Thử ngay những cách này để kiềm chế cảm xúc tức giận
–
Thứ tư, 28/10/2020 21:07 (GMT+7)
Trong cuộc sống, công việc hàng ngày, có nhiều nguyên nhân khiến con người ta bị stress, tức giận. Việc cáu gắt tức giận, mất bình tĩnh thường xuyên có thể dẫn đến các bệnh tim, gan, đột quỵ… thậm chí ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh bạn. Dưới đây là những cách kiềm chế cảm xúc nóng giận để đảm bảo sức khỏe bản thân.
1. Hít thở sâu trong 10 giây
Đây là cách tuy đơn giản nhưng lại cực kỳ hiệu quả. Khi cảm thấy cảm xúc tiêu cực của bản thân đang có dấu hiệu tăng lên, hãy dừng lại mọi thứ, nhắm mắt, hít thở sâu trong vòng 10 giây, bạn sẽ nhanh chóng kiềm chế được cảm xúc của mình và lấy lại bình tĩnh.
2. “Uốn lưỡi 7 lần” trước khi nói
Dù đang cực kỳ tức giận, muốn tuôn hết mọi thứ bạn nghĩ trong đầu ra thành lời, thì hãy cố gắng suy nghĩ về những điều định nói, để không phải hối hận về sau.
3. Mở lòng, chia sẻ với người khác
Hãy mở lòng ra và chia sẻ nhiều hơn. Việc nói chuyện, tâm sự với bạn bè, người thân của mình sẽ giúp sự tức giận, cảm xúc tiêu cực giảm đi nhanh chóng và bạn có thể cũng sẽ nhận được những lời khuyên hữu ích từ bạn bè, người thân của mình.
4. Quên tức giận bằng việc đi tìm niềm vui
Đừng cố gắng thể hiện sự tức giận của bản thân qua hành động, lời nói, hãy bỏ qua 1 bên, làm những điều bạn thích ví dụ: xem một bộ phim hài hước, nghe nhạc,… tâm trạng của bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn.
5. Hỏi chắc chắn để không bị hiểu nhầm
Những lời nói vụng về, tưởng chừng vô hại của người khác đôi khi lại khiến chúng ta hiểu nhầm, gây nên những suy nghĩ và khó chịu không đáng có. Do vậy, mẹo ở đây là khi bạn không hài lòng về lời nói của người khác, hãy hỏi lại chắc chắn xem ý của họ là gì.
6. Hạ “cái tôi” của bản thân
Tức giận là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Trong các cuộc tranh luận, hay giao tiếp, người có “cái tôi” quá lớn, là người luôn xem mình là nhất, không chịu thua kém bất cứ ai, bất cứ việc gì,… và khi đã tức giận, có thể tức giận rất lâu và phản ứng rất nặng nề.
Hạ cái tôi xuống, đặt mình vào vị trí của người khác, để cùng tìm phương hướng giải quyết.
Hạ cái tôi của bản thân để chọn cách thấu hiểu thay vì tức giận.
7. Đọc sách và thiền định
Một cuốn sách hay và hữu ích có thể giúp chúng ta thoát khỏi những cảm xúc bi quan, cũng nhờ vậy trở nên trầm tĩnh và lạc quan hơn.
Thiền định giúp con người ta thư giãn, kiềm chế cơn tức giận.
Thiền định giúp người ta bớt nóng nảy, hung hăng, giảm bệnh về tinh thần, tăng sự tự tin, quyể đoán, khả năng chịu đựng trong tình huống xấu,… Ngoài tác dụng thư giãn, nó còn giúp phòng và chữa các bệnh do mất cân bằng chức năng cơ thể.