“Thủ phủ” cá chép đỏ nổi tiếng xứ Thanh tất bật vào vụ thu hoạch
Chỉ còn 3 ngày nữa là đến 23 tháng Chạp – Tết ông Công, ông Táo. Để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp này, các hộ nuôi cá chép đỏ tại thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương đang tất bật chuẩn bị cho những mẻ cá ra thị trường.
Với 5 sào diện tích mặt nước nuôi cá giống và cá thương phẩm, nắm bắt nhu cầu tiêu thụ cá chép đỏ của người dân tăng đột biến dịp cuối năm, do vậy hàng năm cứ vào khoảng tháng 7 âm lịch, gia đình anh Nguyễn Văn Tiến (phố Bái Trúc, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương) bắt đầu thả cá chép đỏ để kịp tiêu thụ sau nhiều tháng chăm sóc.
Nghề nuôi cá chép tại đây nổi tiếng với giống cá chép đỏ phục vụ lễ cúng Tết “ông Công, ông Táo”.
Để kịp cung ứng cá cho các thương lái, những ngày này, gia đình anh Tiến phải huy động thêm hàng chục lao động hối hả bơm nước, tát ao, kéo rồng để thu hoạch và phân loại cá. Bắt đầu hút nước thu hoạch cá từ ngày 18 tháng Chạp để cung cấp cho thương lái trên địa bàn. Với 5 sào ao nuôi, năm nay gia đình anh Tiến thu hoạch được hơn 6 tạ cá chép đỏ.
Theo anh Tiến, việc chăm sóc cá chép đỏ phải cẩn thận, công phu để cá không bị dịch bệnh, khi bán cho thương lái cung cấp ra thị trường dịp tết ông Công, ông Táo, cá chỉ vừa bằng ba đầu ngón tay, màu đỏ tươi, rực rỡ. Hiện tại, giá bán cá chép đỏ tại thị trấn Tân Phong trung bình cho thương lái từ 100.000 – 120.000 đồng/kg (loại 20 – 40 con/kg).
Hiện tại, giá bán cá chép đỏ cho thương lái trung bình từ 100.000 – 120.000 đồng/kg.
Được biết, bắt đầu từ tháng 11 âm lịch đã có thương lái đặt hàng cá chép đỏ. Cá tại đây được tiêu thụ trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Nghệ An, Hà Tĩnh,…
Người dân sẽ tát ao thu hoạch cá trước khi xuất bán khoảng 3 – 5 ngày. Sau khi thu hoạch, cá sẽ được chuyển vào các bể xi măng để thải ra ngoài hết lượng phân và thức ăn còn trong cơ thể, đồng thời làm cho cá quen với môi trường chật trội, oxy thấp khi vận chuyển.
Cá chép đỏ đẹp, vừa ý, lúc xuất phải đạt tiêu chuẩn khoảng 30 – 40 con/kg. Muốn có cá tốt, khâu đầu tiên là phải chọn được cá bố mẹ khỏe. Nổi tiếng với nghề nuôi cá chép đỏ, hàng năm cứ vào khoảng tháng 11 âm lịch, các thương lái khắp nơi lại tìm đến các trại nuôi cá chép đỏ tại thị trấn Tân Phong đặt mua cá.
Những năm gần đây, nghề nuôi cá chép đỏ đã trở thành một sản phẩm chính, được các trại cá chú trọng phát triển.
Tuy không phải là nghề mang lại thu nhập quá cao, nhưng so với các giống cá truyền thống thì nuôi cá chép đỏ có nhiều ưu thế hơn như sức đề kháng tốt, ít mắc dịch bệnh, thức ăn đơn giản, ít tốn kém, thời gian nuôi ngắn nên nhanh cho thu hoạch. Trung bình, với 1ha diện tích mặt nước nuôi cá chép đỏ, trừ mọi chi phí các hộ nuôi thu về khoảng 40 triệu đồng tiền lãi.