Thực hư ‘tế bào gốc’ làm đẹp da
Từ biến chứng đến di chứng
Chị N.B.M (40 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, một tuần trước, chị làm đẹp da mặt tại một cơ sở spa. Qua tư vấn, chị đồng ý thực hiện phương pháp “trẻ hóa làn da” bằng cách tiêm tế bào gốc. Về nhà, da mặt chị nổi đầy sẩn đỏ, kéo dài cả tuần không hết, gây khó chịu và mất thẩm mỹ nên chị M. quyết định đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám, điều trị.
Việc chiết tách tế bào gốc đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, bao gồm quay ly tâm, ly giải hồng cầu và collagen, rửa, phân đoạn mô đệm mạch… Môi trường nuôi cấy của các tế bào gốc cũng đòi hỏi những tiêu chuẩn nghiêm ngặt như: vô trùng, bảo quản ở nhiệt độ từ -80oC… Vì vậy, không thể có sản phẩm “tế bào gốc” tràn lan với giá chỉ vài trăm ngàn đồng trên thị trường được.
Tương tự, chị N.T.H (45 tuổi, ngụ Q.2, TP.HCM) đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM trong tình trạng mặt sưng phù với nhiều nốt bầm tím. Trước đó 2 ngày, chị có đến thẩm mỹ viện tại Q.2 tiêm tế bào gốc của Hàn Quốc theo tư vấn của nhân viên tại đây. Sau tiêm 1 ngày, mặt chị H. sưng phù, đau nhức và phải nhập viện.
Theo thạc sĩ – bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú, Phó trưởng khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, các bệnh nhân bị biến chứng, tai biến do các thành phần có trong sản phẩm đã được tiêm vào da để làm đẹp, gây phản ứng trên cơ thể. Việc điều trị những tai biến này mất nhiều thời gian và chi phí. Thậm chí, có nhiều trường hợp phục hồi không hoàn toàn để lại di chứng trên da.
Theo thống kê, trung bình mỗi tháng, Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận từ 5 – 7 bệnh nhân bị tác dụng phụ, biến chứng, tai biến sau khi sử dụng các sản phẩm “tế bào gốc” dưới dạng tiêm, bôi, uống để làm đẹp.
“Thực chất, các sản phẩm mà các thẩm mỹ viện, spa giới thiệu là “tế bào gốc” và tiêm cho những trường hợp trên không hề có bất cứ một tế bào gốc sống nào trong sản phẩm”, bác sĩ Tú khẳng định.
Chưa được cấp phép tại Việt Nam
Theo bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú, tế bào gốc là phương pháp những năm gần đây được các nước trên thế giới nghiên cứu, ứng dụng trong điều trị các bệnh lý da miễn dịch và hệ thống như: vảy nến, xơ cứng bì hệ thống, ly thượng bì bóng nước hay ung thư da… Trong lĩnh vực thẩm mỹ, tế bào gốc cũng được nghiên cứu để điều trị tình trạng lão hóa da, sẹo xấu, sẹo bỏng…
“Việc ứng dụng tế bào gốc trong da liễu nói chung và thẩm mỹ, chăm sóc da nói riêng vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu để có nhiều chứng cứ khoa học rõ ràng về hiệu quả và tính an toàn, trước khi áp dụng điều trị rộng rãi cho bệnh nhân”, bác sĩ Tú thông tin.
Tuy nhiên, gần đây trong nước lại rộ lên phương pháp làm đẹp da bằng “tế bào gốc”. Theo bác sĩ Tú: “Cho đến thời điểm hiện nay, tại Việt Nam chưa có cơ sở y tế nào được Bộ Y tế cấp phép triển khai kỹ thuật ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong lĩnh vực da liễu và thẩm mỹ”.
Việc tiêm vào cơ thể sản phẩm có chứa tế bào gốc còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cụ thể, bác sĩ Tú giải thích: Các trường hợp chiết tách tế bào gốc cùng loại mô nhưng có nguồn gốc từ những người khác nhau có thể gây ra phản ứng dị ứng, hay nặng hơn là tình trạng thải mảnh ghép khởi phát sau nhiều năm điều trị. Đặc biệt, phản ứng dị ứng vẫn có thể xảy ra ngay trong trường hợp lấy tế bào gốc từ cơ thể của một người và sử dụng cho chính người đó do nguy cơ dị ứng đến từ các thành phần, hợp chất trong quá trình nuôi cấy. Mặt khác, khi tiêm tế bào gốc vào cơ thể, chúng ta không thể kiểm soát hoàn toàn được sự phát triển và biệt hóa của các tế bào gốc sẽ diễn ra trong cơ thể như thế nào, dẫn đến xuất hiện các khối u thứ phát. Vì vậy, người dân cần tham khảo ý kiến chuyên gia ở các cơ sở y tế uy tín và được cấp phép để tránh gây hại cho sức khỏe của chính mình.