Thu tiền triệu mỗi năm từ cây điều khổng lồ
Anh Nguyễn Ngọc Nguyên ở tổ 5, ấp Trảng Lớn, xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sở hữu 1 cây điều trên 40 năm tuổi, thân cây hai thanh niên lực lưỡng mới ôm hết.
Mỗi năm cây này cho thu hoạch từ 150-200 kg hạt, giúp anh nhân giống trồng được 3 ha điều năng suất cao cho gia đình và bà con trong ấp.
Ông Hoàng Văn Phú, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hắc Dịch cho biết: “Cả xã có 1.220 ha đất trồng điều. Cây điều chưa phải là cây chủ lực nhưng nếu bà con chịu khó học hỏi kỹ thuật, đầu tư phân bón, xử lý ra hoa, đậu trái, tưới nhỏ giọt… năng suất vẫn có thể đạt vài tấn/ha”.
Anh Nguyên bên cây điều “khổng lồ” vẫn đều đặn cho trái ngọt, bùi.
Hộ anh Nguyễn Ngọc Nguyên có diện tích trồng điều không nhiều, nhưng biết kết hợp trồng tiêu và cây ăn trái dưới tán điều, mang lại thu nhập ổn định. Đặc biệt, anh Nguyên đang sở hữu một cây điều khổng lồ và có tuổi thọ cao nhất tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (trên 40 năm tuổi).
Sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam, năm 1981 trong một lần vào thăm người chú ở xã Hắc Dịch, anh Nguyên thấy khí hậu mát mẻ, đất đai còn rộng nên “phải lòng” mảnh đất này luôn.
Anh kể: “Hồi đó ở đây còn hoang vu lắm, đất đai rất rẻ, khoảng 1 chỉ vàng mua được 1 ha đất. Tôi quyết đình về quê gom góp tiền bạc và đưa vợ con vào lập nghiệp. Lúc đó tôi mua được 3 ha đất cỏ tran. Ở góc vườn mọc lên 1 cây gì trông rất kỳ lạ, quả ăn có vị chua chua, ngọt ngọt, hạt lại mọc ở ngoài, khi nướng lên ăn lại thấy bùi bùi và rất ngon miệng, sau này hỏi ra mới biết là cây điều”.
Theo lời kể của người cao tuổi ở ấp, xuất xứ của cây điều này được một anh bộ đội nằm vùng, không biết lấy hạt từ đâu mang về trồng (khoảng trước 1975). Bây giờ cây điều này đã trên 40 năm tuổi, vươn cao vài chục mét, tán rộng phủ mát một vùng đất. Đặc biệt cây điều “khổng lồ” lá vẫn xanh tốt và cho gia chủ rất nhiều trái (150 – 200 kg hạt/vụ).
Anh Nguyên cho biết, mới đầu gia đình trồng củ mì, bắp, đậu, khoai lang… Đến năm 1987 anh bắt đầu chuyển qua trồng điều (giống điều hạt). Chỉ 3 năm sau cây điều bắt đầu đơm bông kết trái, cây nào cũng lúc lỉu quả, năng suất đạt từ 2,8 – 3 tấn/ha/năm.
Chưa hài lòng kết quả trên, năm 2008 anh mạnh dạn cưa bỏ toàn bộ diện tích điều hạt, chuyển qua trồng điều ghép (điều cao sản PN1). Qua quá trình trồng, anh thấy giống điều mới này rất phù hợp và phát triển tốt, từ năm thứ 8 trở đi năng suất bình quân đạt từ 3 – 3,5 tấn/ha/năm, nếu chăm sóc tốt có thể đạt trên 4 tấn.
Anh nói: “Nếu trồng điều mà duy trì năng suất ổn định như vậy thì còn ngon hơn trồng cà phê, do không phải đầu tư tưới nước, xịt thuốc, công làm cỏ… Năm nay do thời tiết không thuận, lạnh nhiều, thỉnh thoảng có đợt sương muối, cây điều bị bọ xít muỗi và bọ trĩ, dẫn tới năng suất giảm. Giá cả thì lại không ổn định, một số người đã vội phá điều trồng các loại cây khác. Nhìn xót lắm!”.
Anh Nguyên khẳng định rất có duyên với cây điều, ngay từ buổi ban đầu vào lập nghiệp, kinh tế rất khó khăn, rẫy của anh đã trồng điều. Nhờ hạt điều những ngày mưa gió nhà hết gạo, vợ anh lấy hạt điều rang cho các con ăn cũng qua được cơn đói. Chính vì vậy anh rất quý trọng cây điều.
“Điều là cây lâu năm có tán rất rộng, cần phải trồng thưa. Khoảng cách từ 10-12 m/cây, dưới tán điều có thể trồng các trụ tiêu ở giữa hai hàng điều. Trái tiêu tiết ra vị cay nồng có thể xua đuổi được một số loại côn trùng, tăng thu nhập trong cùng một đơn vị đất canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, ngoài kỹ thuật bón phân, hàng năm sau khi thu hoạch cần tỉa cành, tạo tán, làm vệ sinh đồng ruộng, bón phân sau thu hoạch để bổ sung dinh dưỡng cho cây.
Áp dụng kỹ thuật xử lý ra hoa, đậu trái; thường xuyên thăm và theo dõi phát hiện sớm vườn điều bị bệnh để xịt thuốc vào thời điểm cành lá non (tháng 10), lúc cây ra bông (tháng 12) và lúc bắt đầu ra trái non (tháng 2, 3), lưu ý xịt thuốc vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát mới có hiệu quả”, anh Nguyên chia sẻ.
Qua việc trồng điều, kết hợp trồng tiêu, sầu riêng, một năm gia đình anh Nguyên thu nhập khoảng 300 triệu đồng.