Thủ tục hành chính phức tạp làm tăng chi phí doanh nghiệp

Doanh nghiệp tiếp tục kêu về quy định phức tạp

Tại phiên họp kỹ thuật của Diễn đàn doanh nghiệp thường niên 2023 diễn ra ngày 17/3, ông Trần Anh Đức – đại diện nhóm Công tác đầu tư và thương mại đánh giá nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc cải thiện thủ tục liên quan đầu tư, đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định phức tạp, yêu cầu bản giấy trong khi các doanh nghiệp hiện nay hầu hết chuyển sang làm trực tuyến.

Về thủ tục hành chính, nhiều doanh nghiệp đã có báo cáo phàn nàn về tình trạng nhiều thủ tục giấy tờ phức tạp trong lĩnh vực như kinh doanh bán lẻ liên quan đến các Sở Công Thương, Bộ Công Thương. Trong đó, nhiều thủ tục kéo dài, thậm chí hơn 6 tháng chưa được chấp thuận cấp phép.

Trong giai đoạn vừa qua, lĩnh vực kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn, trong đó, có một phần nguyên nhân từ các vướng mắc về thủ tục. Có doanh nghiệp cho biết phải mất 3 – 5 năm, thậm chí hơn 5 năm để thực hiện xong hết thủ tục phát triển dự án bất động sản tại Việt Nam. Nhiều văn bản pháp lý có quy định chồng chéo gây khó khăn và kéo dài.

Trong lĩnh vực này, theo đại diện nhóm Công tác đầu tư và thương mại, các quy định về đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản không hướng dẫn rõ ràng các tiêu chí về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, dẫn đến cách hiểu và giải thích chung. Đó là khi có bất kỳ hình thức hay mức độ đầu tư nước ngoài nào, doanh nghiệp sẽ được coi là có vốn đầu tư nước ngoài, và đối mặt với các hạn chế của quy định về nhà ở và kinh doanh bất động sản. Trên thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài thường thiết lập nhiều tầng sở hữu để cố gắng giảm thiểu sự không chắc chắn này.

Liên quan đến các thủ tục hành chính, ông Seck Yee Chung – đại diện nhóm Công tác kinh tế số khuyến nghị Việt Nam có cải cách mạnh mẽ hơn bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế đã được ban hành, loại bỏ các hình thức về bản chất là giấy phép (ví dụ thông qua yêu cầu đăng ký), các yêu cầu báo cáo trong tất cả các quy định hiện hành và trong tương lai áp dụng cho những ngành có ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông và dịch vụ kỹ thuật số.

Thay đổi chính sách du lịch

Đại diện nhóm Công tác du lịch, ông Martin Koerner nhấn mạnh việc thay đổi về chính sách và cải thiện chất lượng dịch vụ để ngành du lịch phục hồi sau khủng hoảng và thúc đẩy tiềm năng du lịch phát triển.

Theo ông Martin Koerner, một trong những khó khăn đối với du khách nước ngoài khi đến Việt Nam là chính sách thị thực còn hạn chế. Hiện tại, chỉ có 24 quốc gia được hưởng chế độ miễn thị thực tối đa 15 ngày, còn các quốc gia khác phải xin thị thực điện tử hoặc thị thực nhập cảnh sân bay.

Thời hạn miễn thị thực quá ngắn đối với nhiều du khách muốn khám phá các điểm tham quan đa dạng của Việt Nam trong khi quy trình cấp thị thực điện tử và thị thực nhập cảnh sân bay có thể tốn thời gian và bất tiện. Để đơn giản hóa quy trình và thu hút nhiều du khách hơn, cần kéo dài thời gian miễn thị thực lên 30 ngày, tăng danh sách các quốc gia được miễn thị thực cho các quốc gia châu Âu, Australia, New Zealand, Hoa Kỳ và Canada. Đồng thời tăng thời gian cấp thị thực dài hạn 3 – 6 tháng cho những du khách muốn khám phá đất nước trong thời gian lâu hơn, bao gồm cả việc hướng mục tiêu vào phân khúc người cao tuổi có mức chi tiêu cao.

Những biện pháp này sẽ khuyến khích nhiều khách du lịch chọn Việt Nam làm điểm đến, tăng mức chi tiêu cũng như mức độ hài lòng của du khách. Ông Martin Koerner cũng kiến nghị cải thiện dịch vụ tại sân bay, loại bỏ quy định về nhân viên ngành du lịch/khách sạn luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.

Theo diendandoanhnghiep.vn