Thuật ngữ “Tự kỷ” có nghĩa là gì?

Lịch sử của tự kỷ

Từ những năm đầu thập niên 1900, tự kỷ được cho là có liên quan đến các bệnh tâm lý thần kinh. Tuy nhiên khái niệm này bắt nguồn từ đâu, và nhận thức về tự kỉ thay đổi như thế nào? Cùng đọc để hiểu hơn về lịch sử và những tri thức hiện nay về căn bệnh thách thức này.

Thuật ngữ “tự kỷ” xuất phát từ đâu?

Từ “AUTISM”- “Tự Kỷ” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp “autos”- “tự thân”. Nó biểu hiện ở những dạng bệnh lý mà người mắc bệnh đánh mất đi khả năng tương tác xã hội. Hay nói cách khác, người đó trở thành một “người cô độc”.

Bác sĩ tâm thần người Thụy Sĩ, Eugen Bleuler là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ này. Ông bắt đầu dùng nó vào khoảng năm 1911 để chỉ về một nhóm các triệu chứng liên quan đến chứng tâm thần phân liệt.

Vào những năm 1940, các nhà nghiên cứu tại Mỹ bắt đầu dùng thuật ngữ “tự kỷ” để chỉ những đứa trẻ với những vấn đề về cảm xúc và xã hội. Bác sĩ từ trường đại học Johns Hopkins, Leo Kanner dùng thuật ngữ này để mô tả về những hành vi thu mình ở trẻ mà ông đang nghiên cứu. Cùng thời điểm, một nhà khoa học người Đức, Hans Asperger đã tìm ra một căn bệnh tương tự mà hiện nay gọi là Hội chứng Asperger.

Cho đến những năm 1960, nhiều nhà nghiên cứu vẫn cho rằng tự kỉ và tâm thần phân liệt có mối quan hệ với nhau. Sau đó, các chuyên gia y khoa mới bắt đầu tách riêng khái niệm tự kỷ ở trẻ em.

Từ những năm 1960 đến 1970, cuộc nghiên cứu về các liệu pháp điều trị tự kỷ tập trung vào dược phẩm như LSD, kích điện, những kỹ thuật thay đổi hành vi. Kỹ thuật thay đổi hành vi dựa vào cơn đau và hình phạt.

Trong những năm 1980 đến 1990, vai trò của liệu pháp hành vi và sự áp dụng của môi trường học tập được kiểm soát chặt chẽ xuất hiện với vai trò là những liệu pháp chính cho nhiều dạng tự kỷ và các bệnh có liên quan. Hiện nay, các cột mốc quan trọng của liệu pháp điều trị tự kỷ là liệu pháp hành vi và trị liệu ngôn ngữ. Những phương pháp trị liệu khác có thể bổ sung khi cần thiết.

Những triệu chứng của tự kỷ?

Một triệu chứng thường thấy ở mọi dạng tự kỷ là sự khiếm khuyết về khả năng giao tiếp và tương tác với con người và môi trường. Trên thực tế, một số người mắc chứng tự kỷ gần như không có khả năng giao tiếp. Một số khác có thể gặp khó khăn trong việc diễn giải ngôn ngữ cơ thể, hay còn gọi là giao tiếp phi ngôn ngữ, hoặc duy trì một cuộc trò chuyện. Một số triệu chứng liên quan khác có thể gồm những hành vi bất thường biểu hiện ở các mảng sau:

+ Hứng thú với những đối tượng hay thông tin cụ thể

+ Phản phản ứng lại các cảm giác

+ Sự phối hợp vận động thể lý

Những triệu chứng này thường dễ dàng quan sát được ở đầu giai đoạn phát triển. Đa số những trẻ mắc tự kỷ ở mức nghiêm trọng được chẩn đoán trước 2 tuổi.

Những dạng tự kỷ?

Theo thời gian, các bác sĩ tâm thần đã phát triển nhiều phương pháp khoa học để nhận biết tự kỷ và các căn bệnh liên quan. Tất cả chúng đều được chung quy thành một nhóm gọi là Rối loạn phổ Tự kỷ (Autism Spectrum Disoders). Tùy vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, chúng được chia ra thành ba mức độ: 1, 2 hoặc 3. Rối loạn phát triển lan tỏa (Pervasive Development Disoders) là thuật ngữ đã từng được sử dụng nhưng giờ thì không. Nếu một đứa trẻ trước đây được gọi là PDD, thì giờ sẽ được chẩn đoán là ASD theo tiêu chuẩn mới.

Nguyên nhân gây ra tự kỷ?

Tự kỷ di truyền trong gia đình. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa vẫn chưa được làm rõ. Nhiều nhà nghiên cứu đồng ý với quan điểm rằng những nguyên nhân bắt nguồn từ di truyền, sự trao đổi chất, hóa-sinh hay hệ thần kinh. Một số lại cho rằng môi trường cũng là nhân tố ảnh hưởng.

Làm gì để chữa tự kỷ?

Những liệu pháp chữa trị còn phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu của cá nhân đó. Nói chung, phương pháp trị liệu được chia ra thành 4 loại:

+ Giao tiếp và hành vi trị liệu

+ Trị liệu nội khoa (medical) và chế độ ăn kiêng (dietary therapy)

+ Phục hồi chức năng và vật lý trị liệu

+ Liệu pháp trị liệu bổ sung (như trị liệu âm nhạc, trị liệu nghệ thuật…)

Thế nào là giao tiếp và hành vi trị liệu?

Phương pháp điều trị tự kỷ chủ yếu bao gồm những chương trình can thiệp vào một số lĩnh vực trọng tâm. Chúng là hành vi, giao tiếp, sự phối hợp các giác quan, và phát triển các kỹ năng xã hội. Để can thiệp được thì đòi sự phối hợp chặt chẽ giữa cha mẹ, thầy cô, chuyên gia giáo dục, hay các chuyên gia sức khỏe tinh thần.

Thế nào là dược phẩm trị liệu và chế độ ăn kiêng?

Mục đích dùng thuốc là để những người tự kỷ dễ dàng tham gia vào các hoạt động như học tập và hành vi trị liệu. Thuốc dùng để chữa chứng lo âu, những vấn đề về chú ý, trầm cảm, tăng động hay xung động có thể được khuyên dùng. Chúng không “chữa” tự kỷ ( vì vẫn chưa tìm ra cách điều trị), nhưng chúng có thể chữa các triệu chứng rối loạn chức năng ảnh hưởng đến việc học tập và phát triển.

Một số bằng chứng cho thấy rằng người tự kỷ bị thiếu vitamin và các khoáng chất. Sự thiếu hụt này không gây ra Rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên, thực phẩm chức năng có thể được khuyên dùng để tiếp thêm chất dinh dưỡng. Vitamin B và khoáng chất Magie là hai chất thường dùng cho những người tự kỷ. Tuy nhiên, người ta có thể dùng quá liều, nên cần tránh dùng mega-vitamins.

Việc thay đổi chế độ ăn có thể khắc phục một số triệu chứng tự kỷ. Ví dụ như, dị ứng thực phẩm có thể khiến cho các vấn đề hành vi tệ hơn. Việc loại bỏ các chất gây dị ứng có thể cải thiện các vấn đề hành vi.

Thế nào là liệu pháp trị liệu bổ sung?

Những phương pháp trị liệu này có thể thúc đẩy các kỹ năng học tập và giao tiếp của một số người tự kỷ. Những phương pháp trị liệu này bao gồm: âm nhạc, nghệ thuật hoặc các phương pháp trị liệu liên quan đến động vật, như việc cưỡi ngựa hay bơi cùng cá heo.

Nghiên cứu và cách trị liệu tự kỷ trong tương lai

Những nhà nghiên cứu, chuyên gia sức khỏe, các bậc phụ huynh, và những người có ASD đều có những quan niệm mạnh mẽ về hướng nên nghiên cứu bệnh tự kỷ trong tương lai. Mọi người đều muốn tìm ra cách chữa lành tự kỷ. Dù vậy, một số lại cảm thấy việc tìm ra nguyên nhân là điều bất khả thi. Thay vì vậy, tài nguyên nên được chúng ta chú trọng vào nghiên cứu và giúp người tự kỷ cùng với gia đình họ tìm ra cách tốt hơn để sống chung với căn bệnh đó.

Dù quan điểm về tương lai ra sao, những kỹ thuật và phương pháp trị liệu đã ngày nay có thể giúp xoa đi nỗi đau và nỗi thống khổ mà tự kỷ gây ra. Những phương pháp trị liệu này đưa ra nhiều lựa chọn để cải thiện chất lượng cuộc sống của những người tự kỷ.

Người dịch: Tăng Khánh Duyên

Người edit: Bùi Minh Đức

Nguồn: WebMD. What Does the Word ‘Autism’ Mean? Truy xuất từ https://www.webmd.com/brain/autism/what-does-autism-mean#1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Advertisement

Share this:

Thích bài này:

Thích

Đang tải…