Thư viện đại học là gì?

Thư viện là một kho sưu tập các nguồn thông tin, được chọn lọc bởi các chuyên gia và có thể được tiếp cận để tham khảo hay mượn, thường là trong một môi trường yên tĩnh phù hợp cho học tập. Kho tàng của một thư viện có thể chứa đến hàng triệu đầu mục, bao gồm nhiều định dạng như sách, ấn phẩm định kỳ, báo, thủ bản, phim, bản đồ, văn kiện… và nhiều thể loại khác. Thông tin, tư liệu trong thư viện có thể cung cấp một lượng tri thức lớn để phát triển con người về chất một cách lý tưởng nhất và được trao đổi chuyển giao thông tin, tri thức của mỗi quốc gia dân tộc và phục vụ cho sự phát triển bền vững của kinh tế và xã hội.

Trong phạm vi bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ làm rõ các nội dung về thư viện đại học theo Điều 14 Luật Thư viện số 46/2019/QH14 ngày 21 tháng 11 năm 2019 (sau đây được gọi tắt là Luật Thư viện năm 2019).

Khái niệm

Thư viện là thiết chế văn hóa, thông tin, giáo dục, khoa học thực hiện việc xây dựng, xử lý, lưu giữ, bảo quản, cung cấp tài nguyên thông tin phục vụ nhu cầu của người sử dụng.

Dựa theo khoản 1 Điều 14 Luật Thư viện năm 2019 thì thư viện đại học được ghi nhận như sau:

“1. Thư viện đại học là thư viện có tài nguyên thông tin phục vụ người học và người dạy trong cơ sở giáo dục đại học.”

Như vậy, thư viện trường học cung cấp thông tin và ý tưởng làm nền tảng để hoạt động trong xã hội thông tin và tri thức hiện nay. Thư viện trường học cũng là không gian vật lý và số của nhà trường, nơi các hoạt động đọc, trao đổi, nghiên cứu, tư duy, tưởng tượng và sáng tạo giữ vai trò quyết định trên hành trình đi từ thông tin đến tri thức của người học cũng như đối với sự phát triển cá nhân xã hội và văn hóa của họ.

Chức năng và nhiệm vụ

Nhìn chung, thư viện sẽ có các chức năng nhiệm vụ sau:

– Xây dựng, xử lý, lưu giữ, bảo quản, kết nối và phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với người sử dụng thư viện.

– Tổ chức sử dụng chung tài nguyên thông tin, sản phẩm thông tin và dịch vụ thư viện; truyền bá tri thức, giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại; phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, giải trí; góp phần hình thành và phát triển kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, năng lực của người sử dụng thư viện.

– Ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, hiện đại hóa thư viện.

– Phát triển văn hóa đọc và góp phần tạo môi trường học tập suốt đời cho Nhân dân, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, xây dựng con người Việt Nam toàn diện.

Ngoài ra, là thư viện đại học thì còn những chức năng, nhiệm vụ khác gồm:

– Phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với mục tiêu, nội dung, chương trình, lĩnh vực, ngành đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của cơ sở giáo dục đại học;

– Tiếp nhận, bổ sung và tổ chức khai thác khóa luận, đồ án, luận văn, luận án, kết quả nghiên cứu khoa học của người học và người dạy trong cơ sở giáo dục đại học; xây dựng tài liệu nội sinh, cơ sở dữ liệu học liệu, tài nguyên học liệu mở;

– Tổ chức không gian đọc; hướng dẫn sử dụng sản phẩm thư viện và dịch vụ thư viện; hoàn thiện kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin; củng cố, mở rộng kiến thức cho người học, người dạy và cán bộ quản lý;

– Thực hiện liên thông với thư viện trong nước và nước ngoài;

– Thực hiện nhiệm vụ khác do cơ sở giáo dục đại học giao.