Thủ tục đóng mã số thuế khi giải thể doanh nghiệp

Trong quá trình thực hiện dịch vụ, Công ty có các đối tượng khách hàng ở các trạng thái mã số thuế (MST) khác nhau, nhưng đa số các đơn vị khách hàng đều ở trạng thái đóng MST (đóng do hoạt động không đúng địa chỉ; đóng do Sở Kế hoạch và Đầu tư thu hồi giấy phép…).

Tuy nhiên, mỗi Chi cục Thuế lại yêu cầu và hướng dẫn hồ sơ xin chấm dứt hiệu lực MST khác nhau:

Tại một số Chi cục Thuế, đối với trạng thái MST của người nộp thuế bị đóng do hoạt động không đúng địa điểm thì thủ tục xin chấm dứt hiệu lực MST gồm: Văn bản xin chấm dứt hiệu lực MST (Mẫu số 24/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư số 95/2016/TT-BTC); biên bản họp của Hội đồng thành viên (công ty TNHH hai thành viên trở lên) hoặc Hội đồng quản trị (công ty cổ phần) về việc giải thể doanh nghiệp; quyết định của Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị; quyết định của chủ sở hữu (Công ty TNHH MTV, doanh nghiệp tư nhân) về việc giải thể doanh nghiệp; văn bản xác nhận không nợ thuế xuất nhập khẩu do Tổng cục Hải quan phát hành; các báo cáo thuế còn thiếu đến thời điểm xin chấm dứt hiệu lực MST; nộp các khoản tiền còn nợ ngân sách nhà nước từ trước; không ra quyết định phạt vi phạm hành chính về các báo cáo thuế chậm nộp trong thời gian bị đóng MST; giải quyết thủ tục xin chấm dứt hiệu lực MST.

Một số Chi cục Thuế thì thủ tục lại gồm:

Bước 1: Xin mở MST – văn bản đề nghị khôi phục MST (Mẫu số 25/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư số 95/2016/TT-BTC) – yêu cầu đơn vị phải có địa điểm khác để xin khôi phục MST; các báo cáo thuế còn thiếu đến thời điểm xin khôi phục MST; ra quyết định phạt vi phạm hành chính về các báo cáo thuế chậm nộp trong thời gian bị đóng MST; nộp phạt vi phạm hành chính theo quyết định phạt vi phạm hành chính về các báo cáo thuế chậm nộp trong thời gian bị đóng MST; nộp các khoản tiền còn nợ ngân sách nhà nước từ trước.

Bước 2: Xin chấm dứt hiệu lực MST – văn bản xin chấm dứt hiệu lực MST (Mẫu số 24/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư số 95/2016/TT-BTC); biên bản họp của Hội đồng thành viên (công ty TNHH hai thành viên trở lên) hoặc Hội đồng quản trị (công ty cổ phần) về việc giải thể doanh nghiệp; quyết định của Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị; quyết định của chủ sở hữu (công ty TNHH MTV, doanh nghiệp tư nhân) về việc giải thể doanh nghiệp; văn bản xác nhận không nợ thuế xuất nhập khẩu do Tổng cục Hải quan phát hành; giải quyết thủ tục xin chấm dứt hiệu lực MST.

Đối với trạng thái MST của người nộp thuế bị đóng do Sở Kế hoạch và Đầu tư thu hồi giấy phép hoạt động; thủ tục xin chấm dứt hiệu lực MST gồm:

Bước 1: Xin khôi phục MST – văn bản đề nghị khôi phục MST (Mẫu số 25/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư số 95/2016/TT-BTC) với lý do: Khôi phục MST để giải thể doanh nghiệp; biên bản họp của Hội đồng thành viên (công ty TNHH hai thành viên trở lên) hoặc Hội đồng quản trị (công ty cổ phần) về việc giải thể doanh nghiệp; quyết định của Hội đồng thành hoặc Hội đồng quản trị; quyết định của chủ sở hữu (công ty TNHH MTV, doanh nghiệp tư nhân) về việc giải thể doanh nghiệp; văn bản xác nhận không nợ thuế xuất nhập khẩu do Tổng cục Hải quan phát hành; các báo cáo thuế còn thiếu đến thời điểm xin chấm dứt hiệu lực MST; nộp các khoản tiền còn nợ ngân sách nhà nước từ trước; ra quyết định phạt vi phạm hành chính về các báo cáo thuế chậm nộp trong thời gian bị đóng MST; nộp phạt vi phạm hành chính theo quyết định phạt vi phạm hành chính về các báo cáo thuế chậm nộp trong thời gian bị đóng MST.

Bước 2: Giải quyết thủ tục xin chấm dứt hiệu lực MST – người nộp thuế không cần phải nộp văn bản xin chấm dứt hiệu lực MST (Mẫu số 24/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư số 95/2016/TT-BTC), Chi cục Thuế giải quyết việc xin chấm dứt hiệu lực MST luôn.

Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn VN-TAX hỏi, đối với các đơn vị làm thủ tục giải thể doanh nghiệp nhưng trước đó bị khóa MST dẫn đến việc không nộp hoặc nộp chậm tờ khai thuế, vậy các khoản phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi này có được miễn trừ theo Điểm 1d Điều 26 Thông tư số 166/2013/TT-BTC hay không?

Việc một số Chi cục Thuế vẫn ra quyết định phạt vi phạm hành chính về các báo cáo thuế chậm nộp trong thời gian bị đóng MST có đúng hay không?

Để thuận tiện cho việc thực hiện thủ tục xin chấm dứt hiệu lực mã số thuế phục vụ việc giải thể doanh nghiệp cho các đơn vị khách hàng của VN-TAX, Công ty đề nghị cơ quan chức năng có văn bản hướng dẫn cụ thể các trường hợp được nêu trên.

Cục Thuế TP. Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:

Chưa có quy định bị đóng MST do hoạt động không đúng địa điểm

Điều 39 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 quy định về việc chấm dứt hiệu lực MST như sau:

“Điều 39. Chấm dứt hiệu lực MST

1. Người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh thì thực hiện chấm dứt hiệu lực MST khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc giải thể, phá sản;

b) Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c) Bị chia, bị sáp nhập, bị hợp nhất.

2. Người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì thực hiện chẩm dứt hiệu lực MST khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Chấm dứt hoạt động kinh doanh, không còn phát sinh nghĩa vụ thuế đối với tổ chức không kinh doanh;

b) Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép tương đương;

c) Bị chia, bị sáp nhập, bị hợp nhất;

d) Bị cơ quan thuế ra thông báo người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký;

đ) Cá nhân chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;

e) Nhà thầu nước ngoài khi kết thúc hợp đồng;

g) Nhà thầu, nhà đầu tư tham gia hợp đồng dầu khí khi kết thúc hợp đồng hoặc chuyển nhượng toàn bộ quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí”.

Căn cứ các quy định trên, hiện chưa có quy định về trường hợp người nộp thuế bị đóng do hoạt động không đúng địa điểm.

Hồ sơ đóng MST do bị thu hồi giấy phép hoạt động

Trường hợp người nộp thuế là doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoạt động, căn cứ Khoản 1 Điều 71 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 4/1/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, thủ tục giải thể của doanh nghiệp thuộc trường hợp bị thu hồi được quy định như sau:

“1. Trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc nhận được quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, Phòng Đăng ký kinh doanh đăng tải quyết định và thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, chuyển tình trạng của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đang làm thủ tục giải thể và gửi thông tin về việc giải thể doanh nghiệp cho cơ quan thuế, trừ trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để thực hiện biện pháp cưỡng chế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế”.

Căn cứ Khoản 3 Điều 14 Thông tư số 105/2020/TT-BTC ngày 3/12/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký thuế, hồ sơ chấm dứt hiệu lực MST như sau:

“Điều 14. Hồ sơ chấm dứt hiệu lực MST:

… 3. Hồ sơ chấm dứt hiệu lực MST đối với người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh là văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực MST Mẫu số 24/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư này và các giấy tờ khác như sau:

b) Hồ sơ chấm dứt hiệu lực MST của đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp và hợp tác xã là một trong các giấy tờ sau: Bản sao quyết định hoặc thông báo của doanh nghiệp, hợp tác xã về chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện; bản sao quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhảnh, văn phòng đại diện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Các trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Liên quan đến nội dung xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị đang tiến hành các thủ tục giải thể, căn cứ Điểm d Khoản 1 Điều 38 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn:

“Điều 38. Những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

1. Không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn trong các trường hợp sau đây:

… d) Cá nhân vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đã chết, mất tích; tổ chức vi phạm hành chính đã bị giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 41 Nghị định này.

Căn cứ xác định cá nhân chết, mất tích; tổ chức bị giải thể, phá sản theo quy định tại Khoản 2 Điều 41 Nghị định này;”.

Căn cứ Điểm b Khoản 2 Điều 41 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn:

“Điều 41. Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn trong trường hợp người bị xử phạt chết, mất tích; tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản

… 2. Căn cứ xác định cá nhân chết, mất tích; tổ chức bị giải thể, phá sản;

… b) Thông báo về việc doanh nghiệp, hợp tác xã giải thể của cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký hợp tác xã đối với trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị giải thể, thông báo chấm dứt MST của cơ quan thuế đối với trường hợp tổ chức bị giải thể không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã (bản chính hoặc bản sao theo quy định);”.

Căn cứ Điều 44 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP:

“Điều 44. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 12 năm 2020.

2. Người nộp thuế áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13 tháng 6 năm 2019 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật này trước ngày 01 tháng 7 năm 2022 nếu vi phạm quy định về hóa đơn điện tử thì bị xử phạt theo quy định tại Nghị định này.

3. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, quy định tại các Nghị định, Thông tư sau đây hết hiệu lực thi hành:

a) Chương 1 và Chương III Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế

b) Khoản 2 Điều 4 Chương 1. Chương 4, Điều 44 Chương 5 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn;

c) Điều 3 Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP;

d) Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2013, Thông tư số 10/2014/TT-BTC ngày 17 tháng 01 năm 2014 và Thông tư số 176/2016/TT- BTC ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài chính”.

Cục Thuế TP. Hà Nội trả lời Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn VN-TAX được biết và thực hiện.

Chinhphu.vn