“Thủ phạm” gây chứng đái dầm ở người lớn và cách khắc phục hiệu quả
Nếu chỉ đái dầm một vài lần thì bạn không cần quá lo lắng nhưng nếu tình trạng này diễn ra liên tục thì có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh lý. Vậy những nguyên nhân nào gây ra tình trạng đái dầm ở người lớn và cách khắc phục như thế nào?
1. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đái dầm ở người lớn
Hiện tượng đái dầm khá phổ biến ở trẻ nhỏ như sẽ tự mất đi khi trẻ lớn lên. Đái dầm ở người lớn thường tiềm ẩn nguy cơ bệnh lý. Tuy nhiên, vì tâm lý e ngại, xấu hổ nên người bệnh không muốn chia sẻ, giấu bệnh, đến khi những triệu chứng nghiêm trọng mới đi thăm khám.
Đái dầm ở người lớn tiềm ẩn nguy cơ bệnh lý
Các nguyên nhân gây bệnh thường gặp:
– Một số bệnh lý vấn đề của hệ thần kinh (não, tủy sống, các dây thần kinh trong cơ thể). Ví dụ như bệnh Parkinson, chấn thương tủy sống và sau đột quỵ.
– Các vấn đề về nội tiết tố:
Để duy trì một giấc ngủ dài vào ban đêm, cơ thể sẽ tiết ra nhiều hormone chống lợi tiểu – loại hormone này có tác dụng làm chậm quá trình sản xuất nước tiểu và giảm nhu cầu đi tiểu của con người.
Tuy nhiên, do một số vấn đề bất thường về nội tiết tố mà cơ thể không sản xuất đủ hormone chống lợi tiểu hoặc không đáp ứng với loại hormone này nên gây ra tình trạng tiểu đêm nhiều lần hoặc đái dầm.
– Ngủ khi cơ thể quá mệt, rối loạn thần kinh, một số bất thường về não như u não hoặc hiện tượng tai biến mạch máu não,… cũng có thể gây ra tình trạng đái dầm.
– Kích thước bàng quang nhỏ thì lượng nước tiểu đựng trong bàng quang sẽ ít hơn bình thường, vì thế người bệnh sẽ có xu hướng đi tiểu nhiều hơn và khó kiểm soát tiểu khi đang ngủ.
– Táo bón: Tình trạng táo bón cũng gây kích thích bàng quang và khiến bạn tiểu nhiều hơn bình thường.
– Khi bàng quang trống, cơ bàng quang sẽ thực hiện co bóp, nhưng khi bàng quang đầy nước tiểu thì cơ bàng quang cần được thư giãn. Trong trường hợp bàng quang hoạt động quá mức sẽ có thể gây ra hiện tượng đái dầm ở người lớn.
– Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình có cả bố và mẹ đều mắc bệnh đái dầm thì trẻ cũng sẽ có nguy cơ mắc căn bệnh này cao hơn những người khác.
– Ung thư: Nếu các cơ quan đường tiết niệu có khối u, đặc biệt là u ác tính thì sẽ gây ảnh hưởng nhất định đối với hệ tiết niệu, trong đó có thể bao gồm cả tình trạng đái dầm.
Người bệnh tiểu đường dễ gặp phải hiện tượng đái dầm
– Bệnh tiểu đường: Đối với những bệnh nhân mắc căn bệnh này, lượng đường trong máu và trong nước tiểu cũng tăng lên đáng kể. Do vậy, thận của người bệnh cũng phải hoạt động nhiều hơn. Vì thế, bệnh nhân tiểu đường sẽ tiểu nhiều hơn người bình thường và có thể mắc phải chứng đái dầm.
– Ngoài ra, chứng đái dầm ở người lớn còn có thể do một số nguyên nhân khác như viêm nhiễm các cơ quan sinh dục, lạm dụng tình dục hay rối loạn giấc ngủ.
2. Làm thế nào để chẩn đoán đái dầm ở người lớn là do bệnh lý?
Không phải là tất cả nhưng hầu hết các trường hợp đái dầm ở người lớn xuất phát từ các loại bệnh. Chính vì thế, để chẩn đoán chính xác, các bác sĩ không chỉ dựa vào các thông tin bệnh nhân cung cấp mà còn chỉ định người bệnh làm một số xét nghiệm cần thiết khác. Cụ thể, khi đi khám, bệnh nhân cần thực hiện một số lưu ý như sau:
– Cung cấp một số thông tin cho bác sĩ:
+ Thường đái dầm vào lúc nào? Tần suất đái dầm ra sao?
+ Bạn uống gì trước khi đi ngủ? Uống bao nhiêu?
+ Lượng nước tiểu không tự chủ trong khi ngủ nhiều hay ít?
+ Có kèm theo các triệu chứng khác không?
– Một số xét nghiệm cần thực hiện:
+ Xét nghiệm phân tích nước tiểu: Từ các chỉ số kết quả sẽ phát hiện bệnh nhiễm trùng hay một số bệnh lý về đường tiết niệu, bao gồm bệnh về niệu đạo, bàng quang, niệu quản và thận.
Xét nghiệm nước tiểu rất hữu ích trong quá trình xác định bệnh
+ Nuôi cấy nước tiểu để đánh giá nhiễm khuẩn tiết niệu.
+ Đo niệu dòng.
+ Đo lượng nước tiểu tồn lưu sau khi tiểu.
3. Điều trị bệnh đái dầm ở người lớn như thế nào?
Dưới đây là một số phương pháp thường được áp dụng để điều trị bệnh đái dầm ở người lớn:
– Điều chỉnh thói quen sinh hoạt:
+ Luyện tập tiểu đúng giờ: Phương pháp này cũng rất đơn giản. Cách thực hiện như sau: Khi có cảm giác bị kích thích đi tiểu, bạn không nên tiểu ngay mà thử nhịn từ 5 đến 10 phút. Sau một thời gian, bạn có thể tăng dần thời gian giữa hai lần tiểu. Tác dụng của phương pháp này là giúp bàng quang giữ được lượng nước tiểu nhiều hơn.
Không uống bia rượu khi đi ngủ
+ Không uống chất lỏng trước khi ngủ để hạn chế tiểu đêm. Đặc biệt cần hạn chế uống rượu bia hay caffeine trước khi ngủ vì đây là các loại đồ uống gây kích thích bàng quang, làm tăng nguy cơ đái dầm.
+ Có thể đặt đồng hồ báo thức vào một giờ cố định để đi tiểu đêm.
– Các biện pháp khác:
+ Dùng thuốc để kiểm soát bàng quang tăng hoạt, giảm khả năng sản xuất nước tiểu của thận,… Lưu ý, chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
+ Phẫu thuật mở rộng bàng quang.
+ Kiểm soát dòng chảy nước tiểu.
Nếu đã thay đổi thói quen sinh hoạt nhưng vẫn không thể cải thiện tình trạng đái dầm, tiểu đêm, thì cần đi khám để bác sĩ tìm nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị cụ thể, tránh ủ bệnh lâu ngày gây ảnh hưởng đến sức khỏe và giảm chất lượng sống.
Để được tư vấn thêm hoặc có nhu cầu thăm khám, mời bạn liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Chuyên khoa Thận – Tiết niệu tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC được đầu tư nhiều loại máy móc hiện đại và là nơi quy tụ các bác sĩ có chuyên môn cao. Vì thế, bạn có thể hoàn toàn an tâm khi lựa chọn và sử dụng các dịch vụ y tế tại đây.