Thư viện là gì? Các loại hình thư viện? Mạng lưới thư viện?
Thư viện là gì? Mạng lưới thư viện và các loại hình thư viện?
Thư viện là một thiết chế văn hóa quan trọng không thể thiếu trong cấu trúc thống nhất của các thiết chế phục vụ văn hóa, thông tin cho người dân. Thư viện được phân bố đều khắp ở tất cả các vùng của lãnh thổ, địa phương, đơn vị, trường học, phục vụ rộng rãi tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, dân tộc, tôn giáo, trình độ, giới tính, ngôn ngữ, quốc tịch và địa vị xã hội… góp phần nâng cao trình độ dân trí, học tập suốt đời và giải trí cho nhân dân. Trong đó, thư viện được xem như một trung tâm sinh hoạt văn hóa thông tin của cộng đồng dân cư.
Luật sư tư vấn pháp luật miễn phí qua điện thoại 24/7: 1900.6568
Cơ sở pháp lý: Luật Thư viện năm 2019.
1. Thư viện là gì?
Theo ý nghĩa truyền thống, một thư viện là kho sưu tập sách, báo và tạp chí. Hiểu theo cách khái quát nhất thư viện là nơi tàng trữ và tổ chức sử dụng tài liệu có tính chất tập thể và xã hội. Trong thời đại mới, thư viện vẫn luôn luôn được coi là tòa lâu đài trí tuệ của nhân loại, nơi lưu giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa của loài người, là một bộ phận văn hóa và mang thêm sắc thái mới – là trung tâm thông tin, là một bộ phận cấu thành trong hệ thống thông tin tư liệu của các nước, là nơi thu thập và thỏa mãn nhu cầu thông tin cho quảng đại quần chúng.
Khái niệm về thư viện được rất nhiều các học giả cũng như các tổ chức đưa ra và bạn đọc cũng thể dễ dàng tìm thấy các quan điểm này. Để có cách hiểu thống nhất, cũng là cách hiệu dưới góc độ pháp lý, thư viện được giải thích tại Khoản 1, Điều 3 Luật Thư viện là thiết chế văn hóa, thông tin, giáo dục, khoa học thực hiện việc xây dựng, xử lý, lưu giữ, bảo quản, cung cấp tài nguyên thông tin phục vụ nhu cầu của người sử dụng. Đây là khái niệm mới được ghi nhận, trước đó trong Pháp lệnh thư viện năm 2000 không đưa ra định nghĩa về thư viện mà chỉ nói về chức năng của thư viện.
Xem thêm: Nâng hạng đối với cán bộ thư viện viên và thời gian xét nâng lương
2. Mạng lưới thư viện và các loại hình thư viện:
Vấn đề phân định các loại hình thư viện là một trong những vấn đề được quan tâm trong thư viện học. Xác định chính xác thư viện thuộc loại hình nào cho phép phân biệt các nhiệm vụ, chức năng, mối quan hệ, mức độ tổ chức của các thư viện tùy thuộc vào đặc điểm này hay đặc điểm khác của từng loại hình. Để phân chia các loại hình thư viện, người ta căn cứ vào các đặc điểm giống nhau hay khác nhau của thư viện để phân chúng thành từng nhóm. Các dấu hiệu để phân biệt đó nhờ vào chức năng, nhiệm vụ của thư viện, vào nội dung tài liệu, đối tượng phục vụ, phương thức phục vụ, dấu hiệu lãnh thổ, cách quản lý, người sở hữu, loại hình tài liệu…. Cách phân chia các loại hình trên thế giới cho đến nay chưa hoàn toàn thống nhất, mỗi nước theo quan điểm của các nhà thư viện học, có những nét đặc thù riêng.
Mạng lưới thư viện là hệ thống tổ chức gắn kết các thư việc được xác định trên một phạm vi lãnh thổ nhất định. Thực tế, quy định về mạng lưới thư viện bao trùm cả các loại hình thư viện được quy định tại Mục 1, Chương II Luật Thư viện, nhưng để đi vào cụ thể để phân tích chi tiết mà hiểu đúng bản chất về “mạng lưới” thì dường như các quy định hiện hành không đủ để làm được điều đó. Vì vậy, ở mục này, tác giả sẽ phân tích các loại hình thư viên, làm cơ sở cho người đọc liên hệ để hình dung về mạng lưới thư viện cụ thể.
Theo Khoản 1, Điều 9 Luật Thư viện, thư viện gồm 08 loại:
– Thư viện Quốc gia Việt Nam.
Thư viện Quốc gia Việt Nam (National library of Vietnam- NLV), tiền thân của Thư viện quốc gia là Thư viện Trung ương Đông Dương (được thành lập vào ngày ngày 29 tháng 11 năm 1917). Theo ghi nhận của Luật Thư viện: “Thư viện Quốc gia Việt Nam là thư viện trung tâm của cả nước.” Có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chung theo quy định tại Điều 4 và Điều 10 Luật Thư viện. Số tài liệu, tư liệu mà thư viện hiện có là 10,5 đơn vị, trang tài liệu, tư liệu được thể hiện dưới dạng tài liệu in ấn và tài liệu số.
– Thư viện công cộng.
Theo giải thích tại Khoản 1, Điều 11 Luật Thư viện: “Thư viện công cộng là thư viện có tài nguyên thông tin tổng hợp phục vụ Nhân dân.” Thư viện công cộng thường được thành lập tại các cấp đơn vị hành chính và thường được gọi theo tên gọi với cấu trúc: Thư viện + cấp hành chính + tên địa phương nơi đặt thư viện. Ví dụ: Thư viện tỉnh Quảng Ninh. Thư viện công cộng có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được ghi nhận tại Điều 4, Điều 11 Luật Thư viện. Số lượng tài liệu, tư liệu, tại các thư viện công cộng sẽ có sự khác nhau tùy thuộc vào yếu tố đầu tư, chú trọng xây dựng thư viện hay không, cũng như phụ thuộc vào tài chính để quyết định về “hình thức” và “nội dung” của thư viện.
– Thư viện chuyên ngành.
Thư viên chuyên ngành là thư viện có tài nguyên thông tin chuyên sâu về một ngành, lĩnh vực hoặc nhiều ngành, lĩnh vực phục vụ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức chủ quản. (Khoản 1, Điều 12 Luật Thư viện). Trong thư viện chuyên ngành còn được phân chia thành các loại thư viện khác nhau căn cứ vào chủ thể thành lập. So với hai loại hình thư viện trên, thì thư viện chuyên ngành có số lượng tư liệu và tài liệu không nhiều, điều này xuất phát từ phạm vi lĩnh vực cũng như đối tượng phục vụ mà thư viên chuyên ngành hướng đến. Việc thành lập thư viện chuyên ngành có ý nghĩa trong hoạt động nghiên cứu, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để ứng dụng vào đời sống.
– Thư viện lực lượng vũ trang nhân dân.
Thư viện lực lượng vũ trang nhân dân là thư viện của các đơn vị Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, có tài nguyên thông tin tổng hợp, chuyên ngành quốc phòng, an ninh phục vụ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên địa bàn, người đang chấp hành hình phạt tù, học tập, cải tạo trong cơ sở giam giữ, trường giáo dưỡng. (Khoản 1, Điều 13 Luật thư viện).
Sự ra đời của thư viện này nhằm phục vụ cho nhu cầu sử dụng của các đối tượng đặc biệt, trong đó cực kỳ có ý nghĩa đối với người đang chấp hành hình phạt tù, học tập, cải tạo trong cơ sở giam giữ, trường giáo dưỡng, giúp họ tiếp cận được với tri thức, tác động làm thay đổi suy nghĩ, hành động, để cải tạo tốt hơn, cũng như mang tính chất giáo dục và giải tỏa căng thẳng trong quá trình thi hành án.
– Thư viện cơ sở giáo dục đại học (sau đây gọi là thư viện đại học).
Thư viện đại học là thư viện đặc trưng nhất ở nước ta, hầu hết các trường đại học đều có thư viện riêng để phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Chính vì điều đó, tại Khoản 1, Điều 14 Luật thư viện đã giải thích rằng: “Thư viện đại học là thư viện có tài nguyên thông tin phục vụ người học và người dạy trong cơ sở giáo dục đại học.“. Tuy nhiên, dường như cách định nghĩa này đang giới hạn về người tiếp cận thư viện đại học, tức là, người học và người dạy của trường đại học này sẽ không được vào thư viện của trường đại học khác, nhưng thực tế thì không phải như vậy.
Các tài liệu trong các thư viện đại học bao gồm tài liệu in ấn và tài liệu số, với yêu cầu hiện đại hóa ngày càng lớn, các thư viện đại học đang tích cực xây dựng một kho thư viện số “khổng lồ” giúp người học, người dạy dễ dàng tiếp cận một cách nhanh nhanh, tiện lợi nhất.
Các tài liệu, tư liệu trong thư viện đại học chủ yếu phụ thuộc vào các lĩnh vực đào tạo mà trường đại học thực hiện, ngoài ra còn có thể có các tài liệu khác.
– Thư viện cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác.
Cũng tương tự như cách định nghĩa về thư viện đại học, khoản 1, Điều 15 Luật Thư viên giải thích rằng: “Thư viện cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác là thư viện có tài nguyên thông tin phục vụ người học và người dạy trong cơ sở giáo dục.” Tuy nhiên, so với thư viện đại học thì thư viện tại các cơ sở này nhỏ hơn rất nhiều, các tư liệu, tài liệu được thư viện cung cấp cũng không quá đa dạng và hầu như thực tế cho thấy thư viện tại các cơ sở này hoạt động không hiệu quả.
– Thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng.
Đây là loại hình thư viện đặc trưng có sự gia nhập của một loại thư viện khác, theo đó, thư viện công động ở đây được hiểu là thư viện, có tài nguyên thông tin tổng hợp do cộng đồng dân cư thành lập tại trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm văn hóa, thể thao xã, phường, thị trấn; điểm bưu điện văn hóa xã; nhà văn hóa thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc; khu chung cư; nơi sinh hoạt chung của cộng đồng. (Khoản 1 Điều 16) còn thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng là thư viện có tài nguyên thông tin tổng hợp hoặc chuyên ngành do tổ chức, cá nhân Việt Nam thành lập, tự bảo đảm kinh phí hoạt động. (Khoản 2, Điều 16 Luật Thư viện).
Sự thành lập các thư viện này xuất phát từ nhiều lí do chủ yếu là do nhu cầu sử dụng và sự yêu thích đến từ cá nhân, tổ chức, cộng đồng dân cư. Hoạt động của các thư viện này có thể kéo dài hay không cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố do khó có khả năng đảm bảo kinh phí để hoạt động ổn định và thường xuyên.
– Thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam.
Loại hình thư viện này khá đặc thù và cũng không phải là loại hình thư viện phổ biến ở nước ta do sợ sự ảnh hưởng của hoạt động truyền bá thông tin gây ảnh hưởng đến chính trị, trật tự xã hội của Việt Nam.
Đây cũng là cách phân loại điển hình và được áp dụng để nghiên cứu nhiều nhất, bên cạnh đó, căn cứ vào mô hình tổ chức thì thư viện có thể được phân chia thành thư viện công lập và thư viện ngoài công lập.