Thực hư về công dụng chữa bệnh của nhung hươu

Nhung hươu là một vị thuốc quý có thể hỗ trợ tăng cường sức mạnh cơ bắp, hỗ trợ hạ huyết áp, tăng sự co bóp tim, giúp tinh thần luôn thoải mái và nhiều tác dụng khác. Tuy nhiên, những tác dụng đó có được khi sử dụng đúng cách và đúng người.

Nhung hươu còn có tên gọi khác là ban long châu, quan lộc nhung, hoàng mao nhung, huyết nhung. Đây là phần sừng non của con hươu, con nai đực từ 3 tuổi trở đi.

Hươu là loài động vật nhỏ có vú thuộc họ nhai lại. Hươu trưởng thành thường cao khoảng 0.72 – 1m, dài khoảng 0.9 – 1.2m. Lông hươu màu đỏ hồng, mịn có nhiều đốm trắng. Con nai to hơn và mạnh hơn con hươu, nai lông cứng hơn, có màu xám, nâu và không có đốm.

Cả hai loại động vật này đều có chân dài nhỏ, đuôi ngắn, mắt to, dưới mắt có nhiều đốm đen. Chỉ những con đực có sừng được sử dụng để bào chế dược liệu nhung hươu, lộc nhung.

Các loại nhung hươu được sử dụng phổ biến bao gồm:

  • Huyết nhung: Là phần nhung ngắn mềm, mọng máu, chưa phân nhánh. Huyết nhung được xem là loại nhung hươu quý nhất và có dược tính đặc biệt cao.
  • Nhung yên ngựa: Là những chiếc sừng non mới bắt đầu phân nhánh nhưng các nhánh còn ngắn, phần phân nhánh bên dài bên ngắn giống như yên ngựa nên có tên gọi như vậy. Cần phải canh thời gian, khi thu hoạch nhung hươu, bởi nếu như để nhung phát triển thành sừng thì giá trị sử dụng thấp.

Hàng năm vào cuối mùa hạ, sừng của con hươu, nai sẽ rụng đi, vào mùa xuân năm sau sẽ mọc sừng mới. Mặt ngoài sừng thường có nhiều lông tơ màu nâu nhạt, bên trong sừng có chứa nhiều mạch máu.

Mùa lấy nhung của hươu, nai vào tháng 2 – 3 hàng năm. Vì vậy thợ săn thường đi săn vào mùa này để lấy được nhung hươu chất lượng cao. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng nhung hươu ngày càng tăng cao do đó một số nơi ở nước ta như Nghệ An, Hà Tĩnh đã tiến hành nuôi nhốt hươu, nai để cưa sừng tiêu thụ.

Khi cắt nhung hươu, nai cần cắt từ chỗ cách đáy nhung 3 – 4 cm. Máu chảy ra khi cắt nhung có thể được hứng và cho vào rượu uống để tăng cường sinh lý. Muốn cầm máu thì dùng mực tàu trộn với than gỗ sau đó bôi vào vết cắt, sau đó dùng vải băng lại để tránh côn trùng.

Nhung hươu sau khi cắt cần sơ chế ngay bởi vì nó có nhiều máu thịt, để lâu rất dễ bị hôi thối, dòi bọ. Có rất nhiều cách bào chế, bao gồm:

  • Nhúng cả cặp nhung hươu vào rượu để một đêm. Khi ngâm nên để vết cắt hướng lên trên để tránh các chất tốt trong nhung tan vào rượu. Ngày hôm sau rang cát cho nóng vừa cho vào một cái ống và để cặp nhung hươu vào giữa, vẫn hướng chỗ cắt lên trên. Nếu cát nguội thì thay cát nóng mới, mỗi lần thay cát lại nhúng nhung hươu vào rượu để rượu thấm vào. Làm như thế cho đến khi nhung hươu khô hẳn. Có thể thay cát bằng gạo rang, sau khi nhung hươu khô dùng gạo này để nấu cháo ăn.
  • Tẩm rượu vào nhung hươu rồi sấy khô, khô lại tẩm rượu và sấy khô. Cứ làm như thế cho đến khi nhung khô kiệt là được. Tuy nhiên, khi bào chế cần cẩn thận để không làm nhung hươu bị nứt, chảy máu làm mất giá trị của vị thuốc.

Một cặp nhung hươu khoảng 800g sau khi bào chế có thể thu được khoảng 250g dược liệu.

Trong nhung hươu có chứa các thành phần như:

  • Canxi Cacbonat
  • Canxi Phosphat
  • Protid
  • Chất keo
  • Kích tố (testosteron, pentocrin…)
  • Hơn 17 loại Acid Amin