Thực phẩm chế biến và siêu chế biến là gì? Phân loại và cách nhận biết
Thực phẩm chế biến, siêu chế biến hiện nay được bày bán rất phổ biến và hàng nghìn, hàng trăm nghìn loại với những cách thức tiếp cận người tiêu dùng khác nhau. Là một loại đồ ăn gây ra nhiều sự phân vân cho người dùng nhất, bởi vì tính “2 mặt” của nó: sự tiện lợi, nhanh chóng, mùi vị hấp dẫn… mâu thuẫn với những nguy cơ về sức khỏe mà nó gây ra.
Mục Lục
Thực phẩm chế biến là gì?
Đại đa số người dùng định nghĩa thực phẩm là “chế biến” nếu nó được thêm vào các chất phụ gia và chất bảo quản để tạo hương vị và độ tươi, ví dụ như đường, muối, dầu ăn, gia vị, và đặc biệt là các loại phụ gia thực phẩm. Nhưng không phải tất cả các loại thực phẩm chế biến đều được tạo ra giống như nhau. Chẳng hạn, một chiếc bánh mì kẹp salad gà được chuẩn bị ở nhà vẫn có thể đủ tiêu chuẩn là một “món ăn chế biến” sẵn.
Vậy chính xác thì điều gì sẽ định nghĩa một loại thực phẩm nhất định là đã qua chế biến hay chưa qua chế biến?
Để trả lời câu hỏi đó, các nhà khoa học và chuyên gia dinh dưỡng thường sử dụng một hệ thống bốn cấp gọi là NOVA, phân loại mọi thứ chúng ta ăn vào một trong 4 loại sau:
Thực phẩm chưa qua chế biến hoặc chế biến tối thiểu
Thực phẩm ở cấp độ này bao gồm các bộ phận ăn được của thực vật (trái cây, rau, hạt, củ, rễ, v.v…) hoặc thịt động vật, cũng như nấm và tảo. Chúng có thể ở dạng tươi, đông lạnh hoặc thậm chí lên men – điểm khác biệt quan trọng là chúng chưa được xử lý bằng chất phụ gia, muối hoặc dầu ăn cho đến khi chúng được đưa vào miệng. Ví dụ như đậu khô, ngũ cốc, nấm tươi hoặc nấm khô, thịt tươi, các sản phẩm từ sữa, hải sản tươi, sữa chua nguyên chất, các loại hạt và gia vị.
Thực phẩm là nguyên liệu
Đây là những loại thực phẩm được “xử lý” thêm 1 bước nữa so với loại thực phẩm chưa chế biến. Nó bao gồm những nguyên liệu nấu ăn được làm từ thực phẩm chưa qua chế biến, ví dụ như dầu thực vật, bơ và mỡ lợn. Danh mục này cũng bao gồm các loại thực phẩm chiết xuất, ví dụ như mật ong, đường mía, syrup từ mật hoa, v.v…
Thực phẩm chế biến
Thực phẩm chế biến là những loại đồ ăn được thêm vào các thành phần như đường, muối và chất béo… hoặc cho chúng lên men, để giúp chúng có thể bảo quản được lâu hơn. Trái cây đóng hộp, bánh mì lên men, rượu, pho mát, dưa chua và các loại hạt rang muối đều nằm trong danh sách này.
Thực phẩm siêu chế biến
Những loại thực phẩm này được chế biến thêm một bước nữa từ loại thứ 3 nêu trên, để có thể bảo quản trong thời gian lâu nhất, phục vụ người dùng một cách nhanh chóng nhất và có giá bán rẻ nhất có thể. Nói nôm na, thực phẩm siêu chế biến có thể gọi bằng một cái tên gọn gàng hơn – “thức ăn nhanh” – Vì được làm ra để ăn liền hoặc hâm nóng và ăn ngay lập tức. Để làm được điều đó, những thực phẩm này thường được sản xuất trong nhà máy, được nghiền nhỏ từ dạng nguyên hạt hoặc tươi và được xử lý bằng chất làm đặc, màu, men và phụ gia.
Chúng có thể được chiên trước khi đóng trong lon hoặc giấy gói. Chúng có thể chứa đường HFCS, chất phân lập protein hoặc chất thay thế cho chất béo chuyển hóa, v.v… để gia tăng hương vị và độ thơm ngon. Các ví dụ phổ biến về thực phẩm siêu chế biến bao gồm: các thanh kẹo bổ sung năng lượng (gel năng lượng), nước ngọt có gas, kẹo dẻo, kẹo cứng, bánh mì ăn liền, bơ thực vật, nước tăng lực, sữa chua có hương vị, cá viên, bò viên, xúc xích, gà rán, hotdog, v.v…
Đây là những thứ mà các nhà nghiên cứu đang đề cập đến khi họ nói rằng thực phẩm siêu chế biến có liên quan đến nhiều ca ung thư, tử vong sớm và béo phì. Tất nhiên những mặt hàng này cũng có xu hướng tiện lợi và rẻ hơn so với thực phẩm ít chế biến, vì chúng có thể bảo quản lâu hơn, ít bị hỏng hơn.
Kết luận
Như vậy, thuật ngữ “thực phẩm chế biến” đúng ra chưa hẳn là một thứ gì đó gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí nhiều cái còn tốt cho sức khỏe. Cái mà nhiều người đang nói về tác động xấu của nó đến người dùng nếu nói chính xác hơn là “thực phẩm siêu chế biến”, hay có thể dùng các thuật ngữ phổ biến và cụ thể hơn là “thức ăn nhanh”, “đồ hộp”, “bánh/kẹo ngọt”, “nước ngọt”…
Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần phải cắt giảm các loại thực phẩm siêu chế biến và thay chúng bằng các loại thực phẩm ít chế biến, không chế biến hoặc nguyên liệu chế biến để giữ gìn sức khỏe của mình và phòng tránh bệnh tật.
Tham khảo: Business Insider