Thủ tướng đồng ý đổi tên Ban Quản lý KKT Nghi Sơn
– Theo thông tin từ Văn phòng chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định đổi tên Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa thành Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, tỉnh Thanh Hóa.
Trước đó, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 965/QĐ-TTg thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa và sáp nhập Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa vào Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn.
Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn là cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện việc quản lý xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo Quy chế hoạt động, quy hoạch, kế hoạch và tiến độ thực hiện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Thực tế, việc đổi tên là cần thiết, bởi theo Quyết định số 18/2015/QĐ-TTg ngày 12/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế hoạt động của Khu Kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, ban hành kèm theo Quyết định số 28/2010/QĐ-TTg, ngày 3/3/2010và Văn bản số 2269/TTg-KTN, ngày 13/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, thì diện tích Khu Kinh tế Nghi Sơn đã được điều chỉnh tăng gần 6 lần, từ 18.611,8 ha lên 106.000 ha, bao gồm 66.497,57 ha đất liền và đảo, 39.502,43 ha mặt nước.
Phần diện tích đất liền và đảo bao gồm toàn bộ diện tích thuộc địa giới hành chính của huyện Tĩnh Gia với 33 xã và 1 thị trấn (trong đó có 12 xã thuộc Khu Kinh tế Nghi Sơn hiện hữu); 3 xã Yên Mỹ, Công Bình, Công Chính thuộc huyện Nông Cống; 3 xã Thanh Tân, Thanh Kỳ, Yên Lạc thuộc huyện Như Thanh.
Mục tiêu phát triển từ nay đến 2025 của Khu Kinh tế Nghi Sơn là hoàn thiện môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi, triển khai một số công trình hạ tầng kinh tế, xã hội quan trọng và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và sản xuất, kinh doanh.
Sau năm 2025, phát triển đồng bộ về công nghiệp, dịch vụ; thương mại; tài chính; văn hóa-xã hội; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Gắn phát triển kinh tế-xã hội với quốc phòng-an ninh. Đầu tư phát triển đồng bộ và hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng trong các khu đô thị sinh thái, thân thiện với môi trường, đạt tiêu chuẩn cao; phát triển theo mô hình đô thị xanh và bền vững; phấn đấu trở thành khu vực phát triển năng động và hiện đại.
Theo báo cáo từ Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn, tính đến tháng 04/2016, Khu Kinh tế Nghi Sơn đã đầu tư hoàn thiện 52 công trình, hạng mục hạ tầng kỹ thuật cơ bản, thiết yếu; thu hút được 141 dự án đầu tư trong nước và 8 dự án FDI, vốn đăng ký đạt 97.094 tỷ đồng và 9.823,34 triệu USD, vốn thực hiện 42.900 tỷ đồng và 6.756 triệu USD; đã có 59 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hầu hết các dự án đang trong thời gian được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật. Giai đoạn 2011-2015, giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ đạt 44.500 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt 6.700 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 500 triệu USD và giải quyết việc làm cho 45.000 người. Nhiều dự án đang hoạt động hiệu quả, như: Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Công ty giày Annora, Xi măng Nghi Sơn, Xi măng Công Thanh…
Đặc biệt, Dự án Khu Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, vốn đầu tư 9,3 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm đang gấp rút xây dựng để đảm bảo tiến độ đến tháng 11/2016 hoàn thành hạng mục cơ khí, tháng 7/2017 sẽ đi vào vận hành thương mại. Tiến độ giải ngân đến hết tháng 12/2015 đạt 5,7 tỷ USD trên tổng mức đầu tư dự kiến 9,3 tỷ USD. Trên công trường hiện đang có khoảng 30.000 lao động làm việc trực tiếp cho hơn 40 nhà thầu thi công.
Cũng theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn, tính đến hết năm 2015, tỷ lệ lấp đây đất công nghiệp trong Khu Kinh tế Nghi Sơn đạt khoảng 70%, cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra./.