Thu hút đầu tư hiệu quả ở huyện Bàu Bàng
Trong những ngày thu tháng 8, chúng tôi về thăm lại huyện Bàu Bàng, một địa phương giàu truyền thống cách mạng với vùng căn cứ Chiến khu Long Nguyên trung dũng, kiên cường trong hai cuộc kháng chiến. Chiến thắng Bàu Bàng vào ngày 12/11/1965 đã đi vào lịch sử và lưu danh, mãi là “địa chỉ đỏ” cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Tạo đột phá, thu hút 4,65 tỷ USD vốn FDI
Ngày 1/4/2014, huyện Bàu Bàng được thành lập và chính thức đi vào hoạt động theo Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 29/12/2013 của Chính phủ. Khi mới thành lập, huyện chỉ có Khu công nghiệp Bàu Bàng. Năm 2016, thành lập Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp-dịch vụ.
Theo UBND huyện Bàu Bàng, tác động từ các khu công nghiệp ở Bàu Bàng giúp thu hút đầu tư vào huyện rất hiệu quả. Sáu tháng đầu năm 2022 đã có thêm 17 dự án mới; tăng vốn bổ sung của doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào huyện với tổng vốn đăng ký 8.334,5 tỷ đồng và 318 triệu USD. Kết quả này nâng nguồn vốn đầu tư vào huyện lên 1.257 dự án.
Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Bình Dương, Khu công nghiệp Bàu Bàng và Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng có hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có vị trí thuận lợi, liền kề các trục giao thông quan trọng như quốc lộ 13, đường tạo lực Tân Vạn-Mỹ Phước-Bàu Bàng…, đã kết nối hoàn chỉnh, thông suốt đến Thành phố Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Long An, các tỉnh lân cận và Tây Nguyên.
Nhờ vậy, các khu công nghiệp này thu hút đầu tư rất hiệu quả, nhất là những dự án lớn như: Tập đoàn Kalon Industries (Hàn Quốc) đầu tư dự án sản xuất sợi lốp ô-tô 220 triệu USD; Công ty TNHH KyungBang Việt Nam (Hàn Quốc) đầu tư hơn 179 triệu USD sản xuất các loại sợi và vải; Công ty Polytex Far Eastern Việt Nam (Ðài Loan, Trung Quốc) đầu tư chuỗi liên hợp hóa sợi-dệt-nhuộm với vốn hơn 274 triệu USD…
Trong năm 2022, đã có thêm nhiều dự án mới, như: dự án nhà máy 2 của Công ty TNHH Paihong Việt Nam (Samoa), vốn đầu tư 35 triệu USD sản xuất vải các loại; dự án Công ty TNHH A.J. Plast Việt Nam (Thái Lan), vốn đầu tư khoảng 33,3 triệu USD sản xuất màng định hướng hai chiều (màng BO); dự án Công ty cổ phần sữa quốc tế-chi nhánh Bình Dương với mục tiêu chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa, vốn đầu tư 2.800 tỷ đồng; dự án Phát triển công nghiệp BW Bàu Bàng-06 với mục tiêu kinh doanh cho thuê văn phòng, dịch vụ kho bãi, vốn đầu tư 2.935 tỷ đồng…
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng Võ Thành Giàu chia sẻ: Nhờ khu công nghiệp thu hút đầu tư hiệu quả nên kinh tế của địa phương phát triển nhanh, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hằng năm gần 22%. Trong năm 2021, tuy ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng của huyện đạt 24.357 tỷ đồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 6.380 tỷ đồng.
Trong sáu tháng đầu năm 2022, hai chỉ số này lần lượt đạt hơn 8.900 tỷ đồng và gần 3.784 tỷ đồng. Kinh tế phát triển tạo điều kiện cho đời sống người dân thay đổi, toàn huyện chỉ còn 60 hộ nghèo (tỷ lệ 0,34%) theo tiêu chí của tỉnh…
Ngoài các khu công nghiệp đi vào hoạt động, hiện huyện Bàu Bàng đang đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu công nghiệp: Tân Bình 352,5ha (phần diện tích thuộc địa bàn huyện 95,18 ha), Cây Trường (700ha), Lai Hưng (600ha). Tổng công ty Becamex IDC, là chủ đầu tư các Khu công nghiệp Bàu Bàng, Khu công nghiệp Mỹ Phước và liên doanh phát triển các khu công nghiệp Việt Nam-Singapore, hiện đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu công nghiệp khoa học-công nghệ.
Chia sẻ sự đồng thuận của người dân, chính quyền giúp khu công nghiệp triển khai thuận lợi, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Becamex IDC cho biết: Chủ trương nhất quán của doanh nghiệp là xây dựng khu công nghiệp tạo sự đột phá thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển. Ở vùng làm khu công nghiệp, người dân phải có cuộc sống tốt hơn trước; còn nếu bằng hoặc kém hơn thì quy hoạch và phát triển khu công nghiệp chẳng còn ý nghĩa gì.
Mục tiêu đó phải trở thành nhận thức của cấp ủy, chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị. Quyền lợi được bảo đảm, lợi ích được chia sẻ, môi trường được bảo vệ, pháp luật được tôn trọng, đó là những gì người dân mong mỏi, chung tay thực hiện và giám sát.
Phát huy vai trò Đảng lãnh đạo
Xuyên suốt quá trình phát triển của huyện Bàu Bàng là công tác đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với hệ thống chính trị, tạo hiệu quả cụ thể, nổi bật như mô hình “Gần dân, sát dân” để giúp dân đang được duy trì hiệu quả. Với mô hình này, hằng tháng, mỗi cán bộ lãnh đạo của huyện, xã tự sắp xếp một hoặc hai ngày đến gặp gỡ, tiếp xúc với ít nhất hai hộ gia đình ở địa bàn nơi mình được phân công phụ trách hoặc nơi cư trú.
Khi tiếp xúc, cán bộ ghi chép cẩn thận những nội dung người dân phản ánh từ những vấn đề lớn đến những việc gần gũi với đời sống thường nhật của họ, như xây dựng đường giao thông, đền bù giải tỏa trong lĩnh vực đất đai, giải quyết chế độ chính sách, bảo vệ môi trường… Nguyên Bí thư Huyện ủy Bàu Bàng Nguyễn Hữu Chí cho rằng, mô hình “Gần dân, sát dân” rất có ý nghĩa.
Việc các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo các địa phương đến tận nơi để lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân nhằm giúp giải quyết kịp thời, thấu đáo hoặc kiến nghị lên cấp trên giải quyết những vấn đề bức xúc, quan tâm của người dân. Ðiều đó giúp người dân hiểu rõ, tạo sự đồng thuận, sẵn sàng giúp địa phương đẩy nhanh công tác đền bù, giải tỏa, tạo điều kiện thu hút đầu tư và nắm bắt cơ hội để phát triển.
Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng Võ Thành Giàu cho biết: Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện tập trung các nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn, tiếp tục triển khai các giải pháp khuyến khích đầu tư; đồng thời phối hợp đẩy nhanh tiến độ các dự án khu công nghiệp đã phê duyệt. Ngay sau khi tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn được kiểm soát, địa phương đã khởi công một số công trình quan trọng về hạ tầng giao thông.
Trung tâm Hành chính huyện đã hoàn thành các hạng mục, đưa vào sử dụng từ tháng 5/2022. Trung tâm được đầu tư hiện đại, quy mô tám tầng, là nơi làm việc của hơn 200 cán bộ, công chức, viên chức của 25 cơ quan khối đảng, chính quyền, đoàn thể. Quan tâm đến công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số với quan niệm “thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của huyện”, UBND huyện từng bước đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tập trung thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nhiều thủ tục được giải quyết nhanh gọn.
Trong sáu tháng đầu năm, huyện đã tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả 26.513 hồ sơ; 100% số cán bộ công chức, viên chức đều có thể truy cập internet để tra cứu thông tin và xử lý; tất cả các cơ quan có hệ thống mạng nội bộ LAN chia sẻ dữ liệu bảo đảm an toàn thông tin…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành, đổi mới trong thu hút đầu tư, tỉnh đang phát triển khu công nghiệp khoa học-công nghệ tại huyện Bàu Bàng. Khu công nghiệp vừa phục vụ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao, vừa thúc đẩy các trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, thu hút lao động tri thức và có tay nghề. Dự án này sẽ giúp Bình Dương nói chung và huyện Bàu Bàng nói riêng có bước đi đột phá mới, lấy khoa học-công nghệ làm nền tảng để phát triển kinh tế cân bằng và bền vững.