Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp
Pháp luật quy định như nào về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp? Hành vi nào được coi là gây lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp? Hãy cùng tìm hiểu bài viết sau:
Mục Lục
1. Nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Tiết kiệm là việc giảm bớt hao phí trong sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên nhưng vẫn đạt được mục tiêu đã định. Đối với việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên ở những lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì tiết kiệm là việc sử dụng ở mức thấp hơn định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhưng vẫn đạt được mục tiêu đã định hoặc sử dụng đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhưng đạt cao hơn mục tiêu đã định.
Lãng phí là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả. Đối với lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì lãng phí là việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc không đạt mục tiêu đã định.
Nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:
– Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên từ chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện gắn với kiểm tra, giám sát.
– Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải căn cứ vào định mức, tiêu chuẩn, chế độ và quy định khác của pháp luật.
– Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải gắn với cải cách hành chính và bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức.
– Thực hiện phân cấp quản lý, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
– Bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; bảo đảm vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
2. Quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp
– Việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải trên cơ sở hiệu quả sử dụng, đa dạng hóa nguồn vốn, có cơ cấu vốn hợp lý, tiết kiệm; đúng mục đích, chế độ theo quy định của pháp luật và điều lệ doanh nghiệp.
– Người đại diện theo ủy quyền phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp có trách nhiệm theo dõi, giám sát tình hình hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp liên quan đến hiệu quả của vốn góp, kịp thời phát hiện các sai phạm phát sinh, tình trạng sử dụng vốn kém hiệu quả, nguy cơ mất vốn, báo cáo kịp thời chủ sở hữu.
3. Quản lý, sử dụng đất và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp
– Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại doanh nghiệp phải trên cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sử dụng tài sản. Việc quản lý, sử dụng đất phải bảo đảm đúng mục đích ghi trong quyết định giao đất, hợp đồng cho thuê đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
– Người quản lý doanh nghiệp có trách nhiệm:
+ Xây dựng quy chế quản lý, sử dụng hiệu quả đất và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp;
+ Hàng năm, tổ chức công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ, đánh giá tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong doanh nghiệp; kịp thời phát hiện các trường hợp sai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại doanh nghiệp nhà nước
– Ngoài việc thực hiện quy định về quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quản lý, sử dụng đất và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước còn phải thực hiện các quy định sau đây:
+ Thực hiện chế độ về quản lý tài chính, quy định về giám sát tài chính theo quy định của pháp luật;
+ Xác định và xây dựng đồng bộ các giải pháp thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn, các quỹ, tài sản trong doanh nghiệp;
+ Kiểm tra, phát hiện kịp thời các hành vi gây lãng phí phát sinh tại doanh nghiệp;
+ Thực hiện khuyến khích đối với những cơ quan, tổ chức, cá nhân đã có các phát hiện lãng phí xảy ra trong doanh nghiệp, khen thưởng đối với những người có thành tích trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
– Người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm:
+ Xây dựng, đăng ký với chủ sở hữu mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về tiết kiệm, tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh hàng năm và dài hạn của doanh nghiệp;
+ Đề ra các biện pháp, giải pháp để thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, tiết giảm chi phí, công khai đến người lao động trong doanh nghiệp;
+ Tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm đã đăng ký, định kỳ hàng năm báo cáo chủ sở hữu và cơ quan quản lý có liên quan về kết quả thực hiện;
+ Tổ chức kiểm tra, kiểm soát nội bộ, thực hiện tự kiểm tra, rà soát, báo cáo giám sát tài chính để phát hiện kịp thời các sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn và các quỹ của doanh nghiệp.
5. Hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong doanh nghiệp, bao gồm:
– Quản lý, sử dụng vốn nhà nước kém hiệu quả, gây thất thoát;
– Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích;
– Trích lập và quản lý, sử dụng các quỹ không đúng mục đích, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;
– Không tổ chức xây dựng các biện pháp để thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Điều 59. Quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp
…
2. Người đại diện theo ủy quyền phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp có trách nhiệm theo dõi, giám sát tình hình hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp liên quan đến hiệu quả của vốn góp, kịp thời phát hiện các sai phạm phát sinh, tình trạng sử dụng vốn kém hiệu quả, nguy cơ mất vốn, báo cáo kịp thời chủ sở hữu.
Người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí 2013 để xảy ra lãng phí thì xử lý như sau:
– Có trách nhiệm giải trình theo yêu cầu của chủ sở hữu;
– Tùy theo mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định tại Điều 61 của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 để xảy ra lãng phí và có hành vi vi phạm gây lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong doanh nghiệp, thì xử lý như sau:
– Có trách nhiệm giải trình theo yêu cầu của chủ sở hữu, của cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, giám sát và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành;
– Bồi thường một phần hoặc toàn bộ thiệt hại theo quy định của pháp luật;
– Tùy theo mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
6. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí
Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:
Điều 219. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí
1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
d) Gây thất thoát, lãng phí từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Ví dụ:
Ngày 6-4, Tòa án Quân sự Quân khu 1 mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí quy định tại điều 219 Bộ luật hình sự, xảy ra tại Công ty Việt Bắc – Quân khu 1, đối với các các bị cáo: Nguyễn Văn Đại (nguyên Giám đốc); Nguyễn Xuân Toán (nguyên Phó giám đốc); Nguyễn Thị Tuyết (nguyên Kế toán trưởng); Nguyễn Văn Đức (nguyên Đội trưởng Đội xây lắp 13).
Theo cáo trạng: Từ năm 2003 đến 2010, Đội xây lắp 13 được Công ty Việt Bắc giao nhiệm vụ thi công một số hạng mục công trình mà công ty trúng thầu gồm: Kè Nà La, Thủy điện Nậm Đông, Hồ Bốn, Khoen On, Đông Khê, Quỳnh Nhai. Nguyễn Văn Đại với tư cách là Giám đốc – người điều hành và đại diện theo pháp luật của Công ty Việt Bắc do thiếu tinh thần trách nhiệm trong hoạt động quản lý sản xuất kinh doanh đã chỉ đạo, duyệt chi, quyết định và trực tiếp chi một số khoản phục vụ công tác tìm việc làm, nghiệm thu, thanh quyết toán các công trình do công ty thi công trái quy định của Nhà nước về quản lý vốn, tài sản, chế độ kế toán.
Các bị can Nguyễn Văn Đại, Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Xuân Toán với tư cách là những người giữ chức vụ quản lý, điều hành của công ty Việt Bắc đã không thực hiện tốt chức trách, quyền hạn, nghĩa vụ của mình, gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước với tổng số tiền 5.068.500.000 đồng.
Trong quá trình điều tra, truy tố, Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu 1 đã phối hợp với các cơ quan tố tụng, cơ quan hữu quan yêu cầu các bị can bồi thường, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra và đến nay số tiền gây thất thoát đã được các bị can khắc phục, bồi thường đầy đủ cho Công ty Việt Bắc.
Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội trước những luận cứ mà Kiểm sát viên đã nêu kèm theo chứng cứ, tài liệu, hình ảnh được công bố tại phiên tòa. Căn cứ vào nội dung, tài liệu, chứng cứ của vụ án, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của các bị cáo, Hội đồng xét xử cho rằng, hành vi của bị cáo Nguyễn Văn Đại và các đồng phạm không chỉ gây thiệt hại 5.068.500.000 đồng cho Nhà nước mà còn ảnh hưởng hình ảnh, uy tín của Quân đội. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Đại 5 năm tù; Nguyễn Thị Tuyết 4 năm tù; Nguyễn Văn Đức 3 năm tù; Nguyễn Xuân Toán 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 48 tháng.
LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)