‘Thủ phủ’ rươi Tứ Kỳ vào chính vụ

“Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm”, người dân nuôi rươi các xã ven sông Thái Bình thuộc huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) lại vào vụ thu hoạch rươi chính vụ.

Ông Phạm Xuân Luận, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp An Thanh có 1ha nuôi rươi cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm. Ảnh: Hoàng Dân.

Ông Phạm Xuân Luận, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp An Thanh có 1ha nuôi rươi cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm. Ảnh: Hoàng Dân.

“Lộc trời”

Huyện Tứ Kỳ nằm hoàn toàn ở giữa hệ thống sông Thái Bình. Là huyện có diện tích lớn đất ngập úng với thủy triều lên xuống của con sông Thái Bình, bởi vậy nơi đây trở thành vùng khai thác rươi trọng điểm của tỉnh Hải Dương.

Rươi là loài động vật không xương sống, sinh sôi ở vùng nước lợ và cũng là loại đặc sản được nhiều người tìm kiếm. Rươi có ở nhiều vùng, nhưng rươi ở Tứ Kỳ là nổi tiếng hơn cả. Người dân nơi đây ví rươi như là “lộc trời”.

Đầu năm 2020 cống Sồi, xã An Thanh được khôi phục lại mở rộng thêm 200ha diện tích khai thác rươi trong đồng. Ảnh: Hoàng Dân.

Đầu năm 2020 cống Sồi, xã An Thanh được khôi phục lại mở rộng thêm 200ha diện tích khai thác rươi trong đồng. Ảnh: Hoàng Dân.

Ông Đào Văn Soái, Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ cho biết: “Hiện toàn huyện có khoảng 500ha diện tích khai thác rươi, tập trung ở các xã ven sông Thái Bình như An Thanh, Cộng Lạc, Nguyên Giáp, Quang Trung, Bình Lăng, vào thời điểm tháng 9 đến tháng 11 âm lịch là thời điểm người dân khai thác rươi chính vụ”.

Nghề khai thác rươi ở Tứ Kỳ có từ lâu. Trước đây, việc khai thác rươi thủ công. Cứ đến mùa rươi nổi, người dân mang rổ, rá đi vớt rươi. Tuy nhiên khi rươi trở thành món ăn đặc sản, được săn đón với giá cao, người dân đã tập trung cải tạo ruộng nuôi rươi, xây cống dẫn nước, tạo điều kiện thuận lợi cho rươi sinh sản.

Để cho đất tơi xốp, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho rươi, người dân cấy 1 vụ lúa chiêm, lúa tuyệt đối không được bón phân hóa học cũng như phun thuốc bảo vệ thực vật, sau khi thu hoạch, rơm được ấn xuống bùn tạo mùn, để ruộng khô, thoáng.

Vào đầu tháng 9 âm lịch, khi thủy triều từ sông Thái Bình chảy vào ngập ruộng là thời điểm rươi nổi lên và khi nước rút, rươi sẽ theo con nước chảy ra sông. Người dân đã thiết kế đường nước, làm cống để gạn rươi vào lưới đã được đặt sẵn.

Người dân huyện Tứ Kỳ ví rươi như 'lộc trời'. Ảnh: Hoàng Dân.

Người dân huyện Tứ Kỳ ví rươi như “lộc trời”. Ảnh: Hoàng Dân.

Theo kinh nghiệm của người nuôi rươi, mỗi khi thời tiết chuyển mùa, khi thủy triều tràn vào ruộng, thì rươi lên rất nhiều và đó cũng là thời điểm thu hoạch.

Ông Phạm Xuân Luận, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp An Thanh cũng là người sở hữu nhiều diện tích nuôi rươi nhất vùng, nói: “Gia đình tôi hiện có hơn 1 ha ruộng đang cho khai thác rươi, nhờ tìm hiểu tập tính sinh trưởng phát triển của con rươi, nên 5 năm gần đây, sản lượng rươi cao hơn từ 2 – 3 lần so với trước”.

Theo ông Luận, nuôi rươi rất khó, chúng chủ yếu phát triển tự nhiên, người nuôi chỉ có thể cải tạo môi trường sống sạch sẽ, để chúng sinh trưởng tốt.  Trung bình 1 sào thu hoạch được 30 – 40kg, với giá bán từ 400 – 500 nghìn đồng/kg. Ngoài thu hoạch 1 vụ rươi chính (vụ mùa), người nuôi rươi sẽ thu thêm được 1 vụ rươi trái vụ, 1 vụ lúa chiêm, 1 vụ cáy vào tháng 6, tháng 7. Như vậy 1 sào ruộng rươi sẽ cho thu lãi 20 triệu đồng, tương tương hơn 500 triệu/ha.

Rươi Tứ Kỳ bán tại ruộng có giá từ 400 - 500 nghìn đồng/kg. Ảnh: Hoàng Dân.

Rươi Tứ Kỳ bán tại ruộng có giá từ 400 – 500 nghìn đồng/kg. Ảnh: Hoàng Dân.

Mở rộng diện tích khai thác rươi

Mặc dù có giá cao nhưng rươi Tứ Kỳ lại vô cùng được ưa chuộng, nhất là đối với những người sành ăn nên rươi bắt được bao nhiêu đều bán hết. Rươi thường được phân phối đi các tỉnh thành lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP. HCM và được xuất khẩu. Rươi thường xuyên ở trong tình trạng cung không đủ cầu.

Nhờ mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu năm 2020 UBND tỉnh Hải Dương cho phép mở lại cống Sồi tại xã An Thanh (Tứ Kỳ). Công trình được đầu tư khoảng 10 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách. Cống Sồi đi vào hoạt động đã khôi phục lại hơn 200ha diện tích khai thác rươi, cáy trong đồng.

Bên cạnh đó, ông Đào Văn Soái, Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ cho biết thêm: “Từ đầu năm 2020 đến nay, huyện đã đầu tư gần 50 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, khơi thông kênh mương dẫn nước, làm đường giao thông nội đồng, giúp người nuôi rươi sản xuất thuận tiện. Trong thời gian tới, huyện sẽ xây dựng thêm một số công trình cống dưới đê để lấy nước từ sông Thái Bình vào bên trong đồng tăng diện tích khai thác rươi”.

Rươi, cáy cấp đông Tứ Kỳ hiện được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Ảnh: Hoàng Dân.

Rươi, cáy cấp đông Tứ Kỳ hiện được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Ảnh: Hoàng Dân.

Rươi, cáy cấp đông Tứ Kỳ hiện được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Việc mở rộng, khai thác diện tích nuôi rươi, không chỉ tạo tiềm năng khai thác, mà còn phát triển vùng du lịch sinh thái kết hợp ẩm thực bảo tồn nguồn lợi từ thiên nhiên, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân.

Rươi thường sống ở nước lợ, cửa sông, cửa biển. Rươi trưởng thành dài 7 – 10cm, rươi cái có màu hồng, rươi đực có màu xanh. Rươi được biết đến không chỉ là một thực phẩm ngon, bổ dưỡng mà còn là một vị thuốc quý. Rươi được chế biến thành các món ăn như chả rươi, nem rươi, rươi kho, canh rươi.