Thực hiện hiệu quả Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

leftcenterrightdel

Kiên Giang là tỉnh ven biển thuộc vùng kinh tế trọng điểm của Đồng bằng Sông Cửu Long.
(Ảnh Vũ Lê)

Kiên Giang là tỉnh ven biển thuộc vùng kinh tế trọng điểm của Đồng bằng Sông Cửu Long, nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc. Địa hình của tỉnh đa dạng; có cả đồng bằng, rừng, núi và biển đảo; có 49,677 km biên giới trên bộ giáp với Campuchia; bờ biển dài 200km; vùng biển rộng trên 63.290 km2. Trên vùng biển của tỉnh Kiên Giang có 143 đảo, trong đó 43 đảo có người dân sinh sống. Với đặc điểm đó, tỉnh Kiên Giang có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh.

Nhận thức đúng vị trí quan trọng của tỉnh trong thế trận phòng thủ chung của Quân khu 9 và cả nước, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kiên Giang đã xác định là địa bàn đóng vai trò chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh. Chính vì lẽ đó, ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc; cụ thể hóa bằng Chương trình hành động số 46-CTr/TU, ngày 10/02/2014 của Tỉnh ủy.     

Đồng chí Đỗ Thanh Bình, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang cho biết: “Xác định, để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, thì trước hết và quyết định là Đảng phải mạnh. Do vậy, trong một thập kỷ triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, tỉnh Kiên Giang luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Từ năm 2013 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quán triệt, triển khai nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Trung ương về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; đồng thời ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quyết định, quy định về công tác xây dựng để triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ”.

Trong 10 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Theo đó, đã chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Kiên Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, Hà Tiên, Rạch Giá. Hoàn thành, đưa vào hoạt động dự án cấp điện lưới quốc gia cho các xã đảo thuộc thành phố Phú Quốc, huyện Kiên Hải, Kiên Lương. Từ nguồn ngân sách của Trung ương và của tỉnh, đã tập trung phát triển một số công trình giao thông thủy, bộ trọng điểm như: Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc, tuyến cao tốc Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, hệ thống cống ngăn mặn Cái Lớn, Cái Bé và hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt từ An Minh tới Hà Tiên; đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông quanh các đảo có dân sinh sống trên địa bàn huyện Kiên Hải, thành phố Phú Quốc, Hà Tiên, Thổ Châu; xây mới, nâng cấp, mở rộng, phát triển mạng lưới đường giao thông thủy, bộ trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, sẵn sàng phục vụ yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong khu vực phòng thủ.  

Kết quả, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm đạt khoảng 7%; quy mô nền kinh tế tăng mạnh (năm 2022 đạt 68.436 tỷ đồng), thu nhập bình quân đầu người hơn 66 triệu đồng năm 2022; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Kinh tế biển có bước phát triển khá toàn diện (Chiếm 79,76% GRDP của tỉnh), gắn phát triển kinh tế biển với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tổng thu ngân sách năm 2022 trên 11 ngàn tỷ đồng. 

Cùng với phát triển kinh tế, các vấn đề xã hội cũng luôn được tỉnh quan tâm, với nhiều kết quả quan trọng đạt được trên các lĩnh vực giáo dục, an sinh xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo đến nay còn 1,92% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025. Đến nay, toàn tỉnh có 107/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 05/15 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, góp phần quan trọng ổn định chính trị, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở địa phương. 

Nắm vững các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” xác định, tỉnh Kiên Giang luôn chú trọng củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân và an ninh Nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang Nhân dân vững mạnh, có sức chiến đấu cao. Đại tá Nguyễn Văn Ngành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang cho biết: “Trong 10 năm qua, Đảng ủy – Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh hoàn thành quy hoạch hệ thống các công trình quốc phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Điều chỉnh vị trí đứng chân của một số đơn vị lực lượng vũ trang, giữ các vị trí địa hình quan trọng trên các hướng, theo quyết tâm tác chiến phòng thủ của tỉnh. Các công trình phòng thủ trên tuyến biên giới, biển đảo được quy hoạch, xây dựng phù hợp với quyết tâm tác chiến phòng thủ, ưu tiên cho các hướng, khu vực quan trọng. Phối hợp Bộ Tư lệnh Quân khu 9 khảo sát, quy hoạch, thi công đường tuần tra biên giới bộ dài trên 24 km. Tái thành lập, xây dựng và đưa vào hoạt động 08 chốt dân quân thường trực trên trên tuyến biên giới bộ (Hà Tiên, Giang Thành). Thành lập và đưa vào hoạt động Hải đội dân quân thường trực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới Từ nguồn ngân sách quốc phòng và ngân sách địa phương, đã đầu tư trên 725 tỷ đồng cho xây dựng các công trỉnh chiến đấu”.

Trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng – an ninh lực lượng vũ trang được xác định là lực lượng nòng cốt. Từ định hướng đó, việc xây dựng lực lượng thường trực vững mạnh, nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang, luôn được tỉnh Kiên Giang xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8. Cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm xây dựng lực lượng quân sự, công an, biên phòng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân vững chắc. Qua 10 năm đã tỉnh đã tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh: 02 cuộc, diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện: 30 cuộc và diễn tập chiến đấu cấp xã trong khu vực phòng thủ: 302 cuộc. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, đủ về số lượng, chất lượng tốt, thực sự là lực lượng nòng cốt trong phối hợp xử lý các tình huống quốc phòng – an ninh ở cơ sở.

Tỉnh đã hoàn thành bố trí lực lượng Công an chính quy tại 116/116 xã, đạt 100%. Lực lượng Công an tỉnh đã tham mưu giải quyết hàng trăm vụ khiếu kiện phức tạp về an ninh trật tự. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Hệ thống giao thông thông minh, kết hợp với quản lý an ninh trật tự an toàn xã hội” trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo dựng môi trường thuận lợi để triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng tập trung kiện toàn tổ chức, biên chế, triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác biên phòng. Tập trung xây dựng, củng cố, xây dựng thế trận biên phòng vững chắc; bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc khu vực biên giới đất liền, biên giới biển, bảo vệ an ninh, lợi ích và tài nguyên quốc gia khu vực biên giới; ngăn chặn mọi hành động xâm phạm nhằm làm thay đổi đường biên giới quốc gia. 

Có thể khẳng định, những thành quả đạt được trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, lãnh thổ, lợi ích của Đảng, quốc gia, dân tộc… Từ đó, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.