Thủ tục xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu
Thủ tục xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu? Quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp? Xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính khi tổ chức đấu giá không thành?
1. Thủ tục xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu:
Tóm tắt câu hỏi:
Xin cho hỏi tang vật bị tạm giữ là vé số kiến thiết bao nhiêu ngày phải xử lý. Khi xử lý cơ quan nhà nước có gọi người bị tạm giữ tang vật đến để lập biên bản xử lý không? Nếu họ không gọi thì có thể gửi đơn khiếu nại không?
Luật sư tư vấn:
Tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính là một trong những biện pháp ngăn chặn khi xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Theo đó, việc áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ áp dụng khi cần thiết thuộc một trong các trường hợp sau:
– Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt;
– Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;
– Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.
Khoản 3 Điều 82 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:
“Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, cơ quan có thẩm quyền phải xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này. Quá thời hạn này mà không thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.”
Như vậy, thời hạn xử lý tang vật là vé số kiến thiết tối đa là 30 ngày kể từ ngày có quyết định định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Căn cứ Khoản 1 và Khoản 2 Điều 82 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về việc xử lý tang vật như sau:
– Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được xử lý như sau:
+ Đối với tang vật vi phạm hành chính là tiền Việt Nam, ngoại tệ, chứng chỉ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý thì phải nộp vào ngân sách nhà nước;
+ Đối với giấy tờ, tài liệu, chứng từ liên quan tới tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì chuyển cho cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản theo quy định tại điểm d khoản này;
+ Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hoá, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, vật thuộc loại cấm lưu hành và tài sản khác thì chuyển giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật;
+ Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã được cấp có thẩm quyền ra quyết định chuyển giao cho cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng thì cơ quan đã ra quyết định tịch thu chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính tổ chức chuyển giao cho cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng;
+ Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này thì tiến hành thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi xảy ra hành vi vi phạm để thực hiện việc bán đấu giá; trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá thì thành lập hội đồng để bán đấu giá.
Việc bán đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá;
+ Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu nhưng không còn giá trị sử dụng hoặc không bán đấu giá được thì cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu phải lập hội đồng xử lý gồm đại diện các cơ quan nhà nước hữu quan. Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu phải được lập thành biên bản có chữ ký của các thành viên hội đồng xử lý. Phương thức, trình tự, thủ tục xử lý tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
– Thủ tục xử lý đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu quy định tại khoản 1 Điều 82 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được thực hiện như sau:
+ Đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 82 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì cơ quan quyết định tịch thu lập biên bản nộp, chuyển giao tang vật, phương tiện. Việc bàn giao và tiếp nhận các tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 82 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 phải được tiến hành theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;
+ Đối với trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 82 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá khi làm thủ tục chuyển giao được xác định theo Điều 60 của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Trường hợp giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã được xác định có sự thay đổi tại thời điểm chuyển giao thì cơ quan ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quyết định thành lập hội đồng để định giá tài sản trước khi làm thủ tục chuyển giao. Thành phần Hội đồng định giá theo quy định tại khoản 3 Điều 60 của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
Như vậy, khi xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền không cần gọi người bị thu giữ tang vật đến để ký vào biên bản xử lý.
Xem thêm: Quy trình tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính như thế nào?
2. Quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp:
Quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp như sau:
Điều 41. Quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
1. Thủ tục tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp thực hiện theo Điều 81 Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012.
2. Tang vật vật liệu nổ công nghiệp tịch thu phải được chuyển giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại Điều 82 Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012.
3. Việc vận chuyển, giao nhận, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp tịch thu phải phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về vật liệu nổ công nghiệp. Cơ quan quản lý chuyên ngành về vật liệu nổ công nghiệp có trách nhiệm bảo quản vật liệu nổ công nghiệp; trường hợp không có kho bảo quản riêng, cơ quan quản lý chuyên ngành về vật liệu nổ công nghiệp chỉ định tổ chức có kho đủ điều kiện thực hiện việc bảo quản vật liệu nổ công nghiệp tịch thu.
4. Không tổ chức bán đấu giá tang vật vật liệu nổ công nghiệp tịch thu; cơ quan quản lý chuyên ngành về vật liệu nổ công nghiệp có trách nhiệm định giá, bán tang vật vật liệu nổ công nghiệp tịch thu cho các tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp hợp pháp. Các tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp có trách nhiệm mua lại tang vật vật liệu nổ công nghiệp tịch thu.
5. Tang vật vật liệu nổ công nghiệp tịch thu bị mất phẩm chất phải được tiêu hủy, cơ quan quản lý chuyên ngành về vật liệu nổ công nghiệp thành lập Hội đồng tiêu hủy gồm đại diện của các cơ quan liên quan. Việc tiêu hủy tang vật vật liệu nổ công nghiệp tịch thu phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vật liệu nổ công nghiệp.
6. Chi phí bảo quản, vận chuyển, giao, nhận, giám định tang vật, phương tiện bị tịch thu và phục vụ xử lý tang vật, phương tiện bị tịch thu nhưng đã mất phẩm chất, buộc phải tiêu hủy được thực hiện theo quy định tại Điều 82 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Xem thêm: Mẫu đơn xin nhận lại xe, giấy tờ xe bị tạm giữ, đơn xin nhận lại tang vật
3. Xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính khi tổ chức đấu giá không thành:
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư! Tôi có một thắc mắc, mong nhận được sự tư vấn của luật sư. Tại Điều 49 Nghị định 17/2010/NĐ-CP quy định: Điều 49. Tổ chức bán đấu giá lại
1. Trong trường hợp bán đấu giá tài sản không thành thì việc xử lý tài sản bán đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận giữa người có tài sản bán đấu giá và tổ chức bán đấu giá tài sản.
Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì sau hai lần giảm giá mà cuộc bán đấu giá tài sản vẫn không thành, thì tổ chức bán đấu giá tài sản trả lại cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu để thực hiện thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Mỗi lần giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá.
2. Trong trường hợp tổ chức bán đấu giá lại thì trình tự, thủ tục bán đấu giá lại được tiến hành như đối với việc bán đấu giá tài sản lần đầu.
Vậy tôi muốn hỏi là tang vật vi phạm hành chính sau 2 lần giảm giá ( đã đấu giá 03 lần) không thành thì xử lý như thế nào? Có văn bản hướng dẫn về thủ tục thanh lý không? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Theo thông tin bạn cung cấp, vấn đề đấu giá lại được quy định tại Điều 49 Nghị định 17/2010/NĐ-CP như sau:
Điều 49. Tổ chức bán đấu giá lại
1. Trong trường hợp bán đấu giá tài sản không thành thì việc xử lý tài sản bán đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận giữa người có tài sản bán đấu giá và tổ chức bán đấu giá tài sản.
Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì sau hai lần giảm giá mà cuộc bán đấu giá tài sản vẫn không thành, thì tổ chức bán đấu giá tài sản trả lại cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu để thực hiện thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Mỗi lần giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá.
2. Trong trường hợp tổ chức bán đấu giá lại thì trình tự, thủ tục bán đấu giá lại được tiến hành như đối với việc bán đấu giá tài sản lần đầu.
Như vậy pháp luật đã quy định đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì sau hai lần giảm giá mà cuộc bán đấu giá tài sản vẫn không thành, thì tổ chức bán đấu giá tài sản trả lại cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu để thực hiện thanh lý tài sản. Theo đó, Thông tư 215/2012/TT-BTC hướng dẫn về thủ tục thanh lý tài sản khi tổ chức bán đấu giá không thành sau hai lần giảm giá như sau:
3. Đối với tang vật, phương tiện bị tịch thu đã chuyển giao để bán đấu giá mà không bán được theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 35 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP và khoản 1 Điều 49 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản; trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện, cơ quan của người ra quyết định tịch thu thành lập Hội đồng thanh lý tài sản để thực hiện việc thanh lý.
a) Thành phần của Hội đồng thanh lý tài sản gồm:
– Lãnh đạo cơ quan của người ra quyết định tịch thu (hoặc cơ quan trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu) – Chủ tịch Hội đồng;
– Đại diện cơ quan tài chính cùng cấp – Phó Chủ tịch Hội đồng;
– Đại diện bộ phận chuyên môn của cơ quan của người đã ra quyết định tịch thu (hoặc cơ quan trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu) – Thành viên;
– Đại diện cơ quan, đơn vị có liên quan – Thành viên Hội đồng.
b) Hội đồng thanh lý tài sản có trách nhiệm phân loại tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cần thanh lý để thực hiện theo một trong hai hình thức sau:
– Bán trực tiếp cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua;
– Phá dỡ, hủy bỏ đối với các tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không thể tiếp tục sử dụng được và không bán được.
c) Tổ chức thanh lý tài sản:
– Đối với hình thức bán trực tiếp cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định này;
– Đối với hình thức phá dỡ, hủy bỏ được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
d) Các chi phí liên quan đến việc thanh lý tài sản bao gồm:
– Chi phí hợp lý, hợp lệ của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện đã chi cho các cuộc bán đấu giá không thành theo quy định tại Thông tư số 137/2010/TT-BTC nhưng mức chi tối đa không vượt quá mức khoán theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 139/2011/TT-BTC ngày 10/10/2011 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2010/TT-BTC;
– Chi phí cho Hội đồng thanh lý tài sản để thực hiện thanh lý tài sản thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này. ( Khoản 3 Điều 3 Thông tư 215/2012/TT-BTC).
Kết luận: Theo đó, Thông tư 215/2012/TT-BTC đã hướng dẫn cụ thể, chi tiết để làm cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh lý tài sản khi tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đấu giá không thành.
Xem thêm: Tang vật là gì? Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính?
4. Xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính:
Tóm tắt câu hỏi:
Xin luật sư vui lòng giải đáp thắc mắc trong quá trình đi làm. Khi công an, Thanh tra giao thông đi giải toả lòng đường, hè phố các vi phạm về lấn chiếm. Khi thu giữ các vật dụng thì:
– Những tang vật có giá trị nhỏ như cốc chén, chai lọ, ô dù, bàn ghế…thu giữ và đưa về nơi tạm giữ như vậy nếu người vi phạm không lên giải quyết thì làm thế nào theo quy định. – những tang vật có giá trị khi tiến hành thu giữ mà người vi phạm cũng không lên giải quyết thì làm thế nào theo quy định.
– Những biên bản tạm giữ đã lập khi đi giải toả mà đương sự không ký nhận vào biên bản thì sẽ xử lý như thế nào?
Xin luật sư giải đáp thắc mắc trên. Xin trân trọng cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Khoản 2 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định lập biên bản vi phạm hành chính, trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền phải lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính (trừ trường hợp xử phạt không cần lập biên bản), biên bản phải có chữ ký của người có hành vi vi phạm, trường hợp người có hành vi vi phạm cố trình trốn tránh không ký vào biên bản thì phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của người chứng kiến.
Theo quy định tại Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, trong trường hợp để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có quyền tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Căn cứ Điều 73 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 về Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bạn vẫn phải có trách nhiệm chấp hành quyết định xử phạt hành chính dù không đồng ý.
Căn cứ Điều 74 Luật xử lý vi phạm hành chính, việc bạn cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt hành chính sẽ được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.
Trường hợp có quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện theo biện pháp ghi trong quyết định xử phạt mà bạn không lên giải quyết thì căn cứ theo Điều 126 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
Theo quy định trên thì đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quá thời hạn tạm giữ nếu bạn không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm tạm giữ, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo, niêm yết công khai, nếu bạn không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo Điều 82 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.