Thú vị khoảnh khắc Mặt trăng giao hội sao Kim
Nhiều bức ảnh Mặt trăng giao hội với Sao Kim được người dùng mạng xã hội ghi lại – Ảnh: N.K.
Sáng nay 25-3, nhiều người dùng mạng xã hội chia sẻ hàng loạt bức ảnh chụp vào đêm 24-3, ghi lại hiện tượng “lạ” trên bầu trời.
Trong các bức ảnh, có thể nhìn thấy bên cạnh vành sáng của vầng trăng khuyết là một vật thể sáng khác.
Người xem có cảm giác như Mặt trăng sắp sửa “chạm” khối sáng kia. “Lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh tượng này”, chị Hồng Ân – ngụ Q.12, TP.HCM – chia sẻ sau khi cùng gia đình ngắm trăng vào tối 24-3.
Khối sáng nhỏ cạnh Mặt trăng là sao Kim – Ảnh: BẢO TRẦN HAAC
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đặng Tuấn Duy – chủ tịch Câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TP.HCM – cho biết ngôi sao xuất hiện sáng rõ bên cạnh Mặt trăng tối 24-3 là sao Kim.
Đêm qua, Mặt trăng và sao Kim đã giao hội với độ phân tách rất nhỏ, khoảng 5 phút 57 giây theo ước tính của quốc tế.
Trong những lần giao hội, độ phân tách càng nhỏ đồng nghĩa khoảng cách giữa 2 vật thể trong không gian càng gần nhau. Theo ông Duy, việc Mặt trăng và Kim tinh giao hội với độ phân tách 5 phút 57 giây là tương đối hiếm.
Đặc biệt tại Việt Nam và một số quốc gia lân cận, do có lợi thế về góc quan sát trong đêm 24-3, nhiều người xem có thể thấy Mặt trăng gần như trùng với sao Kim, thậm chí che khuất sao Kim trong những thời điểm nhất định. Độ phân tách trong lúc này có thể trở về bằng 0.
Toàn bộ quá trình giao hội của Mặt trăng và sao Kim tối 24-3 – Video: BẢO TRẦN HAAC
Cũng vì sự hiếm gặp, nhiều câu lạc bộ thiên văn tại Việt Nam đã tổ chức quan sát tập thể và ghi lại những khoảnh khắc đẹp giữa Mặt trăng và sao Kim.
Theo ông Duy, muốn quan sát hiện tượng giao hội giữa Mặt trăng và sao Kim với độ phân tách nhỏ như tối 24-3 có khi phải chờ cả thập kỷ nữa. “Dự đoán, cả hai sẽ tiếp tục giao hội với độ phân tách 8 phút 54 giây vào ngày 23-6-2033”, ông Duy nói.
Khoảng cách giữa Mặt trăng và sao Kim trong lần giao hội này rất gần – Ảnh: BẢO TRẦN HAAC
Khoảnh khắc Mặt trăng và sao Kim gần như “chạm” vào nhau – Ảnh: BẢO TRẦN HAAC
Để quan sát hiện tượng tương tự giữa Mặt trăng và sao Kim, người đam mê thiên văn có thể phải chờ đến năm 2033 – Ảnh: BẢO TRẦN HAAC
Châu Âu thúc đẩy múi giờ riêng cho Mặt trăng