Thu tiền tỷ từ xuất khẩu nhàu
Anh Phạm Văn Phong, ngụ ấp Phú Thiện, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thành công trong việc trồng và đưa sản phẩm từ cây nhàu xuất khẩu ra nước ngoài, nhờ đó đã mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm cho gia đình.
Sơ chế trái nhàu tại Công ty TNHH Nông nghiệp và Dược liệu Phong Thảo.
Năm 2017, anh Phong từ bỏ công việc trong ngành dầu khí đầy hấp dẫn để quyết định về quê phát triển trồng cây nhàu với ý định anh nung nấu nhiều năm là sẽ xuất khẩu sản phẩm từ cây nhàu ra nước ngoài.
Chia sẻ cơ duyên đến với loài cây này, anh Phong cho hay, anh vốn yêu nông nghiệp, luôn ấp ủ xây dựng cho mình một trang trại trồng cây. Trong thời gian còn làm việc trong ngành dầu khí, anh đã được nhiều đồng nghiệp đến từ Hàn Quốc giới thiệu và cho dùng thử sản phẩm chiết xuất từ cây nhàu.
Qua tìm hiểu, anh nhận thấy, đây không chỉ là loại cây mang lại kinh tế mà còn là loại cây rất tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, loại cây này mọc rất nhiều ở Việt Nam nhưng chưa được nhiều người biết đến và tận dụng nhiều.
Để xây dựng mô hình, anh Phong đã mạnh dạn đầu tư 50ha đất để trồng cây nhàu. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, mọi thứ không dễ như suy nghĩ ban đầu của anh. Sau nhiều lần thất bại, phải gần 1 năm sau, anh mới nhân giống cây nhàu thành công.
“Lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm, vợ chồng tôi tỉ mỉ ngồi lựa chọn từng hạt giống, song ươm nhiều lần hạt vẫn không nảy mầm. Cứ như vậy gần 7 tháng trời, nản chí, vợ chồng tôi quyết định để hạt mọc tự nhiên, khi đó cây lại mọc lên nhanh chóng và dày đặc”, anh Phong chia sẻ thêm.
Hiểu được “tâm tính” của cây nhàu, chỉ một vài tháng sau, 50ha đất của anh Phong đã được phủ kín cây nhàu, với mật độ khoảng 900 cây/ha. Sau 9 tháng chăm sóc, cây nhàu bắt đầu cho trái, một năm sau cây cho thu trái ổn định.
Theo anh Phong, nhàu là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chi phí không đáng kể song cho thu nhập ổn định. Đặc biệt, toàn bộ diện tích nhàu được anh Phong trồng theo hướng hữu cơ 100%, chất lượng đảm bảo, an toàn, sạch.
Do vậy, dù sản lượng lớn, sản phẩm của anh thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp trong nước đặt hàng với số lượng hàng trăm tấn, nhưng anh không nhận lời vì không đủ lượng hàng cung cấp. Với 50ha, trung bình mỗi tháng anh thu khoảng 350 tấn trái tươi, giá bán 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh thu lãi khoảng 1,7 tỷ đồng/tháng.
Để tìm đầu ra ổn định, lâu dài cho sản phẩm, tìm hiểu sâu hơn về loại cây này, anh Phong nhận thấy trái nhàu là loại dược liệu quý, có giá trị dinh dưỡng cao, được sử dụng để điều trị một số loại bệnh, được nhiều nước trên thế giới sử dụng.
Năm 2019, Công ty TNHH Nông nghiệp và Dược liệu Phong Thảo, do anh làm chủ đã ra đời với quy mô nhà xưởng trên 2.000m2. Song song với đó, anh bắt đầu kết nối với nhiều doanh nghiệp tại Hàn Quốc để tìm đường đưa sản phẩm xuất ngoại.
Ngoài trái nhàu khô, doanh nghiệp của anh bắt đầu nghiên sản xuất nước cốt nhàu. Chia sẻ về quá trình sản xuất nước cốt nhàu, anh Phong cho biết, nguyên liệu nhàu thô rất dễ bán song giá thành không cao. Trong khi đó, trái nhàu có thể làm ra sản phẩm có giá trị cao gấp nhiều lần. Tuy nhiên, để làm được cốt nhàu không dễ và mất khá nhiều thời gian bởi quả nhàu sau khi được sơ chế, cần phải ủ khoảng 1 năm mới cho ra được thành phẩm là nước cốt nhàu.
Hiện nay, doanh nghiệp của anh Phong đang nghiên cứu và phát triển 4 loại sản phẩm được tinh chế từ trái nhàu bao gồm: nước cốt nhàu; mật ong hoa nhàu nguyên chất; tinh dầu nhàu cao cấp; nhàu sới lạnh.
Từ vài chục lít cốt nhàu mỗi mẻ thời gian đầu, đến nay, sau mỗi lần ủ, anh Phong đã cung cấp ra thị trường hàng ngàn lít. Tháng 4 vừa qua, lô hàng nước cốt nhàu đầu tiên của anh đã được xuất sang thị trường Hàn Quốc với khoảng 60 tấn. Hiện sản phẩm nước cốt nhàu đang được bán với giá 150.000 đồng/lít.
Ngoài tạo công ăn việc làm cho hàng chục nhân công tại địa phương với mức lương từ 5-7 triệu. Về lâu dài, anh Phong đang có ý định mở rộng nhà xưởng thêm 1.500m2, đồng thời kết hợp cùng chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch liên kết với nông dân có đất để phát triển thêm diện tích trồng nhàu.
Theo đó, anh Phong sẽ cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật trồng và hỗ trợ một phần vốn để các hộ xây dựng mô hình. Sản phẩm sau khi thu hoạch sẽ được anh Phong thu mua với giá 5.000 đồng/kg quả tươi.
Anh Phong cũng thông tin, theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì trong quả nhàu có tới 29 loại axit hữu cơ, tinh dầu và nhiều loại axit amin, caroten, vitamin C, sắt, Mg, Ca, K, Na đều là dưỡng chất có lợi cho sức khỏe.
Sơ chế, sản xuất sản phẩm từ trái nhàu tại Công ty TNHH Nông nghiệp và Dược liệu Phong Thảo.
Theo y học dân gian, quả nhàu vị hăng nồng, tính mát, trị nhức mỏi xương khớp, dùng dưới dạng quả chín phơi khô ngâm rượu hoặc sắc uống… Rễ nhàu vị hơi đắng, tính ấm nhưng đều có tác dụng hoạt huyết thông kinh, giảm đau, nhuận tràng, an thần, trừ phong thấp, trợ tiêu hóa, trị tăng huyết áp, chóng mặt, mất ngủ, đau lưng nhức mỏi chân tay… nên rất được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưu chuộng.
Đánh giá về mô hình trồng nhàu của anh Phong, ông Bùi Đức Viễn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc cho biết, đây là mô hình mới lạ phát triển tại địa phương tại địa phương, mang lại hiệu quả cao; trong đó, mô hình đặc biệt chú trọng phát triển theo hướng hữu cơ, đảm bảo tính bền vững cho cây trồng, đất cũng như sức khỏe của người sử dụng. Hiện, địa phương đang kết hợp cùng doanh nghiệp của anh Phong tìm kiếm những hộ dân có diện tích đất lớn để nhân rộng mô hình.
Hoàng Nhị (Theo TTXVN/Dân Việt)
https://etime.danviet.vn/thu-tien-ty-tu-xuat-khau-nhau-20200818153211397.htm