Thử nghiệm trồng tỏi cô đơn trên đất Tu Tra
Tỏi cô đơn hay còn gọi là tỏi mồ côi hay là tỏi có một tép, tất cả các chất dinh dưỡng của tỏi chỉ tập trung vào một tép theo cách tự nhiên mà không cần bất cứ sự tác động nào của con người.
Theo các nhà nghiên cứu, tỏi cô đơn không chỉ là loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng mà còn có những đặc tính kỳ diệu như có khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch, làm giảm huyết áp, có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa tế bào, chống tắc nghẽn mạch máu, làm giảm sưng huyết và tiêu viêm, phòng ung thư, giảm mỡ máu, đổ mồ hôi tay chân…
Hiện nay con người đang hướng đến sử dụng loại tỏi cao cấp hơn có nhiều công dụng đó là loại tỏi đen. Tỏi đen là sản phẩm lên men từ tỏi tươi hay còn gọi là tỏi trắng. Hoạt chất có trong tỏi đen rất có lợi cho cơ thể chống lại bệnh ung thư, tác dụng hạ huyết áp, hạ cholesterol. Quốc gia đầu tiên làm ra tỏi đen là Hàn Quốc, còn Nhật Bản là nước tiêu thụ tỏi đen lớn nhất, nhu cầu tiêu thụ tỏi đen trong nước và trên thế giới ngày càng lớn do nhu cầu bảo vệ sức khỏe con người ngày càng cao. Do đó sản phẩm tỏi đen đang đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tỏi đen được làm từ nhiều loại tỏi như tỏi tép, tỏi cô đơn, nhưng làm từ tỏi cô đơn có giá trị cao hơn.
Mô hình trồng thử nghiệm tỏi cô đơn từ tỏi 6-8 tép tại Hợp tác xã Nông nghiệp Xanh ở xã Tu Tra, huyện Đơn Dương đang là mô hình áp dụng cây trồng mới hướng đến nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích đất. Giống tỏi và kỹ thuật trồng được Công ty Dược Đông Á ký hợp đồng với Hợp tác xã để trồng thử nghiệm với diện tích 4,5 ha. Tỏi được xuống giống vào đầu tháng 9/2015, theo đánh giá ban đầu của Hợp tác xã thì tỏi một nhánh chiếm khoảng trên 90%, đường kính của củ đạt khoảng 1,5-2cm, cây tỏi sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ nảy mầm cao lên tới 95%, tỏi có độ đồng đều khá. Theo anh Hưng chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết loại tỏi này dễ trồng và chăm sóc, cày đất, bón lót, trồng và chăm sóc giống như trồng các loại rau. Sau khi trồng 4,5 tháng là thu hoạch. Dự kiến năng suất tỏi của Hợp tác xã đạt khoảng 1,5 tấn/1.000m2. Giống tỏi để trồng ra tỏi một nhánh loại này là tỏi 6-8 tép, mỗi tép trồng ra một cây, lượng giống trồng cho 1.000m2 khoảng 120 kg, với giá giống mà Hợp tác xã ký hợp đồng với Công ty Dược Đông Á là 145.000đ/kg. Anh Hưng cho biết thêm loại tỏi này khá phù hợp với điều kiện khí hậu đất đai của Đơn Dương từ khi trồng đến nay cây sinh trưởng và phát triển đều, ít sâu bệnh hại, công chăm bón ít.
Hiện toàn bộ sản lượng tỏi sản xuất ra được Công ty Dược Đông Á thu mua toàn bộ với giá ban đầu khoảng 56.000đ/kg. Ước tính lợi nhuận khoảng 40-50 triệu đồng/1.000m2 sau khi trừ hết các chi phí. Đây là mức lợi nhuận khá cao so với các loại cây trồng ngoài trời khác. Trong thời gian tới Công ty Dược Đông Á sẽ thành lập một nhà máy chế biến tỏi đen và mở rộng diện tích liên kết canh tác tỏi một nhánh cho bà con nông dân. Mối liên kết giữa nhà doanh nghiệp và nông dân hợp tác sản xuất tỏi để chế biến tỏi đen thành công sẽ mở ra một nền nông nghiệp gắn với chế biến đem lại hiệu quả cao.
Nguyễn Thị Thùy – TTKN Lâm Đồng