫn đến suy thoái xương và cơ. Thông thường, xương có chứa canxi, tuy nhiên khi lượng axit tăng lên, cơ thể sẽ sử dụng lượng canxi này để khôi phục lại sự cân bằng pH trong máu, theo thời gian tình trạng này có thể dẫn tới suy thoái xương nghiêm trọng.
Một số bằng chứng đã cho thấy axit photphoric có trong soda có liên quan đến tình trạng làm giảm mật độ xương. Bên cạnh đó, chế độ ăn nhiều axit cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, tim mạch và các vấn đề về gan.
Bên cạnh đó, bạn cũng không nên sử dụng sodium bicarbonate trong bữa ăn vì nó có thể làm cản trở quá trình tiêu hóa. Thay vào đó, bạn nên bổ sung thêm nhiều canxi, vitamin D và magie vào chế độ ăn uống hàng ngày của mình để bù đắp cho những tác động tiêu cực của axit đối với sức khỏe xương.
Theo khuyến cáo của các nhà nghiên cứu tại Đại học California ở San Diego, bạn nên ăn nhiều nguồn thực phẩm sản xuất kiềm, chẳng hạn như trái cây và rau quả theo tỷ lệ 3:1. Độ pH của thực phẩm trước khi bạn ăn thường ít quan trọng hơn so với độ pH sau khi chúng được chuyển hóa trong cơ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com, medicalnewstoday.com